Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Ba - Phẩm Mười Tám Tánh - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM BA

PHẨM MƯỜI TÁM TÁNH  

TẬP MỘT  

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào gọi là Đại Bồ Tát biết rõ về mười tám tánh?

Các Đại Bồ Tát theo phương tiện chánh quán về mười tám tánh nghĩ thế này: Trong cảnh giới của nhãn tánh, thì nhãn tánh không thể thủ đắc. Nhãn tánh này là không ngã, không ngã sở, không thường, không bền chắc, vì tự tánh vốn không, vì trong nhãn tánh, tướng của nhãn tánh là không the thủ đắc. Nhãn tánh hư vọng, không thật có, từ nhớ tưởng phân biệt sinh khởi.

Nhãn tánh không có tướng nhất định. Tánh hư không là nhãn tánh. Ví như hư không không có tướng nhất định, không có gốc rễ, nhãn tánh cũng như vậy, không có tướng nhất định, cũng không có gốc rễ.

Vì sao?

Vì trong nhãn tánh, thật sự là không thể thủ đắc. Nhãn tánh không có nơi chốn, không có phương hướng, không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian. Nhãn tánh không có tướng nhất định vì không có sự việc. Sự việc của nhãn tánh là không thể thủ đắc, do các nhân duyên sinh khởi nên nhãn tánh không có quá khứ, vị lai, hiện tại.

Nhãn tánh, nhãn tướng đều không thể thủ đắc. Nhãn tánh chỉ do nghiệp báo nơi đời trước, vì thuộc duyên hiện tại nên được gọi là nhãn tánh. Nhãn tánh tức là vô tánh. Trong nhãn tánh, nhãn tánh là không thể thủ đắc, do nhận biết về hành xứ nên gọi là nhãn tánh.

Nếu nhãn căn thanh tịnh, sắc ở chỗ có thể thấy được, tương ưng với ý căn, vì ba sự hòa hợp nên gọi là nhãn tánh. Trong nhãn tánh không có tướng nhãn tánh nhất định. Người trí hiểu rõ không nhãn tánh là tánh của nhãn tánh.

Này Bồ Tát Trì Thế! Các Đại Bồ Tát nếu có thể quán sát nhãn tánh như vậy, liền thông đạt vô tánh là sắc tánh.

Vì sao?

Vì trong sắc tánh, sắc tánh là không thể thủ đắc. Sắc tánh này không hợp, không tan. Sắc không có tướng nhất định nên gọi là sắc tánh. Sắc không có cội rễ, không phân biệt, huống hồ là sắc tánh. Sắc tánh tức cũng không căn bản. Sắc tánh không ở trong sắc, không ở ngoài sắc, không ở trung gian, chỉ do nhớ tưởng, phân biệt.

Sắc ở chỗ có thể thấy nhãn căn thanh tịnh do ý thức tương ưng, thấy sắc hiện tại nên thường gọi là sắc tánh. Ví như dáng mặt trong gương, nếu gương trong sáng thì dáng mặt hiện rõ. Dáng mặt trong gương không có tướng nhất định.

Trong gương không có người nhưng thấy có dáng người là chỉ do bên ngoài có nên mới hiện lên dáng người trong gương. Nhãn tánh thanh tịnh như vậy duyên với sắc tánh ở chỗ có thể thấy, như hình tượng trong gương nên gọi là sắc tánh. Sắc không có tánh tướng, không hình tánh, không tánh nhất định, đó gọi là sắc tánh.

Tướng của các sắc vô ngã nên gọi là sắc tánh, vì tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh nên nói la sắc tánh. Nếu Bồ Tát nhận biết sắc tánh này, liền biết vô tánh là sắc tánh, tánh vô sinh là sắc tánh, tánh vô tác là sắc tánh.

Vì sao?

Vì sắc tánh này không có quá khứ, vị lai, hiện tại, là tánh vô sở hữu, là tanh hư vọng, là tánh giả danh, nên gọi là sắc tánh.

Quán sát sắc tánh như vậy, Bồ Tát này chánh quán về tánh của nhãn thức. Nghĩa là không có nhãn thức trong nhãn thức, không có tánh của nhãn thức, không có tánh thường. Tánh cnhãn thức không có nguồn gốc, là pháp không nhất định, tánh của nhãn thức không chỗ hiện bày.

Tánh của nhãn thức này không hợp, không tan, không có căn bản, chỉ do nhân duyên nghiệp báo từ đời trước sinh khởi, thuộc duyên của hiện tại trói buộc vào duyên của sắc nên gọi là tánh của nhãn thức. Vì tùy theo tâm điên đảo của phàm phu nên thường gọi là tánh của nhãn thức.

Hiền Thánh thông đạt tánh của nhãn thức tức là phi tánh.

Vì sao?

Vì tánh của nhãn thức không nhất định, từ các duyên sinh ra, vì thuộc các nhân duyên nên thường gọi là tánh của nhãn thức.

Chỗ hành xứ của thức là tánh của nhãn thức, vì thức này không nhất định, nên noi là tướng không nhất định, không sinh, vì chỉ bày hư vọng, vì có thể phân biệt sắc tướng, vì có thể nêu rõ các duyên nên nói là tánh của nhãn thức. Tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh nên Như Lai theo phương tiện phân biệt, phá trừ một tướng hòa hợp, nên nói mười tám tánh này là để chỉ rõ thức không có tướng nhất định.

Chỉ có mắt thanh tịnh mới có thể nhận biết về sắc tướng, vì hai pháp hòa hợp nên nói tánh của nhãn thức. Vì chỉ rõ thật tướng của nhãn thức nên nói tánh của nhãn thức. Tánh của nhãn thức chỉ ra chốn hành hoạt của mắt, có thể biết sắc là nhãn thức, nên nói tánh tức là vô tánh.

Vì sao?

Vì trong tánh của nhãn thức, người trí tìm tướng của tánh của nhãn thức là không thể thủ đắc. Trong tánh của nhãn thức cũng không tìm được nguồn gốc của tánh nhãn thức.

Vì sao?

Vì tánh không nhất định là tánh của nhãn thức, tánh của nhãn thức chỉ giả danh mà noi. Nói về tánh tức là nói nghĩa không thể nắm giữ, có thể có chỗ nhận biết là nhãn thức, ý nghiệp sinh khởi là tướng nhãn thức, nên gọi là nhãn thức.

Nhãn tánh, sắc tánh, nhãn thức tánh, nói ba sự hòa hợp vì biết tướng của các duyên, tức là lìa nghĩa của các tánh. Nghĩa là nêu rõ về nhãn tánh, sắc tánh, nhãn thức tánh có các thứ như vậy, để làm cho chúng sinh đi vào con đường chân thật, trong đó thật sự không có nhãn tánh, sac tánh, nhãn thức tánh.

Các Đức Như Lai theo phương tiện nói là thấy biết về các tánh tướng, phân biệt nói là các tánh. Nếu người nào thông đạt phương tiện của các tánh này thì biết ba tánh là vô tánh.

Vì sao?

Vì trong các tánh không có tánh tướng, nên tướng trong các tánh là không thể thủ đắc. Nhĩ tánh, thanh tánh, nhĩ thức tánh. Tỷ tánh, hương tánh, tỷ thức tánh. Thiệt tánh, vị tánh, thiệt thức tánh. Thân tánh, xúc tánh, thân thức tánh cũng đều như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Thế nào gọi là Đại Bồ Tát quán sát, lựa chọn ý tánh?

Bồ Tát nghĩ thế này: Ý tánh không nhất định, vì nguồn gốc là không thật có.

Trong ý tánh không có ý tánh, không có tánh quyết định là ý tánh. Ví như các hạt giống được gieo trồng nơi đại địa, nhờ tưới nước, nhờ ánh sáng của mặt trời, nhờ không khí, dần dần nảy mầm, mầm không từ hạt giống sinh ra, hạt giống cũng không cùng với mầm hòa hợp. Mầm sinh thì hạt giống hoại, hạt giống không lìa mầm, mầm không lìa hạt giống, trong mầm không có hạt giống.

Ý tánh cũng như vậy, có thể khởi sinh ý nghiệp, có thể hiện bày ý thức, như hạt giống hiện bày ra mầm nên được gọi là ý tánh. Lìa ý tánh thì không có ý, ý tánh không thể biết ý, vì tạm mượn danh tự mà nói là ý tánh. Ý tánh này không ở trong ý, không ở ngoài ý, không ở trung gian, chỉ do nhân duyên của nghiệp báo nơi đời trước nên sinh khởi.

Vì thức là ý nghiệp, vì biết đối tượng duyên, vì danh tự của các tánh hòa hợp, vì các duyên hiện tại sinh khởi nên thường gọi là ý tánh, tức là tướng của ý nghiệp không nhất định, là tướng hòa hợp của các duyên, nên cũng nói ý tánh từ hòa hợp sinh khởi, tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh. Trong đệ nhất nghĩa không có ý tánh.

Vì sao?

Vì nguồn gốc là không thật có, nên vô sinh là ý tánh, vì sinh vốn là vô sở hữu. Ý tánh tức là lời thế tục, trong Đệ nhất nghĩa không có ý tánh, quá khứ, vị lai, hiện tại đều không thể thủ đắc. Người trí thông đạt nên biết vô tánh là ý tánh.

Các Bồ Tát quán chọn về pháp tánh, biết vô tánh là pháp tánh. Pháp tánh không có tự tánh, tự tánh không thể thủ đắc. Tánh không nhất định là pháp tánh, vì nguồn gốc của pháp tánh là không thể thủ đắc, vì sự nhất định cũng không thể thủ đắc. Chỉ vì chúng sinh khởi điên đảo, hư vọng trói buộc, vì có chỗ nhận biết nên nói là pháp tánh. Vì muốn làm cho chúng sinh nhập nơi vô tánh nên nói là pháp tánh.

Vì sao?

Vì trong pháp tánh không có tướng pháp tánh. Pháp tánh này từ các duyên sinh ra, pháp từ các duyên sinh ra tức không tự tánh. Nơi các nhân duyên không có tự tánh, các nhân duyên đều từ các duyên hòa hợp nên nối tiếp sinh ra. Như Lai ở trong đó muốn giáo hóa chúng sinh nên nói là pháp tánh, dùng lời nói của thế tục để chỉ rõ về pháp vô tánh.

Pháp tánh này không ở trong, không ở ngoài, không ở trung gian, chỉ làm cho chúng sinh thấy biết pháp thiện, bất thiện. Dùng pháp tánh để nêu rõ việc xa lìa tướng của tất cả pháp, vì thấy biết rốt ráo về tướng không. Nói rốt ráo không tức là pháp tánh.

Vì sao?

Vì vô sở hữu là pháp tánh, trong pháp tánh không có tướng nhất định. Ví như hư không không có tướng nhất định, nên thường gọi là hư không. Pháp tánh cũng như vậy, không có tướng nhất định, vì để mở bày về pháp tướng nên gọi là pháp tánh, pháp tánh tức là vô tánh.

Vì sao?

Vì pháp tánh này không ở quá khứ, không ở vị lai, không ơ hiện tại, chỉ thuộc duyên hợp cùng các duyên nên thường gọi pháp tánh. Nói pháp tánh là tùy theo chỗ hiểu biết của chúng sinh. Người trí chứng biết vô tánh là pháp tánh.

Pháp tánh chẳng phải hợp, chẳng phải tan. Trong pháp tánh không có tướng pháp tánh, không nhiều, không ít, vì để chỉ bày phương tiện của tánh nên nói pháp tánh gọi là tánh. Nếu hành giả thật sự thông đạt tướng của pháp tánh này liền thấy biết là vô tánh.

Pháp tánh trong ba cõi này không có tướng phân biệt. Do các nhân duyên hòa hợp, do phân biệt các pháp nên nói là pháp tánh. Chỉ rõ tánh không nhất định là pháp tánh. Người trí không dùng tướng của pháp tánh để thấy pháp tánh. Pháp tánh là tướng vô sinh.

Vì sao?

Vì trong pháp tánh không có tướng. Người trí thông đạt vô tướng là pháp tánh. Nơi pháp tánh không có tướng phân biệt, vì không tướng, không phân biệt nên gọi là pháp tánh. Trong phap tánh không có trụ xứ, không xứ, không khởi, không trụ, không nương tựa là pháp tánh, vì từ xưa đến nay không sinh. Pháp tánh này không có người sinh.

Vì sao?

Vì trong pháp tánh không có tánh. Lại nữa, pháp tánh không do hòa hợp mới có, không hợp, không tan, không tạo tác, không nhất định, đó gọi là pháp tánh.

Đại Bồ Tát quán sát pháp tánh như vậy, tức biết vô tánh là pháp tánh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần