Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Một - Phẩm Tứ Lợi - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH TRÌ THẾ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẨM MỘT

PHẨM TỨ LỢI  

TẬP HAI  

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp chuyển thân thường được niệm không gián đoạn, cho đến được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đó là:

1. Khéo tu tập bốn niệm xứ.

2. Khéo tu tập tuệ học phân biệt.

3. Đối với các thiền định thì trí tuệ là đứng đầu.

4. Được thông tỏ ở trong trí tuệ quyết định.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp chuyển thân thường được niệm không gián đoạn, cho đến được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đó là:

1. Đạt được các môn Đà La Ni.

2. Cũng tu tập trí vô sinh.

3. Nhập vào tận trí.

4. Cũng quán sát diệt trí.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có bốn pháp chuyển thân thường được niệm không gián đoạn, cho đến được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Đó là:

1. Chấm dứt mọi tham ái, giận dữ.

2. Không tham đắm tất cả pháp hữu vi, vô vi.

3. Tâm thông suốt trí tuệ vô vi.

4. Đạt đến nơi chốn hành hóa của Như Lai.

Trì Thế! Đó là Đại Bồ Tát có bốn pháp chuyển thân thường được niệm không gián đoạn, cho đến đạt được tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát có năm sức của tịnh trí, có thể đạt đầy đủ các công đức như trên.

Đó là:

1. Sức của tịnh trí nơi thâm tâm.

2. Sức của tịnh trí nơi nguyện.

3. Sức của tịnh trí nơi căn lành.

4. Sức của tịnh trí nơi hồi hướng.

5. Sức của tịnh trí nơi nghiệp chướng.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có năm sức của tịnh trí, có thể đạt đầy đủ các công đức như trên.

Đó là:

1. Sức của tịnh trí nơi hành xứ oai nghi.

2. Sức của tịnh trí nơi niệm cụ túc.

3. Sức của tịnh trí nơi phương tiện.

4. Sức của tịnh trí nơi duyên chúng sinh.

5. Sức của tịnh trí nơi duyên tướng.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có năm sức của tịnh trí có thể đạt đầy đủ được các công đức như trên.

Đó là:

1. Sức của tịnh trí nơi tâm xả.

2. Sức của tịnh trí tạo lợi ích cho chúng sinh.

3. Sức của tịnh trí sinh đại từ.

4. Sức của tịnh trí sinh đại bi.

5. Sức của tịnh trí sinh đại hỷ, đại xả.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có năm sức của tịnh trí có thể đạt đầy đủ được các công đức như trên.

Đó là:

1. Sức của tịnh trí trì giới.

2. Sức của tịnh trí không chấp trước trì giới.

3. Sức của tịnh trí nhẫn nhục.

4. Sức của tịnh trí không chấp trước nhẫn nhục.

5. Sức của tịnh trí đa văn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có năm sức của tịnh trí có thể đạt đầy đủ được các công đức như trên.

Đó là:

1. Sức của tịnh trí tinh tấn sâu xa.

2. Sức của tịnh trí thọ nhận tinh tấn.

3. Sức của tịnh trí thiền định.

4. Sức của tịnh trí nơi phương tiện thiền định.

5. Sức của tịnh trí nơi phương tiện Chỉ Quán.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có năm sức của tịnh trí có thể đạt đầy đủ được các công đức như trên.

Đó là:

1. Sức của tịnh trí nơi tuệ.

2. Sức của tịnh trí nơi phương tiện quyết định về đa văn.

3. Sức của tịnh trí thế gian, xuất thế gian.

4. Sức của tịnh trí nơi phương tiện tuệ.

5. Sức của tịnh trí hữu vi, vô vi.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát lại có năm sức của tịnh trí có thể đầy đủ được các công đức như trên.

Đó là:

1. Sức của tịnh trí nơi phương tiện quán.

2. Sức của tịnh trí nơi minh giải thoát.

3. Sức của tịnh trí nơi tướng vô sinh.

4. Sức của tịnh trí nơi nhất tướng, vô tướng.

5. Sức của tịnh trí nơi đệ nhất nghĩa, thế đế nghĩa.

Này Bồ Tát Trì Thế! Do Đại Bồ Tát có năm sức của tịnh trí này nên mau đạt được đầy đủ tất cả công đức như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Do được lợi ích như vậy nên Đại Bồ Tát đối với sức của tịnh trí này luôn siêng năng tu tập.

Này Bồ Tát Trì Thế! Đại Bồ Tát thành tựu ba pháp, nên ở trong sức của tịnh trí có thể siêng năng tu tập.

Ba pháp đó là:

1. Dục.

2. Tinh tấn.

3. Không phóng dật.

Đại Bồ Tát thành tựu ba pháp này, nên có thể siêng năng tu tập, có thể đạt đầy đủ tất cả công đức ở trong sức của tịnh trí.

Vì sao?

Này Bồ Tát Trì Thế! dục, tinh tấn, không phóng dật đều là chỗ căn bản của tất cả pháp. Đại Bồ Tát được sức của tịnh trí ấy thì có thể mau chóng được nhất thiết trí, cũng gọi là bậc tinh tấn không thoái chuyển, cũng gọi là bậc không thoái chuyển nơi pháp, cũng nhờ đấy nên công đức mau được tăng trưởng, cũng ở trong tất cả pháp nhanh chóng có được sức của tịnh trí.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu người nào ở trong tất cả pháp như vậy mà được sức của tịnh trí thì người đó là ruộng phước của thế gian. Người ấy có thể kế tiếp ta nhận lãnh sự cúng dường. Người ấy có thể đạt đến hành xứ của Như Lai. Người ấy có thể thấy pháp của Như Lai. Người ấy không lâu có thể chứng được trí tuệ của Như Lai.

Này Bồ Tát Trì Thế! Xưa kia trong vô lượng A tăng kỳ kiếp, khi ta hành đạo Bồ Tát, Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta: Ông trải qua atăng kỳ kiếp sẽ được làm Phật.

Ngay khi ấy Ta mới biết sức của tịnh trí như vậy hiện bày khắp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nếu người nào ở trong tất cả pháp có thể thành tựu sức của tịnh trí như vậy, người ấy cũng sẽ được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác như hôm nay ta đã đạt được. Người ấy cũng chuyển pháp luân như hôm nay ta đã chuyển pháp luân. Người ấy cũng gầm vang tiếng sư tử như ta hôm nay đã gầm vang tiếng sư tử. Người ấy cũng được sức tự tại ở trong tất cả các pháp như ta hôm nay.

Này Bồ Tát Trì Thế! Ông đối với sức của tịnh trí này nên siêng năng tinh tấn hành trì, không lâu sẽ đạt được đầy đủ nhất thiết trí.

Này Bồ Tát Trì Thế! Nơi đời quá khứ vô lượng A tăng kỳ kiếp về trước có Phật hiệu Trí Cao Vương gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Này Bồ Tát Trì Thế! Như Lai Trí Cao Vương này có vô lượng Thanh Văn Tăng, cũng có vô lượng Bồ Tát Tăng, là chỗ đạt đến của nhân duyên nơi bản nguyện của Phật. Quốc Độ của Ngài không có ba đường ác.

Các chúng sinh ở Quốc Độ đó không biết có sự khổ, tất cả đều được an vui, sung sướng trọn vẹn. Người lìa dục rất nhiều, có thể dứt trừ năm thứ ngăn che. Các chúng sinh này thành tựu được sự an vui thanh tịnh như vậy, như sự an lạc của người vào Đệ tứ thiền. Phật Trí Cao Vương này thọ sáu trăm vạn ức na do tha kiếp.

Này Bồ Tát Trì Thế! Trong Quốc Độ ấy chỉ có Phật là Vua, không còn có Vua nào khác. Chúng sinh trong Quốc Độ ấy đều gọi Phật là Pháp Vương. Phật Trí Cao Vương này thường thuyết giảng Kinh đoạn trừ nghi hoặc nơi tất cả chúng sinh hoan hỷ nơi tâm của hết thảy chúng sinh thuộc Bồ Tát tạng cho các Bồ Tát.

Bấy giờ, có năm trăm Bồ Tát nghe sức của tịnh trí nơi các Bồ Tát ấy, nên phát khởi sức tinh tấn như vậy, trọn đời không ngoi, trọn đời không nghĩ tưởng đến y phục, trọn đời không khởi tưởng ngã, tưởng nhân, tưởng chúng sinh, tưởng nam nữ, trọn đời hoàn toàn không ăn nhiều, chỉ tu tập lực của tịnh trí như vậy, siêng năng tinh tấn hành trì.

Năm trăm Bồ Tát do nhân duyên của căn lành ấy, sau khi mạng chung đều được sinh nơi Quốc Độ ở phương Đông cách đây hơn mười vạn ức cõi nước. Sau khi sinh không bao lâu, nhờ tu tập pháp này nên được thành tựu lợi căn, biết rõ về túc mạng.

Quốc Độ đó có Phật hiệu là Vô Lượng Hoa Tích Vương, hiện đang thuyết pháp. Các Bồ Tát ở Quốc Độ đó mới mười sáu tuổi, đều ở chỗ Phật Vô Lượng Hoa Tích Vương xuất gia, trong sáu mươi ức năm hành phạm hanh đồng tử, cũng tu hành tinh tấn như vậy.

Này Bồ Tát Trì Thế! Năm trăm Bồ Tát này được gặp hai mươi ức các Đức Phật như vậy, ở chỗ các Đức Phật đều siêng băng tinh tấn tu tập, thành tựu an tuệ của niệm bậc nhất, sau cùng được gặp Phật Vô Lượng Lực Cao Vương và được thọ ký, qua một vạn kiếp sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Năm trăm vị này, trong một vạn kiếp được gặp hai vạn ức Phật, đạt đầy đủ Phật đạo, ngay nơi một kiếp, lần lượt được thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Bồ Tát Trì Thế nên biết! Đại Bồ Tát muốn mau chứng đắc quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì đối với lực tịnh trí này nên sinh duc, tinh tấn, không phóng dật.

Vì sao?

Này Bồ Tát Trì Thế! Vì Chư Phật thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác đều do dục, tinh tấn, không phóng dật làm căn bản và còn các pháp trợ đạo khác nữa nên có thể đầy đủ pháp Phật.

Này Bồ Tát Trì Thế! Ta nhờ tinh tấn như vậy nên được gặp hai mươi ức Đức Phật, ở trong các pháp đời đời thành tựu niệm lực, đời đời biết được túc mạng, tu tập pháp này không ngừng nghỉ. Ta hoàn toàn không mất các pháp dục, tinh tấn, không phóng dật ấy. Ta luôn thành tựu các pháp dục, tinh tấn, không phóng dật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng tâm đại từ bi ngoảnh nhìn bốn phương và thị hiện sức thần thông làm cho các cõi Diêm Phù Đề trong tam thiên Thế Giới đều có hóa Phật thuyết giảng Kinh đoạn trừ nghi hoặc nơi tất cả chúng sinh hoan hỷ nơi tâm của hết thảy chúng sinh thuộc Bồ Tát tạng này cho các chúng sinh, lại dùng thần lực làm cho đại chúng trong đại hội nơi vườn Trúc đều thấy Chư Phật hiện hữu khắp cõi Diêm Phù Đề, mỗi một và đều đang thuyết pháp.

Đại chúng trông thấy thảy đều vui mừng, từ chỗ ngồi đứng dậy, cùng nhau lạy Phật và thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu! Thần lực của Chư Phật Như Lai thật không thể nghĩ bàn, đã thành tựu vô lượng pháp không thể nghĩ bàn.

Bấy giờ, Đức Phật bảo đại chúng: Này các thiện nam! Việc này đối với Như Lai chưa đủ lấy làm khó.

Vì sao?

Vì Như Lai khéo thông suốt tánh của các pháp. Như từ một lỗ chân lông phát ra sức thần thông, ánh sáng chiếu khắp hằng hà sa Thế Giới trong mười phương, diễn nói giáo pháp. Nơi một lỗ chân lông có cả trăm ngàn vạn ức phần cũng chưa hiện bày hết được một phần. Như Lai đã thành tựu công đức không thể nghĩ bàn như vậy.

Này các thiện nam! Như Lai quán sâu về tâm chúng sinh để thuyết pháp cho họ.

Này các thiện nam! Chúng sinh đời nay ít có người đối với pháp này ưa thích thực hành.

Này các thiện nam! Chúng sinh đời nay ít có người đối với pháp này thực hành một cách tinh tấn.

Này các thiện nam! Chúng sinh đời nay ít có người đối với pháp này thực hành không phóng dật.

Vì sao?

Vì Như Lai nay đã xuất hiện nơi đời có đủ năm thứ uế trược xấu ác, đó là: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sinh trược, mạng trược.

Này các thiện nam! Nếu có, cho đến chỉ một người có thể tin nhận pháp thanh tịnh sâu xa này, người đó có thể đạt đến trí tuệ Phật. Người như vậy thật là hiếm có, huống chi là người có thể tin và hiểu việc làm của Như Lai.

Này các thiện nam! Ta luôn luôn nơi cõi sinh tử trang nghiêm nguyện như vậy, hành nhẫn nhục, tinh tấn như vậy. Vì những chúng sinh khổ não không có người cứu hộ, không nơi nương tựa, phần nhiều bị đọa trong đường ác, ngay khi ấy, ta thành tựu Phật đạo, làm lợi ích cho vô lượng A tăng kỳ chúng sinh.

Này các thiện nam! Nên biết ân lực của Như Lai vốn thanh tịnh vì nguyện tinh tấn nên có thể làm cho vô lượng A tăng kỳ chúng sinh tin hiểu, thọ trì pháp sâu xa như vậy.

Này các thiện nam! Ta trong đời trước giáo hóa các chúng sinh, các chúng sinh này có thể hiểu được pháp của ta.

Này các thiện nam! Nay Phật dùng mười lực, bốn vô sở úy, ít có thể khiến chúng sinh tin hiểu pháp sâu xa này. Nếu chúng sinh nào trú trong pháp ấy là đều nhờ ân lực và phương tiện của Như Lai.

Ta ở trong cõi sinh tử luôn luôn không lìa pháp sâu xa này. Ta cũng luôn luôn dùng tâm đại từ, đại bi, đại hy, đại xả để thâu giữ chúng sinh. Ít có Như Lai nào xuất hiện nơi đời năm trược làm lợi ích cho chúng sinh.

Vì sao?

Này các thiện nam! Vì nơi đời trước, ta luôn dùng sức đại tinh tấn, sức đại phương tiện để giáo hóa chúng sinh tu tập đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Này các thiện nam! Ta nhớ nơi đời quá khứ, trong một ngày xả bỏ ngàn thân để bố thí làm lợi ích cho chúng sinh.

Này các thiện nam! Ta ở trong vô số ngàn vạn đời như vậy, thấy chúng sinh bị đói khát, tự cắt thịt nơi thân để nấu cho họ ăn, mà tâm Ta lúc ấy vẫn không đau buồn, hối hận, chỉ hành đại bi đối với khắp tất cả muôn loài.

Các Thiện Nam nên biết! Ta dùng sức đại tinh tấn, sưc đại phương tiện như vậy để giáo hóa chúng sinh tích tập đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác này.

Vì thế, này các thiện nam! Nên phát khởi dục, tinh tấn, không phóng dật như vậy mà tu tập quả vị Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, như ta khi hành đạo Bồ Tát. Các vị cũng nên giáo hóa làm lợi ích cho chúng sinh như ta.

Này các thiện nam! Chư Phật xuất hiện trong hiền kiếp này không một vị nào là không khen ngợi ta thế này: Phật Thích Ca Mâu Ni thực hành tinh tấn sâu xa như vậy. Phật Thích Ca Mâu Ni đầy đủ tinh tấn như vậy. Phật Thích Ca Mâu Ni đầy đủ tinh tấn Ba La Mật như vậy. Phật Thích Ca Mâu Ni khi hành đạo Bồ Tát đã giáo hóa chúng sinh như vậy. Ngài xuất hiện nơi đời năm trược làm lợi ích cho vô lượng A tăng kỳ chúng sinh.

Này các thiện nam! Vì hành đạo như vậy nên cần phát khởi dục, tinh tấn, không phóng dật.

Này các thiện nam! Ta nay tuy đã đạt được đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác mà vẫn không ngừng tinh tấn. Đến lúc Niết Bàn vẫn tinh tấn dũng mãnh, nghiền nát thân thể ra như hạt cải, phân tán chân tay lóng đốt.

Vì sao?

Vì thương xót chúng sinh nơi đời vị lai.

Ta trong đời trước, khi hành đạo Bồ Tát, chúng sinh được ta giáo hóa, hoặc làm việc sai lầm mà bị đọa vào các xứ nạn, muốn gắng cứu giúp chúng, ta phát khởi tâm đại bi hiện bày thần lực phân chia Xá Lợi cho đến như hạt cải.

Sau khi ta diệt độ, nếu có các chúng sinh nên dùng Xá Lợi để hóa độ khiến tâm được thanh tịnh, khi tâm của các chúng sinh ấy được thanh tịnh rồi, thì ở khắp mọi nơi chốn đều được thành tựu theo nguyện.

Này các thiện nam! Ta xưa kia khi hành đạo Bồ Tát, trong tất cả chúng sinh thành tựu tâm bi như vậy, nên nghiền nát thân thể, đem Xá Lợi phân chia cùng khắp, đó là bản nguyện của ta. Ta dùng vô lượng nhân duyên phước đức như vậy, vì tâm đại bi nên ta ở nơi đời xấu ác sau này luôn che chở khắp tất cả chúng sinh.

Này các thiện nam! Nếu các Bồ Tát ở trong pháp ấy có thể phát khởi dục, tinh tấn, không phóng dật thì chắc chắn sẽ phát nguyện này, nơi đời sau cùng, đều thọ trì đọc tụng, thuyết giảng rộng những Kinh như vậy cho mọi người. Ta sẽ dùng thần lực làm cho các Bồ Tát thọ trì, đọc tụng và thuyết giảng rộng cho mọi người. Ta cũng đem những Kinh Điển như vậy phó chúc cho các Bồ Tát ấy để họ có thể thọ trì, đọc tụng và thuyết giảng rộng cho người khác.

Vì sao?

Này các thiện nam! Vì tùy theo Kinh này trụ ở chỗ nào, nên biết ở chỗ đó có Phật chưa diệt độ, thế nên Như Lai đem Kinh này phó chúc cho các Bồ Tát.

Các thiện nam nên biết! Ta trong đời trước dùng nhân duyên như vậy để thâu giữ chúng sinh, đời nay cũng thâu giữ chúng sinh và đời sau cũng lại sẽ thâu giữ chúng sinh. Nghĩa là hộ niệm Kinh Pháp này, khiến trong năm trăm năm sau sẽ được lưu hành cùng khắp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần