Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Hai - Phẩm Nghiệp Tương ưng - Kinh Ba La Lao

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH TRUNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI

PHẨM NGHIỆP TƯƠNG ƯNG  

KINH BA LA LAO

 

Tôi nghe như vậy!

Một thời Phật du hóa ở Câu Lệ Sấu, cùng với chúng Đại Tỳ Kheo, đi đến Bắc thôn, trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi Nhiếp Hòa.

Bấy giờ Ba La Lao Già Di Ni nghe rằng: Sa Môn Cù Đàm thuộc dòng họ Thích, đã từ bỏ dòng họ Thích, xuất gia học đạo, đang du hóa tại Câu Lệ Sấu cùng chúng Đại Tỳ Kheo đi đến Bắc thôn, trú ở phía Bắc của thôn trong rừng Thi Nhiếp Hòa.

Vị Sa Môn Cù Đàm ấy có tiếng tăm lớn, truyền khắp mười phương rằng: Sa Môn Cù Đàm là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu.

Vị ấy ở trong thế gian này giữa Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Phạm Chí, từ loài người cho đến loài Trời, tự tri tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trụ.

Pháp mà vị ấy thuyết, khoảng đầu thiện, khoảng giữa thiện, cứu cánh cũng thiện, có nghĩa, có văn, hiển hiện phạm hạnh thanh tịnh trọn đủ.

Nếu gặp được Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, để tôn trọng, lễ bái cúng dường, thừa sự, thì sẽ được nhiều thiện lợi.

Người kia suy nghĩ rằng: Ta nên đến yết kiến Sa Môn Cù Đàm để lễ bái, cúng dường. Ba La Lao Già Di Ni nghe vậy rồi, ra khỏi Bắc thôn, đi về hướng Bắc, đến rừng Thi Nhiếp Hòa, muốn yết kiết Thế Tôn để lễ bái cúng dường.

Ba La Lao Già Di Ni từ xa trông thấy Thế Tôn ở trong rừng cây, đoan nghiêm đẹp đẽ, như Mặt Trăng giữa đám tinh tú sáng ngời chói lọi, rực rỡ như tòa núi vàng, đầy đủ tướng hảo, uy thần vời vợi, các căn tịch tịnh, không gì ngăn che, thành tựu sự điều ngự, tâm yên tĩnh lặng.

Ba La Lao Già Di Ni từ xa trông thấy Đức Thế Tôn rồi, đến trước chỗ Thế Tôn, cùng chào hỏi rồi ngồi xuống một phía, thưa với Thế Tôn rằng: Tôi nghe Sa Môn Cù Đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật.

Thưa Cù Đàm, nếu ai nói như vậy: Sa Môn Cù Đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật, người ấy không hủy báng Sa Môn Cù Đàm chăng?

Người ấy có nói đúng sự thật không?

Người ấy nói có đúng pháp chăng?

Người ấy nói đúng pháp và như pháp chăng?

Đối với như pháp, không có sai lầm và không bị chỉ trích chăng?

Đức Thế Tôn đáp: Này Già Di Ni, nếu có ai nói như vậy, Sa Môn Cù Đàm biết huyễn thuật, là nhà huyễn thuật, thì người ấy không hủy báng Sa Môn Cù Đàm, người ấy nói chân thật, ngươi ấy nói đúng pháp, người ấy nói pháp như pháp, đối với pháp không có lỗi lầm, không bị chỉ trích.

Vì sao thế?

Này Già Di Ni, ta biết huyễn thuật ấy, nhưng chính ta không phải là nhà huyễn thuật.

Già Di Ni nói rằng: Những điều các Sa Môn, Phạm Chí kia nói là chân thật, nhưng tôi không tin họ nói rằng Sa Môn Cù Đàm biết huyễn thuật và là nhà huyễn thuật.

Thế Tôn nói: Này Già Di Ni, nếu người nào biết huyễn thuật thì người đó là nhà huyễn thuật chăng?

Già Di Ni thưa rằng: Quả thật vậy, Thế Tôn. Quả thật vậy, Thiện Thệ.

Thế Tôn bảo rằng: Này Già Di Ni, ông đừng tự lầm lẫn mà hủy báng ta. Nếu hủy báng ta thì chỉ tự gây tổn hại, có sự não hại, có xúc phạm, điều mà Hiền Thánh ghét bỏ, và bị tội lớn.

Vì sao thế?

Này Già Di Ni, điều ấy thật ra không đúng như lời ông nói.

Này Già Di Ni, ông có nghe Câu Lệ Sấu có binh tốt chăng?

Già Di Ni đáp rằng: Tôi nghe rằng có.

Này Già Di Ni, ông nghĩ thế nào, Câu Lệ Sấu có binh tốt ấy để làm gì?

Già Di Ni đáp: Thưa Cù Đàm, để làm thông sứ và giết giặc cướp. Vì việc đó nên Câu Lệ Sấu nuôi các binh tốt ấy.

Này Già Di Ni, ông nghĩ thế nào, binh tốt Câu Lệ Sấu có giữ giới cấm hay không giữ giới cấm?

Già Di Ni đáp: Thưa Cù Đàm, nếu trên thế gian này có những người không giữ giới cấm, vẫn không thể quá hơn binh tốt Câu Lệ Sấu.

Vì sao thế?

Vì binh tốt Câu Lệ Sấu phạm rất nhiều giới cấm, chỉ làm các ác pháp.

Lại hỏi: Ông thấy như vậy, biết như vậy, ta không hỏi ông. Nếu có người khác hỏi ông, Vì Già Di Ni biết rằng binh tốt Câu Lệ Sấu phạm rất nhiều những giới cấm, chỉ làm những ác pháp. Nhân việc đó nên Già Di Ni cũng phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp.

Nên nói như vậy, là lời nói đúng sự thật chăng?

Già Di Ni đáp: Không phải vậy, thưa Cù Đàm.

Vì sao thế?

Vì binh tốt Câu Lệ Sấu có tri kiến khác, có sở nguyện khác, nên binh tốt Câu Lệ Sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Còn tôi thì rất trì giới, không làm các ác pháp.

Lại hỏi: Già Di Ni, ông biết binh tốt Câu Lệ Sấu phạm rất nhiều cấm giới, chỉ làm các ác pháp, nhưng ông không do đó mà phạm cấm giới, chỉ làm các ác pháp. Vậy thì vì sao không thể rằng Như Lai biết huyễn thuật, trong khi chính mình không phải là nhà huyễn thuật.

Vì sao thế?

Ta biết huyễn thuật, biết người huyễn thuật, biết quả báo của huyễn thuật, biết đoạn trừ huyễn thuật.

Này Già Di Ni, Ta cũng biết sát sanh, biết người sát sanh, biết sự đoạn trừ sát sanh.

Này Già Di Ni, Ta biết việc lấy của không cho, biết người lấy của không cho, biết quả báo việc lấy của không cho, biết sự đoạn trừ việc lấy của không cho.

Này Già Di Ni, Ta biết việc nói dối, biết người nói dối, biết quả báo việc nói dối, biết đoạn trừ sự nói dối. Này Già Di Ni, ta biết như vậy, thấy như vậy.

Ai nói như vậy: Sa Môn Cù Đàm biết huyễn thuật tức là nhà huyễn thuật, nếu người ấy chưa đoạn trừ lời nói này, mà nghe tâm ấy, dục ấy, nguyện ấy, văn ấy, niệm ấy, quán ấy, thì trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, mạng chung sanh vào địa ngục.

Già Di Ni nghe vậy, kinh hãi khủng khiếp, lông trên mình dựng đứng lên, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ chân Phật, quỳ mọp, chắp tay hướng về Thế Tôn mà bạch rằng: Cù Đàm, tôi ăn năn tội lỗi. Thiện Thệ, tôi tự thú. Tôi như ngu, như si, như bất định, như bất thiện.

Vì sao thế?

Vì tôi nói quấy rằng Sa Môn Cù Đàm là nhà huyễn thuật. Mong Thiện Thệ cho tôi được ăn năn tội lỗi, thấy tội thì bày tỏ. Tôi đã ăn năn tội rồi, sẽ giữ gìn không để tái phạm nữa.

Thế Tôn bảo rằng: Thật như vậy, Già Di Ni, ông quả thật ngu, như si, như bất định, như bất thiện.

Vì sao thế?

Vì ông đối với Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mà nói quấy là nhà huyễn thuật. Nhưng ông có thể ăn năn tội lỗi, thấy tội thì nên bày tỏ, giữ gìn không để tái phạm nữa.

Như vậy, này Già Di Ni, nếu có người ăn năn tội lỗi, thấy tội nên bày tỏ, hộ trì mà không tạo lại nữa, thì trưởng dưỡng Thánh pháp, không còn có sự sai lầm nữa.

Lúc đó Già Di Ni chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:

Thưa Cù Đàm, có Sa Môn, Phạm Chí, thấy thế này, nói thế này: Nếu kẻ nào sát sanh, kẻ ấy nhất thiết thọ báo ngay trong đời này. Nhân đó mà sanh ra ưu khổ. Nếu kẻ nào lấy của không cho, nói dối, kẻ ấy nhất thiết thọ báo. Nhân đó mà sanh ra ưu khổ.

Thưa Sa Môn Cù Đàm, ý Ngài nghĩ sao?

Đức Thế Tôn bảo rằng: Này Già Di Ni, nay Ta hỏi ông, tùy sự hiểu biết mà trả lời.

Này Già Di Ni, ý ông nghĩ sao?

Nếu trong thôn ấp, hoặc có một người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như Vua.

Nếu có người hỏi rằng: Người này trước kia làm những gì mà nay đầu đội tràng hoa, hoặc dùng nhiều loại hương xoa vào thân rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như Vua?

Hoặc có người trả lời rằng: Người ấy vì Quốc Vương mà giết hại kẻ thù. Quốc Vương sau khi vui vẻ liền ban thưởng cho. Do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều loại hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui cười nữ sắc, hoan lạc như Vua.

Này Già Di Ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?

Già Di Ni đáp: Tôi có thấy như vậy, nghe như vậy, Cù Đàm. Tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa. Già Di Ni, rồi lại thấy Quốc Vương bắt bớ tội nhân, trói quặt hai tay lại, đánh trống, xướng lệnh, kéo ra cửa thành phía Nam, để ngồi dưới cây nêu cao, rồi chém bêu đầu.

Nếu có người hỏi rằng: Người này phạm tội gì mà bị Quốc Vương giết nhỉ?

Hoặc có người trả lời rằng: Người này giết lầm người vô tội trong Vương gia, do đó Quốc Vương ra lệnh hành hình như vậy.

Này Già Di Ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?

Già Di Ni trả lời: Tôi có thấy như vậy, Cù Đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa.

Này Già Di Ni, nếu có Sa Môn, Phạm Chí, thấy như vậy, nói như vậy: Nếu có người nào sát sanh người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong hiện tại này.

Nhân đó mà sanh ra ưu khổ, thì đó là lời nói chân thật hay lời nói hư dối?

Già Di Ni đáp: Đó là lời nói hư dối, thưa Cù Đàm.

Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?

Già Di Ni đáp: Tôi không tin, thưa Cù Đàm.

Đức Thế Tôn khen rằng: Lành thay, Già Di Ni, Ta lại hỏi ông, ông nghĩ thế nào?

Nếu trong thôn ấp, hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích, vui chơi nữ sắc, hoan lạc như Vua.

Nếu có người hỏi rằng: Người này trước kia đã làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như Vua?

Hoặc có người trả lời rằng, Người ấy ở nước khác, vì lấy của không cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như Vua.

Này Già Di Ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?

Già Di Ni thưa: Tôi có thấy như vậy, thưa Cù Đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa.

Này Già Di Ni, rồi lại thấy Quốc Vương bắt bớ tội nhân trói quặt hai tay ra sau, đánh trống, xướng lệnh kéo ra cửa phía Nam, để ngồi dưới gốc cây nêu cao rồi chém bêu đầu.

Nếu có người hỏi rằng: Người này mắc tội gì mà bị Quốc Vương giết chết?

Hoặc có người trả lời rằng: Người ấy lấy của không cho trong Vương gia, do đó Quốc Vương ra lệnh hành hình như vậy.

Này Già Di Ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?

Già Di Ni trả lời rằng: Tôi có thấy như vậy, Cù Đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa.

Này Già Di Ni, nếu có Sa Môn, Phạm Chí thấy và nói như vậy: Nếu có kẻ nào lấy của không cho, kẻ ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ, thì lời nói đó chân thật hay lời nói hư dối?

Già Di Ni đáp: Đó là lời nói hư dối, thưa Cù Đàm.

Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?

Già Di Ni đáp: Tôi không tin, thưa Cù Đàm!

Đức Thế Tôn khen rằng.

Lành thay! Lành thay! Già Di Ni!

Lại hỏi Già Di Ni: Già Di Ni, ông nghĩ thế nào, nếu trong thôn ấp hoặc có người đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như Vua.

Nếu có người hỏi rằng: Người ấy trước kia làm những việc gì mà nay đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như Vua?

Hoặc có người trả lời rằng: Người ấy ca múa để vui giỡn, cười đùa. Người ấy bằng lời nói dối làm cho Quốc Vương vui vẻ. Sau khi Quốc Vương vui vẻ liền ban thưởng cho, do đó người ấy đầu đội tràng hoa, dùng nhiều thứ hương xoa vào thân, rồi xướng nhạc, ca vũ, tự mình thỏa thích vui chơi nữ sắc, hoan lạc như Vua.

Này Già Di Ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy chăng?

Già Di Ni trả lời rằng: Tôi có thấy như vậy, Cù Đàm, tôi đã nghe và sẽ được nghe nữa.

Này Già Di Ni, rồi lại thấy Quốc Vương bắt bớ tội nhân, dùng gậy đánh đến chết, rồi bỏ vào củi cây, chở trên xe trống đi ra cửa thành phía Bắc, vất vào trong rãnh nước, nếu có người hỏi rằng: Người ấy mắc tội gì mà bị Quốc Vương giết chết đi?

Hoặc có người trả lời rằng: Người ấy ở trước Quốc Vương nói dối là có chứng đắc, người ấy do lừa gạt Quốc Vương bằng lời nói dối nên bị Quốc Vương ra lệnh bắt làm như thế.

Này Già Di Ni, ông có thấy như vậy, nghe như vậy không?

Già Di Ni trả lời rằng: Tôi có thấy vậy, Cù Đàm, tôi đã nghe và sẽ nghe nữa.

Này Già Di Ni, ông nghĩ thế nào, nếu có Sa Môn, Phạm Chí thấy như vậy, nói như vậy: Nếu có người nào nói dối, người ấy nhất thiết phải thọ báo ngay trong đời hiện tại này, nhân đó mà sanh ra ưu khổ, thì lời nói đó là lời nói chân thật hay hư dối?

Già Di Ni đáp: Đó là lời nói hư dối, thưa Cù Đàm.

Nếu người ấy nói hư vọng, ông có tin chăng?

Già Di Ni đáp: Tôi không tin, thưa Cù Đàm.

Đức Thế Tôn khen rằng: Lành thay! Lành thay! Già Di Ni!

Lúc đó, Già Di Ni liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo chắp tay hướng về Thế Tôn mà thưa rằng: Kỳ diệu thay, những điều Cù Đàm nói rất vi diệu, khéo ví dụ, khéo dẫn chứng.

Bạch Cù Đàm, tôi ở trong Bắc thôn có xây dựng một ngôi nhà cao lớn, sắp đặt giường nệm, để sẵn đồ chứa nước thắp sáng những ngọn đèn lớn.

Nếu có vị Sa Môn, Phạm Chí tinh tấn nào đến nghỉ ở ngôi nhà cao lớn ấy, tôi sẽ tùy khả năng mà cung cấp những gì vị ấy cần thiết.

Có bốn vị luận sĩ mà sở kiến khác nhau, cùng đến tập hợp tại ngôi nhà cao lớn ấy.

Trong đó có một vị luận sĩ thấy như vậy, nói như vậy: Không có bố thí, không có trai tế, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện, nghiệp ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ, trên đời không có bậc chân nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ.

Vị luận sư thứ hai lại có sở kiến trái ngược với sở kiến của vị luận sư thứ nhất.

Vị ấy cũng thấy như vậy, nói như vậy: Có bố thí, có trai tế, có chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha có mẹ có bậc chân nhân trên đời này đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ.

Vị luận sư thứ ba thấy như vậy, nói như vậy: Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu.

Ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si. Sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu.

Đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước. Làm như thế không phải là làm ác.

Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đời này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối.

Do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ Sông Hằng già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu. Và ở bờ Sông Hằng già phía Bắc mà bố thí, trai tế, Chú thuyết.

Không do đó mà có tội hay có phước không do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước.

Luận sĩ thứ tư lại có sở kiến trái ngược sở kiến vị luận chủ thứ ba.

Vị ấy thấy như vậy, nói như vậy: Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu. Ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si.

Sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu, đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước. Làm như thế chính là làm ác.

Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối. Do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác.

Ở bờ Sông Hằng già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu. Và ở bờ Sông Hằng già phía Bắc mà bố thí, trai tế, Chú thuyết. Do đó có tội có phước. Do đó mà có quả báo tội phước.

Cấp thí, tự chế, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành, do đó mà có quả báo tội phước.

Thưa Cù Đàm, tôi nghe như vậy liền sanh nghi hoặc: Những vị Sa Môn, Phạm Chí đó, ai nói chân thật, ai nói hư dối?

Đức Thế Tôn trả lời: Này Già Di Ni, ông chớ sanh nghi hoặc.

Vì sao thế?

Vì do có nghi hoặc mà sanh ra do dự. Này Già Di Ni, ông tự mình không có tịnh trí, để biết là có đời sau hay không có đời sau.

Này Già Di Ni, ông lại cũng không có tịnh trí để biết điều được làm là ác hay điều được làm là thiện?

Này Già Di Ni, có một pháp định được gọi là viễn ly. Ông nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm. Như vậy, ở trong đời hiện tại ông sẽ đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn.

Lúc đó Già Di Ni từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai sửa áo, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng: Thưa Cù Đàm, thế nào là có một pháp định được gọi là Viễn ly. Tôi nhờ định ấy sẽ có thể được chánh niệm, có thể đạt tới nhất tâm.

Như vậy, ở trong đời hiện tại tôi có thể đoạn trừ sự nghi hoặc, và được thăng tấn?

Đức Thế Tôn bảo rằng: Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến. Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống. Đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định.

Qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vậy: Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến.

Vị ấy liền tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện.

Vị ấy sau khi tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ.

Sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định. Sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm.

Này Già Di Ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với từ, biến khắp một phương, thành tựu và an trụ.

Cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả, tâm câu hữu với từ, không kết không oán, không sân, không nhuế, không não hại, quảng đại vô biên, vô lượng, khéo tu tập biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

Vị ấy suy nghĩ như vậy:

Nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào thấy như vậy, nói như vậy: Không có sự bố thí, không có trai tế, không có chú thuyết, không có nghiệp thiện ác, không có nghiệp báo thiện ác, không có đời này đời sau, không có cha, không có mẹ trên đời, không có bậc Thiện Nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ.

Nếu điều vị Sa Môn, Phạm Chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược.

Nay ta được pháp của bậc vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa Môn, Phạm Chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

Này Già Di Ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm.

Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

Lại nữa Già Di Ni: Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến.

Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống. Đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định.

Qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vậy: Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến.

Vị ấy liền tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện.

Vị ấy sau khi tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ. Sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định.

Sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm.

Này Già Di Ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với bi, biến khắp một phương thành tựu và an trụ.

Cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả. Tâm câu với bi, không kết, không oán không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

Vị ấy suy nghĩ như vậy:

Nếu có Sa Môn, Phạm Chí nào thấy như vậy, nói như vậy: Có sự bố thí, có trai tế, có Chú thuyết, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời sau, có cha, có mẹ trên đời, có bậc Thiện Nhân đi đến thiện xứ, khéo đi, khéo hướng, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ đời này và đời khác, thành tựu và an trụ.

Nếu điều vị Sa Môn, Phạm Chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược. Nay ta được pháp của bậc, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly.

Những gì Sa Môn, Phạm Chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

Này Già Di Ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly.

Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

Lại nữa Già Di Ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến.

Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống. Đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định.

Qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vậy: Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến.

Vị ấy liền tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện.

Vị ấy sau khi tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ. Sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định. Sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm.

Này Già Di Ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với hỷ, biến khắp một phương thành tựu và an trụ. Cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả.

Tâm câu với hỷ, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

Vị ấy suy nghĩ như vậy: Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu.

Ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu. Sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu.

Đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước. Làm như thế không phải là làm ác.

Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối.

Do vậy vẫn không có nghiệp ác, do vậy vẫn không có nghiệp báo ác. Ở bờ Sông Hằng già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu.

Và ở bờ Sông Hằng già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết. Không do đó mà có tội hay có phước. Không do đó mà có quả báo tội phước.

Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ lợi hành, không do đó mà có phước, không do đó mà có quả báo của phước.

Nếu điều vị Sa Môn, Phạm Chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian. Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược.

Nay ta được pháp của bậc vô thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa Môn, Phạm Chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai. Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

Này Già Di Ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm. Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

Lại nữa Già Di Ni, Thánh đệ tử đa văn xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến.

Vị ấy ban ngày cày ruộng, và gieo giống. Đến chiều nghỉ ngơi và vào nhà ngồi thiền định.

Qua đêm, lúc hừng sáng suy nghĩ như vậy: Ta xa lìa sự giết, đoạn trừ sự giết. Đoạn trừ sự lấy của không cho, tà dâm, nói dối, cho đến đoạn trừ tà kiến và được chánh kiến.

Vị ấy liền tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện.

Vị ấy sau khi tự thấy: Ta đã đoạn trừ mười nghiệp đạo ác và niệm mười nghiệp đạo thiện, liền sanh ra hân hoan. Sau khi sanh ra hân hoan liền phát sanh hỷ.

Sau khi phát sanh hỷ, thân liền an định. Sau khi thân được an định, thân liền cảm giác lạc. Sau khi thân cảm giác lạc thì được nhất tâm.

Này Già Di Ni, sau khi Thánh đệ tử đa văn được nhất tâm rồi thì tâm câu hữu với xả, biến khắp một phương thành tựu và an trụ. Cũng thế hai, ba, bốn phương, tứ duy, thượng hạ, biến khắp tất cả.

Tâm câu với xả, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, quảng đại, vô lượng vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ.

Vị ấy suy nghĩ như vậy: Tự mình làm và sai bảo người khác làm, tự mình chém giết và sai bảo người khác chém giết, tự mình nấu và sai bảo người khác nấu.

Ưu sầu, phiền muộn, lo lắng, đấm ngực, áo não, khóc lóc, ngu si. Sát sanh, lấy của không cho, tà dâm, nói dối, uống rượu.

Đào vách, mở kho, đến ngõ hẻm khác để ăn cướp, phá làng hại xóm, phá thành, diệt nước. Làm như thế thật sự là làm ác.

Lại dùng vòng sắt bén như dao cạo, người ấy đối với tất cả chúng sanh ở trên cõi đất này, trong vòng một ngày mà bửa, mà cắt, mà chém, mà chặt, mà lột da, mà lóc xẻ từng mảng thịt, lách từng phần từng khối. Do vậy có nghiệp ác, do vậy có nghiệp báo ác.

Ở bờ Sông Hằng già phía Nam, giết rồi cắt, rồi khiến nấu. Và ở bờ Sông Hằng già phía Bắc mà bố thí, trai tế, chú thuyết.

Do đó mà có tội hay có phước. Do đó mà có quả báo tội phước. Cấp thí, tự chế ngự, thủ hộ, nhiếp trì, tán thán, nhiêu ích, ái ngữ, lợi hành. Do đó mà có phước, do đó mà có quả báo của phước. Nếu điều vị Sa Môn, Phạm Chí kia nói ra là chân thật, ta không xâm phạm đời, dù sợ hãi hay không sợ hãi, thường thương mến tất cả thế gian.

Tâm ta không cùng thế gian tranh cãi, cũng không có sự hân hoan thô trược.

Nay ta được pháp của bậc Vô Thượng, thăng tấn đến trú xứ an lạc. Đó là pháp định viễn ly. Những gì Sa Môn, Phạm Chí kia nói, không cho là đúng, không cho là sai.

Sau khi không cho là đúng, không cho là sai, liền được nội tâm tĩnh chỉ.

Này Già Di Ni, đó là pháp định, được gọi là viễn ly. Ông có thể nhân định này mà được chánh niệm, mà được nhất tâm.

Như vậy, ông có thể đoạn hết nghi hoặc trong đời hiện tại mà được thăng tiến.

Khi Phật nói bài pháp ấy xong, Già Di Ni viễn ly trần cấu, phát sanh con mắt thanh tịnh thấy rõ các pháp.

Lúc đó, Già Di Ni thấy pháp, chứng pháp, giác ngộ pháp bạch tịnh, đoạn nghi, vượt qua hoặc, không còn tôn sùng ai khác, không còn do ai khác, không còn do dự, đã trụ nói quả chứng đạt, được vô sở úy đối với giáo pháp của Thế Tôn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật mà bạch rằng.

Bạch Đức Thế Tôn, con từ nay xin quy y Phật, quy y Pháp và Chúng Tỳ Kheo. Cúi mong Đức Thế Tôn nhận con làm Ưu Bà Tắc. Bắt đầu từ hôm nay, trọn đời quy y cho đến khi mạng chung.

Phật thuyết như vậy. Ba La Lao Già Di Ni và các Tỳ Kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường