Phật Thuyết Kinh đại Thừa đồng Tánh - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Da Xá, Đời Chu
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA ĐỒNG TÁNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Da Xá, Đời Chu
PHẦN TÁM
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông đáp: Bạch Thế Tôn! Cõi hư không không thể sự cắt đứt và cũng không có tướng.
Bạch Thế Tôn! Vì sao?
Vì nếu cõi hư không có sự cắt đứt thì cõi hư không ấy, không có cái tên là vô ngại.
Bạch Thế Tôn! Cõi hư không không có tướng xứ, tụ xứ, vô biên xứ, sắc xứ và cả vật xứ.
Thế nên, bạch Thế Tôn! Cõi hư không ấy, không thể có sự cắt đứt, chẳng phải là có tướng.
Bạch Thế Tôn! Cõi hư không ấy, biến tất cả xứ.
Phật nói: Thật lành thay! Thiện Trượng Phu! Đúng là như vậy! Thiện Trượng Phu! Thân chân thật của Như Lai không có đứt lìa, cũng không có tướng.
Vì sao?
Thiện Trượng Phu! Nếu thân chân thật của Như Lai có đứt lìa thì sẽ không có việc Phật ra đời và hiện vô biên sức thần thông. Nếu có tướng, tức có chỗ gom lại và có cả chỗ để ở có thể nắm, có thể bắt. Trong chốc lát, tất cả phàm phu đều được thành Phật, không dựa vào thời gian mà có trước sau.
Thiện Trượng Phu! Do đó, thân chân thật của Như Lai chẳng có đứt lìa, cũng chẳng có tướng. Chỉ vì làm Phật sự, cho khắp tất cả chúng sinh.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Cúng dường chân thân, báo thân và cả ứng thân của Như Lai, những phước nghiệp đạt được sẽ rất nhiều phải không?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu cúng dường một thân Như Lai, tức là cúng dường tất cả thân Phật.
Vì sao?
Thiện Trượng Phu! Tất cả ánh sáng, có khả năng phá tan các u ám, khiến mọi nơi được sáng, nhưng ánh sáng ấy, không cùng ở chung với tối tăm.
Đúng là như vậy, Thiện Trượng Phu! Nếu cúng dường hết mỗi thân Như Lai, những phước nghiệp tạo được, có khả năng phá tất cả vô minh tối tăm này, khai mở giải thoát con đường sáng, nhưng cũng không cùng ở chung với các ám chướng.
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại bạch: Bạch Thế Tôn! Cúi xin Thế Tôn hiện rõ Phật địa thứ hai.
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Ông có thể thấy không?
Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông đáp: Bạch Thế Tôn! Hôm nay, với con muốn thấy phải dựa vào tướng. Bấy giờ, trong một lỗ chân lông trên thân Thế Tôn, phóng ra ánh sáng, tên là Vô tướng chiếu. Làm cho mọi màu sắc, ở các Cõi Phật, không thể nói không thể nói, thảy đều trừ diệt.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn hỏi chúng Bồ Tát: Các ông hôm nay, có thấy những gì?
Chư Bồ Tát đáp: Bạch Thế Tôn! Ngoài ánh sáng ra, chúng con đều không thấy gì cả.
Phật hỏi: Chư Bồ Tát Trượng Phu! Các ông thấy ánh sáng này giống gì vậy?
Chư Bồ Tát đáp: Bạch Thế Tôn! Chúng con chỉ thấy toàn một thứ ánh sáng lớn, ở khắp vô lượng trăm ngàn ức na do tha hằng hà sa vi trần các Cõi Phật.
Khi đó, Đức Thế Tôn gom thu ánh sáng lại, Cõi Phật liền trở lại như cũ, an lạc như xưa.
Lúc đó, Đức Thế Tôn bảo với tất cả chúng Bồ Tát: Như Lai nói Phật địa thứ hai, tất cả các ông còn khó biết nghe, huống gì là được thấy địa thứ ba cho đến địa thứ mười của Như Lai.
Thiện Trượng Phu! Ví như ánh sáng của sáng mặt trời, mặt trăng, làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh. Sức của vầng sáng mặt trời, mặt trăng kia, khiến cho chúng sinh biết, có một ngày, nửa ngày, một tháng, nửa tháng, cho đến một năm và cả từng giờ, từng phút. Chúng sinh không thể phân biệt thấy sắc thân của vầng mặt trời, mặt trăng kia. Các ông chỉ thấy hình tướng vòng tròn của ánh sáng. Thật đúng là như vậy.
Như Lai Chí Chân Chánh Đẳng Chánh Giác, làm lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh, đó là sức của Như Lai, khiến cho các chúng sinh kia, được biết các pháp: Hoặc tội, hoặc phước, hoặc thế gian, hoặc xuất thế gian, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu.
Biết các pháp rồi, chúng sinh ấy như thật mà chứng, vượt qua được tất cả mọi tư tưởng mông lung. Các chúng sinh ấy, không thể phân biệt được, thấy được sắc tướng của Báo thân Như Lai, chỉ xem xét từ sức thần thông và hình tướng được dùng để ứng hóa ra thân mà thôi.
Vì thế, các ông nên biết: Các địa của Như Lai, vượt ra khỏi tất cả âm thanh, ngôn ngữ, chỉ có tên chữ để có thể nói được mà thôi.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông lại bạch: Bạch Thế Tôn! Ai là người vượt thoát tất cả ác đạo?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu đối với tất cả trí hạnh của Phật nhập Tỳ Lô Giá Na tạng. Đối với Thập địa sâu xa của Như Lai, đối với Kinh Điển Đại Thừa Đồng Tánh. Nghe mà sinh tâm tin sâu, tin rồi, thọ trì, đọc tụng, biên chép, hoặc dạy bảo cho người, vì người mà rộng nói, cho đến chỉ thọ trì cái tên của Kinh Điển này, thì Thiện Trượng Phu, tất cả những người đáng lẽ phải đọa vào các ác đạo, liền đều được độ thoát cả.
Bồ Tát lại hỏi Phật: Bạch Thế Tôn! Ai là người phát tâm bồ đề?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Người nào, có khả năng thọ trì Kinh Điển này, cho đến chỉ thọ trì cái tên chữ của Kinh Điển ấy, thì đó là người phát tâm bồ đề.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người hành Bồ Tát hạnh?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu có người nào thọ trì kinh này, thì đó chính là người hành Bồ Tát hạnh.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người mau chóng thành tựu đầy đủ sáu Ba la mật?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu có người nào, có khả năng thọ trì Kinh Điển này, thì đó chính là người mau chóng thành tựu đầy đủ sáu Ba la mật.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người sẽ gặp được Như Lai?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu ai có khả năng nghe được Kinh Điển này, thì đó là người sẽ được gặp Như Lai.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người gặp Phật, được Phật thọ ký?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu ai trì tạng bí mật của Như Lai, thì đấy là người gặp Phật, được Phật thọ ký.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người làm đại thương chủ cho tất cả chúng sinh?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu ai là người trì tạng sâu kín của Như Lai, thì đấy là người làm đại thương chủ cho tất cả chúng sinh.
Bồ Tát hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là Phật tử?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu ai có khả năng tin vào Kinh Điển này, thì đấy là người Phật tử.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người sẽ đạt được tất cả địa của Bồ Tát?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu ai có khả năng nghe Kinh Điển này, thì đó là người sẽ đạt được tất cả địa của Bồ Tát.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người đạt được tất cả pháp của Chư Phật?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu ai có thể cúng dường pháp sáng nhiệm mầu này, thì đó là người đạt được tất cả pháp của Chư Phật.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Ai là người nghe được pháp của Thanh Văn, Bích Chi Phật, mà không dính mắc vào quả vị Niết Bàn của hai hàng này?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Nếu ai có thể thọ trì tạng diệu pháp này, thì đấy là người nghe được pháp của Thanh Văn, Bích Chi Phật, mà không bị dính mắc vào quả vị Niết Bàn của hai hàng đó.
Bồ Tát lại hỏi: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gì và chúng con phụng trì như thế nào?
Phật đáp: Thiện Trượng Phu! Kinh này tên là Đại Thừa Đồng Tánh, cũng gọi là Thuyết Nhất Thiết Phật Trí Hạnh Nhập Tỳ Lô Giá Na Tạng và nên như vậy mà thọ trì.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Muốn rõ Phật bồ đề
Vô thượng thắng tinh tấn
Muốn chuyển thánh vô lậu
Khó nghĩ trí pháp luân.
Nếu muốn dựng cờ pháp
Muốn đánh trống chánh pháp
Muốn thắp ngọn đèn pháp
Muốn được thổi các pháp.
Muốn đắc trí minh chiếu
Muốn diệt ngu si ám
Muốn nhóm các chúng sinh
An lập trí bồ đề.
Muốn hàng phục quân ma
Cúng dường tất cả Phật
Muốn chiếu cả thế gian
Cao quý đẹp thanh tịnh.
Không nhiễm pháp thế gian
Muốn đạt trí vô lậu
Hành hạnh lợi chúng sinh
Muốn sinh nơi thanh tịnh.
Chỉ dạy, nghe, thọ trì
Kinh báu tốt như vậy
Khiến cho thông Phật Địa
Nên đọc tụng, diễn nói.
Khi Đức Thế Tôn nói Kinh này xong, Đại Bồ Tát Hải Diệu Thâm Trì Tự Tại Trí Thông cùng với tất cả các chúng Bồ Tát, nghe những lời Phật dạy, đều vui vẻ phụng hành.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bí Mật Chẳng Nghĩ Bàn Của Như Lai - Phẩm Ba - Phẩm Mật Tâm Của Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Phương Quảng - Phần Ba - Thân Kiến
Phật Thuyết Kinh đại Tam Ma Nhạ
Phật Thuyết Kinh Tôn Giả Hộ Quốc Hỏi Về đại Thừa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Quán Suy Xét - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Ba Mươi Chín - Phẩm Công đức Bát Nhã Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Năm