Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh ðoạn Tận ái - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TRUNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
ÐẠI KINH ÐOẠN TẬN ÁI
PHẦN MỘT
Như vậy tôi nghe!
Một thời Thế Tôn ở Savatthi Xá Vệ tại Jetavana Kỳ Đà Lâm, vườn ông Anathapindika Cấp Cô Ðộc.
Lúc bấy giờ, Tỳ Kheo tên là Sati, con của người đánh cá, khởi lên ác tà kiến như sau: Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
Một số đông Tỳ Kheo nghe như sau:
Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, khởi lên ác tà kiến như sau: Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
Rồi những Tỳ Kheo ấy đi đến chỗ Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá ở, khi đến xong liền nói với Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá như sau:
Này Hiền Giả Sati, có đúng sự thật chăng, Hiền Giả khởi lên ác tà kiến như sau: Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác. Thật sự là vậy, Chư Hiền, theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
Rồi những Tỳ Kheo ấy muốn Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, từ bỏ ác tà kiến ấy, liền cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận: Hiền Giả Sati, chớ nói như vậy, chớ xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy. Hiền Giả Sati, Thế Tôn đã dùng nhiều Pháp Môn nói thức do duyên khởi. Không có duyên thì thức không hiện khởi.
Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, dù được các Tỳ Kheo ấy cật vấn, thảo luận, vẫn nói lên ác tà kiến ấy, cứng đầu chấp chặt, nắm chặt tà kiến ấy.
Thật sự là vậy, Chư Hiền. Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này rong ruổi, luân chuyển, nhưng không đổi khác.
Vì các Tỳ Kheo ấy không thể làm cho Tỳ Kheo Sati, con người đánh cá từ bỏ ác tà kiến ấy, nên các vị ấy đến chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên.
Sau khi ngồi xuống một bên, những Tỳ Kheo ấy bạch Thế Tôn:
Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, khởi lên ác tà kiến như sau: Theo tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này rong ruổi, luân chuyển, nhưng không đổi khác.
Bạch Thế Tôn, chúng con nghe:
Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá khởi lên ác tà kiến như sau: Theo tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này rong ruổi, luân chuyển, nhưng không đổi khác.
Bạch Thế Tôn, rồi chúng con đi đến chỗ Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá ở, khi đến xong, liền nói với Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá: Này Hiền Giả Sati, có đúng sự thật chăng?
Hiền Giả khởi lên ác tà kiến như sau: Theo tôi hiểu, pháp Thế Tôn thuyết giảng thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
Bạch Thế Tôn, khi nghe nói vậy, Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá nói với chúng con như sau: Thật sự là vậy, Chư Hiền. Theo như tôi hiểu thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
Bạch Thế Tôn, chúng con muốn khiến Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, từ bỏ ác tà kiến ấy, liền cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận: Hiền Giả Sati chớ có nói như vậy. Chớ có xuyên tạc Thế Tôn. Xuyên tạc Thế Tôn là không tốt. Thế Tôn không có nói như vậy. Hiền Giả Sati, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi, không có duyên thì thức không hiện khởi.
Bạch Thế Tôn, Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá dầu cho được chúng con cật vấn, nạn vấn lý do, thảo luận, vẫn nói lên ác tà kiến ấy, cứng đầu, chấp chặt, nắm chặt tà kiến ấy:
Thật sự là vậy, theo tôi hiểu, Thế Tôn thuyết giảng thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
Bạch Thế Tôn, vì chúng con không thể làm cho Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, từ bỏ ác tà kiến ấy, nên chúng con đến hỏi Thế Tôn ý nghĩa này.
Rồi Thế Tôn gọi một Tỳ Kheo khác: Này Tỳ Kheo, hãy đi và nhân danh ta, gọi Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá: Hiền Giả Sati, bậc Ðạo Sư gọi Hiền Giả.
Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỳ Kheo ấy vâng lời Thế Tôn, đến chỗ Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, sau khi đến, liền nói với Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá: Hiền Giả Sati, bậc Ðạo Sư gọi Hiền Giả.
Thưa vâng, Hiền Giả.
Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá đáp lời Tỳ Kheo ấy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
Thế Tôn nói với Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, đang ngồi xuống một bên: Này Sati, có thật chăng, ông khởi lên ác tà kiến như sau: Theo như tôi hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác?
Thật sư là vậy, bạch Thế Tôn. Theo như con hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng, thì thức này rong ruổi, luân chuyển nhưng không đổi khác.
Này Sati, thế nào là thức ấy?
Bạch Thế Tôn, chính thức ấy nói cảm thọ, thọ lãnh chỗ này, chỗ kia, kết quả các hành động thiện ác. Này kẻ mê mờ kia, vì ai mà ông lại hiểu pháp ta thuyết giảng như vậy.
Này kẻ mê mờ kia, có phải chăng, ta đã dùng nhiều pháp môn nói là thức do duyên khởi, không có duyên, thì thức không hiện khởi?
Và này kẻ mê mờ kia, không những ông xuyên tạc ta, vì ông đã tự chấp thủ sai lạc, ông còn tự phá hoại ông và tạo nên nhiều tổn đức. Này kẻ mê mờ kia, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho ông.
Rồi Thế Tôn gọi các Tỳ Kheo: Chư Tỳ Kheo, các ông nghĩ thế nào?
Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, có thể khởi lên tia lửa sáng gì trong pháp, Luật này không?
Bạch Thế Tôn, làm sao có thể có được, không thể được, bạch Thế Tôn. Ðược nói vậy, Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, im lặng, hổ người, thụt vai, cúi đầu, lo âu, câm miệng.
Rồi Thế Tôn sau khi biết được Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, đang im lặng, hổ ngươi, thụt vai, cúi đầu, lo âu, câm miệng, bèn nói với Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá: Này kẻ mê mờ kia, người ta sẽ biết ông qua ác tà kiến của chính ông. Ở đây, ta sẽ hỏi các Tỳ Kheo.
Rồi Thế Tôn gọi các Tỳ Kheo: Chư Tỳ Kheo, các ông có hiểu pháp ta thuyết giảng giống như Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá này, không những đã xuyên tạc ta vì đã tự chấp thủ sai lạc, mà còn tự phá hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức?
Bạch Thế Tôn, không.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi, không có duyên, thức không hiện khởi.
Lành thay! Chư Tỳ Kheo.
Lành thay! Chư Tỳ Kheo, các ông hiểu pháp ta thuyết giảng như vậy!
Chư Tỳ Kheo, ta đã dùng nhiều pháp môn nói thức do duyên khởi. Không có duyên, thức không hiện khởi. Nhưng Tỳ Kheo Sati, con của người đánh cá, không những xuyên tạc ta vì đã tự chấp thủ sai lạc, còn tự pháp hoại mình và tạo nên nhiều tổn đức, và như vậy sẽ đưa đến bất hạnh và đau khổ lâu dài cho kẻ mê mờ ấy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Ngũ Thiên Ngũ Bách Phật Danh Thần Chú Trừ Chướng Diệt Tội - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Mười Tám - đang Cập Nhật
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Hai - Phẩm Nói Về Pháp Thức định
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Cùi Hủi
Phật Thuyết Kinh Bảo Tinh đà La Ni - Phẩm Hai - Phẩm Bốn Sự - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Năm - Vô Thường - Tập Ba