Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Du Hành - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT
KINH TRƯỜNG A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
KINH DU HÀNH
PHẦN HAI
Các Thanh Tín Sĩ được nghe Phật nói pháp liền bạch Phật rằng: Chúng con xin quy y Phật, quy y pháp, quy y Thánh Chúng. Ngưỡng mong Ðức Thế Tôn thương xót chấp nhận cho chúng con được làm Ưu Bà Tắc.
Từ nay về sau, nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Chúng con sẽ giữ giới không bao giờ quên. Ngày mai chúng con xin cúng dường. Ngưỡng mong Thế Tôn cùng đại chúng rủ lòng hạ cố.
Ðức Thế Tôn làm thinh nhận lời. Các Thanh Tín Sĩ thấy Phật làm thinh nhận lời, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng làm lễ rồi lui ra. Vì Đức Như Lai, họ dựng ngôi nhà lớn, ban sửa đất đai, quét tước, rưới nước, xông hương, trang hoàng bảo tọa.
Khi thiết cúng xong, họ đến bạch Phật: Cỗ đã dọn xong, cúi mong Đức Thánh biết đã đến giờ. Khi ấy, Thế Tôn liền đứng dậy mang y cầm bát cùng đại chúng đến giảng đường. Đến nơi, rửa tay chân xong, Phật ngồi giữa, các Tỳ Kheo ngồi bên tả, các Thanh Tín Sĩ ngồi bên hữu.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Thanh Tín Sĩ rằng: Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao.
Những gì là năm?
1. Cầu tài lợi không được toại nguyện.
2. Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn.
3. Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nể.
4. Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ.
5. Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.
Trái lại, này các Thanh Tín Sĩ, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức.
Những gì là năm?
1. Cầu gì đều được như nguyện.
2. Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút.
3. Ở đâu cũng được mọi người kính mến.
4. Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ.
5. Thân hoại mệnh chung được sanh lên Cõi Trời.
Bấy giờ, đã nửa đêm, Phật bảo các Thanh Tín Sĩ hãy trở về. Các Thanh Tín Sĩ vâng lời, đi quanh Phật ba vòng, rồi đảnh lễ mà lui.
Bấy giờ, khi đêm vừa qua, ánh sáng vừa ló, Thế Tôn đi tới chỗ thanh vắng, bằng thiên nhãn thanh tịnh, thấu suốt, thấy các vị thần lớn mỗi vị phong thủ đất đai nhà cửa riêng, các thần trung, thần hạ cũng phong thủ đất đai nhà cửa. Thế Tôn liền trở lại giảng đường, lên chỗ ngồi.
Tuy đã biết, nhưng Ngài vẫn hỏi: Này A Nan, ai tạo lập thành Ba Lăng Phất này?
A Nan bạch Phật: Thành này do Đại Thần Vũ Xá tạo ra để phòng ngự nước Bạt Kỳ.
Phật nói với A Nan: Người tạo ra thành này rất hợp ý Trời. Lúc đêm đã tàn, Trời vừa sáng, Ta đi tới chỗ thanh vắng, bằng thiên nhãn, xem thấy các Đại Thiên Thần mỗi vị phong thủ đất đai nhà cửa riêng, các trung thần, hạ thần cũng phong thủ đất đai nhà cửa.
A Nan!
Nên biết chỗ đất đai nhà cửa nào được Đại Thiên Thần phong thủ, ai ở đó tất được an lạc nhiều. Còn chỗ trung thần phong thủ thì hàng trung nhân ở. Chỗ hạ thần phong thủ thì hạ nhân ở và công đức nhiều ít cũng tùy theo chỗ ở ấy.
Này A Nan, chỗ này là chỗ Hiền Nhân ở, kẻ bán buôn qui tụ, phép nước đúng đắn không dối ngụy. Thành này rất tốt, được mọi nơi suy tôn, không thể phá hoại.
Lâu về sau nếu có bị phá chăng chỉ do ba việc: Một là bị nước lớn, hai là bị lửa lớn và ba là bị người trong thông mưu với người ngoài phá hoại được thành này. Trong lúc đó các Thanh Tín Sĩ Ba Lăng Phất suốt đêm cùng bày biện.
Đúng giờ, họ đến bạch Phật: Cỗ đã dọn xong, cúi mong Đức Thánh biết là đã đến giờ.
Bấy giờ, các Thanh Tín Sĩ bưng dọn, tự tay bưng sớt đồ ăn. Thọ thực xong dùng nước rửa. Rồi họ dọn một chỗ ngồi nhỏ trước Phật.
Phật chỉ bày mà rằng: Chỗ này của các ngươi là chỗ Bậc Hiền Trí, phần nhiều người trì giới tịnh tu phạm hạnh cư trú, các Thiện Thần vui mừng ủng hộ.
Rồi Ngài Chú Nguyện cho họ: Biết kính trọng thì được người kính trọng. Biết phụng sự thì được người phụng sự. Bố thí, kiêm ái, có lòng từ mẫn, được Chư Thiên khen ngợi và thường cùng người lành sum họp, không cùng người ác ở chung.
Bấy giờ, sau khi thuyết pháp xong, Ðức Thế Tôn liền rời khỏi chỗ, đại chúng hầu quanh mà đưa Ngài trở về.
Đại Thần Vũ Xá đi theo sau Phật, nghĩ rằng: Hôm nay, nhân Đức Sa Môn Cù Đàm đi qua cửa thành này, ta hãy gọi cửa này là cửa Cù Đàm. Lại nhân bến sông mà Phật sang ngang, liền đặt tên chỗ đó là bến Cù Đàm.
Ðức Thế Tôn ra khỏi thành Ba Lăng Phất, đi đến bờ sông. Lúc ấy, trên bờ sông có nhiều người, trong số đó có người thì dùng thuyền, có người dùng bè, có người dùng phà mà sang sông. Ðức Thế Tôn cùng đại chúng chỉ trong khoảnh khắc, như lực sĩ co duỗi cánh tay, đã đến cả bên kia sông.
Sau khi quán sát nghĩa này, Thế Tôn liền nói bài tụng:
Phật là Hải Thuyền Sư
Pháp là cầu sang sông,
Là chiếc xe đại thừa,
Đưa hết thảy Trời, người.
Là Đấng Tự Giải Thoát,
Sang sông, thành Phật Đà.
Khiến tất cả đệ tử,
Giải thoát, đắc Niết Bàn.
Thế Tôn lại từ nước Bạt Kỳ đi đến thôn Câu Lỵ nghỉ ở dưới một khóm rừng và bảo các Tỳ Kheo:
Có bốn pháp thâm diệu: Một là Thánh giới, hai là Thánh định, ba là Thánh tuệ và bốn là Thánh giải thoát. Đó là pháp vi diệu khó hiểu, khó biết, mà ta với các ông xưa kia vì không hiểu rõ nên mãi trôi lăn không cùng trong vòng sống chết.
Quán xét theo nghĩa đó, Phật liền dạy bài kệ:
Giới, định, tuệ, giải thoát,
Duy Phật phân biệt rõ.
Lìa khổ độ chúng sanh,
Khiến dứt mầm sanh tử.
Bây giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở thôn Câu Lỵ lại bảo A Nan cùng đi đến thôn Na Đà. A Nan vâng lời, khoác y ôm bát cùng với đại chúng đi theo Phật, theo con đường từ Bạt Kỳ đến Na Đà và dừng lại chỗ Kiền Chùy.
Bấy giờ, A Nan ở chỗ thanh vắng yên lặng suy nghĩ: Thôn Na Đà này có mười hai cư sĩ là Già Già La, Già Lăng Già, Tỳ Già Đà, Già Lê Thâu, Giá Lâu, Bà Da Lâu, Bà Đầu Lâu, Tẩu Bà Đầu Lâu, Đà Lê Xá Nậu, Tẩu Đạt Lê Xá Nậu, Da Thâu, Da Thâu Đa Lâu đã qua đời.
Hiện nay không biết họ sinh về đâu?
Lại có năm mươi người khác mệnh chung, lại năm trăm người khác nữa mệnh chung, nay không biết họ sinh về chỗ nào?
A Nan suy nghĩ như thế xong, rời khỏi nơi nhàn tịnh, đến chỗ Thế Tôn, đầu mặt lễ chân Phật xong, ngồi xuống một bên, bạch Phật: Thế Tôn, vừa rồi con ở chỗ nhàn tịnh, lặng lẽ suy nghĩ: Thôn Na Đà này có mười hai cư sĩ: Già Già La v.v... mạng chung, lại có năm mươi người nữa mạng chung, lại có năm trăm người mạng chung, không biết họ sinh về đâu. Cúi mong Thế Tôn nói rõ cho con.
Phật bảo A Nan: Mười hai Cư Sĩ kia là Già Già La v.v... đã đoạn năm hạ phần kết nên mệnh chung sinh Thiên. Họ nhập Niết Bàn ở đó chứ không trở lại cõi này nữa. Còn năm mươi người kia mạng chung do đoạn trừ ba kết sử, dâm, nộ, si mỏng, đắc quả Tư Đà Hàm, sẽ trở lại cõi này để dứt hết gốc khổ.
Còn năm trăm người kia mạng chung do đoạn trừ ba kết sử, đắc quả Tu Đà Hoàn, không còn bị đọa vào ác thú, chắc chắn thành đạo, chỉ trở lại cõi này bảy lần để dứt hết gốc khổ rồi thôi.
Này A Nan, phàm có sinh thì có chết, đó là lẽ thường của cuộc đời, có gì là quái lạ.
Nếu thấy mỗi người chết, ngươi đều tới hỏi ta như vậy chẳng là quấy rầy ư?
A Nan đáp: Đúng vậy, bạch Thế Tôn, quả là phiền nhiễu.
Phật bảo: A Nan, nay ta sẽ nói cho ngươi về pháp kính để các Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh. Dứt hết ba đường dữ, chứng quả Tu Đà Hoàn, không quá bảy đời sẽ tận cùng biên tế của khổ, và cũng có thể nói việc ấy cho người khác nghe.
Này A Nan! Pháp kính là, Thánh đệ tử đã đạt được bất hoại tín, hoan hỷ tin Phật là Đức Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, mười Đức Hiệu đầy đủ.
Hoan hỷ tin pháp là giáo pháp chân chính vi diệu, Phật tự ý nói ra, không cuộc hạn thời tiết, dạy bày con đường đi đến Niết Bàn, được thực hành bởi kẻ trí.
Hoan hỷ tin Tăng là chúng khéo hòa đồng, sở hành chất trực không dối trá và chứng thành đạo quả, trên dưới thuận hòa, đầy đủ pháp Thân, hoặc có người đang hướng tới Tu Đà Hoàn và được quả Tu Đà Hoàn, có người đang hướng tới Tư Đà Hàm và được quả Tư Đà Hàm.
Có người đang hướng tới A Na Hàm và được quả A Na Hàm, có người đang hướng tới A La Hán và được quả A La Hán.
Ầy là bốn đôi tám bậc, chúng Hiền Thánh của Như Lai, xứng đáng được cung kính, làm ruộng phước cho đời. Tin giới của Hiền Thánh là thanh tịnh, không nhơ, không bị sứt mẻ, không rò rỉ, được các bậc minh triết tu theo mà chứng đến tam muội định vậy.
A Nan, đó là pháp kính, khiến Thánh đệ tử biết chỗ thọ sanh, dứt sạch ba đường dữ, chứng đắc Tu Đà Hoàn, không quá bảy đời hoàn tất tận cùng biên tế của khổ, và cũng có thể nói cho người khác sự việc ấy.
Bấy giờ, Thế Tôn sau khi tùy nghi trú ở đó, bèn bảo A Nan hãy cùng đi đến nước Tỳ Xá Ly. A Nan vâng lời, mang y cầm bát, cùng với đại chúng theo hầu Thế Tôn, theo con đường từ Bạt Kỳ đến Tỳ Xá Ly và ngồi nghỉ ở một gốc cây.
Bấy giờ có một dâm nữ tên Am Bà Bà Lê vừa nghe Phật cùng các đệ tử đến Tỳ Xá Ly, đang ngồi dưới một gốc cây, liền sửa soạn xe báu, muốn đi đến chỗ Phật để lễ bái cúng dường.
Khi chưa đến nơi, từ xa nàng đã thấy Ðức Thế Tôn diện mạo đoan chánh, các căn đặc biệt khác thường, tướng tốt đầy đủ, như Mặt Trăng ở giữa những vì sao.
Nàng rất hoan hỷ, xuống xe đi bộ lần tới chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi lại một bên.
Rồi Thế Tôn, theo thứ lớp thuyết pháp, khai giải, giáo huấn, khiến cho lợi ích, hoan hỷ.
Nghe Phật nói xong nàng phát tâm vui mừng quỳ bạch Phật rằng: Bắt đầu từ hôm nay con quy y ngôi Tam Bảo. Mong Phật nhận lời cho con được làm Ưu Bà Di ở trong chánh pháp, trọn đời con không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
Lại bạch Phật: Cúi mong Thế Tôn cùng các đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của con. Còn tối nay thì xin nghỉ tại vườn của con. Khi ấy Phật im lặng nhận lời.
Nàng thấy Phật đã im lặng nhận lời, liền đứng dậy đi quanh Phật ba vòng rồi đảnh lễ mà trở về.
Nàng đi chưa bao lâu, Phật bảo A Nan: Ta cùng các ngươi đi đến khu vườn kia.
Đáp: Thưa vâng.
Phật bèn rời chỗ ngồi, mang y cầm bát cùng chúng đệ tử một ngàn hai trăm năm mươi người đi đến khu vườn ấy. Lúc bấy giờ, nhóm người Lệ Xa ở Tỳ Xá Ly, nghe Phật đến nghỉ tại vườn của Am Bà Bà Lê thì liền thắng những cỗ xe báu năm sắc lộng lẫy.
Có người cưỡi xe xanh, ngựa xanh, phan dù áo mão đều xanh. Ngựa xe năm sắc đều như vậy. Rồi thì, những người Lệ Xa với y phục đồng sắc, cả năm trăm người kéo đến Phật.
Nàng Am Bà Bà Lê sau khi từ giã Phật trở về, giữa đường gặp xe họ. Lúc đó, xe nàng chạy rất nhanh, cùng với xe báu của họ móc kéo nhau, khiến phướn lọng gãy đổ cả, mà vẫn không chịu tránh đường.
Các người Lệ Xa trách: Nàng ỷ thế gì mà không tránh đường cho chúng tôi đi, để đụng nhằm xe cộ chúng tôi khiến phướn lọng gãy cả?
Am Bà đáp: Thưa quý Ngài, tôi đã thỉnh Phật ngày mai đến nhà tôi thọ trai. Tôi phải về gấp sửa soạn đồ cúng dường, thành phải đi mau, không tránh kịp.
Nhóm Lệ Xa liền bảo nàng: Nàng khoan hãy thỉnh. Để chúng tôi thỉnh trước, chúng tôi sẽ cho nàng một trăm ngàn lượng vàng.
Nàng đáp: Tôi đã thỉnh trước rồi, không thể nhường được.
Nhóm Lệ Xa tiếp: Chúng tôi sẽ tặng nàng gấp mười sáu lần trăm ngàn lượng vàng. Hãy để chúng tôi thỉnh trước.
Nàng vẫn không chịu: Tôi đã thỉnh rồi. Nhất định không thể làm như thế được.
Các Lệ Xa lại nói: Chúng tôi sẽ tặng bằng số tài bảo nửa nước, nàng hãy để chúng tôi thỉnh trước.
Nàng trả lời: Giả sử đem tài bảo của cả nước cấp cho tôi, tôi cũng không nhận.
Vì sao?
Vì Phật hiện ở tại vườn tôi, Ngài đã nhận lời tôi thỉnh trước. Việc ấy đã xong, không thể nhường được.
Các Lệ Xa khoa tay than tiếc, rằng: Nàng con gái này đã làm chúng ta thiếu mất cái phúc quả đầu tiên. Họ liền tiến tới khu vườn Phật đang ở.
Khi Ðức Thế Tôn từ xa thấy năm trăm người Lệ Xa, với ngựa xe số vạn, chật đường tiến đến, Ngài bảo các Tỳ Kheo: Các ngươi nên biết Chư Thiên Đao Lợi khi đi dạo công viên, thì uy nghi và sự trang sức cũng không khác đoàn người đó mấy. Này các Tỳ Kheo, hãy tự nhiếp tâm, gìn giữ oai nghi đầy đủ.
Tỳ Kheo tự nhiếp tâm mình như thế nào?
Tỳ Kheo quán thân trên nội thân, siêng năng không lười biếng, ghi nhớ không quên, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thân trên ngoại thân, quán nội ngoại thân, trừ bỏ tham ưu ở đời. Quán thọ, quán ý, quán pháp cũng như thế.
Thế nào là Tỳ Kheo đầy đủ oai nghi?
Ở đây, Tỳ Kheo, khi đi thì biết là đi, dừng thì biết là dừng, quay nhìn tả hữu, co duỗi, cúi ngước, mang y cầm bát cho đến việc ăn uống, thuốc thang, đều không để mất nghi tắc. Khôn khéo tìm cách trừ bỏ ấm cái, đi ở nằm ngồi, ngủ thức, nói năng hay im lặng đều nhiếp tâm đừng cho loạn động. Đấy gọi là Tỳ Kheo đầy đủ oai nghi.
Bấy giờ năm trăm người Lệ Xa Đi đến vườn Am Bà Bà Lê. Gần đến chỗ Phật, xuống xe đi bộ đến, đầu mặt đảnh lễ chân Phật, rồi lui ngồi một bên.
Như Lai ở trên chỗ ngồi, ánh sáng độc nhất tỏa sáng che mờ đại chúng, như Trăng mùa thu, lại như Trời Đất trong sáng sạch sẽ không chút bụi dơ, mặt trời giữa hư không độc nhất tỏa sáng. Rồi thì, năm trăm người Lệ Xa hầu vây quanh chỗ ngồi của Phật.
Lúc ấy, giữa hội chúng có một người Phạm Chí tên là Tịnh Ký, từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo vai hữu, đầu gối hữu quỳ xuống đất, chắp tay hướng về Phật, tán thán bằng bài kệ rằng:
Vua Ma Kiệt, Ương Già,
Để được nhiều thiện lợi,
Khoác khôi giáp bảo châu.
Phật hiện ở nước ấy.
Uy đức động Tam Thiên,
Tiếng vang như núi Tuyết.
Như hoa sen đã nở,
Mùi hương thật mầu nhiệm.
Nay thấy ánh sáng Phật,
Như mặt trời mới mọc.
Như Trăng qua bầu Trời,
Không bị mây che khuất.
Thế Tôn cũng như vậy,
Sáng chiếu cả thế gian.
Quán trí tuệ Như Lai
Như tối gặp đuốc sáng
Đem mắt sáng cho đời,
Quyết trừ các nghi hoặc.
Năm trăm người Lệ Xa sau khi nghe bài kệ ấy lại bảo Tịnh Ký: Ngươi hãy lặp lại. Rồi Tịnh Ký ở trước Phật lặp lại ba lần. Năm trăm Lệ Xa sau khi nghe lặp lại bài kệ, mỗi người cởi y báu mà cho Tịnh Ký.
Tịnh Ký bèn đem y báu dâng Đức Như Lai. Phật vì lòng từ mẫn nên thọ nhận.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với những người Lệ Xa ở Tỳ Xá Ly rằng: Ở đời có năm thứ báu rất khó có được.
Những gì là năm?
Một là Như Lai, Chí Chân xuất hiện ở đời rất khó có được.
Hai là người có thể giảng thuyết chánh pháp của Như Lai rất khó có được.
Ba là người có thể tín giải pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được.
Bốn là người có thể thành tựu pháp mà Như Lai diễn thuyết rất khó có được.
Năm là hiểm nguy được cưu ách mà biết đáp trả, hạng người ấy cũng rất khó có.
Ầy là năm thứ báu rất khó có được.
Năm trăm người Lệ Xa sau khi nghe Phật khai thị, giáo huấn khiến cho lợi ích, hoan hỷ, liền bạch Phật, cúi mong Thế Tôn và chúng đệ tử ngày mai nhận lời thỉnh cầu của chúng con.
Phật nói với các người Lệ Xa: Các ông đã thỉnh ta. Ta nay như thế là đã được cúng dường rồi. Kỹ nữ Am Bà Bà Lê đã thỉnh trước.
Năm trăm người Lệ Xa nghe Am Bà Bà Lê nữ đã thỉnh Phật trước, ai nấy đều vung tay mà nói rằng: Chúng ta muốn cúng dường Như Lai, mà nay người đàn bà kia đã phổng tay trên ta rồi. Rồi họ rời chỗ ngồi, đầu mặt lễ Phật, đi quanh Phật ba vòng, sau đó ai về nhà nấy.
Bấy giờ, Am Bà Bà Lê nữ bèn bày dọn thực phẩm thượng diệu để cúng Phật và Tăng. Sau khi ăn xong, thâu bát, dẹp bàn ghế.
Rồi kỹ nữ tay bưng bình bằng vàng dâng nước rửa xong, nàng đến trước Phật bạch rằng: Trong số những khu vườn trong thành Tỳ Xá Ly này vườn của con là hơn hết. Nay con đem vườn ấy dâng cúng Như Lai. Ngưỡng nguyện Như Lai vì thương tưởng con mà thọ nhận.
Phật nói với người kỹ nữ: Ngươi có thể đem khu vườn này cúng dường trước hết là Phật và Chiêu Đề Tăng.
Vì sao vậy?
Các thứ vườn tược, phòng xá, y bát, sáu vật mà Như Lai sở hữu, ngay dù những Ma, Thích, Phạm, Chư Thiên có đại oai lực, không ai có khả năng kham thọ sự cúng dường ấy.
Kỹ nữ thọ lãnh lời dạy, bèn đem khu vườn mà cúng trước tiên là Phật và Chiêu Đề Tăng. Phật vì lòng từ mẫn đối với nàng nên thọ nhận.
Rồi Ngài nói bài kệ:
Dựng Tháp, lập Tinh Xá,
Cúng vườn cây mát mẻ,
Cầu thuyền để đưa người,
Và cho cả nhà, gác,
Đồng trống cho nước cỏ,
Phước ấy ngày đêm tăng,
Người đủ giới thanh tịnh,
Ằt sẽ đến chỗ lành.
Sau đó, kỹ nữ Am Bà Bà Lê mang một cái giường nhỏ đến ngồi trước Phật. Phật theo thứ lớp nói pháp, mở bày, dạy dỗ, khiến cho lợi ích, hoan hỷ.
Ngài giảng về thí, về giới, về sinh Thiên, về dục là đại hoạn, ô uế, bất tịnh, phiền não là chướng ngại, xuất ly là tối thượng.
Khi Thế Tôn biết tâm ý của nàng đã nhu nhuyến, hòa duyệt, các triền cái vơi mỏng, rất dễ hóa độ, như pháp của Chư Phật, Ngài bèn giảng cho nàng về khổ Thánh đế, khổ tập Thánh đế, khổ diệt Thánh đế và khổ xuất yếu Thánh đế.
Bấy giờ nàng Am Bà Bà Lê, tín tâm thanh tịnh, như tấm lụa trắng trong sạch dễ nhuộm màu, ngay trên chỗ ngồi mà xa lìa trần cấu, con mắt pháp của các pháp sanh, thấy pháp, đắc pháp, quyết định chánh trụ, không còn đọa ác đạo, thành tựu vô úy.
Nàng bèn bạch Phật: Con nay quy y Phật, quy y pháp, quy y Tăng, nói ba lần như vậy. Cúi mong Như Lai nhận con làm một Ưu Bà Di trong chánh pháp.
Từ nay về sau, cho đến trọn đời không giết, không trộm, không tà dâm, không dối trá, không uống rượu.
Người nữ ấy sau khi thọ lãnh năm giới từ Phật, xả bỏ tập quán từ trước, tiêu trừ những cấu uế, rời khỏi chỗ ngồi, lễ Phật rồi lui.
Bấy giờ, Thế Tôn tùy nghi trú ở Tỳ Xá Ly, bảo A Nan: Các ngươi hãy sửa soạn. Ta muốn đi đến Trúc Lâm.
Đáp: Kính vâng.
Rồi sửa soạn y bát, cùng đại chúng hầu quanh Thế Tôn, đi theo con đường từ Bạt Kỳ đến Trúc Lâm kia.
Lúc ấy có người Bà La Môn tên là Tỳ Sa Đà Da, nghe Phật cùng đại chúng đến Trúc Lâm này, liền thầm nghĩ: Sa Môn Cù Đàm này có tiếng tốt đồn khắp bốn phương, mười hiệu đầy đủ, ở giữa Chư Thiên, Thích, Phạm, Ma hay Thiên Ma, Sa Môn, Bà La Môn, mà tự mình tác chứng, rồi thuyết pháp cho người khác, với những ngôn từ mà khoảng đầu, giữa và cuối thảy đều chân chánh, nghĩa vị thâm áo, phạm hạnh đầy đủ. Bậc Chân Nhân như thế, ta nên đến thăm viếng.
Rồi Bà La Môn ra khỏi thành, đi đến Thế Tôn chỗ rừng Trúc, chào hỏi xong, ngồi sang một bên.
Thế Tôn theo thứ lớp thuyết pháp cho ông, mở bày, chỉ dạy, khiến cho ích lợi, hoan hỷ. Nghe xong, hoan hỷ, ông bèn thỉnh Thế Tôn cùng đại chúng ngày mai đến nhà thọ thực.
Phật im lặng nhận lời. Bà La Môn biết Ngài đã nhận lời, liền đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi cáo về.
Vào ngay đêm đó dọn bày các thứ ẩm thực.
Sáng mai, lúc đã đến giờ, bèn báo tin: Cúi mong Đức Thánh biết là đã đến giờ.
Bấy giờ Thế Tôn khoác y ôm bát, cùng đại chúng vây quanh, đi đến nhà kia, ngồi lên chỗ dọn sẵn. Rồi thì, Bà La Môn dâng đủ các thực phẩm ngon cúng Phật và Tăng.
Ắn xong, thâu bát, dùng nước rửa xong, ông mang một cái giường nhỏ đến ngồi trước Phật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một