Phật Thuyết Kinh Tuệ Thượng Bồ Tát Vấn đại Thiện Quyền - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TUỆ THƯỢNG BỒ TÁT
VẤN ĐẠI THIỆN QUYỀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN SÁU
Sau bảy ngày, bốn bộ chúng đều đến chỗ Phật để nghe thuyết pháp, có tám vạn bốn ngàn người đạt được trí tuệ bình đẳng, ba ức người chứng đắc các quả Đạo Tích Tu Đà Hoàn Vãng lai Tư Đà Hàm Bất hoàn A Na Hàm. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là trường hợp Như Lai phải ăn gạo của lúa mạch trong ba tháng?
Như Lai vốn luôn thông đạt, tuy vị Phạm Chí có thỉnh Phật nhưng không thể lầm lạc, quên hết chỗ Phật đã nêu bày, giáo hóa.
Vì sao?
Vì năm trăm con ngựa hiện tại, xưa kia là đệ tử của Phật, nên theo đấy cùng ăn loại lúa gạo kia. Đời trước đều là những người tu học theo Bồ Tát Đại Thừa, đời quá khứ từng cúng dường Chư Phật Thế Tôn. Do theo bạn xấu ác dẫn dắt, phạm nhiều tội lỗi, nên bị đọa làm súc sanh.
Lúc ấy lại có năm trăm người huấn luyện ngựa, có Bồ Tát tên Nhật Tạng, vốn lập nguyện sinh trong số đó để hóa độ họ khiến phát tâm Bồ Đề. Nhằm hoằng dương giáo pháp Đại Thừa, dẫn dắt những người huấn luyện ngựa, chứ gốc không phải làm nghề ấy.
Đức Như Lai hộ trì họ, khiến các người nuôi ngựa đều được thọ ký. Vì duyên nơi tất cả nên Như Lai không ăn, cũng không phải là chí nguyện, do uy đức của Phật có thể biến hóa các thứ ngói, đá, đao, gậy thành các thức ăn uống ngon bổ, hết thay các vật hiện có nơi tam thiên Đại Thiên Thế Giới đều thành các thức ăn thượng vị, đặc biệt.
Vì sao?
Vì Thế Tôn tự nhiên có tướng của bậc đại nhân, mọi thức ăn vào miệng đều thành thường vị. Do vậy, nên biết Như Lai với sự biến hóa khiến các thức ăn uống đều là mỹ vị.
Trưởng Lão A Nan chưa đạt được tâm đại bi, tự suy nghĩ: Vì sao Thế Tôn đã từng xả bỏ thức ăn của bậc Chuyển Luân Vương, nay lại dùng gạo lúa mạch xấu?
Phật nhận biết ý nghĩ ấy nên nói về công đức của năm trăm người huấn luyện ngựa. Khi đó, năm trăm ngựa đều biết về thân mạng đời trước của mình nên được gần với tâm đạo. Năm trăm Bồ Tát đều phát tâm đại từ bi, đi đến yết kiến Phật.
Năm trăm vị huấn luyện ngựa tự giảm một nửa số lương thực nơi kho lẫm, dùng để cúng dường Phật, giảm bớt lúa ăn của năm trăm ngựa để cúng dường cho năm trăm Tỳ Kheo. Người huấn luyện ngựa cùng ngựa đều tự sám hối. Thấy Phật và Chúng Tăng đã qua được ba tháng khó khăn.
Năm trăm ngựa mạng chung, được sinh lên Cõi Trời Đâu Suất, được Chư Thiên tôn kính, như chỗ ứng hợp mà thuyết pháp, được đứng vững nơi quả vị Bất thoái chuyển, sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Hiền Giả A Nan nên biết về chỗ bố thí, cúng dường ấy.
Bấy giờ, người trong cung đều đạt được điều chưa từng có, cùng đến bạch Phật: Chúng con sinh trưởng nơi thâm cung.
Bạch Thế Tôn! Hiền Giả A Nan chưa từng tạo được sự hoan hỷ, an ổn ấy, bảy ngày chẳng ăn.
Này Thiện Nam! Nên biết thân của Như Lai không có tội báo.
Đời sau, hoặc có người trì giới, cung thỉnh các Sa Môn mà không bày biện cúng dường, nên vì đấy mà thị hiện. Đó là Như Lai vì những người cung thỉnh, tuy không thực hiện đủ sự cúng dường, nhưng không khiến họ rơi vào chốn tội lỗi.
Lại nữa, năm trăm Tỳ Kheo cùng với Như Lai, trong ba tháng một hạ, bốn trăm Tỳ Kheo có những biểu hiện không tốt, không có tưởng thanh tịnh. Ví như có được thức ăn ngon thì tâm ý ham muốn thể hiện rất mạnh. Còn khi dùng thức ăn dở thì tâm ý có vẻ lơ là.
Còn các vị khác thì trong ba tháng kiết hạ có thể chứng đắc A La Hán. Như Lai dẫn dắt các vị Tỳ Kheo ấy cùng giáo hóa các Bồ Tát, tùy thời thị hiện, chẳng phải là tội báo. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Do đâu Như Lai nói với Hiền Giả Đại Ca Diếp: Hiền Giả nên thuyết giảng Kinh, ta bị đau lưng?
Lúc đó, tám ngàn vị Thiên Tử, vốn là đệ tử được Hiền Giả Ca Diếp hóa độ, đã vân tập tới pháp hội, quy kính Tam Bảo, ân cần hành trì, nghe giảng nói về các pháp giác ý.
Cho dù trăm ức Phật, vì họ nêu giảng về Kinh Pháp thì cũng không thể lãnh hội một cách trọn vẹn. Chỉ Tỳ Kheo Ca Diếp là có thể hóa độ họ, vì thế Phật mới bảo Hiền Giả giảng nói, phân biệt về giác ý. Tám ngàn vị Thiên Tử lãnh hội ý nghĩa, có được trí tuệ. Các Tỳ Kheo bị bệnh cũng đến pháp hội để nghe Kinh.
Đều tâm niệm: Như Lai là bậc Pháp Vương, nhân nêu giảng về giác ý mà bệnh được dứt khỏi.
Chúng ta vì sao lại chẳng nghe Kinh?
Này Thiện Nam! Nhằm hóa độ Chư Thiên và các Tỳ Kheo bị bệnh khiến tôn kính Kinh Đạo, nên Phật đã thị hiện đau lưng. Như Lai bảo Hiền Giả Ca Diếp thuyết giảng Kinh, khiến ta dứt trừ được bệnh. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Thế nào là trường hợp nước Xá Di bại trận mà Phật bị đau đầu?
Mọi người tất sẽ nghĩ rằng: Hàng thân thuộc của Như Lai thọ mạng đã hết.
Ý nhằm cứu giúp muôn dân nên Như Lai ngồi bên cội cây khô héo, nói với thị giả: Đầu Ta bị đau nhiều!
Bấy giờ, Chư Thiên chấp có thường, gồm ba ngàn người tụ hội, còn chúng Sát Đế Lợi thì số lượng không thể tính kể, nghe Phật bảo Hiền Giả A Nan là mình bị đau đầu, thì suy nghĩ: Như Lai hãy còn có tai ương còn sót lại, nhân đó đã nêu giảng Kinh cùng hóa độ hàng Trời, người bảy ngàn vị. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Thế nào là trường hợp Phạm Chí Phi la đà dùng năm trăm sự việc để mạ lỵ Thế Tôn?
Lúc ấy, Phật lặng thinh. Sau, Phạm Chí lại tán dương, Phật cũng im lặng. Phạm Chí kia ứng hợp, tự quy kính, hết lòng sám hối lỗi lầm, không còn tái phạm. Phật đã có thể biết đủ về sự khước từ khiến không hề nói ra, dù có thể ném hay đặt để kẻ đối diện tới một nơi chốn khác lạ.
Bấy giờ, trong pháp hội, vô số chúng Chư Thiên, người thế gian, đều thấy rõ sự nhẫn nhục của Phật, với diệu lực của trí tuệ bình đẳng, tâm hòa nhã, nên bốn ngàn người đã phát tâm Bồ Đề cầu đạt đạo quả Chánh Đẳng, Chánh Giác, Vô Thượng. Như Lai thấy thấu suốt về sự hóa độ ở đời vị lai, nên thị hiện sự im lặng, chẳng phải la tai ương tàn dư của Phật. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Này Thiện Nam! Hãy xem Điều Đạt, cả đời luôn tạo sự nhiễu loạn cho Bồ Tát, luôn mang tâm oán ghét, nhằm hãm hại Bồ Tát. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Đức Phật bảo Bồ Tát Tuệ Thượng: Chư Thiên tới lui, có chỗ thưa hỏi, tìm hiểu, nên vì họ mà nêu giảng rộng đủ về pháp bố thí Ba La Mật.
Vì sao?
Vì tạo được nhiều lợi ích, che chở, làm viên mãn các nguyện, phát khởi được hết thảy.
Do nhân duyên gì để hưng khởi sự hành hóa ấy?
Giả sử chúng sinh chỉ an ổn nơi tự lợi, tức không hiểu về bố thí, không biết về sự thọ nhận. Vì thế Chư Thiên hóa hiện từ hư không đến tru xứ của Bồ Tát, thử cầu xin đầu mắt tay chân của Bồ Tát, cả đến vợ con, thành ấp, đất nước.
Khi đó, Bồ Tát đã bố thí đầy đủ khắp theo ý muốn của người cầu xin, với sự dũng mãnh sáng suốt, không khó khăn. Mọi người thấy vậy tức hiểu rõ về sự bố thí nên Bồ Tát tuân phụng, thực hành, không chút luyến tiếc.
Vậy chúng ta cũng nên phát nguyện cầu Phật, tu tập giới cấm, chẳng dám hủy phạm, thuận theo pháp Bồ Tát chưa từng trái bỏ. Bị mắng nhiếc, đánh đập, không sân, bị khinh khi không hận, tức là phát huy rộng khắp pháp nhẫn nhục Ba La Mật, do đấy mà giáo hóa vô số chúng sinh.
Chư Thiên, người thấy những kẻ oán, thân, đến chỗ Như Lai, tức là làm tăng trưởng giới cấm. Đó cũng là phương tiện thiện xảo của Như Lai, chẳng phải là tội báo còn sót lại.
Vì sao?
Vì người dám đến để thử cầu xin, tức đều là phương tiện, lại đều nhằm dẫn dắt tạo lợi ích cho vô số người. Nói tóm lại, chỗ thị hiện của Như Lai về những tai ương tàn dư có mười thứ, nên biết đều là do Phật hành hóa theo phương tiện quyền xảo, thuận theo hoàn cảnh.
Những kẻ mang tâm xấu ác, đa phần chuộng điều phi pháp, nên vì đó mà thị hiện ứng hợp, chẳng phải là có tội báo khiến nhận biết rõ chỗ trừ bỏ nhằm đạt tới trí tuệ vô thượng. Như Lai tán thán chỗ hơn hẳn của phương tiện thiện xảo, đều chẳng phải là tội báo, chỉ là thị hiện. Tạo nhân gì đạt quả nấy, người nghe sẽ sợ hãi không dám làm điều sai trái.
Lại nữa, này Thiện Nam! Nêu giảng rộng về phương tiện quyền xảo, mọi thời đều nên giảng, chẳng phải chỉ cho hạng ngu tối, thấp kém, phước đức ít, mỏng. Cũng không phải chỉ hàng Thanh Văn, Duyên Giác cần nhận biết.
Vì sao?
Vì các hàng ấy chưa từng học hỏi phương tiện thiện xảo. Chỉ có hàng Bồ Tát, Đại Sĩ là thông tỏ chỗ quy về sâu xa. Dụ như đêm tối, trong nhà có đốt lửa, tất soi chiếu sáng khắp nhà, vợ con, quyến thuộc. Bồ Tát cũng lại như vậy. Như có người được nghe về phương tiện Ba La Mật, tức hiểu thấu về tất cả nẻo hành hóa của Bồ Tát, nên siêng năng tu học thuận hợp các pháp căn bản Như Lai đã nêu dẫn.
Như Lai phó chúc cho các vị, những Thiện Nam, Thiện Nữ, muốn cầu đạt Phật đạo, nếu có nơi chốn nào giảng nói về phương tiện thiện xảo, dù cách xa trăm ngàn dặm, cũng nên tìm đến thọ hoc, tức nhận được ánh sáng của đạo pháp.
Vì sao?
Vì nếu có thể nghe, nhận giáo pháp ấy, tức là đã hiển bày, phát huy tất cả Kinh Điển, dứt trừ mọi lưới nghi, diệt hết mọi kết hận.
Bấy giờ, Chư Thiên, người thế gian, bốn bộ chúng đều cùng tán thán: Nếu có người được nghe Kinh nói về phương tiện quyền xảo này, nếu tin tưởng, vui thích thì chính là pháp khí của đạo.
Phật Thuyết giảng Kinh này xong, co bảy vạn hai ngàn người đều phát tâm Bồ Đề, cầu đạt đạo quả Chánh Giác Vô Thượng.
Hiền Giả A Nan bạch Phật: Kinh này nên gọi là gì, làm thế nào để phụng hành?
Phật bảo Hiền Giả A Nan: Kinh này tên là Phẩm Tùy Thời Khéo Dùng Phương Tiện Độ Vô Cực nên theo đấy mà phụng hành.
Phật giảng nói như vậy, Bồ Tát Tuệ Thượng cùng chúng Tỳ Kheo, Bồ Tát Đại Sĩ, tám bộ chúng hộ pháp, thảy đều hoan hỷ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba