Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thập Thượng - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TRƯỜNG A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Ðà Da Xá, Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

KINH THẬP THƯỢNG  

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Phật du hành nước Ương Già, cùng chúng Đại Tỳ Kheo một ngàn hai trăm năm mươi người, đến thành Chiêm Bà, nghĩ đêm bên bờ hồ Già Già. Vào ngày mười lăm trăng tròn, Thế Tôn ngồi ở khoảng đất trống, với đại chúng vây quanh, thuyết pháp cho đến hết đêm.

Rồi Ngài bảo Xá Lợi Phất: Nay các Tỳ Kheo bốn phương tập hợp về đây, thảy đều tinh cần, dẹp bỏ sự ngủ nghỉ, muốn nghe thuyết pháp. Nhưng ta đau lưng, muốn nghỉ ngơi một chút. Thầy nay hãy thuyết pháp cho các Tỳ Kheo.

Sau khi Xá Lợi Phất vâng lời Phật dạy, Thế Tôn bèn gấp tư y Tăng Già Lê, nằm nghiêng về hông phải như sư tử chồng hai chân lên nhau mà nằm.

Bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất nói với các Tỳ Kheo: Nay tôi nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa, khoảng cuối thảy đều chân chánh, có đầy đủ nghĩa và vị, phạm hạnh thanh tịnh. Các thầy hãy lắng nghe, hãy suy ngẫm kỹ. Tôi sẽ giảng thuyết.

Các Tỳ Kheo vâng lời lắng nghe!

Xá Lợi Phất nói: Có pháp thập thượng, trừ các kết phược, dẫn đến Niết Bàn, dứt sạch biên tế của khổ, lại có thể đầy đủ năm trăm năm mươi pháp. Nay tôi sẽ phân biệt. Các thầy hãy lắng nghe.

Này các Tỳ Kheo, có một thành pháp, một tu pháp, một giác pháp, một diệt pháp, một thối pháp, một tăng pháp, một nan giải pháp, một sanh pháp, một tri pháp, một chứng pháp.

Thế nào là một thành pháp?

Đó là: đối với các pháp thiện mà không buông lung.

Thế nào là một tu pháp?

Đó là: Thường tự niệm thân.

Thế nào là một giác pháp?

Đó là: Xúc hữu lậu.

Thế nào là một diệt pháp?

Đó là: Ngã mạn.

Thế nào là một thối pháp?

Đó là: Bất ác lộ quán.

Thế nào là một tăng pháp?

Đó là: Ác lộ quán.

Thế nào là một nan giải pháp?

Đó là: Vô gián định.

Thế nào là một sanh pháp?

Đó là: Hữu lậu giải thoát.

Thế nào là một tri pháp?

Đó là: Hết thảy chúng sanh đều do thức ăn mà tồn tại.

Thế nào là một chứng pháp?

Đó là: Vô ngại tâm giải thoát.

Lại nữa, có hai thành pháp, hai tu pháp, hai giác pháp, hai diệt pháp, hai thối pháp, hai tăng pháp, hai nan giải pháp, hai sanh pháp, hai tri pháp, hai chứng pháp.

Thế nào là hai thành pháp?

Biết tàm và biết quý.

Thế nào là hai tu pháp?

Chỉ và quán.

Thế nào là hai giác pháp?

Danh và sắc.

Thế nào là hai diệt pháp?

Vô minh và ái.

Thế nào là hai thối pháp?

Hủy giới và phá kiến.

Thế nào là hai tăng pháp?

Có giới và có kiến.

Thế nào là hai nan giải pháp?

Có nhân, có duyên, khiến chúng sanh sanh cáu bẩn. Có nhân, có duyên khiến chúng sanh đắc tịnh.

Thế nào là hai sanh pháp?

Tận trí và vô sanh trí.

Thế nào là hai tri pháp?

Thị Xứ và Phi Xứ.

Thế nào là hai chứng pháp?

Minh và giải thoát.

Lại nữa, có ba thành pháp, ba tu pháp, ba giác pháp, ba diệt pháp, ba thối pháp, ba tăng pháp, ba A Nan giải pháp, ba sanh pháp, ba tri pháp, ba chứng pháp.

Thế nào là ba thành pháp?

Thân cận thiện hữu. Tai nghe pháp âm. Thành tựu pháp và tùy pháp.

Thế nào là ba tu pháp?

Đó là ba Tam Muội: Không tam muội, Vô tướng tam muội, Vô tác tam muội.

Thế nào là ba giác pháp?

Đó là ba thọ: Khổ thọ, lạc thọ, phi khổ phi lạc thọ.

Thế nào là ba diệt pháp?

Đó là ba ái: Dục ái, hữu ái, vô hữu ái.

Thế nào là ba thối pháp?

Đó là ba bất thiện căn: Tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn.

Thế nào là ba tăng pháp?

Đó là ba thiện căn: Vô tham thiện căn, vô nhuế thiện căn, vô si thiện căn.

Thế nào là ba nan giải pháp?

Đó là ba điều khó hiểu: Khó hiểu về các Bậc Hiền Thánh, khó hiểu về nghe pháp, khó hiểu về Như Lai.

Thế nào là ba sanh pháp?

Đó là ba tướng: Tức chỉ tướng, tinh tấn tướng, xả ly tướng.

Thế nào là ba tri pháp?

Đó là ba xuất yếu giới: Thoát ly dục lên Sắc Giới.

Thoát ly sắc giới lên Vô Sắc Giới.

Xả ly hết thảy các pháp hữu vi, đó được gọi là diệt tận.

Thế nào là ba chứng pháp?

Đó là ba minh: Túc mạng trí, thiên nhãn trí và lậu tận trí.

Các Tỳ Kheo, đó là ba mươi pháp như thật, không hư dối, Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

Lại nữa, có bốn thành pháp, bốn tu pháp, bốn giác pháp, bốn diệt pháp, bốn thối pháp, bốn tăng pháp, bốn nan giải pháp, bốn sanh pháp, bốn tri pháp, bốn chứng pháp.

Thế nào là bốn thành pháp?

Đó là luân pháp:

Sống ở giữa nước.

Gần thiện hữu.

Tự cẩn thận.

Có gốc rễ thiện đã được trồng từ đời trước.

Thế nào là bốn tu pháp?

Đó là Bốn Niệm Xứ: Tỳ Kheo quán thân trên nội thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời, quán thân trên ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời.

Quán thân trên nội ngoại thân, tinh cần không biếng nhác, ức niệm không quên, trừ tham ưu ở đời.

Quán thọ.

Quán ý.

Quán pháp cũng như vậy.

Thế nào là bốn giác pháp?

Đó là bốn thức ăn: Thức ăn bằng vo nắm, thức ăn bằng cảm xúc, thức ăn bằng tư niệm, thức ăn do thức.

Thế nào là bốn diệt pháp?

Đó là bốn thủ: Dục thủ, ngã ngữ thủ, giới cấm thủ và kiến thủ.

Thế nào là bốn thối pháp?

Đó là bốn ách: Dục là ách, hữu là ách, kiến là ách, vô minh là ách.

Thế nào là bốn tăng pháp?

Đó là bốn vô ách: Không có ách là dục, không có ách là hữu, không có ách là kiến, không có ách là vô minh.

Thế nào là bốn nan giải pháp?

Đó là Bốn Thánh Đế: Khổ đế, tập đế, diệt đế, đạo đế.

Thế nào là bốn sanh pháp?

Đó là bốn trí: Pháp trí, vị tri trí, đẳng trí, tha tâm trí.

Thế nào là bốn tri pháp?

Đó là bốn biện tài: Pháp biện, nghĩa biện, từ biện, vô ngại biện.

Thế nào là bốn chứng pháp?

Đó là bốn Sa Môn quả: Tu Đà Hoàn quả, Tư Đà Hàm quả, A Na Hàm quả, A La Hán quả. Các Tỳ Kheo, đó là bốn mươi pháp, như thật, không hư dối, Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

Lại nữa, có năm thành pháp, năm tu pháp, năm giác pháp, năm diệt pháp, năm thối pháp, năm tăng pháp, năm nan giải pháp, năm sanh pháp, năm tri pháp, năm chứng pháp.

Thế nào là năm thành pháp?

Đó là năm diệt tận chi: Tin Phật Như Lai, Chí Chân, mười hiệu thành tựu.

Không bệnh, thân thường an ổn.

Chất trực, không dua xiểm, hướng thẳng đến con đường dẫn đến Niết Bàn của Như Lai.

Chuyên tâm không tán loạn, đọc tụng cũng không quên lãng.

Khéo léo quán sát sự sinh diệt của pháp, bằng thực hành của Hiền Thánh mà diệt tận gốc rễ khổ.

Thế nào là năm tu pháp?

Đó là năm căn: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.

Thế nào là năm giác pháp?

Đó là năm thọ ấm: Sắc thọ ấm, thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.

Thế nào là năm diệt pháp?

Đó là năm cái: Tham dục cái, sân nhuế cái, thụy miên cái, trạo hối cái và nghi cái.

Thế nào là năm thối pháp?

Đó là năm tâm ngại kết: Tỳ Kheo nghi Phật. Nghi Phật rồi thì không thân cận. Không thân cận rồi thì không cung kính. Đó là tâm ngại kết thứ nhất.

Lại nữa, Tỳ Kheo, đối với pháp, đối với chúng, đối với giới, có lọt, có rỉ, có hành vi không chân chánh, có hành vi ô nhiễm, không thân cận giới, cũng không cung kính. Đó là bốn tâm ngại kết.

Lại nữa, Tỳ Kheo đối với người đồng phạm hạnh sanh tâm ác hại, tâm không hỷ lạc, mắng chửi bằng những lời thô lỗ. Đó là tâm ngại kết thứ năm.

Thế nào là năm tăng pháp?

Đó là năm gốc rễ của hỷ: Vui vẻ, niệm, khinh an, lạc, định.

Thế nào là năm nan giải pháp?

Đó là năm giải thoát xứ, nếu Tỳ Kheo tinh cần không biếng nhác, ưa chỗ nhàn tĩnh, chuyên niệm nhất tâm, chưa giải thì được giải, chưa diệt tận thì được diệt tận, chưa an thì được an.

Những gì là năm?

Nếu Tỳ Kheo nghe Phật thuyết pháp hoặc nghe đồng phạm hạnh thuyết, hoặc nghe Sư Trưởng thuyết, tư duy, quán sát, phân biệt pháp nghĩa, tâm được hoan hỷ.

Tâm được hoan hỷ rồi thì được pháp ái, được pháp ái rồi thì thân tâm an ổn. Thân tâm an ổn rồi thì đắc thiền định. Đắc thiền định rồi thì đắc như thật trí. Đó là giải thoát xứ thứ nhất. Ở đây, Tỳ Kheo nghe pháp hoan hỷ, thọ trì đọc tụng cũng hoan hỷ, thuyết giảng cho người khác cũng hoan hỷ, tư duy phân biệt cũng lại hoan hỷ, đối với pháp mà đắc định cũng giống như vậy.

Thế nào là năm sanh pháp?

Đó là năm trí định của Hiền Thánh: 

Tu Tam Muội là, nay an lạc về sau cũng an lạc, sanh nội ngoại trí.

Là Hiền Thánh vô ái, sanh nội ngoại trí.

Là định mà Chư Phật và các Hiền Thánh tu hành, sanh nội ngoại trí.

Là êm dịu, tịch diệt tướng, độc nhất không gì sánh ngang, sanh nội ngoại trí.

Đối với tam muội nhất tâm nhập, nhất tâm khởi, sanh nội ngoại trí.

Thế nào là năm tri pháp?

Đó là năm xuất yếu giới: Tỳ Kheo đối với dục không lạc, không niệm tưởng, cũng không thân cận, mà chỉ niệm tưởng sự xuất yếu, hoan lạc nơi sự viễn ly, thân cận không biếng nhác, tâm vị ấy nhu nhuyến, xuất yếu, ly dục. Lậu khởi do bởi dục cũng bị diệt tận mà đắc giải thoát. Đó là dục xuất yếu.

Sân nhuế xuất yếu.

Tật đố xuất yếu.

Sắc xuất yếu.

Thân kiến xuất yếu cũng giống như vậy.

Thế nào là năm chứng pháp?

Đó là năm tụ vô học: Tụ vô học giới, tụ vô học định, tụ vô học tuệ, tụ vô học giải thoát, tụ vô học giải thoát tri kiến. Các Tỳ Kheo, đó là năm mươi pháp, như thật, không hư dối. Như Lai đã biết, rồi thuyết pháp một cách xác thực.

Lại nữa, có sáu thành pháp, sáu tu pháp, sáu giác pháp, sáu diệt pháp, sáu thối pháp, sáu tăng pháp, sáu nan giải pháp, sáu sanh pháp, sáu tri pháp, sáu chứng pháp.

Thế nào là sáu thành pháp?

Đó là sáu trọng pháp: Nếu có Tỳ Kheo tu sáu pháp tôn trọng, đáng kính đáng trọng, hòa hợp với chúng không có tranh tụng, độc hành không hỗn tạp.

Những gì là sáu?

Ở đây, Tỳ Kheo thân thường hành từ, kính đồng phạm hạnh, sống với tâm nhân ái. Đó gọi là trọng pháp, đáng kính, đáng trọng, hòa hợp với chúng, không có tranh tụng, độc hành không hỗn tạp.

Lại nữa, Tỳ Kheo khẩu hành từ, ý hành từ, được vật lợi dưỡng đúng pháp và những thức ăn ở trong bát cũng đều đem chia cho người khác dùng chung, không phân biệt đây kia.

Lại nữa, Tỳ Kheo, đối với giới mà Bậc Thánh hành trì, không phạm, không hủy, không nhiễm ô, được bậc trí khen ngợi, khéo thọ trì đầy đủ, thành tựu định ý.

Lại nữa, Tỳ Kheo chánh kiến về các phạm hạnh để thành tựu sự xuất yếu của Hiền Thánh, để chân chánh diệt tận khổ, đó gọi là trọng pháp, đáng kính đáng trọng, hòa hợp với chúng, không có tranh tụng, độc hành không tạp.

Thế nào là sáu tu pháp?

Đó là sáu tu niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, niệm Thiên.

Thế nào là sáu giác pháp?

Đó là sáu nội nhập: Nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập.

Thế nào là sáu diệt pháp?

Đó là sáu ái: Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái.

Thế nào là sáu thối pháp?

Đó là sáu pháp bất kính: Không kính Phật, không kính pháp, không kính Tăng, không kính giới, không kính định, không kính cha mẹ.

Thế nào là sáu tăng pháp?

Đó là sáu pháp kính: Kính Phật, kính pháp, kính Tăng, kính giới, kính định, kính cha mẹ.

Thế nào sáu nan giải pháp?

Đó là sáu vô thượng: Kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi dưỡng vô thượng, giới vô thượng, cung kính vô thượng, niệm vô thượng.

Thế nào là sáu sanh pháp?

Đó là sáu đẳng pháp: Ở đây, Tỳ Kheo, mắt thấy sắc, không ưu, không hỷ, an trú xả, chuyên niệm. Tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý tưởng pháp, không ưu, không hỷ, an trú xả, chuyên niệm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường