Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Bảy - Phẩm Bảy Bài Kệ - Chuyện Người Thợ Gốm Tiền Thân Kumbhakàra

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG BẢY  

PHẨM BẢY BÀI KỆ  

CHUYỆN NGƯỜI THỢ GỐM

TIỀN THÂN KUMBHAKÀRA  

Cây xoài ta thấy ở rừng xanh. Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Kỳ Viên về việc khiển trách lỗi lầm. Hoàn cảnh câu chuyện xuất hiện trong Tiền Thân Pàniya.

Thời ấy tại Xá Vệ có năm trăm người bạn cùng xuất gia tụ tập, an trú tại Tinh Xá trên con Ðường Lát Vàng tức Kỳ Viên, lại khởi lên dục tưởng lúc nửa đêm.

Bậc Ðạo Sư quan sát các đệ tử ba lần ban đêm và ba lần ban ngày, tức sáu lần suốt ngày đêm, như chim dẻ cùi ấp trứng, như bò yak gìn giữ cái đuôi, như bà mẹ chăm sóc đứa con yêu quý, như người chột canh chừng con mắt còn lại. Vì vậy Ngài khiển trách ngay khi lỗi lầm vừa sinh khởi.

Nửa đêm hôm ấy Ngài quan sát Kỳ Viên và biết tâm tư của Chúng Tăng, Ngài suy nghĩ: Nếu lỗi lầm này tăng trưởng giữa Tăng Chúng, nó sẽ hủy hoại đời phạm hạnh đưa đến Thánh Quả. Ta muốn khiển trách lỗi lầm này ngay bây giờ và nêu rõ đời phạm hạnh. Thế rồi Ngài rời Hương phòng và gọi Tôn Giả Àanda, truyền Tôn Giả triệu tập Chư Tăng tại đó đến họp lại và Ngài ngồi xuống sàng tọa đã soạn sẵn cho Đức Phật.

Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, sống dưới sức chi phối của các dục tưởng là không chân chánh. Nếu tham dục tăng trưởng sẽ gây họa lớn như một địch thủ.

Mỗi Tỳ Kheo phải khiển trách một lỗi lầm dù nhỏ nhặt. Các Trí nhân ngày xưa thấy rõ ngay cả mọi duyên cớ thật nhỏ, nên đã khiển trách mọi dục tưởng khi vừa mới khởi sinh, do vậy đã đắc quả Ðộc Giác Phật.

Nói xong, Ngài kể một chuyện đời xưa. Ngày xưa khi Vua Brahmadatta trị vì Ba La Nại, Bồ Tát được sinh vào một gia đình thợ gốm ở ngoại ô Ba La Nại.

Khi lớn lên, Ngài thành gia chủ có một con trai, một con gái và nuôi dưỡng vợ con với nghề gốm của Ngài. Thời ấy tại Vương Quốc Kalinga, trong Kinh Thành Dantapura, Quốc Vương mệnh danh Karandu đang dạo chơi với Quần Thần đông đảo trong ngự viên, chợt thấy ở cổng vườn một cây xoài nặng trĩu quả ngọt.

Từ trên lưng voi, Vua đưa tay ra hái một chùm xoài, sau đó vào ngự viên ngồi trên bảo tọa ăn xoài và ban vài trái cho những kẻ được ân sủng. Từ khi Vua hái xoài, đám triều thần, Bà La Môn, gia chủ nghĩ rằng người khác cũng nên làm như thế, họ hái xoài xuống và ăn trái cây ấy.

Sau đó họ đến nhiều lần trèo cây lấy gậy đập vào làm gãy cành lá tả tơi, họ ăn xoài và cũng không chừa lại những trái chưa chín.

Vua vui chơi trong ngự viên suốt ngày mãi tận chiều, đi ngang qua trên Vương tượng, Ngài bước xuống khi thấy cây xoài và đến gốc cây nhìn lên, suy nghĩ: Sáng này cây tươi đẹp với cành nặng trĩu quả, nhưng đám người ngắm cảnh không thỏa mãn, nay, nó đứng kia không còn tươi đẹp nữa vì trái cây đã bị phá nát và rớt xuống hết rồi.

Vua lại nhìn sang một cây kia không có trái và suy nghĩ: Cây xoài này tươi tốt vì không sinh trái khác nào núi trọc chứa đầy châu báu.

Cây kia vì sinh trái nên đã gặp tai họa: Ðời sống tại gia cũng giống như cây có trái, đời xuất gia giống như cây không trái, người giàu tiền hay sợ hãi, người nghèo khó chẳng sợ gì. Ta cũng chỉ muốn như cây không trái kia.

Như vậy lấy cây sinh trái làm chủ đề, Ngài đứng dưới gốc cây, quan sát ba đặc tính: Vô thường, khổ, vô ngã và đạt tuệ giác.

Ngài đắc quả Ðộc Giác Phật, liền suy nghĩ: Từ nay thai tạng đã xa rời ta, tái sinh trong ba cõi đã đoạn tận, các cấu uế của vòng luân hồi sinh tử đã được thanh tịnh, biển nước mắt đã khô cạn, thành xương khô đã sụp đổ, ta không còn tái sinh nữa. Ngài đứng uy nghi như thể được trang điểm mọi thứ ngọc vàng.

Sau đó các Đại Thần bảo: Tâu Ðại Vương, Ngài đứng đã quá lâu. Ta không phải Ðại Vương, ta là Ðộc Giác Phật. Tâu Ðại Vương, các Ðộc Giác Phật không giống Ngài.

Thế thì các vị ấy ra sao?

Râu tóc các Ngài được cạo sạch, các Ngài khoác y vàng, không còn lưu luyến gia đình bộ tộc, các Ngài như mây trôi theo gió cuốn hay mặt trăng thoát khỏi thần Ràhu, và các Ngài an trú trên Tuyết Sơn, ở động Nandamùla. Tâu Ðại Vương, các Ngài Ðộc Giác Phật là như vậy.

Ngay lúc ấy Vua đưa tay lên sờ đầu lập tức các dấu hiệu của một gia chủ biến mất, và các dấu hiệu của một Sa Môn xuất hiện:

Bộ ba y, bình bát, với kim may,

Lưỡi dao cạo, đồ lọc nước, dây đai

Là tám món một Sa Môn cần có.

Tám món cần thiết của một Sa Môn như chúng vẫn thường được gọi, đã dính chặt vào thân Ngài. Ðương trên không, Ngài thuyết pháp cho quần thần rồi bay qua bầu Trời đến sơn động Nandamùla trên miền thượng Tuyết Sơn.

Trong Quốc Độ Candahar ở Kinh Thành Takkasilà, vị Vua mệnh danh Naggaji ngự trên thượng lầu, giữa Vương sàng, thấy một nữ nhân đeo vòng ngọc trên một tay, đang xay hương liệu gần đó, Vua suy nghĩ: Các vòng ngọc này không cọ xát hoặc kêu leng keng khi rời nhau, và cứ ngắm nghía nàng ấy mãi. Sau đó, nàng ấy đặt chiếc vòng từ tay phải sang tay trái và dùng tay phải thu góp hương liệu rồi bắt đầu xay tiếp. Chiếc vòng trên tay trái chạm vào chiếc vòng kia gây tiếng động.

Vua quan sát hai chiếc vòng cọ xát vào nhau, gây âm thanh, liền suy nghĩ: Vòng ấy khi để riêng không chạm vào vật gì cả, nay đụng vào vòng thứ hai gây tiếng động, khi hai ba chiếc vòng chạm nhau tạo thành tiếng ồn lớn. Nay ta trị thần dân ở hai Quốc Độ Cashmere và Candahar, ta cũng cần phải ở riêng như chiếc vòng độc nhất để tự trị chứ không trị kẻ khác nữa.

Như vậy lấy việc cọ xát hai chiếc vòng làm chủ đề, trong lúc ngồi đó, Vua nhận thức ba đặc tính trên và đạt Tuệ giác, đắc quả Ðộc Giác Phật. Phần cuối câu chuyện cũng như trên.

Trong Quốc Độ Videha, tại thành Mithilà, Quốc Vương mệnh danh Nimi, sau buổi điểm tâm, được các triều thần chầu quanh mình, đứng nhìn xuống đường phố qua cửa sổ Hoàng Cung mở rộng.

Một con diều hâu sau khi chụp được miếng thịt từ chợ, đang bay vụt trên không. Một vài con kên kên và các thứ chim khác, vây lấy diều hâu mọi phía, liên tiếp lấy mỏ mổ vào, lấy cánh đập và lấy chân đạp con kia để dành miếng thịt.

Không chịu để cho chúng giết, diều hâu đành thả miếng thịt, một chim khác chụp ngay lấy, và bọn chúng lại mổ con kia như trước.

Vua thấy bầy chim, suy nghĩ: Ai lấy miếng thịt, khổ đau đến với kẻ ấy. Ai bỏ miếng thịt, hạnh phúc đến với kẻ ấy. Ai hưởng năm dục lạc, khổ đau đến với kẻ ấy. ai bỏ năm dục lạc, hạnh phúc đến với kẻ ấy. Nay ta có mười sáu ngàn cung nữ, ta cần phải sống trong hạnh phúc sau khi từ bỏ năm dục lạc như diều hâu bỏ miếng thịt.

Quan sát việc này với trí tuệ, ngay khi đứng tại đó, Vua nhận thức ba đặc tính trên, chứng đắc tuệ giác và thành đạt viên trí của quả Ðộc Giác Phật. Phần cuối cũng như trên.

Trong Vương Quốc Uttarapãncàla, tại Kinh Thành Kampilla, vị Vua mệnh danh Dummukha, sau buổi điểm tâm, được trang điểm các món châu báu và Quần Thần vây quanh, đứng nhìn xuống sân chầu qua cửa sổ. Vào lúc ấy, có người mở cửa chuồng bò.

Các bò đực từ trong chuồng đang chạy theo một con bò cái, một con bò đực lớn với cái sừng nhọn chợt thấy một con đực khác chạy đến, liền ghen tức lấy sừng nhọn đâm vào hông con kia. Do bị húc quá mạnh, nó đổ ruột ra ngoài chết ngay tại chỗ.

Vua thấy cảnh này, suy nghĩ: Mọi loài từ súc vật trở lên đều chịu khổ đau vì lòng dục, con bò này vì lòng dục phải chịu chết. Mọi loài khác đều bị tham dục gây phiền lụy. Ta cần bỏ hết mọi tham dục làm phiền lụy mọi loài.

Như vậy trong lúc đang đứng, Vua nhận thức ba đặc tính trên, chứng đắc tuệ giác và thành đạt viên trí của quả Ðộc Giác Phật. Phần cuối cũng như trên.

Sau đó, một hôm, bốn vị Ðộc Giác Phật, xét thấy đến thời đi khất thực liền rời động Nandamùla, sau khi chùi sạch răng bằng cách nhai cau tại hồ Anotatta, và sau khi đã hoàn tất mọi nhu cầu vệ sinh xong, các vị mang y bát dùng thần thông bay lên không, lướt qua các đám mây ngũ sắc, rồi hạ xuống không xa một ngoại ô của Ba La Nại.

Tại một địa điểm tiện lợi, các vị khoác y, cầm bình bát đi vào vùng ngoại ô khất thực cho đến khi dừng lại trước cửa nhà Bồ Tát. Bồ Tát thấy các vị lòng hoan hỷ mời vào nhà ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, Ngài rót nước cung nghênh và đãi các món thượng vị đủ loại cứng và mềm.

Sau đó ngồi một bên, Ngài kính chào vị trưởng thượng và nói: Thưa Tôn Giả, đời tu hành của Ngài quả thật tốt đẹp, các căn của Ngài thật an tịnh, làn da của Ngài thật trong sáng.

Chủ đề suy tư gì đã khiến Ngài khởi đầu đời sống tu hành và xuất gia?

Cả bốn vị liền đáp: Tôi trước kia có tên như vậy, làm Vua ở tại Kinh Thành nọ trong Quốc Độ kia.

Ðại khái như thế và theo cách này mỗi vị lần lượt ngâm vần kệ nêu nguyên nhân giã từ thế tục của mình:

Cây xoài ta thấy ở rừng xanh,

Ðen rậm, cao to, trái trĩu cành,

Vì trái, con người đà phá gãy,

Lòng ta chính thế muốn cầm bình.

Vòng sáng nhờ tay thợ nổi danh,

Người đeo một chiếc chẳng âm thanh,

Chiếc kia va chạm gây huyên náo,

Vì thế lòng ta muốn chiếc bình.

Ðàn chim xâu xé vật cô thân,

Ðơn độc mang theo miếng thịt ăn,

Chim bị đánh đau vì miếng thịt,

Lòng ta chính thế muốn ly trần.

Bò đực kiêu căng giữa đám bò

Vươn lưng, khỏe đẹp, bước chân ra,

Chết vì lòng dục: sườn đâm mạnh,

Do vậy lòng ta muốn xuất gia.

Bồ Tát nghe mỗi vần kệ đều nói: Tốt lành thay, thưa Tôn Giả, chủ đề của Ngài thật thích hợp. Và như vậy Ngài tán thán mỗi vị Ðộc Giác Phật. Sau khi nghe các vị thuyết pháp, Ngài trở nên chán ngán đời sống tại gia.

Khi các vị ra đi, sau buổi điểm tâm, Ngài ngồi thư thái, gọi vợ lại bảo: Này hiền thê, bốn vị Ðộc Giác Phật rời bỏ Vương Quốc trở thành Sa Môn nay sống không lỗi lầm, không chướng ngại, hưởng niềm Cực Lạc của đời tu hành. Trong lúc ấy ta phải tìm kế sinh nhai qua ngày.

Ta còn phải làm gì với đời gia chủ nữa?

Xin nàng nuôi các con và ở lại nhà.

Rồi Ngài ngâm hai vần kệ:

Vua Karan du xứ Kalinga,

Vua Naggàji xứ Gandhàra,

Vua Dummu kha xứ Pancàla,

Ðại đế Nimi xứ Videha,

Tất cả các Ngài rời bảo tọa,

Sống không lầm lỗi, giã từ nhà.

Các Ngài trông dáng tựa Thiên Thần,

Chẳng khác nào vầng lửa sáng bừng,

Ta cũng muốn ra đi tiến bước

Xa lìa mọi vật thế nhân mong.

Nghe lời Ngài, bà vợ đáp: Này phu quân, từ khi thiếp nghe giáo pháp của các vị Ðộc Giác Phật, thiếp cũng không muốn ở trong nhà nữa.

Và bà ngâm kệ:

Thời cơ thiếp biết chính là đây,

Chẳng có Ðạo Sư hơn các Ngài,

Chàng hỡi, thiếp mong xuất thế nữa,

Như con chim được thoát bàn tay.

Bồ Tát nghe lời bà nói liền yên lặng, Bà vợ nôn nóng xuất gia tu hành trước Ngài, và đang muốn đánh lừa Ngài, liền giả vờ nói: Này phu quân, thiếp sắp ra hồ nước, chàng hãy chăm nom các con. Rồi bà cầm chiếc bình như thể đi đến đó và bà đi thẳng đến các vị Ẩn Sĩ ngoại thành xin truyền giới xuất gia. Bồ Tát không thấy bà trở về, đành phải tự tay chăm sóc các con.

Về sau chúng lớn khôn hơn một chút và tự chúng có thể hiểu biết đôi chút, Ngài muốn dạy chúng nấu cơm, nên Ngài thường nấu một ngày cơm hơi cứng và sống, một ngày cơm hơi sống, một ngày cơm chín, một ngày cơm nhão, một ngày không có muối, một ngày quá nhiều muối.

Bầy trẻ nói: Cha ơi, hôm nay cơm chưa chín, hôm nay cơm nhão, hôm nay không có muối, hôm nay quá nhiều muối.

Bồ Tát đáp: Ðúng vậy, các con thân yêu.

Rồi Ngài suy nghĩ:

Các con nay đã biết cơm nào sống, cơm nào chín, cơm nào có muối, cơm nào không: Thế là chúng có thể sống riêng đời chúng rồi. Ta cần phải xuất gia. Sau đó, Ngài đưa chúng đến gặp đám thân quyến xong, Ngài liền xuất gia tu hành, cư trú ở ngoại thành.

Một hôm vị nữ tu khổ hạnh đi khất thực ở Ba La Nại thấy Ngài, liền kính chào và nói: Thưa Tôn Giả, tôi chắc Tôn Giả đã giết bầy trẻ rồi.

Bồ Tát đáp: Ta không giết bầy trẻ, khi chúng có thể tự mình biết việc, ta mới xuất gia. Còn bà đã không quan tâm đến chúng và vui lòng với việc xuất gia trước ta.

Rồi Ngài ngâm vần kệ cuối cùng:

Thấy con biết mặn, nhạt khi ăn,

Cơm sống, chín, ta đã bước chân,

Nay để yên ta, người một nẻo,

Ta cùng theo giáo pháp chân nhân.

Khuyến giáo vị nữ tu khổ hạnh như vậy xong, Ngài từ giã bà. Bà nhận lời khuyến giáo ấy, kính bái Bồ Tát và đi đến một nơi vừa ý. Sau ngày ấy, hai vị không bao giờ gặp lại nhau. Bồ Tát chứng đắc thắng trí được tái sinh lên Phạm Thiên Giới. Sau pháp thoại, Bậc Ðạo Sư tuyên thuyết các sự thật. Khi các sự thật kết thúc, năm trăm Tỳ Kheo đắc Thánh Quả A La Hán.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Thời ấy con gái là Uppalavannà Liên Hoa Sắc, con trai là Ràhula La Hầu La, nữ tu sĩ là mẫu thân Rahula và nhà khổ hạnh ấy chính là ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần