Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh A Ma Trú - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH A MA TRÚ  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe!

Một thời Thế Tôn đang du hành tại nước Kosala Câu Tát La, cùng với đại chúng Tỳ Kheo khoảng năm trăm vị và đến tại một làng Bà La Môn ở Kosala tên là Icchànankala.

Tại đây, Thế Tôn ở tại Icchànankala trong khu rừng tên là Icchànankala.

Lúc bấy giờ, Bà La Môn Pokkharasàdi ở tại Ukkattha, một chỗ dân cư đông đúc, cây cỏ, ao nước, ngũ cốc phong phú, vốn là đất đai của Vua, sau Vua Pasenadi Ba Tư Nặc cấp cho để hưởng một phần lợi tức.

Bà La Môn Pokkharasàdi nghe đồn: Sa Môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích Ca, nay đang du hành tại nước Kosala, cùng với đại chúng Tỳ Kheo khoảng năm trăm vị, đã đến Icchànankala, ở tại Icchànankala trong khu rừng tên là Icchànankala.

Những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa Môn Gotama: Ngài là bậc Thế Tôn, A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Ngài đã tự chứng ngộ Thế Giới này với Thiên Giới, Ma Giới, Phạm Thiên Giới, với các chúng Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên và loài người, tự chứng ngộ rồi hiển thị cho mọi loài được biết, Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, trình bày phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. Nếu được yết kiến một vị A La Hán như vậy thì rất quý.

Lúc bấy giờ, thanh niên Ambattha A Ma Trú là đệ tử của Bà La Môn Pokkharasàdi, một vị đọc tụng Thánh Điển, chấp Trì Chú thuật, tinh thông ba tập Vệ Đà với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu thuận thế luận và Đại Nhân tướng.

Vị này độc đáo về ba minh và được công nhận như vậy khiến các thân giáo sư phải nói: Ðiều gì ta biết, ngươi cũng biết, điều gì ngươi biết, ta cũng biết.

Lúc bấy giờ Bà La Môn Pokkharasàdi nói với thanh niên Ambattha: Này Ambattha thân yêu, Sa Môn Gotama là Thích Tử, xuất gia từ dòng họ Thích Ca, nay đang du hành tại nước Kosala, cùng với Đại Chúng Tỳ Kheo khoảng năm trăm vị, đã đến tại Icchànankala trú tại Icchànankala.

Những tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Sa Môn Gotama: Ngài là bậc Thế Tôn, A La Hán, Chánh Ðẳng Giác,  Phật, Thế Tôn.

Ngài đã chứng ngộ Thế Giới này với Thiên Giới, Ma Giới, Phạm Thiên Giới, với các chúng Sa Môn, Bà La Môn, Chư Thiên và loài người, tự chứng ngộ rồi hiển thị cho mọi loài được biết.

Ngài thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, trình bày phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh. Nếu được yết kiến một vị A La Hán như vậy thì rất quý.

Này Ambattha thân yêu, hãy đi đến gặp Sa Môn Gotama, và tìm hiểu lời đồn về Tôn Giả Gotama là như vậy hay không phải như vậy. Nhờ vậy, chúng ta sẽ được biết về Tôn Giả Gotama.

Làm thế nào con được biết về Tôn Giả Gotama, được biết lời đồn về Tôn Giả Gotama như vậy là đúng hay không, có phải Tôn Giả Gotama là như vậy, hay không phải như vậy?

Ambattha thân yêu, theo truyền thống của chúng ta về ba mươi hai tướng của vị Đại Nhân, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn trong hai con đường, không có đường nào khác.

Nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển Luân Thánh Vương chinh phục mọi Quốc Độ, đầy đủ bảy châu báu. Bảy món báu này là xe báu, voi báu, ngựa báu, ma ni báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu.

Và vị này có hơn một ngàn con trai, là những vị anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống, thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với chánh pháp, không dùng gậy, không dùng dao.

Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, quét sạch mê lầm ở đời. Này Ambattha thân yêu, ta đã cho con Chú thuật. Con đã nhận những chú thuật ấy.

Thưa vâng! Thanh niên Ambattha vâng theo lời của Bà La Môn Pokkharasàdi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Bà La Môn Pokkharasàdi, hướng thân về phía hữu, cỡi xe ngựa cái và cùng một số đông thanh niên khác đi đến khu rừng Icchànankala.

Ði xe đến chỗ không còn đi được xe, Ambattha liền xuống xe đi bộ và đến tại Tịnh Xá. Lúc bấy giờ một số đông Tỳ Kheo đang đi kinh hành ngoài Trời.

Thanh niên Ambattha liền đến các Tỳ Kheo ấy và hỏi: Các Hiền Giả, nay Tôn Giả Gotama ở tại chỗ nào?

Chúng tôi đến đây để yết kiến Tôn Giả Gotama.

Các Tỳ Kheo liền nghĩ: Thanh niên Ambattha này thuộc một gia đình có danh tiếng, là đệ tử của Bà La Môn Pokkharasàdi, một vị cũng có danh tiếng.

Một cuộc đối thoại như vậy giữa Thế Tôn và con một quý tộc như vậy, không có khó khăn gì.

Những Tỳ Kheo ấy nói với thanh niên Ambattha: Này Ambattha, tịnh xá đóng cửa kia là chỗ ở của Ngài. Hãy đến đó một cách yên lặng, không vượt qua hành lang, đằng hắng và gõ vào thanh cửa, Thế Tôn sẽ mở cửa cho ông.

Thanh niên Ambattha liền đi đến Tịnh Xá đóng cửa ấy một cách yên lặng, không vượt quá hành lang, đằng hắng và gõ vào thanh cửa.

Thế Tôn mở cửa và thanh niên Ambattha bước vào.

Các thanh niên khác cũng bước theo, nói những lời chào đón hỏi thăm xã giao với Thế Tôn và ngồi xuống một bên, còn thanh niên Ambattha thời đi qua đi lại, thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Thế Tôn đang ngồi, hay đứng lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi Thế Tôn đang ngồi.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nói với thanh niên Ambattha: Có phải, đối với các bậc Bà La Môn Trưởng Lão, đứng tuổi, các bậc Giáo Sư và Tổ Sư, ngươi cũng nói chuyện như vậy, như ngươi đã đi qua lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi ta đang ngồi, hay đứng lại thốt ra những lời hỏi thăm nhát gừng trong khi ta đang ngồi?

Không phải vậy, này Gotama!

Phải đi mà nói chuyện với một vị Bà La Môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đi.

Phải đứng mà nói chuyện với một vị Bà La Môn, này Gotama, nếu vị ấy đang đứng.

Phải ngồi mà nói chuyện với một vị Bà La Môn, này Gotama, nếu vị ấy đang ngồi.

Phải nằm mà nói chuyện với một vị Bà La Môn, này Gotama, nếu vị ấy đang nằm.

Chỉ với những vị Sa Môn hèn hạ, trọc đầu, đê tiện, đen đủi, sanh từ nơi chân của bà con ta, thì ta mới nói chuyện như vậy, như với ngươi, Gotama.

Này Ambattha, hình như ngươi đến đây với một ý định gì?

Ngươi hãy khéo tác ý đến mục đích đã đưa ngươi đến đây. Thanh niên Ambattha này thật vô giáo dục, dầu nó tự cho là có giáo dục.

Như vậy là vô giáo dục, có gì khác nữa!

Thanh niên Ambattha bị Thế Tôn gọi là vô giáo dục như vậy, liền phẫn nộ, tức tối, muốn nhục mạ Thế Tôn, phỉ báng Thế Tôn, công kích Thế Tôn, và nghĩ: Sa Môn Gotama có ác ý đối với ta, liền nói với Thế Tôn:

Này Gotama, thô bạo là dòng họ Thích Ca.

Này Gotama, ác độc là dòng họ Thích Ca.

Này Gotama, khinh suất là dòng họ Thích Ca.

Này Gotama hung dữ là dòng họ Thích Ca.

Là đê tiện, thuộc thành phần đê tiện, dòng họ Thích Ca không kính nhường Bà La Môn, không lễ bái Bà La Môn, không cúng dường Bà La Môn, không tôn trọng Bà La Môn.

Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp, khi dòng họ Thích Ca này, những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện lại không kính nhường Bà La Môn, không cung kính Bà La Môn, không lễ bái Bà La Môn, không cúng dường Bà La Môn, không tôn trọng Bà La Môn. Như vậy, thanh niên Ambattha lần đầu tiên đã buộc tội dòng họ Thích Ca là đê tiện.

Này Ambattha, dòng họ Thích Ca đã làm gì phật lòng ngươi?

Này Gotama, một thời ta đi đến Kapilavatthu Ca Tỳ La Vệ có việc phải làm cho thầy ta là Bà La Môn Pokkharasàdi, và đến tại công hội trường của dòng họ Thích.

Lúc bấy giờ một số đông dòng họ Thích Ca và thanh niên Thích Ca đang ngồi trên ghế cao tại công hội trường.

Chúng cười với nhau, dùng ngón tay thọc cù nôn với nhau, ta nghĩ chắc chắn ta là mục tiêu cho chúng đùa giỡn với nhau, lại không ai mời ta ngồi.

Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp, khi chúng Thích Ca này là những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện lại không kính nhường Bà La Môn, không cung kính Bà La Môn, không lễ bái Bà La Môn, không cúng dường Bà La Môn, không tôn trọng Bà La Môn

Như vậy thanh niên Ambattha lần thứ hai đã buộc tội dòng họ Thích Ca là đê tiện. Này Ambattha, cũng như con chim cáy, con chim cáy con có thể tự hát thỏa thích trong tổ của nó.

Này Ambattha, Kapilavatthu thuộc dòng họ Thích Ca. Thật không xứng để cho Ambattha phải phật lòng vì một vấn đề nhỏ mọn này.

Này Gotama, có bốn giai cấp: Sát Đế Lỵ, Bà La Môn, Phệ xá và Thủ Đà La.

Này Gotama, trong bốn giai cấp này, ba giai cấp Sát Đế Lỵ, Phệ xá và Thủ Đà La là để hầu Hạ Hạng Bà La Môn.

Này Gotama, như vậy thật không phải lẽ, thật không đúng pháp khi Chúng Thích Ca này là những hạng đê tiện, thuộc thành phần đê tiện, lại không kính nhường Bà La Môn, không cung kính Bà La Môn, không lễ bái Bà La Môn, không tôn trọng Bà La Môn.

Như vậy, thanh niên Ambattha lần thứ ba đã buộc tội dòng họ Thích Ca là đê tiện.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ: Thanh niên Ambattha này đã phỉ báng dòng họ Thích Ca đê tiện một cách quá đáng. Nay ta phải hỏi dòng họ của nó.

Rồi Thế Tôn hỏi thanh niên Ambattha: Dòng họ ngươi là gì?

Này Gotama, dòng họ ta là Kanhàyana!

Này Ambattha, nếu theo Phụ Mẫu hệ của ngươi về quá khứ, thời dòng họ Thích Ca là thầy của ngươi. Và ngươi là con của một nữ tỳ của dòng họ Thích Ca.

Này thanh niên Ambattha, Tổ Tiên của Thích Ca là Vua Okkàka.

Thuở xưa, này Ambattha, Vua Okkàka muốn trao vương vị cho Hoàng Tử con bà Hoàng Hậu chính mà Vua thương yêu, bèn đuổi ra khỏi nước những người con đầu của mình là Okkàmukha, Karandu, Hatthiniya, Sinipura.

Bị tẩn xuất khỏi nước, những Hoàng Tử này đến sống tại một khu rừng lớn bên một hồ nước, trên sườn núi Hy Mã Lạp Sơn.

Vì sợ huyết thống của mình bị lẫn lộn với huyết thống khác, các vị Hoàng Tử này ăn nằm với những người chị của mình.

Này Ambattha, một hôm Vua Okkàka nói với vị Đại Thần tùy tùng: Này các khanh, các Hoàng Tử hiện nay ở đâu?

Bạch Đại Vương, có một khu rừng lớn, bên một hồ nước trên sườn núi Hy Mã Lạp Sơn.

Nay các Hoàng Tử ở tại chỗ ấy. Các Hoàng Tử, vì sợ huyết thống của mình lẫn lộn huyết thống khác nên ăn nằm với những người chị của mình.

Này Ambattha, Vua Okkàka liền cảm hứng thốt lời tụng hân hoan: Các Hoàng Tử thật là những Sakya cứng như lõi cây sồi, các Hoàng Tử thật là những Sakya xuất chúng.

Này Ambattha, từ đó trở đi, các Hoàng Tử được gọi là Sakya và Vua Okkàka là Vua tổ của dòng họ Thích Ca. Này Ambattha, Vua ấy có một nữ tỳ lên là Disà. Nữ tỳ này sinh hạ một người con da đen.

Vừa mới sinh, Kanha liền nói: Này mẹ, hãy rửa cho con. Này mẹ hãy tắm cho con. Này mẹ hãy gội sạch đồ bất tịnh này. Và con sẽ giúp ích cho mẹ.

Này Ambattha, vì người ta gọi những ác quỷ là ác quỷ nên người ta cũng gọi Kanhà là ác quỷ.

Chúng nói như thế này: Ðứa trẻ này, vừa mới sanh đã nói. Một Kanha vừa mới sanh.

Này Ambattha, từ đó trở đi chữ Kanhàyanà được biết đến.

Và Kanha là tổ phụ của dòng họ Kanhàyana. Này Ambattha, nếu theo phụ mẫu hệ của ngươi về quá khứ, thời dòng họ Thích Ca là thầy của ngươi, và ngươi là con một nữ tỳ của dòng họ Thích Ca.

Khi Thế Tôn nói vậy, những thanh niên nói với Thế Tôn: Này Gotama, chớ có phỉ báng quá đáng thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ.

Này Gotama, thanh niên Ambattha sinh vào quý tộc, thanh niên Ambattha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha là bậc đa văn, thanh niên Ambattha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha là nhà bác học, thanh niên Ambattha có thể biện luận với Tôn Giả Gotama về vấn đề này. Thế Tôn liền nói với những thanh niên ấy.

Nếu những thanh niên các ngươi nghĩ: Thanh niên Ambattha không được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambattha không thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha không phải là bậc đa văn, thanh niên Ambattha không phải là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha không phải là nhà bác học, thanh niên Ambattha không thể biện luận với Tôn Giả Gotama về vấn đề này.

Thời thanh niên Ambattha hãy đứng ra một bên và để các thanh niên biện luận với ta về vấn đề này.

Nếu các ngươi nghĩ: Thanh niên Ambattha được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambattha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha là bậc đa văn, thanh niên Ambattha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha là nhà bác học, thanh niên Ambattha có thể biện luận với Gotama về vấn đề này, thời các ngươi hãy đứng ra một bên và để thanh niên Ambattha biện luận với ta về vấn đề này.

Này Gotama, thanh niên Ambattha được sanh vào quý tộc, thanh niên Ambattha thuộc con nhà danh giá, thanh niên Ambattha là bậc đa văn, thanh niên Ambattha là nhà hùng biện giỏi, thanh niên Ambattha là nhà bác học, thanh niên Ambattha có thể biện luận với Tôn Giả Gotama về vấn đề này.

Chúng tôi sẽ đứng im lặng. Thanh niên Ambattha sẽ cùng với Gotama biện luận về vấn đề này.

Thế Tôn liền nói với thanh niên Ambattha: Này Ambattha, câu hỏi hợp lý này được đem ra hỏi ngươi dầu không muốn, ngươi cũng phải trả lời.

Nếu ngươi không trả lời, hoặc trả lời tránh qua một vấn đề khác, hoặc giữ im lặng, hoặc bỏ đi, thời ngay tại chỗ, đầu ngươi sẽ bị bể ra làm bảy mảnh.

Này Ambattha, ngươi nghĩ thế nào?

Ngươi có nghe các Bà La Môn, Trưởng Lão, Tôn Túc, Giáo Sư và Tổ Sư nói đến nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không?

Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

Nghe nói vậy thanh niên Ambattha giữ im lặng.

Lần thứ hai Thế Tôn nói với thanh niên Ambattha: Này Ambattha, nhà ngươi nghĩ thế nào?

Ngươi có nghe các nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không?

Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

Lần thứ hai thanh niên Ambattha giữ im lặng.

Thế Tôn lại nói với thanh niên Ambattha: Ambattha, nay ngươi phải trả lời, nay không phải thời ngươi giữ im lặng nữa.

Này Ambattha ai được Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba một câu hỏi hợp lý mà không trả lời, thời đầu của người ấy sẽ bị bể ra làm bảy mảnh tại chỗ.

Lúc bấy giờ, thần Dạ Xoa Vajirapàni đang cầm một chùy sắt to lớn, cháy đỏ, sáng chói đứng trên đầu của thanh niên Ambattha với ý định: Nếu Thế Tôn hỏi đến lần thứ ba, một câu hỏi hợp lý mà thanh niên Ambattha không trả lời, thời ta sẽ đánh bể đầu nó ra làm bảy mảnh. Chỉ có Thế Tôn và thanh niên Ambattha mới thấy thần Dạ Xoa Vajirapàni.

Thanh niên Ambattha thấy vị thần ấy liền sợ hãi, hoảng hốt, lông dựng ngược, chỉ tìm sự che chở nơi Thế Tôn, chỉ tìm sự hỗ trợ nơi Thế Tôn, liền cúi rạp mình xuống và bạch Thế Tôn: Tôn Giả Gotama đã nói gì?

Mong Tôn Giả Gotama nói lại cho.

Ambattha, ngươi nghĩ thế nào?

Ngươi có nghe các vị Bà La Môn, Trưởng Lão, Tôn Túc, Giáo Sư và Tổ Sư nói đến nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà không?

Ai là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà?

Tôn Giả Gotama, con đã có nghe, đúng như Tôn Giả Gotama đã nói. Chính từ đó nguồn gốc của dòng họ Kanhàyanà. Vị ấy là tổ phụ của dòng họ Kanhàyanà.

Khi nghe nói vậy, các thanh niên liền la hét lớn: Người ta nói thanh niên Ambattha là tiện sanh, người ta nói thanh niên Ambattha là con dòng không phải quý phái.

Người ta nói thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ của dòng họ Thích Ca. Người ta nói dòng họ Thích Ca là chủ của thanh niên Ambattha.

Chúng tôi không nghĩ rằng Sa Môn Gotama mà lời nói bao giờ cũng chân thực, lại không phải là người có thể tin được.

Lúc bấy giờ Thế Tôn nghĩ rằng: Các thanh niên đã phỉ báng quá đáng thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ rồi. Nay ta hãy giải tỏa cho Ambattha.

Rồi Thế Tôn nói với các thanh niên: Các thanh niên, các ngươi chớ có phỉ báng quá đáng thanh niên Ambattha là con một nữ tỳ. Kanha ấy trở thành một Tu Sĩ vĩ đại.

Vị này đi về miền Nam, học các Chú thuật Phạm Thiên, rồi về yết kiến Vua Okkàka và yêu cầu gả công chúa Khuddarùpi cho mình.

Vua Okkàka vừa giận, vừa tức, mắng rằng: Ngươi là ai, con đứa nữ tỳ của ta mà dám xin con gái Khuddarùpi của ta, và Vua liền lắp tên vào cung. Nhưng Vua không thể bắn tên đi, cũng không thể cất mũi tên xuống.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường