Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP NĂM MƯƠI CHÍN  

Lại nữa, vị Vua Sát Đế Lợi cần phải siêng năng lìa bỏ thành tựu pháp thứ mười để đời hiện tại và vị lai được lợi ích. Pháp thứ mười là cần phải xa lánh phụ nữ. Người có trí thì không lệ thuộc vào phụ nữ, người lệ thuộc vào phụ nữ là kẻ hèn hạ nhất trong thế gian.

Những người phàm khác mà lệ thuộc vào phụ nữ còn hèn hạ như vậy huống gì nhà Vua là người đứng đầu trong nước. Tất cả phụ nữ đều có thể làm hư hỏng con người. Tất cả đất nước, tất cả thường dân và Vua chúa đều do phụ nữ mà bị hư hỏng. Do tâm tham họ có thể khiến nhà Vua mất hết lợi ích, có thể chiếm lấy của cải, khiến nhà Vua làm việc phi pháp, không chịu bố thí.

Do tâm tham nhà Vua có thể trở nên biếng nhác. Do thích dục lạc nên nhà Vua thường gần gũi không rời và người phụ nữ khiến cho bậc trượng phu đánh mất lợi ích. Phụ nữ như mưa đá làm hại mầm thiện, tất cả phụ nữ thích nói lời hủy hoại, là kho chứa ngã mạn và ganh ghét. Người lệ thuộc vào phụ nữ thì có việc làm giống phụ nữ.

Lệ thuộc vào phụ nữ thì đánh mất đất nước, vì vậy không nên lệ thuộc vào phụ nữ. Nếu lệ thuộc vào phụ nữ tức là người hèn hạ. Do thói của phụ nữ là hèn hạ xấu xa, nên người lệ thuộc vào phụ nữ cũng hèn hạ xấu xa. Người lệ thuộc vào phụ nữ bị mất hết thảy các pháp, thường đi đến nơi khổ cực, bị người thiện lìa bỏ.

Do lỗi tham dục người đó bị phụ nữ lừa dối. Tất cả phụ nữ đều lừa dối, lấn lướt, bản tánh của người nhu nhược là như vậy, không biết công ơn nuôi dưỡng, làm tăng sự suy yếu, khổ não, nhiều tham lam ganh ghét. Phụ nữ là như vậy, cho nên không thể tin. Ai lệ thuộc vào phụ nữ thì là người hèn hạ nhất trong tất cả những người ở thành ấp, xóm làng, huống gì là nhà Vua, nếu là nhà Vua thì sự tổn thất càng nặng hơn.

Vì vậy không nên lệ thuộc vào phụ nữ. Nếu Vua sợ tai họa phụ nữ thì nhờ công đức này ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành xa lánh phụ nữ.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi phải siêng tu tập, thành tựu pháp thứ mười một để đời hiện tại và vị lai được lợi ích. Pháp thứ mười một là Nghe nói điều gì thì không tin hoàn toàn.

Tâm của tất cả mọi người trên thế gian không giống nhau, thường phá hoại lẫn nhau, bản tánh thích phá hoại, có thể phá hoại khi đang làm hoặc khi đã làm xong, vì bản tánh uế tạp nên họ phá hoại, do thích tranh chấp nên họ phá hoại, do thân cận nên họ phá hoại nhau, do tự thể phá hoại, do tai họa của đất nước nên họ phá hoại, do tự khinh nên họ phá hoại.

Họ nói xấu lẫn nhau và bày điều tốt của mình để hủy hoại nhau. Vì muốn mình thắng kẻ khác thua nên họ phá hoại nhau. Nhà Vua không nên tin những lời như vậy. Vì nó trái đạo lý, trước sau trái nhau.

Đó là do theo thứ lớp của tâm ác mà ra, do thương bạn mình nên nói như vậy, hoặc do đã được dạy từ trước, được phó thác từ trước, hoặc do ân nghĩa hay thù oán từ trước, hoặc do muốn phá hoại nhau nên nói với Vua như vậy. Do những điều nói trước hoặc do giận nhau nên họ nói những lời như vậy, nhà Vua không được tin hết, nhờ thế đất nước mới không bị phá hoại.

Tâm tánh nhà Vua phải tốt, không bị rối loạn, chỉ nổi giận đúng đạo lý, không bạ đâu giận đó, không tin những lời phá hoại, nhà Vua phải có công đức không tin hoàn toàn vào người khác như vậy thì tự tâm được vui vẻ, ít nổi giận, được tất cả chúng sinh ưa thích, tâm khéo suy tính, sống thuận theo pháp, tâm ý chân chánh, nắm giữ nhiều đất đai.

Nếu Vua không tin tất cả những điều người khác tâu lên thì nhờ công đức đó hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, bảo vệ bản thân, được người thiện khen ngợi, khi chết sinh lên Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành không tin tất cả những điều người khác tâu lên.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi cần siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ mười hai để làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ mười hai là ưa thích tiếng thơm, không tham của cải. Do tâm Vua không tham của cải, không nắm chặt bàn tay, không nhăn mặt nhíu mày, không trợn mắt, không nói lời hung dữ, không giận vô duyên vô cớ, không vui khi không có lý do, tâm ý vững vàng.

Nếu Vua như vậy sẽ được tiếng thơm và được của cải. Khi được của cải Vua không mừng lắm, nhưng lại rất vui khi được tiếng khen, phép Vua không làm trở ngại, kẻ oán lẫn người thân, đều không thể lợi dụng khi thấy có nhiều của cải.

Lại có mười nhân duyên được tiếng thơm.

Những gì là mười?

1. Lời nói dịu dàng.

2. Có thể xả bỏ.

3. Xét kỹ.

4. Người ở nước xa xôi đến thăm.

5. Gần gũi được an lạc.

6. Theo thời hạn cấp phát cho kẻ dưới.

7. Dâng hiến đồ cần dùng cho những bậc tôn kính, cung cấp cho người lành và cứu giúp người cô độc.

8. Hành động trong sạch.

9. Tâm tốt không làm não loạn người khác.

10. Chánh kiến không sinh tà kiến.

Thực hành và dạy người thực hành mười pháp này thì sẽ được tiếng khen.

Nếu Vua thích tiếng lành và không tham của cải thì nhờ công đức đó hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, sống thuận theo pháp, người khác không thể thắng, người khác gần gũi liền được an lạc, không bao lâu người ấy sẽ làm Vua loài người, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người thiện ca ngợi, khi chết sinh lên Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là do nghiệp thiện thích tiếng lành và không tham của cải.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi phải siêng năng xả bỏ, thành tựu pháp thứ mười ba để đời hiện tại và vị lai được an vui. Pháp thứ mười ba là xả bỏ tà kiến. Tà kiến là nguồn gốc khiến tất cả chúng sinh không an ổn, có cái thấy điên đảo này thì sẽ không tin tất cả nhân duyên. Do không tin nên tất cả mọi người đều ghét và chê trách. Vì vậy Vua phải xả bỏ tà kiến.

Nếu Vua không xả bỏ thì sống theo tà kiến, bị mọi người ghét và không tin, mọi người không làm theo. Do không thuận nên mọi người đều xả bỏ. Lúc gặp suy yếu khổ não, tất cả Chư Thiên sống y theo pháp đều xa lánh. Khi Chư Thiên bỏ đi rồi thì không thể làm được bất cứ việc gì.

Vì vậy cần phải xả bỏ tà kiến. Nếu Vua có chánh kiến, không có tà kiến thì nhờ công đức đó hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, tạo ra lợi ích chân chánh trong mọi lúc, được mọi người cúng dường yêu mến.

Các vị Trời sống theo pháp thường ủng hộ, mọi người trong nước đều làm theo ý Vua, mọi sự mong muốn khác nhau đều được thỏa mãn, bản tánh và tâm ý của Vua ấy không bị rối loạn, thống lãnh đất nước trong thời gian dài, yên ổn, không bị tai hoạn, khi chết sinh vào đường lành là Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành xả bỏ tà kiến.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi nên siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ mười bốn để tạo lợi ích cho đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ mười bốn là pháp thế gian và xuất thế gian, pháp căn bản của Vua, đó là bố thí với lòng nhân ái.

Vua hoặc đại thần có thể làm việc bố thí với lòng nhân ái thì mọi người trong nước đều kính yêu, không từ bỏ, tâm sinh kính trọng không bỏ nước họ đi đến nước khác, người ở nước khác thấy Vua hay bố thí liền cùng với vợ con, tôi tớ của họ đến quy tụ. Do nhiều người đến nên dân số tăng lên và các nước khác không thể xâm lấn. Do dân số đông nên không ai có thể phá hoại.

Bố thí như vậy là bố thí thuộc thế gian nên được an ổn bậc nhất ở thế gian. Ngoài ra, còn có bố thí xuất thế gian là loại bố thí tốt nhất. Ai bố thí thì được Chư Thiên hộ trì, có năng lực lớn, có oai đức lớn, bố thí cho Sa Môn, Bà La Môn, người nghèo khổ, là việc làm trang nghiêm cho đời vị lai và hiện tại được sắc đẹp.

Vì sao?

Do tâm thanh tịnh nên thức ăn thanh tịnh. Nhờ thức ăn thanh tịnh nên sắc mặt thanh tịnh, sắc mặt thanh tịnh nên xinh đẹp vui vẻ. Đó là do sức mạnh của bố thí tạo ra.

Lại có pháp khiến ta được quả báo hiện tiền. Đó là bố thí với tâm không kiêu ngạo, lìa bỏ tham lam ganh ghét, tin nhân quả, tin có đời vị lai, cúng dường tôn trưởng, tâm họ mềm mỏng, tư duy chân chánh, xả bỏ các thứ của cải để giữ lấy nhân giàu có, lìa sự keo kiệt ganh ghét, tin vào ruộng phước, gieo hạt giống lành vào ruộng phước công đức.

Nếu Vua dùng lời lành xông ướp tâm, khiến tâm trong sạch bậc nhất thì nhờ công đức đó đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, làm Vua trong thời gian dài, thống lãnh đất nước, hưởng lạc suốt thời gian dài, đất nước không loạn lạc, thường yên ổn, không lo không buồn, khi chết sinh vào Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành bố thí với lòng nhân ái.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ mười lăm, để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ mười lăm là ái ngữ.

Người thực hành ái ngữ phải thương yêu và gần gũi hết thảy mọi người, nếu cho của cải thì không thể thu phục chúng sinh như là ái ngữ, cũng không thể khiến họ hoan hỷ thanh tịnh như là ái ngữ. Tất cả chúng sinh như vậy cho nên phải nói lời êm ái, đầu tiên phải sinh tâm thương yêu, sau đó mới phát ra lời nói.

Do nhân duyên này miệng nói lời êm ái. Vị Vua như vậy có thể chiếm giữ thành khác, nước khác, còn thành mình, nước mình thì người khác không thể chiếm được và mọi người đều yêu mến. Nếu Vua nói thật và êm ái thì giả sử có kẻ thù cũng thành bạn thân, huống gì những người đã thân từ trước.

Nếu Vua nói lời êm ái như vậy thì nhờ công đức đó ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, kẻ thù thành bạn thân, mọi người đều yêu mến, cúng dường, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người thiện khen ngợi, được làm Vua tất cả mọi người trong thời gian lâu dài, khi chết sinh vào Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là do nghiệp lành ái ngữ.

Lại nữa, Vua Sát Đế Lợi nên siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ mười sáu để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ mười sáu là tu tập nói thật. Nói thật là nhân để giải thoát tất cả sinh tử.

Việc nói thật không cần phải mua bằng của cải và không khi nào hết, nó chính là kho tàng lớn sinh ra từ biển tâm, không ai có thể cướp đoạt, là sự hiểu biết chân chánh bậc nhất, được tất cả thiện nhân khen ngợi, lần lượt phát ra từ tất cả thế gian. Pháp này chính là cửa thành Niết Bàn, dùng trong mọi lúc mà không thể hết, làm tăng công đức, diệt trừ tội lỗi, khiến mọi người đều tin, có thể trừ bỏ nghèo khổ.

Nếu có thể nói thật thì tuy xấu xí quê mùa vẫn là người hơn tất cả những người xinh đẹp khác, do tự trang điểm bằng ánh sáng nói thật. Tất cả dòng dõi thấp kém mà có thể nói thật thì hơn tất cả những người thuộc dòng họ lớn, vì thật ngữ đã trang sức cho dòng họ kia.

Người nói thật được mọi người tin tưởng thân cận và xem như anh em, đi đến đâu cũng được người khác cúng dường như cúng dường cha mẹ, Vua chúa, tuy đi vào nơi đồng vắng, hiểm ác mà vẫn an vui, đến nước nào cũng được Vua nước đó cúng dường như chủ, hoặc thôn, hoặc thành, nơi nhiều người ở, tất cả mọi người và hàng đại trưởng giả đều cúng dường họ. Danh tiếng vang khắp những nơi mà họ chưa đặt chân đến, ở nước mình lẫn nước khác.

Những người ở nơi đó biết rằng, hoặc Vua hoặc đại thần làm việc thiện nói thật thì như cây phướn cao, tiếng đồn đến sáu Cõi Trời, Thiện Nam này thường được Chư Thiên đi theo sau và cúng dường, không thấy mộng ác, vị Trời đứng đầu cũng cúng dường như Chư Thiên.

Nếu nghèo khổ thì nhờ nói thật về sau được giàu có, ước muốn điều gì đều được đầy đủ, cái già đến gần trong từng niệm nhưng các căn không suy yếu, được thần thông vi diệu, thân thể rất mạnh, thành tựu được nghiệp sống lâu, tất cả sự tranh chấp đều nhờ vị ấy làm chứng, xét lường, ai có người thân phạm pháp Vua bị bắt trói nếu đem đồ gởi cho họ thì chỉ có vị ấy là đáng tin cậy nhất.

Vì vậy người giàu có đem đồ gởi cho họ. Do nói thật, tâm ý họ không lay động, kẻ oán người thân không thể làm lay động, chỉ tự vui với thật tướng, sinh tâm hoan hỷ, lấy thật ngữ làm thức ăn để no bụng, thường tư duy về sự ưa thích thật ngữ, không bị giận hoặc vui làm động tâm.

Vua này là vị Tiên lớn nhất, thường tạo hai loại lợi ích thế gian và xuất thế gian không gì hơn nói thật, thường dùng nước nói thật để tắm rửa cho trong sạch, thường mặc áo báu mới lành lặn, hương thơm của nói thật bay khắp mười phương, tất cả những người chưa gặp họ đều thành bạn bè huống gì người đã gặp.

Tiếng thơm lan khắp cả núi Tu Di, tuy tuổi còn nhỏ nhưng người già gặp cũng cúng dường như cha, vì việc nói thật cũng có thể tạo nghiệp sống lâu, cho đến tạo nghiệp đại trí vô thượng bồ đề, huống gì là nghiệp làm Thiên Vương Dạ Ma.

Nếu Vua tu tập thật ngữ như vậy thì nhờ công đức đó ở đời hiện tại thường được an lạc, thường được lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành nói thật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần