Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Phúng Tụng - Phần Chín - Tám Pháp
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
KINH PHÚNG TỤNG
PHẦN CHÍN
TÁM PHÁP
Này các Hiền giả, có tám pháp được Thế Tôn chân chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.
Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Chư Thiên và loài người.
Thế nào là tám?
Tám tà: Tà tri kiến, ta tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định.
Tám chánh: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Tám người đáng cung kính: Hạng Dự Lưu, hạng đã thành tựu và chứng Dự Lưu quả. Hạng Nhất Lai, hạng đã thành tựu và chứng Nhất Lai quả. Hạng Bất lai, hạng đã thành tựu và chứng Bất Lai quả. Hạng A La Hán và hạng đã thành tựu A La Hán quả.
Tám giải đãi sự: Này các Hiền giả, ở đây có việc vị Tỳ Kheo phải làm.
Vị này nghĩ: Có công việc ta sẽ phải làm. Nếu ta làm việc, thời thân ta sẽ mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống.
Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn để đạt được điều chưa đạt được, để thành tựu điều chưa thành tựu, để chứng ngộ điều chưa chứng ngộ được, như vậy là giải đãi sự thứ nhất. Này các Hiền giả, lại nữa, một việc đã được vị Tỳ Kheo làm.
Vị này nghĩ: Ta đã làm một công việc. Do ta làm một công việc nên thân ta mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn như vậy là giải đãi sự thứ hai. Này các Hiền giả, lại nữa, có con đường vị Tỳ Kheo phải đi.
Vị này nghĩ: Khi ta đi con đường ấy, thân ta sẽ mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn. Như vậy là giải đãi sự thứ ba. Này các Hiền giả, lại nữa, con đường vị Tỳ Kheo đã đi.
Vị này nghĩ: Ta đã đi con đường, do ta đã đi con đường nên thân ta mệt mỏi. Vậy ta nên nằm xuống. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn. Như vậy là giải đãi sự thứ tư.
Này các Hiền giả, vị Tỳ Kheo đi khất thực ở làng hay tại đô thị không nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn.
Vị ấy nghĩ: Ta đi khất thực ở làng hay đô thị, không nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn. Thân này của ta bị mệt mỏi không lợi ích gì. Vậy ta nên nằm xuống. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn. Như vậy là giải đãi sự thứ năm.
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo, trong khi đi khất thực tại làng hay thị xã nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn.
Vị ấy nghĩ: Ta đi khất thức tại làng hay tại thị xã, nhận được các đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Thân này của ta nặng nề, không làm được gì, như một nhóm đậu. Vậy ta nên nằm xuống. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn. Như vậy là giải đãi sự thứ sáu. Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo bị đau bệnh nhẹ.
Vị này nghĩ: Nay ta bị đau bệnh nhẹ, cần phải nằm nghỉ. Vậy ta nên nằm xuống. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn. Như vậy là giải đãi sự thứ bảy. Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu.
Vị ấy nghĩ: Ta mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Thân này của ta yếu đuối, không làm được việc gì, vậy ta hãy nằm xuống. Vị ấy nằm xuống, không có tinh tấn để đạt được điều chưa đạt được, để thành tựu điều chưa thành tựu được, để chứng ngộ điều chưa chứng ngộ được. Như vậy là giải đãi sự thứ tám.
Tám tinh tấn sự: Này các Hiền giả, ở đây có việc vị Tỳ Kheo phải làm, vị ấy nghĩ: Có công việc, ta sẽ phải làm, nếu ta làm việc, thì không dễ gì ta có thể suy tư đến giáo pháp Chư Phật. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn để đạt được điều gì chưa đạt được, để thành tựu điều gì chưa thành tựu được, để chứng ngộ điều gì chưa chứng ngộ được.
Và vị ấy tinh tấn để đạt được điều gì chưa đạt được, để thành tựu điều gì chưa thành tựu được, để chứng ngộ điều gì chưa chứng ngộ được. Như vậy là tinh tấn sự thứ nhất.
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo đã làm xong công việc, vị ấy nghĩ: Ta đã làm xong công việc. Khi ta làm công việc, ta không thể suy tư đến giáo pháp của Chư Phật. Vậy ta phải cố gắng tinh tấn vị ấy tinh tấn. Như vậy là tinh tấn sự thứ hai.
Này các Hiền giả, lại nữa, có con đường vị Tỳ Kheo phải đi.
Vị này nghĩ: Ðây là con đường mà ta có thể sẽ phải đi. Khi ta đi con đường ấy, không dễ gì ta có thể suy tư đến giáo pháp của Chư Phật. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn. Vị ấy tinh tấn. Như vậy là tinh tấn sự thứ ba.
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo đã đi con đường.
Vị này nghĩ: Ta đã đi con đường ấy. Khi ta đi con đường, ta không có thể suy tư đến giáo pháp của Chư Phật. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn. Vị ấy tinh tấn. Như vậy là tinh tấn sự thứ tư.
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị, không nhận được các loại đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm đầy đủ như ý muốn.
Vị này nghĩ: Ta trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị, không nhận được các loại đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Thân ta như vậy nhẹ nhàng có thể làm việc. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn. Và vị ấy tinh tấn. Như vậy là tinh tấn sự thứ năm.
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị được các loại đồ ăn loại cứng hay loại đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn.
Vị này nghĩ: Ta trong khi đi khất thực tại làng hay tại đô thị được các loại đồ ăn loại cứng hay đồ ăn loại mềm, đầy đủ như ý muốn. Như vậy thân ta mạnh, có thể làm việc, vậy ta hãy cố gắng tinh tấn. Và vị ấy tinh tấn. Như vậy là tinh tấn sự thứ sáu.
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo bị đau bệnh nhẹ.
Vị ấy nghĩ: Ta nay bị đau bệnh nhẹ, sự kiện này có thể xảy ra, bệnh này có thể trầm trọng hơn. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn. Và vị ấy tinh tấn. Như vậy là tinh tấn sự thứ bảy.
Này các Hiền giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu.
Vị ấy nghĩ: Ta mới đau bệnh dậy, mới khỏi bệnh không bao lâu. Sự kiện này có thể xảy ra, bệnh của ta có thể trở lại. Vậy ta hãy cố gắng tinh tấn để đạt được điều gì, chưa đạt được.
Thành tựu điều gì, chưa thành tựu được. Chứng ngộ điều gì, chưa chứng ngộ được. Và vị ấy tinh tấn để đạt được điều gì, chưa đạt được. Thành tựu điều gì, chưa thành tựu được. Và chứng ngộ điều gì, chưa chứng ngộ được. Ðó là tinh tấn sự thứ tám.
Tám bố thí sự: Có người đến, nên bố thí. Vì sợ, nên bố thí. Vì người ấy cho tôi, nên bố thí. Vì người ấy sẽ cho tôi, nên bố thí.
Vì suy nghĩ: Bố thí là tốt lành, nên bố thí.
Vì suy nghĩ: Ta nấu, họ không nấu. Thật không phải, nếu ta nấu mà không cho gì những người không nấu, nên bố thí.
Vì suy nghĩ: Nay ta bố thí, tiếng đồn tốt đẹp sẽ được truyền đi, nên bố thí. Vì muốn trang nghiêm tâm và tư trợ tâm, nên bố thí.
Tám thí sanh: Này các Hiền giả, có người bố thí cho Sa Môn hay Bà La Môn, đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, hoa man, hương xông, hương thoa, sàng tọa, phòng xá, đèn sáng. Ðồ vật vị này bố thí, vị này mong được bố thí trở lại.
Người này thấy người Sát Đế Lỵ có nhiều tài sản, người Bà La Môn có nhiều tài sản, hay người gia chủ có nhiều tài sản, được sung mãn, cụ túc, thụ hưởng năm món dục lạc.
Vị này nghĩ: Mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, ta sẽ được sanh là một trong những người Sát Đế Lỵ có nhiều tài sản, người Bà La Môn có nhiều tài sản hay người gia chủ có nhiều tài sản. Vị này nắm vững tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy.
Tâm này được giải thoát trong tầm hạ liệt, không tu tập cao hơn, nên đưa đến tái sanh trong tầm ấy. Và tôi xác nhận, đây là trường hợp một vị đầy đủ giới luật, không phải vị phá giới luật.
Này các Hiền giả, tâm nguyện của một vị giữ giới được thành tựu nhờ sự thanh tịnh. Này các Hiền giả, lại nữa, ở đây, có người bố thí cho Sa Môn hay Bà La Môn, đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, hoa man, hương xông, hương thoa, sàng tọa, phòng xá, đèn sáng. Ðồ vật vị này bố thí, vị này mong được trở lại.
Vị này nghe: Tứ Ðại Thiên Vương thọ mạng lâu dài, đẹp trai và nhiều an lạc.
Vị này nghĩ: Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta được sanh thành một trong hàng Tứ Ðại Thiên Vương. Vị này nắm vững tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy. Tâm này được giải thoát trong tầm hạ liệt, không tu tập cao hơn, nên đưa đến tái sanh trong tầm ấy.
Và tôi xác nhận đây là trường hợp một vị đầy đủ giới luật, không phải vị phá giới luật. Này các Hiền giả, tâm nguyện của một vị giữ giới được thành tựu nhờ sự thanh tịnh.
Này các Hiền giả, lại nữa, ở đây, có người bố thí cho Sa Môn hay Bà La Môn, đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, hoa man, hương xông, hương thoa, sàng tọa, phòng xá, đèn sáng. Ðồ vật vị này bố thí, vị này mong được trở lại.
Vị này nghe: Chư Thiên Tam Thập Tam Thiên, Chư Thiên Dạ Ma, Chư Thiên Ðâu Suất, Chư Thiên Hóa Lạc, Chư Thiên Tha Hóa Tự Tại được sống lâu, đẹp trai, được nhiều an lạc.
Vị này nghĩ: Mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, ta được sanh thành một trong hàng Chư Thiên Tha Hóa Tự Tại. Vị này nắm vững tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy. Tâm này được giải thoát trong tầm hạ liệt, không tu tập cao hơn, nên đưa đến tái sanh trong tầm ấy.
Và tôi xác nhận, đây là trường hợp một vị đầy đủ giới luật, không phải vị phá giới luật. Này các Hiền giả, tâm nguyện của một vị giữ giới được thành tựu nhờ sự thanh tịnh.
Này các Hiền giả, lại nữa, ở đây, có người bố thì cho Sa Môn hay Bà La Môn, đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, hoa man, hương xông, hương thoa, sàng tọa, phòng xá, đèn sáng. Ðồ vật vị này bố thí, vị này mong được trở lại.
Vị này nghe: Chư Thiên Phạm Chúng thọ mạng lâu dài, đẹp trai và nhiều an lạc.
Vị này nghĩ: Mong rằng, sau khi thân hoại mạng chung, ta được sanh thành một trong hàng Phạm Chúng Thiên. Vị này nắm vững tâm ấy, an trú tâm ấy, tu tập tâm ấy.
Tâm này được giải thoát trong tầm hạ liệt, không tu tập cao hơn, nên đưa đến tái sanh trong tầm ấy. Và tôi xác nhận đây là trường hợp một vị đầy đủ giới luật, không phải vị phá giới luật.
Này các Hiền giả, tâm nguyện của một vị giữ giới được thành tựu nhờ sự thanh tịnh.
Tám chúng: Chúng Sát Đế Lỵ, Chúng Bà La Môn, chúng Gia Chủ, chúng Sa Môn, Chúng Tứ Ðại Thiên Vương, Chúng Tam Thập Tam Thiên, chúng Thiên Ma, Chúng Phạm Thiên.
Tám thế gian pháp: Ðắc, bất đắc, danh văn, ác văn, phỉ báng, tán thán, lạc, khổ.
Tám thắng xứ: Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu.
Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là Thắng xứ thứ nhất. Một vị quán tưởng nội sắc, thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu.
Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là Thắng xứ thứ hai. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc có hạn lượng, đẹp, xấu.
Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là Thắng xứ thứ ba. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc vô lượng, đẹp, xấu.
Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là thắng xứ thứ tư. Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh như bông gai màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh như lụa Ba La Nại, cả hai mặt láng trơn, màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh.
Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu xanh, sắc màu xanh, tướng sắc xanh, hình sắc xanh, ánh sáng xanh.
Vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là thắng xứ thứ năm.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng như bông kanikàra màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng như lụa Ba La Nại cả hai mặt láng trơn màu vàng, sắc màu vàng, tướng sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng.
Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy sắc vàng, hình sắc vàng, ánh sáng vàng, vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là thắng xứ thứ sáu.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ như bông bandhujĩvaka màu đỏ như lụa Ba La Nại cả hai mặt láng trơn màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng màu đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ.
Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm, thấy các loại ngoại sắc màu đỏ, sắc màu đỏ, tướng sắc đỏ, hình sắc đỏ, ánh sáng đỏ, vị ấy nhận thức rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là thắng xứ thứ bảy.
Một vị quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng như sao mai osadhi màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng, như lụa Ba La Nại cả hai mặt láng trơn màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng.
Như vậy vị này quán tưởng vô sắc ở nội tâm thấy các loại ngoại sắc màu trắng, sắc màu trắng, tướng sắc trắng, hình sắc trắng, ánh sáng trắng, vị ấy nhận thứ rằng: Sau khi nhiếp thắng chúng, ta biết, ta thấy, đó là thắng xứ thứ tám.
Tám giải thoát: Tự mình có sắc, thấy các sắc. Đó là giải thoát thứ nhất.
Quán tưởng nội sắc là vô sắc, thấy các ngoại sắc. Đó là giải thoát thứ hai.
Quán tưởng sắc là tịnh, chú tâm trên suy tưởng ấy. Đó là giải thoát thứ ba.
Vượt khỏi hoàn toàn sắc tưởng, diệt trừ các tưởng hữu đối, không suy tư đến những tưởng khác biệt, với suy tư Hư Không là vô biên chứng và trú Không vô biên xứ. Đó là giải thoát thứ tư.
Vượt khỏi hoàn toàn Hư không vô biên xứ, với suy tư Thức là vô biên chứng và trú Thức vô biên xứ. Đó là giải thoát thứ năm.
Vượt khỏi hoàn toàn Thức vô biên xứ, với suy tư không có vật gì chứng và trú Vô sở hữu xứ. Đó là giải thoát thứ sáu.
Vượt khỏi hoàn toàn Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là giải thoát thứ bảy.
Vượt khỏi hoàn toàn Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú diệt thọ tưởng, đó là giải thoát thứ tám.
Này các Hiền giả, tám pháp này được Thế Tôn chân chánh giảng dạy, vị đã biết, đã thấy, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác.
Ở đây, mọi người cần phải cùng nhau tụng đọc, không có tranh luận, để phạm hạnh này được trường tồn, được duy trì lâu ngày, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho Chư Thiên và loài người.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bi Hoa - Phẩm Bốn - Phẩm Nguồn Gốc Các Bồ Tát được Thọ Ký - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Cựu Tạp Thí Dụ - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thọ Trai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Bốn Mươi - Phần Hai - Chánh Kiến
Phật Thuyết Kinh Na Tiên đàm đạo - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Vãng Sanh