Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Thanh Tịnh - Phần Một

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:03 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

KINH THANH TỊNH  

PHẦN MỘT  

Như vậy tôi nghe!

Một thời, Thế Tôn trú giữa dòng tộc Sakya Thích Ca trong vườn xoài của một gia đình Thích Ca tên là Vedhannà.

Lúc bấy giờ, Nigantha Nàthaputta Ni Kiền Tử vừa mới tạ thế ở Pàvà.

Sau khi vị này tạ thế, các vị Nigantha chia ra làm hai phái, chia rẽ nhau, tranh chấp nhau, tranh luận nhau và sống tàn hại nhau với binh khí bằng miệng ngươi không biết pháp luật này, ta biết pháp luật này.

Sao ngươi có thể biết pháp luật này?

Ngươi theo tà hạnh, ta theo chánh hạnh. Lời nói của ta tương ưng, lời nói ngươi không tương ưng.

Ðiều đáng nói trước, ngươi nói sau. Ðiều đáng nói sau, ngươi nói trước. Ðiều ngươi quan niệm trình bày, đã bị đảo lộn. Quan điểm của ngươi đã bị thách đố.

Ngươi đã bị đánh bại. Hãy đi giải tỏa quan điểm của ngươi. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu ngươi có thể làm được. Hình như các đệ tử của Nigantha Nàthaputta muốn tàn hại lẫn nhau.

Chính các đệ tử cư sĩ mặc đồ trắng của Nigantha Nàthaputta cũng chán ngấy, cơ hiềm, và phản đối các vị Nigantha, vì pháp luật của họ đã được trình bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, pháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.

Rồi Sa Di Cunda Thuần Đà, sau khi an cư mùa mưa ở Pàvà đến thăm Tôn Giả A Nan Đa ở Sàmàgama, sau khi đến, đảnh lễ Tôn Giả A Nan Đa A Nan và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên.

Sa Di Cunda bạch Tôn Giả A Nan Đa: Bạch Tôn Giả, Nigantha Nàthaputta đã từ trần ở Pàvà sau khi vị này tạ thế, các Nigantha chia ra làm hai phái pháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.

Khi nghe nói vậy, Tôn Giả A Nan Đa nói với Sa Di Cunda: Này Hiền Giả Cunda, đây là vấn đề đáng đưa ra để yết kiến Thế Tôn. Này Hiền Giả Cunda, chúng ta hãy đi yết kiến Thế Tôn. Sau khi đến xong, chúng ta hãy trình bày vấn đề này để Thế Tôn biết.

Bạch Tôn Giả, vâng!

Sa Di Cunda vâng lời Tôn Giả A Nan Đa. Rồi Tôn Giả A Nan Đa cùng với Sa Di Cunda, đi đến yết kiến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên.

Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn Giả A Nan Đa bạch Thế Tôn: Bạch Thế Tôn, Sa Di Cunda có nói: Nigantha Nàthaputta đã từ trần ờ Pàvà. Sau khi vị này từ trần, các vị Nigantha chia ra làm hai phái pháp y chỉ đã bị đổ vỡ, không có chỗ y chỉ.

Này Cunda, như vậy ở đây pháp luật đã được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Này Cunda, ở đây có vị Đạo Sư không phải là Chánh Ðẳng Giác, có pháp luật đã được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Và người đệ tử trong pháp này, không thành tựu và an trú trong pháp và tùy pháp, không sống đúng chánh hạnh, không sống đúng tùy pháp, sống vượt ra ngoài pháp.

Người đệ tử ấy cần được nói như sau: Này Hiền Giả, thật là lợi ích cho ngươi. Thật khéo chứng đắc cho ngươi. Đạo Sư của ngươi không phải là vị Chánh Ðẳng Giác. Pháp của ngươi đã được trình bày, tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên bố.

Và ngươi trong pháp này, không thành tựu và an trú trong pháp và tùy pháp, không sống đúng chánh hạnh, không sống đúng tùy pháp, vượt ra ngoài pháp.

Này Cunda, như vậy ở đây, vị Đạo Sư đáng quở trách, ở đây pháp đáng quở trách, nhưng ở đây đệ tử đáng tán thán.

Này Cunda, với vị đệ tử như vậy, nên nói như sau: Này Đại Đức, dầu Đại Đức thực hành đúng như pháp vị Đạo Sư đã dạy và trình bày, ai có suy tầm, ai có bị suy tầm, ai có suy tầm rồi như thực thi hành, tất cả đều không có phước báo.

Vì sao vậy?

Vì pháp luật đã được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Này Cunda, ở đây, vị Đạo Sư không là vị Chánh Ðẳng Giác, và pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, và vị đệ tử trong pháp này, sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống theo chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp.

Người này nên được nói như sau: Này Hiền Giả, thật không lợi ích cho ngươi, thật không khéo chứng đắc cho ngươi.

Vị Đạo Sư của ngươi không là vị Chánh Ðẳng Giác và pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết, những người trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống theo chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp.

Này Cunda, ở đây vị Đạo Sư đáng quở trách, ở đây pháp đáng quở trách, ở đây vị đệ tử cũng đáng quở trách.

Này Cunda, với vị đệ tử như vậy, có ai, nên nói như sau: Thật vậy, Đại Đức thành tựu theo chánh hạnh, tinh tấn trong chánh hạnh, người khen, người được khen, người được khen như vậy lại càng tinh tấn hơn nữa, tất cả đều không được phước đức.

Vì sao vậy?

Này Cunda, vì pháp được trình bày tuyên bố một cách vụng về, không có hiệu năng hướng dẫn, không hướng đến an tịnh, không do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Này Cunda, ở đây vị Đạo Sư là vị Chánh Ðẳng Giác, pháp được khéo giảng và trình bảy, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Vị đệ tử trong pháp này sống không thành tựu pháp và tùy pháp, sống không theo chánh hạnh, sống không đúng tùy pháp, sống không thuận theo pháp.

Vị đệ tử ấy cần phải được nói: Này Hiền Giả, thật không lợi ích cho ngươi, thật không khéo chứng đắc cho ngươi.

Vị Đạo Sư của ngươi là vị Chánh Ðẳng Giác, pháp được khéo tuyên bố trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Nhưng ngươi trong pháp này sống không thành tựu pháp, sống không theo chánh hạnh, sống không đúng tùy pháp, sống không thuận theo pháp.

Này Cunda, ở đây vị Đạo Sư đáng được tán thán, ở đây pháp đáng được tán thán, ở đây vị đệ tử đáng quở trách.

Nếu có ai, hãy nói với vị đệ tử ấy như sau: Đại Đức hãy thực hành đúng như pháp do vị Đạo Sư của Đại Đức trình bày và tuyên thuyết.

Ai có điều tra, ai có bị điều tra, ai có bị điều tra rồi như thực thi hành, tất cả đều được phước báo.

Vì sao vậy?

Này Cunda, pháp luật này khéo thuyết khéo trình bày là như vậy, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Này Cunda ở đây vị Đạo Sư là Chánh Ðẳng Giác, và pháp được khéo tuyên thuyết, khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Cháng Ðẳng Giác tuyên thuyết, và vị đệ tử trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống thành tựu chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp.

Nếu có ai, hãy nói vị đệ tử ấy nói như sau: Này Hiền Giả, thật là lợi ích cho ngươi, thật khéo chứng đắc cho ngươi. Vị Đạo Sư của ngươi là vị A La Hán Chánh Ðẳng Giác, pháp được khéo tuyên thuyết, được khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Và ngươi trong pháp này sống thành tựu pháp và tùy pháp, sống thành tựu chánh hạnh, sống đúng tùy pháp, sống thuận theo pháp.

Này Cunda, như vậy ở đây vị Đạo Sư đáng được tán thán, ở đây pháp đáng được tán thán, ở đây vị đệ tử cũng đáng được tán thán.

Này Cunda, nếu có ai, hãy nói vị đệ tử ấy như sau: Thật vậy, Đại Đức thành tựu như pháp, tinh tấn như pháp, người khen, người được khen, người được khen như vậy lại càng tinh tấn thực hành, tất cả đều được nhiều công đức.

Vì sao vậy?

Này Cunda, vì pháp luật được khéo tuyên thuyết, khéo trình bày như vậy, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Này Cunda, ở đây vị Đạo Sư xuất hiện ở đời, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, và pháp được khéo tuyên thuyết, được khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Và các vị đệ tử chưa được tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn chưa được tỏ lộ cho các vị này, chưa được trình bày rõ ràng, với tất cả thứ bậc vị trí liên hệ, chưa được trở thành diệu dụng, chưa được khéo trình bày cho loài người, và vị Đạo Sư viên tịch.

Này Cunda, đối với vị Đạo Sư như vậy, nếu viên tịch, các đệ tử sẽ ưu tư rất nhiều.

Vì sao vậy?

Vì Đạo Sư của chúng ta xuất hiện ở đời, và pháp được khéo tuyên thuyết, khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Nhưng chúng ta chưa được tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn chưa được tỏ lộ cho chúng ta với tất cả thứ bậc, vị trí liên hệ, chưa được trở thành diệu dụng, chưa được khéo trình bày cho loài người, và vị Đạo Sư của chúng ta viên tịch.

Này Cunda, vị Đạo Sư như vậy có viên tịch, các đệ tử có sự ưu tư.

Này Cunda, ở đây vị Đạo Sư xuất hiện ở đời, bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, pháp được khéo tuyên bố và được khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, do vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Và các vị đệ tử được tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn được tỏ lộ cho các vị ấy với tất cả thứ bậc vị trí liên hệ, được trở thành diệu dụng, được khéo trình bày cho loài người, và vị Đạo Sư của những vị ấy viên tịch.

Này Cunda, vị Đạo Sư như vậy có viên tịch, các đệ tử không có ưu tư.

Vì cớ sao?

Vị Đạo Sư của chúng ta xuất hiện ở đời là bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, pháp được khéo tuyên thuyết, được khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, được vị Chánh Ðẳng Giác tuyên thuyết.

Còn chúng ta được tinh thông diệu pháp, và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn được tỏ lộ cho chúng ta biết với tất cả thứ bậc vị trí liên hệ, được trở thành diệu dụng, được khéo trình bày cho loài người, và vị Đạo Sư của chúng ta viên tịch.

Này Cunda, vị Đạo Sư như vậy có viên tịch, các đệ tử không có ưu tư.

Này Cunda, nếu phạm hạnh được đầy đủ những chi phần như vậy, nếu không có một vị Đạo Sư là một vị Thượng Tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, một phạm hạnh như vậy được xem là không viên mãn, trong trường hợp như vậy.

Này Cunda, nếu phạm hạnh được đầy đủ những chi phần như vậy, và nếu có vị Đạo Sư là một vị Thượng Tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, một phạm hạnh như vậy được xem là viên mãn, trong trường hợp như vậy.

Này Cunda, nếu phạm hạnh được đầy đủ những chi phần như vậy, và có vị Đạo Sư là vị Thượng Tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, nhưng không có các vị Thượng Tọa Tỳ Kheo.

Những vị đệ tử là những vị sáng suốt, tự điều phục, vô úy, đa văn, đã đạt đến sự an ổn, có thể thuyết diệu pháp, với giáo lý ngoại đạo được khởi lên có thể khéo nhiếp phục với giáo pháp của mình, có thể thuyết diệu pháp bất tư nghì. Như vậy phạm hạnh này không thể viên mãn bởi chi tiết này.

Này Cunda, khi nào phạm hạnh được đầy đủ về những phương diện này, vị Đạo Sư là vị Thượng Tọa, có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, và những vị Thượng Tọa Tỳ Kheo, những vị đệ tử nếu không có các vị Trung Lạp Tỳ Kheo.

Những vị đệ tử có các vị Trung Lạp Tỳ Kheo, những vị đệ tử nhưng nếu không có các vị Hạ Lạp Tỳ Kheo, những vị đệ tử có các Hạ Lạp Tỳ Kheo, những vị đệ tử nhưng nếu không có các vị Trưởng Lão Tỳ Kheo Ni, các vị đệ tử nhưng nếu không có các vị Trung Lạp Tỳ Kheo Ni.

Các vị đệ tử nhưng nếu không có các vị Hạ Lạp Tỳ Kheo Ni, các vị đệ tử có các vị Hạ Lạp Tỳ Kheo Ni, các vị đệ tử nhưng nếu không có nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng.

Sống theo phạm hạnh có những nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh nhưng nếu không có những nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng.

Chấp nhận dục lạc có những nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc nhưng nếu không có những nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh có những nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh nhưng nếu không có những nữ cư sĩ đệ tử.

Những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận dục lạc có những nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận dục lạc phạm hạnh như vậy nếu không được thành công, hưng thịnh, phát triển và phổ thông một cách rộng rãi.

Khéo tuyên bố giữa các người, nhưng không đạt được danh xưng và lợi dưỡng một cách tối thắng, phạm hạnh như vậy không được viên mãn về phương diện này.

Này Cunda, khi nào phạm hạnh được đầy đủ với những phương diện này, vị Đạo Sư là Thượng Tọa có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu ngày, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành, và những vị Thượng Tọa là những bậc Tỳ Kheo những vị đệ tử sáng suốt.

Tự điều phục thuyết pháp diệu dụng, có Trung Lạp Tỳ Kheo đệ tử, có Hạ Lạp Tỳ Kheo đệ tử, có Trưởng Lão Ni đệ tử, có Trung Lạp Ni đệ tử, có Hạ Lạp Ni đệ tử, có nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh.

Có nam cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc, có nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh, có những vị nữ cư sĩ đệ tử, những vị tại gia, mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc.

Phạm hạnh như vậy được thành công, hưng thịnh, phát triển, và phổ thông một cách rộng rãi, khéo tuyên bố giữa các người, đạt được danh xưng và lợi dưỡng một cách tối thắng, phạm hạnh như vậy được viên mãn về phương diện này.

Này Cunda, nay ta hiện tại là bậc Đạo Sư xuất hiện ở Đời, là bậc A La Hán, Chánh Ðẳng Giác, và pháp được khéo tuyên bố, khéo trình bày, có hiệu năng hướng dẫn, hướng đến an tịnh, được vị Chánh Ðẳng Giác trình bày, và các vị đệ tử của ta tinh thông diệu pháp.

Và phạm hạnh hoàn toàn viên mãn được tỏ lộ với tất cả thứ bậc vị trí liên hệ, được trở thành diệu dụng, được khéo trình bày cho loài người.

Này Cunda, nay ta là vị Đạo Sư Trưởng Lão, có nhiều kinh nghiệm, xuất gia đã lâu ngay, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến tuổi trưởng thành.

Này Cunda, nay ta có những vị Thượng Tọa Tỳ Kheo đệ tử sáng suốt, tự biết điều phục, vô úy, đa văn, đã đạt đến sự an ổn, có thể thuyết diệu pháp, đối với giáo lý ngoại đạo được khởi lên, có thể khéo thuyết phục với giáo pháp của mình, có thể thuyết diệu pháp bất khả tư nghì.

Này Cunda, ta lại có những Trung Lạp Tỳ Kheo sáng suốt.

Này Cunda, nay ta có những vị Hạ Lạp Tỳ Kheo đệ tử.

Này Cunda, nay ta có những vị Trưởng Lão Tỳ Kheo Ni đệ tử.

Này Cunda, nay ta có những vị Trung Lạp Tỳ Kheo Ni đệ tử.

Này Cunda, nay ta có những vị Hạ Lạp Tỳ Kheo Ni đệ tử.

Này Cunda, nay ta có những vị nam cư sĩ, là những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh.

Này Cunda, nay ta có những vị nam cư sĩ, là những vị tại gia mặc áo trắng, chấp nhận dục lạc.

Này Cunda, nay ta có những vị nữ cư sĩ, là những vị tại gia, mặc áo trắng, sống theo phạm hạnh.

Này Cunda, nay ta có những vị nữ cư sĩ là những vị tại gia, mặc áo trắng chấp nhận dục lạc.

Này Cunda, nay phạm hạnh của ta được thành công, hưng thịnh, phát triển, và phổ thông một cách rộng rãi, khéo tuyên bố giữa mọi người.

Này Cunda, đối với tất cả những vị Đạo Sĩ nay xuất hiện ở đời.

Này Cunda, ta không thấy một vị Đạo Sư nào khác có thể bằng ta về phương diện lợi dưỡng và danh xưng tối thượng.

Này Cunda, đối với tất cả các đoàn thể, các hội chúng nay xuất hiện ở đời.

Này Cunda, ta không thấy một đoàn thể nào khác có thể bằng đoàn thể Tỳ Kheo về phương diện lợi dưỡng và danh xưng tối thượng. 

Nếu có ai, khi tả một phạm hạnh, thành tựu hết thảy tướng, không thiếu sót, không quá đáng, được khéo tuyên bố một cách viên mãn, vị ấy nếu tuyên bố đúng đắn sẽ tuyên bố như sau: Thành tựu hết thảy tướng phạm hạnh được khéo tuyên bố.

Này Cunda, Uddaka con của Ràma thường nói: Thấy mà không thấy.

Thấy cái gì mà không thấy?

Với một con dao sắc bén, chỉ thấy lưỡi dao không thấy khía cạnh sắc bén của dao.

Này Cunda, đấy là nghĩa của câu: Thấy mà không thấy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường