Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Thập Thượng - Phần Tám - Mười Pháp
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán
PHẬT THUYẾT KINH TRƯỜNG BỘ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
An Thế Cao, Đời Hậu Hán
KINH THẬP THƯỢNG
PHẦN TÁM
MƯỜI PHÁP
Có mười pháp có nhiều tác dụng, có mười pháp cần phải tu tập, có mười pháp cần phải biến tri, có mười pháp cần phải đoạn trừ, có mười pháp chịu phần tai hại, có mười pháp đưa đến thù thắng, có mười pháp rất khó thể nhập, có mười pháp cần được sanh khởi, có mười pháp cần được thắng tri, có mười pháp cần được tác chứng.
Thế nào là mười pháp có nhiều có tác dụng?
Mười pháp hộ trì nhân pháp: Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo có giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi, chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào có giới hạnh, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý văn cú cụ túc, đề cao đời sống phạm hạnh, hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh những pháp ấy, vị đã nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ nhờ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào, đa văn khéo thành tựu nhờ chánh kiến, pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo là thiện hữu, thiện bạn lữ, là thiện bạn đảng, là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào là thiện hữu, là thiện bạn lữ, là thiện bạn đảng. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa vị Tỳ Kheo thiện ngôn, đầy đủ sự nhu hòa và khiêm nhường, nhẫn nại và nhận sự chỉ trích một cách cung kính.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào thiện ngôn nhận sự chỉ trích một cách cung kính. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, khi nào có những trách nhiệm cần phải làm đối với các vị đồng phạm hạnh niên lạp cao hơn, vị ấy khéo léo, không có biếng nhác, suy tư một cách đầy đủ các phương tiện, vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức.
Này các Hiền Giả, một vị Tỳ Kheo nào, đối với các vị đồng phạm hạnh vừa đủ để tổ chức. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa có vị Tỳ Kheo ưa pháp, ái luyến nói pháp, tự mình vô cùng hoan hỷ đối với Thắng pháp, Thắng luật.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào ưa pháp vô cùng hoan hỷ đối với Thắng pháp, Thắng luật. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo tự mình bằng lòng với các vật dụng nhận được như y phục, ẩm thực, sàng tọa, bệnh dược.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào tự bằng lòng. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa vị Tỳ Kheo sống tinh tấn siêng năng đoạn trừ các ác pháp, thành tựu các thiện pháp, cương quyết, kiên trì tinh tấn, nhẫn trì không phế bỏ các thiện pháp.
Này các Hiền Giả, một vị Tỳ Kheo nào sống tinh tấn siêng năng nhẫn trì không phế bỏ các thiện pháp. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo chánh niệm, đầy đủ tối thượng niệm và tỉnh giác, nhớ đến và ghi nhớ những điều nói và làm từ lâu.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào có chánh niệm, ghi nhớ những điều đã nói và làm từ lâu. Pháp như vậy là hộ trì nhân.
Này các Hiền Giả, lại nữa, vị Tỳ Kheo có huệ trí, đầy đủ sanh diệt trí, hướng đến sự quyết trạch các Bậc Thánh, chân chánh diệt trừ mọi đau khổ.
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo nào có huệ trí chân chánh diệt trừ mọi đau khổ. Pháp như vậy là hộ trì nhân. Như vậy là mười pháp có nhiều tác dụng.
Thế nào là mười pháp cần phải tu tập?
Mười biến xứ:
Một vị nào biết được địa biến xứ:
Trên, dưới, ngang, bất nhị, vô lượng.
Một vị biết được thủy biến.
Một vị biết được hỏa biến.
Một vị biết được phong biến.
Một vị biết được thanh biến.
Một vị biết được hoàng biến.
Một vị biết được xích biến.
Một vị biết được bạch biến.
Một vị biết được hư không biến.
Một vị biết được thức biến xứ:
Trên dưới, ngang, bất nhị, vô lượng.
Như vậy là mười pháp cần phải tu tập.
Thế nào là mười pháp cần phải biến tri?
Mười xứ: Nhãn xứ, sắc xứ, tỷ xứ, thanh xứ, nhĩ xứ, hương xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ. Như vậy là mười pháp cần được biến tri.
Thế nào là mười pháp cần phải đoạn trừ?
Mười tà pháp: Tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát. Như vậy là mười pháp cần được đoạn trừ.
Thế nào là mười pháp chịu phần tai hại?
Mười bất thiện nghiệp đạo: Sát sanh, thâu đạo, tà dâm, vọng ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham, sân, tà kiến. Như vậy là mười pháp chịu phần tai hại.
Thế nào là mười pháp hướng đến thù thắng?
Mười thiện nghiệp đạo: Ly sát sanh, ly thâu đạo, lỳ tà dâm, ly vọng ngôn, ly lưỡng thiệt, ly ác khẩu, ly ỷ ngữ, ly tham, ly sân, ly si. Như vậy là mười pháp hướng đến thù thắng.
Thế nào là mười pháp rất khó thể nhập?
Mười Thánh Cư:
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo đoạn trừ năm chi, đầy đủ sáu chi, một hộ trì, thực hiện bốn y, loại bỏ các giáo điều, đoạn tận các mong cầu, tâm tư không trệ phược, thân thể khinh an, tâm thiện giải thoát, tuệ thiện giải thoát.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo đoạn trừ năm chi?
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo đoạn trừ tham dục, đoạn trừ sân, đoạn trừ hôn trầm thụy miên, đoạn trừ trạo hối, đoạn trừ nghi. Này các Hiền Giả, như vậy là đoạn trừ năm chi.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo đầy đủ sáu chi?
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo mắt thấy sắc, không có thích ý, không có phật ý, an trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức pháp, không có thích ý, không có phật ý, trú xả, chánh niệm, tỉnh giác. Này các Hiền Giả, như vậy là vị Tỳ Kheo đầy đủ sáu chi.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo một hộ trì?
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo thành tựu sự hộ trì về niệm. Này các Hiền Giả, như vậy là vị Tỳ Kheo một hộ trì.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo có thực hiện bốn y?
Này các Hiền Giả, vị Tỳ Kheo sau khi suy tư, thọ dụng một pháp.
Sau khi suy tư, nhẫn thọ một pháp.
Sau khi suy tư, đoạn trừ một pháp.
Sau khi suy tư tránh xa một pháp.
Này các Hiền Giả, như vậy là vị Tỳ Kheo thực hiện bốn y.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo loại bỏ các giáo điều?
Này các Hiền Giả, ở đây, tất cả những giáo điều thông thường mà các vị Sa Môn thông thường chủ trương, vị Tỳ Kheo đều loại bỏ, phóng xả.
Này các Hiền Giả, như vậy gọi là Tỳ Kheo loại bỏ các giáo điều.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo đoạn tận các mong cầu?
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo đoạn trừ các mong cầu về dục vọng, đoạn trừ các mong cầu về hiện hữu, làm cho an tịnh các mong cầu về phạm hạnh.
Này các Hiền Giả, như vậy là vị Tỳ Kheo đoạn tận các mong cầu.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo, tâm tư không trệ phược?
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo đoạn trừ các tâm tư dục vọng, đoạn trừ các tâm tư sân hận, đoạn trừ các tâm tư não hại.
Này các Hiền Giả, như vậy là vị Tỳ Kheo, tâm tư không trệ phược.
Này các Hiền Giả, thể nào là vị Tỳ Kheo, thân hành được khinh an?
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo đoạn trừ lạc, đoạn trừ khổ, diệt các hỷ ưu từ trước, chứng và an trú thiền thứ tư, không lạc, không khổ, xả niệm thanh tịnh.
Này các Hiền Giả, như vậy vị Tỳ Kheo thân hành được khinh an.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo, tâm thiện giải thoát?
Này các Hiền Giả, ở đây, vị Tỳ Kheo tâm giải thoát khỏi tham, tâm giải thoát khỏi sân, tâm giải thoát khỏi si.
Này các Hiền Giả, như vậy vị Tỳ Kheo tâm thiện giải thoát.
Này các Hiền Giả, thế nào là vị Tỳ Kheo tuệ thiện giải thoát?
Này các Hiền Giả, ở đây vị Tỳ Kheo biết rằng: Tham tâm của ta đã được trừ, cắt tận gốc rễ, như cây Ta La bị chặt, đi đến chỗ không hiện hữu, không có khả năng sanh khởi trong tương lai.
Vị ấy biết rằng: Sân tâm của ta đã đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, như cây Ta La bị chặt, đi đến chỗ không hiện hữu, không có khả năng sanh khởi trong tương lai.
Vị ấy biết rằng: Si tâm của ta đã đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, như cây ta la bị chặt, đi đến chỗ không hiện hữu, không có khả năng sanh khởi trong tương lai.
Này các Hiền Giả, như vậy là vị Tỳ Kheo tuệ thiện giải thoát. Như vậy là mười pháp rất khó thể nhập.
Thế nào là mười pháp cần được sanh khởi?
Mười tưởng: Bất tịnh tưởng, tử tưởng, thực yểm ly tưởng, nhất thiết thế gian bất lạc tưởng, vô thường tưởng, khổ tưởng trên vô thường, vô ngã tưởng trên khổ, đoạn tưởng, ly tham tưởng, diệt tưởng. Như vậy là mười pháp cần được sanh khởi.
Thế nào là mười pháp cần được thắng tri?
Mười đoạn tận sự: Tà kiến do chánh kiến đoạn tận. Do duyên tà kiến, các ác bất thiện pháp khởi lên, các pháp này được đoạn tận. Do duyên chánh kiến các thiện pháp được tăng cường, viên mãn.
Tà tư duy do chánh tư duy đoạn tận tà ngữ do chánh ngữ đoạn tận tà nghiệp cho chánh nghiệp đoạn tận tà mạng do chánh mạng đoạn tận tà niệm do chánh niệm đoạn tận tà định do chánh định đoạn tận tà trí do chánh trí đoạn tận tà giải thoát do chánh giải thoát đoạn tận do duyên tà giải thoát, các ác bất thiện pháp khởi lên, các pháp này được đoạn tận.
Do duyên chánh giải thoát, các thiện pháp này được tăng cường, viên mãn. Như vậy là mười pháp cần được thắng tri.
Thế nào là mười pháp cần được chứng ngộ?
Mười vô học pháp: Vô học chánh tri kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh tinh tấn, vô học chánh niệm, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát.
Như vậy là mười pháp cần được chứng ngộ. Như vậy một trăm pháp này là chân, thực, như thị, không phải không như thị, không phải sai khác được Như Lai giác ngộ, Chánh Đẳng Chánh Giác.
Như vậy Tôn Giả Sàriputta thuyết giảng. Các vị Tỳ Kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời dạy của Tôn Giả Sàriputta.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh ưu Ba Ly Vấn Phật - Phần Năm - Bảy Mươi Bốn Pháp Chúng Học
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Mười Chín - Phẩm Thiền Tư Hành đạo
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bản Sinh Tâm địa Quán - Phẩm Sáu - Phẩm Ly Thế Gian
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Một - Phẩm Bố Thí Ba La Mật đa - Phần Hai
Phật Thuyết Mười Giới Pháp Và Oai Nghi Của Sa Di - Phần Một