Phật Thuyết Kinh Tuệ ấn Tam Muội - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT

KINH TUỆ ẤN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẦN MỘT  

Nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở trong núi Kỳ Xà Quật, thuộc thành La Duyệt Kỳ, cùng với cả chúng Đại Tỳ Kheo gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị, Bồ Tát có bốn mươi ức vị. Các vị đều đắc Đà La Ni, đều đắc các tam muội, đều đạt được pháp không, đều đạt được pháp tịch vô tưởng, đều đạt nguyện không lay động, đều đạt được hạnh vô sở trước Đà La Ni, đều đạt được vô ương số môn Đà La Ni.

Bấy giờ, Đức Phật liền nhâp vào tam muội Tam ma việt, bỗng nhiên không còn bóng dáng, không thể thấy, không thể nắm bắt.

Như hư không, không thể biết, không chỗ trụ, không thể được, không ngã, không tạo tác, không đến, cũng không đi, chẳng trụ, cũng chẳng dừng, chẳng phải ngẫu nhiên, cũng chẳng phải không ngẫu nhiên, cũng chẳng phải thân, chẳng buồn, cũng chẳng vui, chẳng phải tâm, cũng chẳng phải không tùy tâm, chẳng làm theo lời nói, cũng chẳng có lời nói nào rỗng không, cũng chẳng dính mắc.

Lúc Đức Phật thi triển tam muội Tam ma việt sẽ không được thấy thân Phật, cũng không thể tưởng tượng được. Chẳng những thân Phật, tâm ý Phật không thể tưởng tượng được, mà cũng không thấy y trong, y ngoài và chỗ ngồi, không thấy lúc Kinh hành, cũng chẳng nghe tiếng.

Khi ấy, oai thần của tam muội, chiếu khắp tam thiên đại thiên nhật nguyệt. Cùng với tam thiên đại thiên Cõi Phật. Các ánh sáng của mặt trời, mặt trăng đều bị che phủ, không thấy. Những ngọc báu ma ni, các ngọc quý du chấn, các Trời và những chỗ ngồi của Trời, các loại danh hương của hàng Trời, Người, Thích, Phạm đều không phát huy được khả năng của nó.

Đó là do sức oai thần của tam muội phủ kín. tam thiên đại thiên cõi nước, chỉ nghe hương tam muội ấy, nó chiếu khắp các Cõi Phật, nhân dân ở trong ấy, mắt không bị núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi, núi Tu Di, các núi đen làm cản trở.

Lúc ấy, lại có bảy báu xen nhau che phủ khắp tam thiên đại thiên cõi nước, tất cả Cõi Phật và cả vườn trúc. Núi Kỳ Xà Quật có vô số loài hoa, nở rộ khắp trong ấy. Vùng đất ấy bằng phẳng, trên mặt đất hoa sen mọc. Hoa sen ấy lớn như bánh xe. Mỗi hoa sen có mười vạn cánh, trên hoa đều có lọng bảy báu.

Mặt đất của nước Ma Kiệt Đà trở nên mịn màng, giống như tơ lụa Trời. Có vô số Đức Phật ở phương Đông, sai vô ương số Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ, đến cõi nước Sa Ha Lâu Đà, có Đức Phật, hiệu là Thích Ca Văn, Đa Đà Kiệt, A La Ha, Tam Da Tam Phật, hiện đang ở tất cả cảnh giới Chư Phật, thâm nhập Đa Đà Kiệt, Tuệ ấn tam muội Tam ma việt.

Ngoài phương tiện quyền xảo ra. Nếu có Bồ Tát, trải qua trăm kiếp, phụng hành sáu pháp Ba la mật, tích lũy công đức thì không bằng nghe tam muội ấy trong chốc lát.

Các Bồ Tát vâng lời dạy của Đức Phật ở cõi ấy, giữ lấy thần túc, bay đến trong vườn trúc, đảnh lễ Đức Phật, rồi lui ngồi trên hoa sen. Cũng vậy, vô số Đức Phật ở phương Nam, cũng sai vô ương số Bồ Tát. Phương Tây, phương Bắc, phương Đông Nam, phương Đông Bắc, phương Tây Nam, phương Tây Bắc, phương Trên, phương Dưới.

Vô số Chư Phật như thế đều sai vô ương số Bồ Tát Nhất sinh bổ xứ, đi đến cõi nước Sa Ha Lâu Đà, có Đức Phật, hiệu là Thích Ca Văn, Đa Đà Kiệt, A La Ha, Tam Da Tam Phật đang ở tất cả cảnh giới Chư Phật, thâm nhập Đà kiệt Tuệ ấn tam muội Tam ma việt.

Ngoài phương tiện quyền xảo ra, nếu có Bồ Tát nào trải qua trăm kiếp phụng hành sáu pháp Ba La Mật, tích lũy công đức thì không bằng nghe tam muội ấy trong chốc lát. Các Bồ Tát vâng lời dạy Đức Phật ở cõi ấy, giữ lấy thần túc bay đến trong vườn trúc, đến đảnh lễ Đức Phật, rồi lui ra, ngồi trên hoa sen.

Bấy giờ, các Tỳ Kheo Tăng và các vị Bồ Tát, ở các phương xa, trong tam thiên đại thiên cõi nước, đều tập họp đến pháp hội, ở trước Đức Phật, trong vườn trúc. Nhờ oai thần của tam muội ấy, mà vô ương số Bồ Tát và bốn mươi ức Tỳ Kheo, đều đã tập họp đông đủ đến pháp hội, ở trong vườn trúc.

Do đó, cả tam thiên đại thiên Thế Giới, Chư Thiên ở Cõi Trời Đế Thích, Chư Thiên ở Cõi Trời Phạm Thiên, Chư Thiên ở Cõi Trời Ma Di Hoàn, Chư Thiên ở Cõi Trời Biến Tịnh.

Tất cả các Vua: Rồng, các Vua Quỷ Thần, các Vua Kiền Đà La, Vua A Tu Luân, các Vua Ca Lưu La, các Vua Chân Đà La, các Vua Ma Hưu Lặc… Vua của các loài ấy, mỗi vị đều dẫn theo vô ương số quyến thuộc, đi đến chỗ Đức Phật. Đến nơi đảnh lễ trước Đức Phật, rồi lui đứng sang một bên.

Khi ấy, các Trời, người, phi nhân, trong tam thiên đại thiên cõi nước, từ dưới lên đến hai mươi tám tầng Trời đều chật ních cả hư không.

Các đệ tử lớn của Đức Phật như: Xá Lợi Phất La, Ma Ha Mục Ca Lan, Câu Đề Ca Chiên Diên, Bân Nậu Văn Đề Ni Phất La v.v… liền đến trước Văn Thù Sư Lợi.

Hỏi: Thưa Tôn Giả Văn Thù Sư Lợi! Nay Đức Phật, nhập vào tam muội Tam ma việt, chúng tôi hoàn toàn không thấy, không biết Phật đã đến nơi nào?

Xin nói cho chúng tôi biết điều đó.

Văn Thù Sư Lợi nói với Xá Lợi Phất La: Các nhân giả đều có đầy đủ trí tuệ, sao các vị không vào tam muội của mình, cùng nhau tìm xem khắp vô ương số Cõi Phật, để biết thân Phật đang ở đâu?

Ngay lúc ấy, Xá Lợi Phất La… mỗi vị đều vào tam muội của mình, cùng nhau tìm khắp vô ương số Cõi Phật, nhưng hoàn toàn không thấy thân Phật, cũng không biết Phật đến nơi nào.

Xá Lợi Phất La liền xả định, đến trước Văn Thù Sư Lợi, hỏi: Chúng tôi dùng mọi thứ tam muội, tìm khắp vô ương số Cõi Phật nhưng không thấy thân Phật, cũng không biết nơi Phật đến.

Chúng tôi muốn nghe biết, cúi xin Tôn Giả nói cho điều ấy.

Văn Thù Sư Lợi bảo: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất La! Ai không biết thân Phật đến nơi nào, thì hãy ngồi yên, chốc lát nữa đây, tự Đức Phật sẽ trở về.

Khi Đức Phật ra khỏi Tuệ ấn tam muội, tức thời cả ba ngàn Cõi Phật đều chấn động.

Xá Lợi Phất La… liền đến trước Phật, bạch: Bạch Thế Tôn! Phật trụ trong tam muội gì, mà chúng con dùng con mắt trí tuệ tìm, mà hoàn toàn không biết Phật ở đâu?

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất La: Này Xá Lợi Phất! Nơi Phật đến, không ở trong phạm vi hiểu biết của A La Hán, Bích Chi Phật… chỉ riêng Phật tự biết mà thôi.

Và sao?

Vì không có sự nhớ nghĩ, không động, không quấy nhiễu.

Này Xá Lợi Phất La! Thân Phật có một trăm sáu mươi hai việc, khó có thể biết được.

Một trăm sáu mươi hai việc ấy là gì?

Là chẳng phải thân hình, không tạo tác, không khởi, không diệt, chưa từng có, không thể so sánh, cũng không có vật gì để so sánh, không đi, cũng không nơi đến, không thể biết, không có tâp tất cả định, không sở hữu, cũng không có, chẳng hành, cũng chẳng trụ, chẳng sinh, cũng chẳng thọ, chẳng nghe, cũng chẳng thấy, chẳng có mùi hương, cũng chẳng có vị, không trơn lán, không đến thưa hỏi, không đáp lại, cũng không thưa hỏi đáp lại.

Chẳng tâm, cũng chẳng niệm, chẳng tâm niệm lìa tâm và tâm đẳng, tâm vô đẳng, vô sở dữ, không đến, không đi, không thấm nhuần, không thấm sạch, lại không có, chẳng khiếp, cũng chẳng sợ, chẳng dao, cũng chẳng động, chẳng tạo ra, cũng chẳng thành tựu, chẳng đầy.

Cũng chẳng vơi, cũng chẳng thấy, chẳng sáng, cũng chẳng không sáng, chẳng tối tăm, cũng chẳng không tối tăm, chẳng diệt, đã lìa diệt, tịnh ở trong diệt và tịnh ở trong thanh tịnh, đối với sắc không chỗ có, không ái dục, hoàn toàn chẳng có ngã, lìa chẳng có ngã, trụ nơi không chỗ trụ.

Cũng không nơi chốn, không thuận theo, cũng chẳng không thuận theo, chẳng có pháp, cũng chẳng không pháp, chẳng ruộng phước, cũng chẳng không ruộng phước, chẳng hết, cũng chẳng không hết, không có gì cả, lìa sự không có gì, xa lìa văn tự, xa lìa tiếng vang, xa lìa lời dạy, xa lìa hạnh, xa lìa niệm, chẳng họa.

Cũng chẳng không họa, chẳng lượng, cũng chẳng không lượng, chẳng lại, cũng chẳng qua, chẳng song song, cũng chẳng không song song, chẳng nương, cũng chẳng không nương, không tướng, cũng không phải không tướng, không có tướng, có khả năng hiện tướng, không có các nhập, chẳng có đắm say.

Lìa các đắm say, khiến mọi người được tin, không thọ nhập trú, chắc chắn lại ở trong chắc chắn, tất cả không phải hoàn toàn ta độ, cũng không thấy đối tượng của ta độ, tịnh không có đối tượng để tịnh, vượt qua mọi ách nạn, không thấy có ách nạn vượt qua, nói và không nói cả hai đều bình đẳng.

Đẳng vô sở đẳng, vô lượng đẳng, dữ không đẳng, vô xứ đẳng, vô sinh đẳng, bất khả đắc đẳng, nơi an ổn không có nơi nào an ổn hơn, vắng lặng càng vắng lặng, vắng lặng trong sáng suốt lại càng sáng suốt, đối với hành không chuyển không thể chuyển hành, hoàn toàn dứt bặt những đối tượng chấp trước, sự chắc chắn của các pháp không có hai.

Từ xưa đến nay không có gì cả, điều người giác ngộ đã giác chắc chắn, đã trải qua tất cả hạnh, thực hành việc độ mà không độ gì cả, chẳng đúng, cũng chẳng sai, chẳng dài, cũng chẳng ngắn, chẳng tròn, cũng chẳng vuông, chẳng thân, cũng chẳng thể, chẳng nhập, cũng không sở nhập, chẳng thế gian.

Cũng chẳng có sở hữu thế gian, chưa từng có người thấy, cũng chưa từng có người biết, chẳng bỏ, cũng chẳng không bỏ, chẳng có nhân duyên với đời, cũng chẳng không nhân duyên với đời, như vậy thân không thể được, chẳng có.

Cũng chẳng không, không có quá khứ, cũng không có vị lai, chẳng có tâm niệm, cũng chẳng lo buồn, chẳng làm, cũng chẳng không làm, chẳng tranh chấp, cũng chẳng không tranh chấp, chẳng Niết Bàn, cũng chẳng không Niết Bàn, chẳng hạnh, cũng chẳng không hạnh. Đó là một trăm sáu mươi hai việc.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất La: Này Xá Lợi Phất La! Thân Phật như thế, muốn tưởng, để thấy thân Phật nhưng không ai có khả năng thấy.

Vì sao?

Vì thân Phật không thể dùng tưởng để thấy biết.

Khi ấy, Đức Phật muốn cho Tuệ ấn tam muội được trải rộng khắp mười phương nên liền nói kệ:

Thân này, chẳng phải thân

Với thân đã giải thoát

Không tạo, cũng không có

Hư hoại, không được gì.

Tướng của tất cả pháp

Song cũng chẳng không song

Muốn thấy thân Chư Phật

Nơi chốn đều như thế.

Không phải, chẳng không phải

Chẳng lo, chẳng không lo

Không giữ, cũng không buông

Không bằng, cũng không hơn,

Không vui, cũng không trú

Tất cả không sinh theo

Thân Phật đã như thế

Mới đến chỗ an ổn.

Chẳng tạo, cũng chẳng thể

Trống rỗng, không có tưởng

Không tâm, cũng chẳng sắc

Có ngã, chẳng phải một,

Với thọ, không chỗ thọ

Với hữu, không có chi

Tất cả Bậc Chánh Giác

Thân ấy chắc như thế.

Không mạnh cũng không yếu

Không tốt cũng không xấu

Không đứt cũng không liền

Không có, cũng không mất,

Cũng không được chi cả

Nhiều, ít không chỗ quên

Muốn thấy các thân Phật

Hoàn toàn không nhơ bẩn.

Không thấy, cũng không nghe

Chẳng hương, không trơn láng

Không biết, cũng không động

Vì đó giống như hình,

Thân trú ở mọi nơi

Rõ tâm người dính mắc

Phật đã thành thân ấy

Tất cả đều như thế.

Chẳng thân, cũng chẳng thể

Chẳng bằng, chẳng chắc chắn

Chẳng sạch, chẳng không sạch

Các căn không chỗ có,

Không chứa, chẳng không chứa

Ví như trăng trong nước

Muốn thấy các thân Phật

Tất cả đều như thế.

Từng thân nối tiếp nhau

Nhân duyên vốn tự nhiên

Không sinh, cũng không diệt

Không đến, cũng không qua,

Không thấy ở ba cõi

Chợt hiện, giống như huyễn

Muốn thấy thân Chư Phật

Không dao, cũng không động,

Chẳng tiếng, cũng chẳng tranh

Chẳng im, cũng chẳng lặng

Chẳng được, chưa từng có

Chẳng đây, cũng chẳng kia,

Giống như tánh hư không

Tự nhiên không có gì

Đã thấy Phật như thế

Sớm tối nên cúng dường,

Khắp tất cả mười phương

Ngàn ức các Cõi Phật

Trên đến Trời hăm tám

Đầy ắp các châu báu,

Đều làm vật cúng dường

Cho đến vô số kiếp

Không bằng chép Kinh ấy

Phước này vượt hơn kia.

Ví như cát Sông Hằng

Lại gấp vô số kiếp

Lần lượt ở trong ấy

Hành tâm từ bình đẳng,

Không bằng tuệ rõ ràng

Hiểu ấn tam muội ấy

Như vậy vô số giới

Đức ấy hơn hẳn kia.

Như ở trong năm đường

Xoay vần vô số kiếp

Bao nhiêu kiếp như thế

Tất cả đều chịu được,

Không bằng tuệ chốc lát

Hiểu ấn tam muội ấy

Phước ấy như hạt cải

Sánh với núi Tu Di.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần