Phật Thuyết Kinh Tuệ Thượng Bồ Tát Vấn đại Thiện Quyền - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TUỆ THƯỢNG BỒ TÁT
VẤN ĐẠI THIỆN QUYỀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Vì sao Bồ Tát, sau khi sinh được bảy ngày thì người mẹ qua đời?
Mẫu hậu Ma Da mạng chung, phước đủ nên sinh lên Cõi Trời, chẳng phải là lỗi lầm của Bồ Tát. Ngày trước, khi còn ở Cõi Trời Đâu Suất, quán xét mẫu hậu Ma Da thọ mạng sắp hết, chỉ còn mười tháng bảy ngày, nên từ cõi ấy, dùng thần biến, thị hiện vào thai mẹ. Theo đấy mà xét thì chẳng phải là lỗi của Bồ Tát. Đó là Bồ Tát hành hóa phương tiện thiện xảo.
Thế nào là Bo tát học tập các loại: Sách vở, bắn cung, cầm cương, võ nghệ, kỹ thuật… tùy thuận tập tục nơi thế gian mà thị hiện nhân duyên ấy. Các thứ kỹ nhạc, Kinh Điển, thi tụng, thuật số, Thần Chú trị bệnh, bàn luận, trào lộng, đều thị hiện học tập đầy đủ, không loại nào là không thấu đạt rộng khắp, nhằm khiến cho mọi người không còn tự kiêu mạn. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là Bồ Tát mà có kết hôn, thành gia thất?
Bồ Tát dứt bỏ mọi ái dục, không ham chuộng chuyện lứa đôi, vì lìa dục mới là Chánh Sĩ.
Sở dĩ phải thị hiện có quyến thuộc, vợ con, vì e những người quen biết sẽ hoài nghi, cho Bồ Tát chẳng phải là người nam, là hoàng môn chăng?
Nhằm dứt trừ mọi nghi ngờ nên đã cưới người nữ thuộc họ Thích là Cù Di. Nhân duyên ấy dẫn đến việc sinh ra con trai là La Vân. Giả thuyết cho sinh ra từ bào thai là không đúng.
Vì sao?
Vì Lavân ở nơi Cõi Trời, biến hóa, mất đi rồi hóa sinh, chẳng do cha mẹ kết hợp mà có. Lại là chỗ đạt tới theo bản nguyện của Bồ Tát.
Từ xưa, vào thời Phật Định Quang, Cù Di có lời nguyện: Đời sau xin làm vợ của Bồ Tát. Do gieo trồng gốc công đức, không trái với phép tắc chính yếu có từ lâu đời, nên đã thành vợ chồng. Tình không giống với chỗ thường có nơi thế gian bị mê hoặc, nhiễu động nơi sắc duc, mà ân cần gắn bó. Bồ Tát thị hiện có vợ con quyến thuộc, rồi lại lìa bỏ ngôi vị Quốc Vương.
Hoặc có người nói: Vợ con của bậc Chánh Sĩ xinh đẹp, đoan chánh là vậy, hãy còn từ bỏ, huống nữa là chúng ta.
Lại như Bồ Tát, từ xưa, lúc bắt đầu học đạo, vợ con quyến thuộc đông đảo, đều cùng kính trọng, phát nguyện: Đời đời cùng gắn bó thuận hợp, tu tập, cho đến khi thành tựu Phật đạo, nên diễn giảng rộng về pháp thanh bạch. Thể nữ trong cung là bốn vạn hai ngàn người, đều phát tâm Bồ Đề, cầu đạo quả Chánh Giác Vô Thượng.
Ngoài ra thì đều vượt qua cõi ác. Do đấy, Bồ Tát thị hiện có quyến thuộc. Những thể nữ kia, do theo ân ái nên tự tạo lấy phiền não, vừa trông thấy Bồ Tát an nhiên, thanh tịnh, như ngọc báu minh nguyệt, liền lìa bỏ sắc dục.
Lúc này, Bồ Tát đi đến chỗ bóng mát của cây Diêm Phù, an tọa, thiền tư, có được sự hoan hỷ, an lạc. Bồ Tát, về xa xưa, từ đời Phật Định Quang đến nay, thảy nhận rõ về ái dục là nhân duyên tạo nghiệp, đều là chỗ ứng hợp của nghiệp được chiêu cảm từ vô thỉ. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là Bồ Tát, ở nơi bóng mát của cây Diêm Phù, đã an tọa, thiền tư?
Hóa ra bảy mươi ức trụ xứ của các Thiên Tử, đều khiến phát tâm Bồ Đề. Lại còn nhằm khiến cho công chúa Da Du được thấy.
Tâm tự suy niệm: Biết vậy, nên xả bỏ gia đình!
Do đấy, Bồ Tát ngồi yên nơi bóng mát của cây Diêm Phù nhập định tư duy. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Do đâu Bồ Tát vào nửa đêm xuất gia, đi đến nơi sông để tự tắm rửa, cảm thương về muôn loài, nên thị hiện chỗ gốc của công đức?
Tất nên suy nghĩ: Nơi chốn tạo lập công đức là pháp thanh tịnh, như nhiên. Do đấy, nửa đêm xuất gia không ngăn ngại, mọi thứ vui thú đều nên từ bỏ, còn pháp thanh tịnh thì không thể lìa. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là Bồ Tát, nơi Cõi Trời Đâu Suất khuyến hóa Chư Thiên?
Đến khi thị hiện sinh ra, hàng trơi, người đều chấp tay cung kính. Thời cơ đến, có thể đi xuất gia thì các cửa tự nhiên mở ra.
Bồ Tát suy niệm: Vua nếu còn hoài nghi, nghe tiếng động ấy, tức không hiểu rõ nơi đêm dài sinh tử là bất an, luôn gặp phải lo sợ bị đọa vào cõi ác. Vì thế, hóa ra trời, người mở cửa. Chư Thiên an tọa ở trong đó đều cất tiếng tán dương, chẳng phải là lỗi của Bồ Tát. Lại nhằm an ủi tâm của Vua cha. Do quán xét về nghĩa ấy là có chỗ khuyến hóa. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Do đâu Bồ Tát từ bỏ ngôi vị Quốc Vương, thị hiện sự lìa bỏ?
Mọi người sẽ hiểu biết, Bồ Tát chán sinh, lão, bệnh, tử, do đó mà xuất gia, chẳng phải là ghét bỏ gia thất, thân tộc, quyến thuộc. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là Bồ Tát tự cạo bỏ râu tóc?
Các chúng Trời, Rồng, Quỷ Thần, Càn đạp hòa v.v… nhân và phi nhân đều không thể thấy được đỉnh đầu của Bồ Tát, huống nữa là có thể vì bậc tôn quý mà cạo bỏ râu tóc?
Bấy giờ, Bồ Tát khuyến hóa, cứu độ chúng sinh, nên tự trừ bỏ râu tóc. Nhớ nghĩ về Vua Bạch Tịnh sẽ dấy khởi ý giận: Ai đã cắt bỏ tóc của con ta. Theo nơi sứ giả được nghe, Bồ Tát tự mình cắt bỏ râu tóc, Vua mới im lặng. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là Bồ Tát đem các thứ báu hiện có nơi thân như mão đội đầu, chuỗi anh lạc, khăn buộc tóc, giao cho Xa Nặc?
Bồ tat dấy khởi suy nghĩ: Mình vì cầu đạo nên không còn tham muốn ưa thích các thứ trang sức bằng châu báu. Đối với hết thảy các vật không còn bị lệ thuộc, nên đều xả bỏ.
Đời sau, giáo pháp truyền bá cùng khắp, sẽ theo gương của Bồ Tát: Chúng ta xuất gia, cũng nên học hỏi, từ nơi Pháp Phật tức dựa vào hành của bốn hiền, tất cả không còn chấp trước. Không vì hồ nghi nơi ấm, nhập mà xuất gia. Nếu chẳng như thế thì mọi người sẽ nghi ngờ cho rằng, không biết tạo dựng cơ nghiệp nên xuất gia. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Này Thiện Nam! Hãy lắng nghe! Bồ Tát ấy, do đâu trong sáu năm dốc chí tu tập khổ hạnh?
Do các Bồ Tát còn có tội báo, nên thị hiện sự khổ nhọc, vì mọi chúng sinh tạo ra phương tiện thiện xảo, ở nơi Bồ Tát này đã được hiện bày rõ nhất.
Khi Đức Phật Ca Diếp nói ra lời ấy: Sa Môn cạo tóc như thế, làm thế nào để làm Phật, tức là nói đến phương tiện thiện xảo của Bồ Tát, nên biết về ý nghĩa đó.
Do đâu Bồ Tát lại có lời nói ấy?
Ma nạp ưu đa Thượng Chí, Diễm Hoa có năm người bạn thân cùng năm trăm đệ tử, là đại Phạm Chí thuộc tộc họ giàu sang, vốn theo học pháp Đại Thừa, bị các tri thức xấu ác dẫn dắt, nên có nhận thức lầm lạc, mất tâm Bồ Đề.
Năm người bạn thân kia tin nơi hàng ngoại đạo dị học, không theo giáo pháp chân chánh, tu học Kinh sách của ngoại đạo, không học theo Pháp Phật, tự cho là hiểu đạo, là bậc Sư Trưởng, tự xưng chúng ta là Phật. Năm trăm đệ tử cũng lại như vậy.
Phạm Chí Diễm Hoa Ma nạp ưu đa dùng phương tiện thiện xảo để nhập vào nhóm Phạm Chí ấy, nhân đó buông lời chê trách, hỏi Nan Đề Hòa: Chỗ nào có Phật?
Sa Môn cạo tóc là Phật chăng?
Phật Đạo khó đạt được, sao có thể đến hầu cận?
Diễm Hoa dần dần dẫn dắt năm kẻ bạn thân kia cùng năm trăm đệ tử theo dị học, nên phát ra câu nói: Chỗ nào là Phật?
Sa Môn cạo tóc là Phật chăng?
Phật Đạo khó đạt được.
Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tuệ Thượng: Quán xét về đời ấy, Phạm Chí Diễm Hoa, lúc này ở nơi chốn riêng, cùng với năm người bạn than và năm trăm quyến thuộc hội đủ. Lúc ấy, một người chuyên về đồ gốm tên là Nan Đề Hòa Tấn gọi là Hoan Dự đi tới chỗ ấy, tán thán về công đức của Phật Ca Diếp, bảo Phạm Chí Diễm Hoa cùng đi đến trụ xứ của Như Lai Ca Diếp.
Diễm Hoa tâm niệm: Các vị Phạm Chí này gốc công đức chưa đầy đủ. Nay, nếu ta tán thán về công đức nơi đạo pháp của Như Lai Ca Diếp, tức là chê bai các tộc tánh tử theo dị học kia, tất họ sẽ kinh ngạc, dừng lại, không cùng hành trì.
Do đấy, Diễm Hoa giữ lấy nguyện cũ, theo trí tuệ vô tận, nhân nơi phương tiện thiện xảo nên nói: Sa Môn cạo tóc chẳng phải là Phật.
Phật Đạo khó đạt được, trí tuệ vô tận ở nơi chốn nào?
Người hanh trí Ba La Mật không có tưởng đây, kia, cũng không có tưởng chấp về đạo. Diễm Hoa thông đạt rốt ráo về không tuệ, hoàn toàn không chấp trước, vận dụng phương tiện thiện xảo, thuận theo hết thảy các pháp, nên phát ra câu nói kia.
Phạm Chí Diễm Hoa cùng với năm người bạn thân, năm trăm đệ tử, đi tới ao nước, tắm rửa xong, dừng xe ngựa, du hành, thuyết giảng Kinh. Bấy giờ, Hoan Dự Nan Đề Hòa vâng theo uy thần của Phật, nhằm hóa độ đám thầy và đồ đệ kia, nên nghinh đón xe của Diễm Hoa, bạn cùng đệ tử, hỏi thăm nhau về chỗ từ đâu đến.
Hoan Dự thành thật đáp: Đi yết kiến Phật Ca Diếp về!
Diễm Hoa bảo: Sa Môn cạo tóc chẳng phải là Phật. Phật Đạo khó đạt được.
Hoan Dự nghe nói thế thì hoàn toàn không vui, dùng tay nắm tóc, nói: Ông không tin thì có thể cùng đi đến để chất vấn.
Diễm Hoa suy nghĩ: Hoan Dự tánh tình vốn hiền hòa, chưa từng nóng nảy giận dữ, nay nắm vội lấy tóc ta hẳn là không sai. Ta cùng với các bạn và đám đệ tử phải nên xem xét về đạo kia.
Nên đều nói: Xin vâng.
Lúc này, Hoan Dự, Diễm Hoa, năm người bạn và năm trăm đệ tử cùng đi đến yết kiến Phật Ca Diếp. Đức Phật liền vì họ nêu giảng về chỗ hưng khởi gốc của đạo đức từ đời trước. Người nghe, tâm hết mực hoan hỷ, tán thán.
Diễm Hoa thưa: Đạo đức, trí tuệ phương tiện của bậc Thế Tôn mới được như vậy. Thật tiếc là không sớm vì chúng con thuyết giảng giáo pháp.
Năm người bạn và các đệ tử thấy Phật Ca Diếp đạo đức cao vời, biện tài vô lượng, nên đều phát tâm Bồ Đề cầu đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác.
Bấy giờ, Đức Như Lai Ca Diếp Chí Chân Đẳng Chánh Giác thuyết giảng về giáo pháp Đại Thừa, mở bày pháp tạng, nêu pháp luân không thoái chuyển, năm vị đại Phạm chí, năm trăm đệ tử đều chứng đắc pháp nhẫn Vô sinh.
Đức Phật nói với Bồ Tát Tuệ Thượng: Này Thiện Nam! Diễm Hoa nếu chẳng dùng việc tán thán trí tuệ của Phật Ca Diếp, chê bai các pháp dị học kia, thì năm vị đại Phạm Chí cùng năm trăm đệ tử sẽ hoàn toàn không được hóa độ, lại cũng không do đâu để được yết kiến Phật Ca Diếp.
Nhằm để mở bày, dẫn dắt, nên nhân đấy mà hành trì trí tuệ phương tiện, vì vậy đã phát ra câu nói như trên. Đạt được không thoái chuyển thì không nơi nào là không thấu đạt, lại không còn nghi ngờ về đạo. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Phật bảo Bồ Tát Tuệ Thượng: Bồ Tát sở dĩ tùy thời giáo hóa, lại còn thị hiện vô số hạnh khổ nhọc khác, vì nếu không như thế thì các Sa Môn, Phạm Chí giữ giới thanh tịnh sẽ không được đông đảo người khác biết tới.
Còn kẻ biếng trễ, không tinh tấn, thì chỉ vừa gặp nhau đã có thể từ chối không thuyết giảng, bảo tạng này là tạng của dị học. Những trường hợp như vậy, trong đêm dài sinh tử, từng không có nghĩa lợi, chẳng được an ổn, tất hướng về cõi ác.
Do các thứ tội nên hiềm khích Như Lai, hiện bày những tai ương khác, không kể xiết. Bồ Tát đều không có sự lo lắng về tội lỗi bị ngăn che. Các Sa Môn, Phạm Chí giữ giới, nếu nói lời thô ác tức sẽ tự nghi hoặc. Không tăng thêm tinh tấn thì không đạt được giải thoát, nên tạo ra sự do dự, không quyết đoán.
Bồ Tát dùng phương tiện để phát tâm nói lời ấy, duyên vào đó để hóa độ, tức nên tự nêu bày: Chúng ta không trí tuệ, tự trách mình, sám hối lỗi lầm, chỉ học hỏi trí tuệ giác ngộ, cung kính hành trì rộng khắp. Lại do hàng dị học ngoại đạo cao ngạo, tùy tiện, vì thế Như Lai thị hiện khổ hạnh qua sáu năm, chẳng phải là tai họa còn sót lại.
Vì sao?
Hoặc có Sa Môn, Phạm Chí chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo, nhưng tu tập thanh tịnh, tự tại. Nhằm thâu giữ, giáo hóa các trường hợp ấy để họ có đủ hạnh nguyện kia, nên Bồ Tát một ngày cũng chỉ ăn một hạt mè, một hạt gạo, hạn lượng như vậy, nếu ăn không đúng thời thì không thể đến với Thánh Đạo.
Bồ Tát nói ra lời này: Sa Môn cạo tóc chẳng thể là Phật. Phật Đạo khó đạt được. Do đấy nên có tội báo sáu năm khổ hạnh. Trong sáu năm đó, chỗ có thể mở bày, giáo hóa thì hàng dị học không thể nhận biết, hay đạt tới. Tức khiến cho năm trăm hai mươi vạn người an trụ nơi trí tuệ bình đẳng, chỗ có thể thấy rõ là dẫn dắt, hóa độ muôn người. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là Như Lai nhóm hội bốn chúng đệ tử, các bộ chúng Trời, Rồng, quỷ thần, nhân và phi nhân, vì họ mà thuyết giảng Kinh?
Đầu đêm vừa hết, Phật bảo Hiền Giả A Nan: Hãy đem tấm y trung cho Như Lai, vì hơi lạnh.
Hiền Giả A Nan vâng lời dạy, đem y dâng lên.
Giữa đêm, lại bảo Hiền Giả A Nan đem tấm y thượng đến, vì Như Lai bị lạnh, cần phải mặc y. Hiền Giả A Nan liền dâng y. Giữa đêm hết, chuyển qua cuối đêm, Đức Thế Tôn lại bảo Hiền Giả A Nan đem chúng tập y đến, Như Lai muốn mặc.
Đức Phật mặc y xong, bảo các Tỳ Kheo: Ta cho phép người xuất gia học đạo, một lúc được mặc ba pháp y. Giả như gặp lạnh thì cũng có thể mặc gấp lên.
Vì sao?
Vì ở đời sau, nơi những thành ấp vùng biên địa của đất nước, khí hậu lạnh lẽo nên không thể mặc y đơn, mỏng, tùy theo vùng đất mà nên mặc y kép. Phật thì không lạnh, không nóng, không đói, không khát.
Vì sao?
Vì ở nơi vùng đất lạnh, không mặc y kép, hoặc khi bị bệnh tật thì có thể dứt trừ, nếu không thì chẳng thể dốc tâm cầu đạo một cách trọn vẹn. Đó là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Thế nào là Như Lai an tọa nơi nệm cỏ?
Vì người nơi đời vị lai xuất gia học đạo, hoặc tham các thứ giường, ghế đẹp đẽ, tâm ý chỉ để ở nơi an ổn, mềm dịu chứ không tăng thêm tinh tấn.
Hoặc có người tu hành ít phước, không có được tọa cụ, giường, nệm tốt đẹp, dày chắc, có thể oán trách, thoái chuyển, nhưng tâm có thể suy niệm: Đức Như Lai, Thế Tôn thân sắp thành Phật, đã ngồi nơi nệm cỏ, không tham vướng nơi chỗ ngồi tốt đẹp mới thành tựu Phật Đạo, huống hồ là chúng ta lại ham chuộng tòa ngồi đẹp đẽ.
Phật dạy: Sự giáo hóa luôn tùy thuận tập tục, nhưng đệm chiếu, nệm cỏ không làm trở ngại việc tu đạo. Đối với chỗ ngồi mềm mại không vui, chỗ ngồi thô cứng không buồn. Tâm của mọi người khó như nhau, chí cần hành như vậy nên phải dùng phương tiện biến hiện cũng như vậy để giáo hóa. Đó là phương tiện thiện xảo của Như Lai.
Thế nào là Bồ Tát lại dấy khởi việc ăn uống?
Chỗ dựa nơi người không đức là tự nhịn đói để cầu đạo. Phàm bị đói khát thì không the phát triển trí tuệ, nên ăn uống an ổn, nhân đấy mà thành tựu đạo đức, thuyết giảng pháp Bồ Tát để mở bày, giáo hóa muôn loài đạt được nhiều an lạc, không bị khổ nhọc. Bồ Tát thọ thực là dùng để thành Phật, do vay cần thực hành một pháp Tam Muội. Do một pháp Tam Muội mà an trụ nơi trăm ngàn kiếp. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Thế nào là Bồ Tát ở nơi vắng lặng cầu đạo?
Trải nệm cỏ nơi cội cây, do Chư Phật thời quá khứ không tham đắm tòa ngồi. Trải cỏ cát tường, an tọa trên ấy để thuyết giảng về chân lý đầy đủ ý nghĩa, phép tắc. Nếu khiến Bồ Tát thuyết giảng pháp sơ lược tức rơi vào nghĩa lợi, như có người dâng cúng cỏ cho Bồ Tát, nhân đấy mà phát tâm Bồ Đề.
Khi Phật thọ ký cho Cát Tường: Ông ở nơi cõi ấy, vào đời vị lai sẽ được thành Phật, hiệu là Ly Cấu Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Đó là phương tiện thiện xảo của Bồ Tát.
Do đâu Bo tát an tọa nơi cội cây Bồ Đề, khiến các ma tụ tập đến đông đảo?
Giả như không mau chóng hướng tới đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì ma Ba Tuần không dám đến chỗ Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba