Phật Thuyết Kinh Tuệ Thượng Bồ Tát Vấn đại Thiện Quyền - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH TUỆ THƯỢNG BỒ TÁT

VẤN ĐẠI THIỆN QUYỀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN HAI  

Vị Học Sĩ hỏi: Cô cầu mong điều gì?

Đáp: Tôi yêu mến Nhân Giả.

Học sĩ nói: Tôi không còn ham thích dục lạc.

Cô gái bảo: Nếu không được như vậy tôi sẽ tự vẫn.

Học sĩ Diệm Quang tự nghĩ: Ta gìn giữ giới cấm, tịnh tu phạm hạnh trong bốn trăm hai chục vạn năm, nay nếu hủy phạm thì không phải là điều an lành.

Suy nghĩ như vậy rồi, bèn rời bỏ, lui lại bảy bước, mới phát tâm từ bi: Nếu hủy phạm giới cấm thì bị đọa nơi địa ngục. Còn nếu không thuận theo ý của cô gái thì cô ấy sẽ tự vẫn. Ta nên khiến cho người nữ này đạt được an on, còn mình sẽ phải thọ nhận bao nỗi thống khổ nơi địa ngục.

Học sĩ Diệm Quang liền trở lại, nắm lấy cánh tay người nữ, nói rõ: Xin thuận theo ý muốn của cô, có được may mắn, chớ nên tự chuốc lấy nguy khốn.

Học sĩ trở về với sự nghiệp gia đình hơn mười hai năm, nhàm chán với bao chướng ngại, nên biết dừng, đủ bốn pháp thanh tịnh. Sau khi mạng chung được sinh nơi cõi Phạm Thiên.

Đức Phật bảo: Này Thiện Nam! Học sĩ Diệm Quang thời ấy đâu phải là người xa lạ, mà chính là thân ta đây. Người con gái của gia đình thợ gốm kia tức là Cù Di. Do người nữ còn chuộng sắc dục nên ta đã thuận theo tâm ấy.

Ta đem tâm đại bi cứu độ chúng sinh thoát khỏi trăm ngàn tai họa nơi sinh tử. Hiền Giả lại quán xét về chỗ hủy phạm giới cấm của những người khác nên bị đọa nơi địa ngục. Còn Bồ Tát, với phương tiện thiện xảo nên được sinh lên Cõi Trời Phạm Thiên.

Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Tuệ Thượng: Giả như các Tôn Giả Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên hành trì phương tiện thiện xảo thì không khiến cho Tỳ Kheo Cù hòa ly bị đọa nơi địa ngục.

Vì sao?

Như Lai nhớ lại về quá khứ xa xưa, thời Đức Phật Câu lâu tần, có một Tỳ Kheo tên là Vô Cấu, ở nơi hàng Gia Sơn thuộc nước Nhàn Cư. Cách hang ấy không xa, có năm vị Thần Tiên.

Lúc này, có một người nữ đang đi trên đường, gặp phải cơn mưa lớn, bèn chạy vào hang, là chỗ ở của Tỳ Kheo Vô Cấu, để tránh mưa. Mưa tạnh thì ra đi. Khi ấy, năm vị Tiên Nhân thấy người nữ từ nơi hang của Tỳ Kheo Vô Cấu đi ra, đều cho Tỳ Kheo Vô Cấu đã làm điều dâm uế, không còn thanh tịnh. Vị Tỳ Kheo biết rõ ý nghĩ của các Tiên Nhân kia, bèn tự vọt thân bay lên hư không cách mặt đất bốn trượng chín thước.

Các vị Tiên thấy Tỳ Kheo Vô Cấu bay nơi không trung, đều nói: Đúng như Kinh Điển của ta đã ghi chép, nếu người nhiễm nơi dục trần thì không thể bay được.

Tức thì năm vóc gieo sát đất, cúi đầu nhận tội đã suy nghĩ xằng bậy: Giả sử Tỳ Kheo không hiện bày thần biến, thì năm vị Tiên chúng tôi sẽ bị đọa nơi địa ngục!

Đức Phật bảo: Tỳ Kheo Vô Cấu thời bấy giờ tức là Bồ Tát Từ Thị. Nếu các Tôn Giả Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên có phương tiện thiện xảo bay lên cao, thì Cù Hòa Ly không bị rơi vào địa ngục.

Nên biết, về ý nghĩa ấy, chẳng phải là năng lực của hàng Thanh Văn, Duyên Giác có thể đạt tới. Chỉ riêng có Bồ Tát mới phân biệt, hiểu rõ về phương tiện thiện xảo. Cũng như người nữ buông lung, bốn thời trang điểm, luôn tham muốn của cải, lợi dưỡng.

Hoặc kẻ vô trí biến đổi tánh người, khiến theo ý ấy chỉ rõ việc bố thí cả thân mạng. Kính trọng người kia vì đã dốc bố thí hết mọi tài sản, bèn đoạn lìa các duyên nên tạo được những việc chưa từng hối hận. Bồ Tát hành hóa phương tiện thiện xảo cũng như vậy.

Quán xét căn tánh của người có thể giáo hóa, dùng phương tiện gì để dẫn dắt, tạo sự an lập, bố thí khắp chúng sinh không tiếc cả thân mạng, gieo trồng gốc của các công đức, không hề chứa giấu. Giả sử nhận biết về người rồi thì gây tạo phần căn bản của đức hạnh, khiến người ấy thọ mạng được nối tiếp, tăng trưởng các thiện căn.

Đối với hết thảy dục lạc không còn tham đắm. Trừ bỏ mọi ân ái khiến quay về nẻo không. Tâm được thanh tịnh không còn buộc, chấp. Giống như loài ong chỉ hút lấy mật nơi các hoa, không hề có tưởng chấp về thường, hoặc có ý làm tổn hại cành, lá, hoa, trái.

Bồ Tát hành trì quyền xảo, luôn thuận theo phương tiện của thế gian, tuy vui thích nơi các dục, nhưng không chấp nơi ái dục, không phát khởi tưởng về thường, không tự hủy thân, cũng không làm tổn hại người khác. Ví như hạt giống của cây không bị mất màu sắc tươi tốt, nhân đấy mà sinh mầm hoàn toàn tốt tươi.

Như vậy, này Thiện Nam! Bồ Tát dùng ba pháp môn giải thoát là không, vô tướng, vô nguyện, cùng với trí tuệ Ba La Mật rộng lớn, hội nhập vào Thế Giới phiền não, tùy chỗ thích hợp mà hành hóa, không bỏ tập tục, không khiến thân bị cấu uế vì dục, không trái với sự tán thán của Phật, chưa từng thoái chuyển.

Như người đánh cá, giăng bủa lưới rộng khắp mặt sông lớn theo ý muốn của mình, thì khi tóm thâu lưới lại sẽ thu được nhiều cá. Bồ Tát cũng vậy, hội nhập nơi pháp không, vô tướng, vô nguyện, dùng tâm vi tế, ở nơi nhất thiết trí buộc chặt các tham dục lớn.

Các tuệ thông tỏ nơi tâm, do tâm được rộng mở nên đạt được tự tại, sinh nơi Cõi Trời Phạm Thiên. Ví như bậc trượng phu khéo học các loại chú thuật, nhằm sửa trị chỗ chi phối của năm thứ trói buộc. Người ấy tùy ý sử dụng một loại chú thuật để đoạn trừ các thứ buộc ràng, đạt được giải thoát.

Như vậy, này Thiện Nam! Bồ Tát hành trì phương tiện thiện xảo, tự vui thích nơi năm dục, cùng với mọi người kết hợp, thuận theo chỗ may mắn, vận dụng sức mạnh của trí tuệ, sức mạnh của học thuật, dùng một thứ tuệ thông tỏ, phá trừ hết thảy các dục, sau khi qua đời được sinh vào cõi Phạm Thiên. Ví như vị sư an định, dùng tâm không chút đố kỵ, xấu ác, biến hiện sự che chở, hộ tống cho người buôn bán lớn.

Hoặc có kẻ ngu chê bai, làm thương tổn, nói: Suy xét về vị sư ấy tự cho là quyến thuộc, đối với của cải hãy còn không thể kết hợp để đưa qua, sao có thể cứu giúp mọi người, khiến thoát khỏi lũ giặc?

Nên tất sẽ bị thất thoát vô số tiền của. Khi ấy, vị sư dẫn đường càng thêm phẫn nộ, hổ thẹn, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, giữ tâm kiên cường, mang áo giáp, múa đao tiêu diệt đám oán địch, đạt được an ổn, không bị mất mát.

Bồ Tát hành trì phương tiện thiện xảo, nắm chặt ngọn đao trí tuệ, thuận theo hoàn cảnh và chỗ mong muốn, dùng phương tiện khéo léo, để tạo sự an trụ theo năm thứ an lạc. Tâm chí của người theo thừa Thanh Văn không thể vui thích, để phát tâm từ bi.

Như thế, nếu dấy khởi hành phóng dật ấy, thì hãy còn không tự độ, sao có thể cứu giúp mọi người, cùng hàng phục các thứ ma oán?

Là chỗ không thể đạt được.

Bồ Tát dùng pháp của trí tuệ Ba La Mật, với phương tiện thiện xảo, đối với các trường hợp tâm ý buông thả theo tham dục, dùng đao trí tuệ chặt đứt mọi phiền não nhiễm ô, phá tan màng lưới nghi hoặc, tùy ý du hóa đến khắp các cõi của Chư Phật, xa lìa cảnh giới nữ nhân, không còn tỳ vết cấu uế.

Bấy giờ, có vị Bồ Tát tên là Ái Kính, đi vào đại thành Xá Vệ, theo thứ lớp khất thực, lần đến một gia đình giàu sang. Nhà này có một người nữ tên là Chấp Tường, đang ở nơi lầu gác, nghe tiếng nói của vị Tỳ Kheo thọ nhận thức ăn xong, vừa đi ra. Chấp Tường trông thấy hình dáng của vị ấy, liền sinh tâm buông lung, lửa dục phát khởi quá mạnh, không được như ý nên hơi thở bị dứt, mạng chung, thân thể run rẩy hồi lâu.

Tỳ Kheo thấy người nữ như vậy, bèn khởi tưởng bất tịnh, suy nghĩ: Thế nào là pháp lạc, tự đạt được hoan hỷ?

Xét kỹ về các trần là không, không thật, cũng như bọt nước, không có gì là bền chắc, đáng tôn quý. Tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý như khối thịt thối rữa từng phần bên trong, được lớp da phủ bọc bên ngoài.

Từ chân tới đỉnh đầu, có gì đáng để yêu thích?

Quán xét không tranh tụng, không tưởng, không niệm, pháp không trong ngoài, cũng không thọ mạng, đều không thật có.

Vậy tâm sao lại chấp vướng, thọ nhận?

Vĩnh viễn xa lìa mọi lỗi lầm của dục, cũng không thủ đắc. Quán xét kỹ các pháp là không có đối tượng được phát khởi, Bồ Tát Ái Kính liền đạt được pháp nhẫn vô sinh, tức thì hoan hỷ hết mực, vọt thân bay lên không trung, cách mặt đất bốn trượng chín thước, nhiễu quanh đại thành Xá Vệ bảy vòng.

Lúc này, Đức Thế Tôn thấy Bồ Tát Ái Kính đang bay nơi hư không như nhạn chúa, thần túc vô ngại, tự tại, ung dung, nên bảo Hiền Giả A Nan: Hiền Giả có trông thấy Bồ Tát Ái Kính đang bay nơi hư không, tới lui như nhạn chúa chăng?

Hiền Giả A Nan thưa: Bạch Thế Tôn, con có thấy.

Đức Phật dạy: Bồ Tát Ái Kính nhân nơi sắc dục để hành hóa, đạt được các pháp Phật, hàng phục quân ma, tức chuyển pháp luân. Người nữ Chấp Tường kia, sau khi mạng chung, được chuyển thân nữ, sinh nơi cung điện Tử Cám thuộc Cõi Trời Đao Lợi, tự nhiên hóa hiện có bốn trăm tám mươi dặm cung điện, một vạn bốn ngàn ngọc nữ cùng lo việc hầu cận.

Duyên nơi đức ấy mà phát tâm sáng tỏ, tự suy niệm nhờ vào hạnh gì mà được sinh ở cõi này?

Tức nhận biết mình vốn ở thành Xá Vệ, con gái của một gia đình giàu sang, muốn dùng sắc đẹp mê hoặc Bồ Tát Ái Kính. Duyên nơi tham dục ấy, sau khi mạng chung, được chuyển thành thân người nam, tự nhiên có thần túc biến hóa vô số sự việc.

Tâm chí ở nơi tham dục, mà đạt được phước báo ấy, huống chi là với tâm thanh tịnh, nghiêm túc, hết lòng cung kính cúng dường Bồ Tát?

Nay thường dùng các thứ kỹ nhạc, an vui lâu dài, luôn tới trú xứ của Đức Thế Tôn, cùng được thấy Bồ Tát Ái Kính.

Khi ấy, Thiên Tử cùng với đám quyến thuộc, đều mang theo các loại hoa trời, các thứ hương chiên đàn, uy quang rực rỡ, đi đến chỗ Đức Thế Tôn và Bồ Tát Ái Kính, đảnh lễ, cúng dường, nhiễu quanh ba vòng, rồi chấp tay dùng kệ tán thán:

Chư Phật, không nghĩ bàn

An lạc không thể lường

Như Lai lìa tâm ý

Tức đạt đạo vô thượng.

Con ở Xá Vệ làm người nữ

Uy danh lớn, vang, chẳng thể tính

Tên là Chấp Tường, con Trưởng Giả

Thân tướng xinh đẹp, báu trang nghiêm.

Do được cha mẹ luôn quý trọng

Con bậc Chánh Giác không đắm nhiễm

Hiệu là Ái Kính, uy thần lớn

Vào thành Xá Vệ để khất thực.

Con nghe giọng nói thật dịu dàng

Tâm hoan hỷ, chọn lấy thức ăn

Liền tự đi tới pháp vô tận

Con của đạo Như Lai: Ái kính.

Con thấy vị ấy, dấy tâm loạn

Mê lầm ái dục, tham buông lung

Giả sử chẳng được theo ý nguyện

Tức sẽ dứt bỏ hẳn thọ mạng.

Khi ấy, không thể nói thành lời

Tuy cúng thức ăn, không thể trao

Con do ái dục nên phóng dật

Tức tại nơi mạng sống liền hết.

Tuy không ứng hợp với đạo hạnh

Lìa bỏ thân người nữ cấu uế

Được làm thân nam, Phật khen ngợi

Tức thì được sinh Trời Đao Lợi.

Cung điện thật đẹp đẽ, nguy nga

Dùng báu hợp thành không gì sánh

Một vạn bốn ngàn các quyến thuộc

Các thể nữ, vui thú gồm đủ.

Tâm liền tự phát khởi suy niệm:

Do nhân duyên nào được tới đây?

Cùng lúc nhớ biết việc như vậy

Tâm theo ái dục được báo ứng.

Thấy nơi ái kính tâm hoan hỷ

Do tâm buông lung mà tham đắm

Duyên nơi đức kia, được báo này

Như ánh sáng chiếu nơi cây tốt.

Thường làm đệ tử Phật chánh giác

Nơi chốn du hóa, an trụ tuệ

Tâm ái dục phước báo như vậy

Huống chi là người hành cúng dường.

Thân con nay là con Như Lai

Phát nguyện cầu đạt trí tuệ Phật

Nên phải tu tập hằng sa kiếp

Chưa từng lìa bỏ chí tánh lớn.

Đều do nhân thầy lành ái kính

Tức nên cúng dường phụng sự pháp

Mọi việc vì đạo, không thân thuộc

Xin nguyện tu học nẻo giác ngộ.

Hành trì theo đạo pháp vô thượng

Do tâm buông lung nên tham chấp

Đồng thời được chuyển lìa thân nữ

Thành thân nam tử tướng uy nghiêm.

Cha mẹ tại nhà đều gào khóc

Thấy lăn ra chết nên xót thương

Tâm tự suy nghĩ đạo mê hoặc

Buông lời mắng nhiếc Sa Môn ấy.

Lúc này, Thiên Tử thừa uy Phật

Đến chỗ cha mẹ nêu giải rõ

Không được mắng nhiếc, giận

Sa Môn đêm dài sinh tử khỏi khổ não.

Cha mẹ muốn được biết con chăng

Con đã sinh nơi Trời Đao Lợi

Đúng lúc chuyển hóa nơi thân nữ

Làm thân Thiên Tử uy quang lớn.

Cha mẹ sẽ đến chốn an trụ

Tội mắng nhiếc lớn tự sám hối

Lại cầu cứu giúp, chẳng thể được

Chỉ có Như Lai là đạo tuệ.

Khi cha mẹ nghe âm vang Phật

Lúc ấy đã khuyến hóa dũng mãnh

Tâm đều hòa nhã cùng quyến thuộc

Cùng đi đến chỗ Phật Năng Nhân.

Tức cùng đảnh lễ Lưỡng Túc Tôn

Liền tự sám hối tâm sân hận

Thảy đều cung kính nơi Như Lai

Thưa hỏi, an trụ thật chắc chắn.

Dùng vật cúng dường nào phụng Phật

Thế nào là thuận Phật, Pháp, Tăng?

Xin vì chúng con phân biệt nêu

Giả sử người nghe tâm không khác.

Tối thắng nhận biết các tâm niệm

Bậc cứu đời liền thuyết giảng rõ

Như muốn cúng dường tất cả Phật

Tâm đạo kiên cố ngăn các tưởng.

Cha mẹ, quyến thuộc cùng nam, nữ

Đầy đủ năm trăm không giảm bớt

Lắng nghe bậc đại nhân giảng nói

Cùng lúc đều phát tâm Bồ Đề.

Bậc tối thắng nên nhân không khác

A Nan nghe Như Lai nêu bày

Như hạnh Bồ Tát không giới hạn

Phương tiện thiện xảo trụ trí tuệ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần