Phật Thuyết Kinh Tương ưng Bộ - Tập Hai - Thiên Nhân Duyên - Chương Ba - Tương ưng Giới - Phẩm Thứ Hai - Phần Hai - Có Nhân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TƯƠNG ƯNG BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP HAI

THIÊN NHÂN DUYÊN  

CHƯƠNG BA

TƯƠNG ƯNG GIỚI  

PHẨM THỨ HAI  

PHẦN HAI

CÓ NHÂN  

Trú ở Sàvatthi!

Này các Tỳ Kheo, có nhân, dục tầm sanh khởi, không phải không nhân. Có nhân, sân tầm sanh khởi, không phải không nhân. Có nhân, hại tầm sanh khởi, không phải không nhân.

Và như thế nào, này các Tỳ Kheo, có nhân, dục tầm sanh khởi, không phải không nhân. Có nhân, sân tầm sanh khởi, không phải không nhân.

Có nhân, hại tầm sanh khởi, không phải không nhân?

Này các Tỳ Kheo, do duyên Dục Giới, dục tưởng sanh khởi.

Do duyên dục tưởng, dục tư duy sanh khởi.

Do duyên dục tư duy, dục dục sanh khởi.

Do duyên dục dục, dục nhiệt tình sanh khởi.

Do duyên dục nhiệt tình, dục tầm cầu sanh khởi.

Này các Tỳ Kheo, do tầm cầu dục tầm cầu, kẻ vô văn phàm phu thực hành tà hạnh theo ba xứ: thân, ngữ, ý.

Này các Tỳ Kheo, do duyên sân giới, sân tưởng sanh khởi. Do duyên sân tưởng, sân tư duy sanh khởi, sân dục, sân nhiệt tình, sân tầm cầu sanh khởi.

Này các Tỳ Kheo, do tầm cầu sân tầm cầu, kẻ vô văn phàm phu thực hành tà hạnh theo ba xứ: thân, ngữ, ý.

Này các Tỳ Kheo, do duyên hại giới, hại tưởng sanh khởi, hại tư duy, hại dục, hại nhiệt tình, hại tầm cầu sanh khởi.

Này các Tỳ Kheo, do tầm cầu hại tầm cầu, kẻ vô văn phàm phu thực hành tà hạnh theo ba xứ: thân, ngữ, ý.

Ví như, này các Tỳ Kheo, có người ném bó đuốc bằng cỏ cháy đỏ vào một rừng cỏ khô. Nếu người ấy không dập tắt gấp với tay và chân.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, các sanh loại sống nương vào cỏ và củi sẽ gặp bất hạnh và tai họa. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Sa Môn hay Bà La Môn nào, đối với tưởng bất chánh khởi lên, không gấp từ bỏ, nhiếp phục, chấm dứt, tiêu diệt.

Vị ấy ngay trong hiện tại trú trong đau khổ, với phiền lao, với sầu não, với nhiệt não. và sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào ác thú.

Này các Tỳ Kheo, có nhân, xuất ly tầm sanh khởi, không phải không nhân. Có nhân, vô sân tầm sanh khởi, không phải không nhân. Có nhân, bất hại tầm sanh khởi, không phải không nhân.

Và này các Tỳ Kheo, như thế nào có nhân, xuất ly tầm sanh khởi, không phải không nhân. Có nhân, vô sân tầm sanh khởi, không phải không nhân.

Có nhân, bất hại tầm sanh khởi, không phải không nhân?

Này các Tỳ Kheo, do duyên xuất ly giới, xuất ly tưởng sanh khởi.

Do duyên xuất ly tưởng, xuất ly tư duy sanh khởi.

Do duyên xuất ly tư duy, xuất ly dục chanda sanh khởi.

Do duyên xuất ly dục, xuất ly nhiệt tình sanh khởi.

Do duyên xuất ly nhiệt tình, xuất ly tầm cầu sanh khởi.

Này các Tỳ Kheo, do tầm cầu xuất ly tầm cầu, vị đa văn Thánh đệ tử thực hành chánh hạnh theo ba xứ: thân, ngữ, ý.

Này các Tỳ Kheo, do duyên vô sân giới, vô sân tưởng sanh khởi. Do duyên vô sân tưởng, vô sân tư duy sanh khởi, vô sân dục, vô sân nhiệt tình, vô sân tầm cầu sanh khởi.

Này các Tỳ Kheo, do tầm cầu vô sân tầm cầu, vị đa văn Thánh đệ tử thực hành chánh hạnh theo ba xứ: thân, ngữ, ý.

Này các Tỳ Kheo, do duyên bất hại giới, bất hại tưởng sanh khởi.

Do duyên bất hại tưởng, bất hại tư duy sanh khởi.

Do duyên bất hại tư duy, bất hại dục sanh khởi.

Do duyên bất hại dục, bất hại nhiệt tình sanh khởi.

Do duyên bất hại nhiệt tình, bất hại tầm cầu sanh khởi.

Này các Tỳ Kheo, do duyên tầm cầu bất hại tầm cầu, vị đa văn Thánh đệ tử thực hành chánh hạnh theo ba xứ: Thân, ngữ, ý. Ví như, này các Tỳ Kheo, có người ném một bó đuốc bằng cỏ cháy đỏ vào một rừng cỏ khô. Người ấy với tay và chân gấp dập tắt bó đuốc ấy.

Như vậy, này các Tỳ Kheo, các sanh loại sống nương vào cỏ và củi sẽ không gặp bất hạnh và tai họa. Cũng vậy, này các Tỳ Kheo, vị Sa Môn hay Bà La Môn nào đối với tưởng bất chánh khởi lên, gấp từ bỏ, nhiếp phục, chấm dứt, tiêu diệt. Vị ấy ngay trong hiện tại trú trong an lạc, không có phiền lao, không có sầu não, không có nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần