Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Bà La, Đời Lương
PHẬT THUYẾT KINH
VĂN THÙ SƯ LỢI SỞ THUYẾT
BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Bà La, Đời Lương
PHẦN HAI
Này Văn Thù! Nếu thiện nam, thiện nữ nào, chẳng phải với ngàn vạn Phật đã trồng sâu căn lành, để được nghe pháp này, mà phải trồng sâu căn lành với vô lượng, vô biên Phật, mới được nghe bát nhã Ba la mật thâm sâu này và không sinh sợ hãi.
Văn Thù bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nương oai thần của Phật, sẽ nói bát nhã Ba la mật thâm sâu.
Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay! Ta cho phép ông nói!
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu không đắc pháp sinh, đó là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì các pháp không có sinh. Nếu không đắc pháp trụ, là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì các pháp như thật. Nếu không đắc pháp diệt, là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì các pháp tịch diệt.
Bạch Thế Tôn! Nếu không đắc sắc là tu bát nhã Ba la mật. Cho đến không đắc thức là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp như huyễn, như quáng nắng.
Bạch Thế Tôn! Nếu không đắc nhãn xứ, là tu bát nhã Ba la mật, cho đến không đắc ý xứ là tu bát nhã Ba la mật. Nếu không đắc sắc, cho đến không đắc pháp. Không đắc Nhãn Giới, Sắc Giới, nhãn thức giới cho đến không đắc pháp giới, ý thức giới. Là tu bát nhã Ba la mật.
Nếu không đắc Dục Giới là tu bát nhã Ba la mật, cho đến Vô Sắc Giới cũng lại như vậy.
Bạch Thế Tôn! Nếu không đắc Bố thí Ba la mật, là tu bát nhã Ba la mật. Cho đến không đắc bát nhã Ba la mật là tu bát nhã Ba la mật. Nếu không đắc mười lực của Phật, bốn Vô sở úy cho đến mười tám pháp Bất cộng là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì trong đó đến không cho đến vô pháp, hữu pháp đều không.
Bạch Thế Tôn! Nếu đắc sinh, trụ, diệt, thì chẳng phải tu bát nhã Ba la mật. Nếu đắc năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, thì chẳng phải tu bát nhã Ba la mật. Nếu đắc Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới, thì chẳng phải tu bát nhã Ba la mật. Nếu đắc bố thí cho đến trí tuệ, nếu đắc mười lực của Phật cho đến mười tám pháp Bất cộng đều chẳng phải tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì có đắc.
Bạch Thế Tôn! Thiện nam, thiện nữ nào nghe bát nhã Ba la mật sâu xa này mà không kinh, không nghi, không sợ, không thoái lui, thì nên biết người đó từ lâu đã trồng sâu căn lành với Phật.
Văn Thù bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu không thấy pháp cấu, pháp tịnh. Không thấy quả sinh tử. Không thấy quả Niết Bàn, không thấy Phật, không thấy Bồ Tát, không thấy Duyên Giác, không thấy Thanh Văn, không thấy phàm phu là tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp không cấu, không tịnh, cho đến không phàm phu.
Bạch Thế Tôn! Nếu thấy cấu tịnh, cho đến phàm phu thì chẳng phải tu bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu thấy sự sai biệt của pháp cấu, pháp tịnh. Cho đến thấy sự sai biệt của pháp Phật, pháp phàm phu thì chẳng phải tu bát nhã Ba la mật.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật là không sai biệt.
Đức Phật dạy Văn Thù: Lành thay, lành thay! Đó là chân thật tu hành bát nhã Ba la mật.
Này Văn Thù, ông cúng dường Phật như thế nào?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Nếu tâm người huyễn, luôn diệt thì con luôn cúng dường Phật.
Đức Phật dạy Văn Thù: Ông không trụ vào pháp Phật ư?
Văn Thù thưa: Phật không có pháp để trụ, thì con trụ vào đâu?
Phật dạy: Nếu pháp Phật không có pháp để đắc, thì ai có pháp Phật?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Không có ai, có pháp Phật cả.
Đức Phật dạy: Ông đã đến chỗ vô trước rồi ư?
Văn Thù thưa: Vô trước thì không đến, vì sao Thế Tôn nói đã đến chỗ vô trước?
Đức Phật dạy: Ông có trụ bồ đề không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Phật còn không trụ bồ đề, thì làm sao con trụ được?
Đức Phật dạy: Ông dựa vào đâu mà nói như vậy?
Văn Thù thưa: Con không có chỗ dựa, nên nói như vậy.
Đức Phật dạy: Nếu không có chỗ dựa thì lấy gì để nói?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, con không có gì để nói.
Vì sao?
Vì tất cả pháp, không có danh tự.
Lúc bấy giờ, Trưởng Lão Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát nghe pháp thâm sâu, này mà không kinh nghi, sợ sệt.
Chắc chắn vị ấy có gần chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác không?
Khi ấy, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các Đại Bồ Tát nghe pháp thâm sâu này mà không kinh nghi, sợ sệt.
Thì có được gần Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác không?
Lại có Thiên Nữ tên Vô Duyên bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, thiện nữ nghe pháp thâm sâu này mà không kinh nghi, sợ sệt thì người ấy có đắc pháp Thanh Văn, pháp Duyên Giác, pháp Bồ Tát, pháp Phật không?
Bấy giờ Phật dạy Xá Lợi Phất: Đúng vậy, này Xá Lợi Phất! Nếu các Đại Bồ Tát, nghe pháp thâm sâu này, mà không kinh nghi, sợ sệt thì chắc chắn người đó sẽ đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Vị ấy sẽ là đại thí chủ, đệ nhất thí chủ, thù thắng thí chủ.
Vị ấy sẽ đầy đủ sự trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Vị ấy sẽ đầy đủ công đức, thành tựu những tướng tốt. Mình không sợ sệt, khiến người cũng không sợ sệt, thành tựu rốt ráo bát nhã Ba la mật, dùng không thể đắc, vô tướng, vô vi để thành tựu pháp chẳng thể nghĩ bàn đệ nhất.
Đức Phật dạy Văn Thù: Ông thấy gì, ưa thích gì để cầu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Con không thấy, không ưa thích, nên cầu bồ đề.
Đức Phật dạy: Nếu không thấy, không ưa thích thì cũng không cầu.
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, con thật không cầu.
Vì sao?
Vì nếu cầu bồ đề là tướng phàm phu.
Đức Phật dạy: Thật ông không cầu bồ đề ư?
Văn Thù thưa: Con thật sự không cầu bồ đề.
Vì sao?
Vì nếu cầu bồ đề là tướng phàm phu.
Đức Phật dạy: Ông vì định mà cầu hay vì định mà không cầu?
Văn Thù thưa: Nếu nói định mà cầu, định mà không cầu, thì định mà cầu, định không cầu đó chẳng phải cầu, chẳng phải không cầu đều là tướng phàm phu.
Vì sao?
Vì bồ đề không có chỗ trụ.
Đức Phật dạy Văn Thù Sư Lợi: Lành thay, lành thay! Ông nói được bát nhã Ba la mật như vậy là vì trước kia ông đã từng trồng sâu căn lành với vô lượng Chư Phật và đã từ lâu tu phạm hạnh. Các Đại Bồ Tát nên như lời ông nói mà làm.
Văn Thù thưa: Con không trồng căn lành, không tu phạm hạnh.
Vì sao?
Nếu con trồng căn lành thì tất cả chúng sinh cũng trồng căn lành. Nếu con tu phạm hạnh thì tất cả chúng sinh cũng tu phạm hạnh.
Vì sao?
Vì tất cả chúng sinh là tướng phạm hạnh.
Phật dạy: Ông đã thấy gì, chứng gì mà nói như vậy?
Văn Thù thưa: Con không thấy, không chứng, cũng không nói gì cả.
Bạch Thế Tôn! Con không thấy phàm phu, không thấy học, không thấy vô học, không thấy chẳng phải học, chẳng phải vô học… vì không thấy nên không chứng.
Bấy giờ Xá Lợi Phất nói với Văn Thù Sư Lợi: Ông có thấy Phật không?
Văn Thù trả lời: Thanh Văn tôi còn không thấy thì làm sao thấy Phật.
Vì sao?
Vì không thấy các pháp nên gọi là Bồ Tát.
Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù: Chắc chắn ông không thấy các pháp ư?
Văn Thù trả lời: Đại Đức không cần nói nữa.
Xá Lợi Phất hỏi: Nói là Phật thì lời nói đó của ai?
Văn Thù trả lời: Phật chẳng phải Phật vì không thể đắc, không có người nói, không có người thuyết.
Này Xá Lợi Phất! bồ đề không thể dùng lời nói được, huống chi có Phật để nói, để thuyết.
Còn nữa, Đại Đức hỏi: Phật là lời nói của ai ư?
Lời nói này không hợp, không tan, không sinh, không diệt, không đi, không đến, không có một pháp nào có thể tương ưng, không chữ, không câu. Này Đại Đức, nếu muốn thấy Phật nên học như vậy.
Bấy giờ Xá Lợi Phất bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những điều mà Văn Thù Sư Lợi nói, đối với Bồ Tát mới phát tâm không thể hiểu được.
Văn Thù trả lời Xá Lợi Phất: Đúng vậy, Đại Đức Xá Lợi Phất! bồ đề không thể hiểu thì với người mới phát tâm làm sao hiểu được?
Chư Phật Như Lai không hiểu rõ pháp giới ư?
Văn Thù trả lời: Chư Phật còn không thể đắc, thì làm sao có Phật để hiểu biết pháp giới?
Xá Lợi Phất! pháp giới còn không thể đắc, thì làm sao có pháp giới để Chư Phật giác ngộ.
Xá Lợi Phất! pháp giới tức là bồ đề. Bồ đề tức là pháp giới.
Vì sao?
Vì các pháp không có giới.
Này Đại Đức! pháp giới và cảnh Phật không có sai biệt. Không sai biệt tức là vô tác. Vô tác tức là vô vi. Vô vi tức là vô thuyết. Vô thuyết tức là vô sở hữu.
Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù: Tất cả pháp giới và cảnh giới Phật, đều vô sở hữu ư?
Văn Thù trả lời: Không có, chẳng phải không có.
Vì sao?
Vì có và không có là một tướng, nó không tướng, không một, không hai.
Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù: Học như vậy mà được đắc bồ đề ư?
Văn Thù trả lời: Học như vậy, như không có gì để học, không sinh đường lành, không đọa đường ác, không chứng bồ đề, không nhập Niết Bàn.
Vì sao?
Này Xá Lợi Phất! Vì bát nhã Ba la mật rốt ráo là không. Trong rốt ráo không đó, lại không một, không hai, không ba, không bốn, không có đến đi, không thể nghĩ bàn.
Đại Đức! Nếu nói ta đắc bồ đề là nói tăng thượng mạn.
Vì sao?
Vì không đắc gọi là đắc. Như vậy kẻ tăng thượng mạn không kham thọ sự cúng dường của người. Người nào tin như vậy thì không nên cúng dường.
Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù: Ông dựa vào đâu mà nói như vậy?
Văn Thù trả lời: Tôi nói như vậy không dựa vào đâu cả.
Vì sao?
Vì bát nhã Ba la mật đồng đẳng với các pháp. Các pháp không có chỗ dựa, vì bình đẳng.
Xá Lợi Phất hỏi Văn Thù: Ông không dùng trí tuệ để đoạn trừ phiền não ư?
Văn Thù trả lời: Tôn Giả là A La Hán vô lậu phải không?
Xá Lợi Phất nói: Không phải.
Văn Thù: Tôi cũng không dùng trí tuệ để đoạn trừ phiền não.
Xá Lợi Phất hỏi: Dựa vào đâu mà ông nói như vậy?
Không sợ hãi ư?
Văn Thù trả lời: Tôi còn không thể đắc thì có gì mà tôi sợ hãi.
Xá Lợi Phất: Lành thay! Văn Thù Sư Lợi nói bát nhã Ba la mật thâm sâu tuyệt diệu!
Bấy giờ Phật dạy Văn Thù: Này thiện nam! Có Đại Bồ Tát tâm trụ nơi bồ đề để cầu vô thượng bồ đề không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Không có Bồ Tát trụ tâm bồ đề để cầu vô thượng bồ đề.
Vì sao?
Vì tâm bồ đề không thể nắm bắt được, vô thượng bồ đề cũng không thể nắm bắt được. Năm tội vô gián là tánh bồ đề.
Không có Bồ Tát nào phát khởi tâm vô gián, lại cầu quả tội vô gián, thì làm sao có Bồ Tát trụ tâm bồ đề, cầu vô thượng bồ đề?
Bồ Đề là tất cả các pháp.
Vì sao?
Vì sắc, chẳng phải sắc không thể nắm bắt được. Cho đến thức, chẳng phải thức không thể nắm bắt được. Nhãn, chẳng phải nhãn không thể nắm bắt được. Cho đến ý, chẳng phải ý không thể nắm bắt được.
Sắc, chẳng phải sắc không thể nắm bắt được. Cho đến pháp, chẳng phải pháp không thể nắm bắt được.
Nhãn giới, chẳng phải nhãn giới không thể nắm bắt được. Cho đến pháp giới, chẳng phải pháp giới không thể nắm bắt được.
Sinh, chẳng phải sinh không thể nắm bắt được. Cho đến lão tử, chẳng phải lão tử cũng không thể nắm bắt được.
Bố thí Ba la mật, chẳng phải Bố thí Ba la mật không thể nắm bắt được. Cho đến bát nhã Ba la mật, chẳng phải bát nhã Ba la mật không thể nắm bắt được.
Mười lực của Phật, chẳng phải mười lực của Phật không thể nắm bắt được. Cho đến mười tám pháp Bất cộng, chẳng phải mười tám pháp Bất cộng không thể nắm bắt được.
Tâm bồ đề, vô thượng bồ đề đều không thể nắm bắt được. Trong cái không thể nắm bắt được đó không thể đắc cái không thể nắm bắt được.
Bạch Thế Tôn! Cho nên không có trụ Bồ Tát trụ tâm bồ đề để cầu vô thượng bồ đề.
Đức Phật hỏi Văn Thù: Ý của ông thỉnh Như Lai là thầy của ông phải không?
Văn Thù thưa: Con không có ý thỉnh Phật là thầy của con.
Vì sao?
Bạch Thế Tôn! Vì con còn không thể nắm bắt, thì làm sao có ý cho Phật là thầy của con.
Đức Phật hỏi: Ông có nghi ngờ ta không?
Văn Thù thưa: Bạch Thế Tôn! Chính con còn không quyết định, thì làm sao con nghi ngờ Ngài.
Vì sao?
Vì trước quyết định, sau nghi.
Đức Phật hỏi: Ông không xác định nói Như Lai sinh ư?
Văn Thù thưa: Nếu Như Lai sinh thì pháp giới cũng sinh.
Vì sao?
Vì pháp giới và Như Lai là một tướng, không có hai tướng. Nếu hai tướng thì không thể nắm bắt được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba