Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba - Phẩm Không Buông Lung - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA

PHẨM KHÔNG BUÔNG LUNG  

TẬP BA  

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ.

Bấy giờ Phật bảo các Tỳ Kheo: Những ai chưa dứt hết hữu lậu thì không có nơi nào nương cậy được hết.

Bài kệ ấy cũng có câu rằng: Không lúc nào buông lung. Sống với thân bốn đại này cũng giống như sống chung với rắn độc. Từ giờ trở đi, các thầy phải siêng năng tinh tấn tìm cách ra khỏi nhà ngục ấy.

Vì sao cứ buông lung làm mất hẳn gốc đạo mầu như vậy?

Đã trải qua vô số sự khổ nhiều, vui ít, thì sao cứ ở trong đó, vẫn mãi sống với trần lao?

Lửa sinh tử cháy bời bời không có chỗ trốn tránh đâu, tại sao cứ ở trong đó mà sống với buông lung?

Cho nên nói: Không lúc nào buông lung.

Chế ngự hết các lậu: Tất cả các thầy dù đã chứng quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm nhưng vẫn chưa dứt phiền não, ái dục vẫn chưa hết sạch. Dù các thầy không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh nhưng hễ dục chưa hết thì vẫn chưa có chỗ nào để nương cậy được hết.

Vì nỗi sợ sệt lớn lao vẫn còn sờ sờ ở đó, là gì?

Là ma vậy. Bọn ma xấu Ba Tuần vẫn ngày đêm theo dõi rình rập chỗ sơ hở kẻ ngu sống buông lung trên đời này. Bọn chúng luôn hớn hở đuổi theo sau người ấy, vì nó muốn người ấy.

Cho nên nói: Buông lung ma được dịp.

Như Sư Tử vồ chụp nai: Như nai con mới đẻ, nó luôn chạy nhảy theo bên mẹ, tung tăng khắp nơi. Vì thương con nên nai mẹ không dám bỏ đi đâu xa. Bấy giờ Sư Tử đầu đàn muôn thú biết rõ nai mẹ không bao giờ rời xa con, nên nó chạy đến vồ chụp. Nai mẹ, nai con đều chết.

Vì sao?

Vì nai mẹ thương con nên sư tử được dịp. Ai chưa dứt hết ái dục thì cũng như vậy. Nghe lời dạy chân thiết này, các thầy phải chán sợ nỗi khổ nạn kia. Hãy quán xét các pháp như huyễn, như hóa. Rồi nên tìm chỗ thanh vắng mà tĩnh lặng suy nghĩ với ý chí không dời đổi.

Phải dứt bỏ tâm ái dục, không còn nhiễm lại trần cấu. Khi dứt hết tâm ái dục thì liền chứng quả A Na Hàm, lại hăng hái tiến lên, không hối tiếc giữa chừng, mà cùng khuyến khích thúc đẩy nhau tinh tấn suy xét nguồn gốc các khổ, chừng ấy dứt hết trói buộc, đạt lậu tận thông, chứng quả A La Hán.

Cho nên nói:

Không lúc nào buông lung.

Chế ngự, hết các lậu.

Buông lung ma được dịp

Như sư tử chụp nai.

Buông lung có bốn việc

Thích dâm dục vợ người

Hiểm nguy không phước lợi

Hủy ba, dâm dật bốn.

Buông lung có bốn việc: Kẻ mê đắm ái dục thì sống bất cứ đâu, tâm thường thỏa thích cái vui hèn hạ mà cho là quý báu. Dùng trí sáng mà xem xét, thì đó là nhơ nhớp hữu lậu, không được công đức gì. Đêm ngủ không yên, ưa nghe những lời mắng nhiếc, địa ngục, là bốn việc.

Thích dâm dục vợ người thì gây ra bao tội ác, nói không thể hết. Thân này cũng như thân đời sau, hiện tại bị người khinh ghét.

Tại sao nói hiện tại bị người khinh ghét?

Sở dĩ bị người khinh ghét là y bị pháp Vua bắt nhốt, hay bị người chồng kia bắt được, hoặc bị nhốt trong ngục thì suốt ngày bị roi vọt tơi bời, tra khảo độc địa, khổ não vô số. Sau khi chết đọa vào địa ngục cây có lá hình kiếm.

Trong địa ngục này, người tội thấy trên cây có lá hình kiếm hiện lên các cô gái xinh đẹp, hấp dẫn như các cô gái Cõi Trời. Thấy thế, lòng dạ người tội nổi lên ham muốn tột cùng, muốn thông dâm với các cô gái xinh đẹp ấy, bèn cùng nhau leo lên cây kiếm thì những nhánh cây chĩa xuống đâm vào cơ thể họ, đau đớn không tả nổi.

Muốn leo lên nữa thì không leo lên được. Bỗng các cô gái xinh đẹp lại ở dưới đất, người tội từ xa trông thấy các cô gái ở dưới đất long rộn lên vui thích, liền tuột xuống thì bị các nhánh kiếm kia đâm ngược trở lên làm tan nát cơ thể họ, chỉ còn bộ xương, không có thịt. Họ lớn tiếng kêu la, muốn chết nhưng chết không được.

Tội khổ chưa hết thì thân thể lại sinh thịt đầy đặn. Ấy đều bởi ham mê dâm dục mà đưa đến nổi khổ ấy. Cứ như thế trải qua ngàn muôn ức năm, cứ phải chịu đau khổ như vậy mà không chết được. Kẻ ham mê dâm dục đều vào ngục chịu tội như vậy cho hết tội ấy. Nếu ai còn lòng ham mê dâm dục thì đọa làm súc sanh. Loài súc sanh có thứ dâm dục có mùa, có thứ dâm dục không có mùa nào cả.

Loại dâm dục có mùa là loại chúng sinh tuy có phạm dâm nhưng không ô phạm vợ người, ý dâm nhẹ ít, không bị dày vò quá lắm với sự dâm dục. Còn loại dâm dục không có mùa nào cả là chúng sinh khi làm người trên đời tâm dâm dục quá nặng, thường ô phạm các cô gái khác, nên nay làm súc sanh với ý dâm tràn đầy, vì vậy dâm dục không có tiết mùa, nên sinh vào súc sanh nặng về ý dục.

Vì vậy mà dâm dục không có mùa thì đọa vào súc sanh chịu tội như thế.

Chúng sinh tham dâm dục đọa vào loài ngạ quỷ, vì dâm dật mà đánh nhau, cho đến A tu la đánh nhau với các Trời thì cũng bởi tham dâm. Ô phạm vợ người, đọa vào ngạ quỷ chịu khổ như thế.

Kẻ tham dục khi sinh làm người thì vợ và con gái mình đều gian dâm vô độ, chơi bời trác táng không thể ngăn cấm. Những kẻ cưỡng dâm, loạn dâm không kể tôn ti, thân sơ thì đời sau dù được làm người nhưng không có bộ phận sinh dục, hoặc hai hình hoặc không có cả hai, hay nếu có thì không hoàn toàn. Các loại dâm dật như thế là đều là do phạm dâm không kể cao thấp.

Người ham mê dâm dục nếu được sinh lên Cõi Trời thì gặp tai biến của năm tai dịch thụy ứng, con gái của Vua Trời tư tình vui thú với người khác, Vua Trời thấy vậy trong lòng đau khổ như bị lửa đốt. Tự nghĩ rằng, chính ta do lòng dâm nên khi thấy ngọc nữ bèn sút dây lưng. Tâm ý lẫy lừng, sinh ý nghĩ không lành, chết đọa vào địa ngục. Đó bởi làm điều không phước lợi nên đọa vào năm đường ác. Theo hình dạng từng loài mà chịu khổ khác nhau.

Cho nên nói: Nguy hiểm không phước lợi.

Hủy ba dâm, bốn dật: Lúc phạm dâm thì người ấy thường lo sợ, biết phạm dâm là tội nặng, nhưng dù chết vẫn không sửa đổi.

Họ phạm đủ ba nghiệp thân, miệng, ý, bị những lời mắng nhiếc, lời ác độc. Có khi người dâm dật không quen biết với người nữ nọ, liền đến xâm phạm, bị người nữ này mắng nhiếc, có khi y và người nữ ấy đã quen biết, trước có chuyện vãn với nhau, bị chồng cô gái bắt được, mắng nhiếc.

Cho nên nói bị mắng nhiếc làm nhục là ba, đọa địa ngục nữa là bốn. Trong địa ngục, việc hành hạ người tội đâu phải chỉ có một. Cho nên nói địa ngục nữa là bốn.

Không phước lợi, đọa ác

Sợ, thì sợ vui ít

Pháp Vua gia tội nặng

Giữ tâm, xa vợ người.

Không phước lợi, đọa ác: Con đường ác phải đến là đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh chịu vô lượng khổ não.

Sợ, thì sợ vui ít: Ở đây xin dẫn câu chuyện. Xưa em trai Vua A Dục là Thiện Dung ra khỏi thành đi săn vào núi sâu, thấy các Phạm Chí lõa thể lồ lộ để cầu thần tiên. Họ đày đọa thân xác để mong hưởng phước Trời, họ ăn lá cây. Những ai siêng năng mạnh mẽ thì ngày ăn một lá, kẻ yếu ớt thì ngày ăn bảy lá, hoặc có người ăn sáu, năm, bốn, ba, hai, một lá.

Người ăn bảy lá thì uống bảy hớp nước, sáu lá thì sáu hớp nước, năm lá thì uống năm hớp nước, cho đến bốn, ba, hai, một lá thì uống bốn, ba, hai, một hớp nước. Nếu không có nước thì hớp bảy hớp không khí. Người ăn sáu lá thì hít sáu hơi. Người ăn năm lá thì hít năm hơi, đến bốn, ba, hai, một thì hít bốn, ba, hai, một hơi.

Số Phạm Chí ấy nằm trên gai nhọn hoặc nằm trên tro đất, nằm trên đá, nằm trên chày.

Em trai Vua là Thiện Dung bèn hỏi các Phạm Chí: Quý vị ở đây hành đạo thì sợ cái gì nhất?

Các Phạm Chí trả lời: Vương Tử nên biết, ở đây hành đạo thì không sợ điều gì, chỉ có bầy nai thường tới đây, từng đôi, từng đôi bắt cặp nhau, khiến dâm ý chúng tôi sinh khởi, không thể đè nén nổi.

Nghe xong, Vương Tử liền sinh ý niệm xấu, ông nghĩ rằng: Các Phạm Chí này hành hạ thân xác phơi mình dưới nắng thiêu, mạng sống nguy hiểm và rất mong manh.

Thế mà tâm dâm còn chưa dứt bỏ hết, huống chi các Sa Môn họ Thích, họ ăn uống rất ngon, ngồi trên giường đẹp, mặc y tốt, hương hoa xông ướp thì làm sao chẳng có tâm dục?

Nghe em mình bàn luận như vậy, Vua A Dục buồn lòng.

Vua tự nhủ: Ta chỉ có một đứa em trai cùng nhau hưởng phước.

Sao lại sinh tâm tà kiến như vậy?

Ta phải tìm cách để dứt bỏ ý nghĩ xấu của nó, để nó chịu quả báo thì tội ta không phải nhỏ.

Vua liền vào cung ra lệnh cho bọn kỹ nữ theo hầu mình: Các nàng hãy trang điểm rồi đến chỗ Vương Tử Thiện Dung để cùng vui chơi với nó.

Trong khi đó, Vua bàn tính với các quan: Ta có một mưu kế là khi nào ta ra lệnh cho các khanh giết Vương Tử Thiện Dung, thì các khanh hãy khuyên can ta là chờ bảy hôm nữa hãy giết.

Bấy giờ các thị nữ đến đó vui chơi chưa bao lâu thì Vua đích thân đến chỗ Vương Tử bảo: Tại sao nhà ngươi dám tự ý lang chạ với các kỹ nữ thê thiếp của ta.

Với nộ khí đùng đùng, Vua liệng bánh xe lên Trời, gọi các quan đến bảo rằng: Các khanh biết chứ, ta chưa già yếu, cũng không có quân giặc hùng mạnh nào dám đến xâm phạm biên cương của ta.

Ta có nghe các Bậc Hiền Thánh đời xưa dạy rằng: Hễ ai có phước thì bốn biển quy phục. Hễ phước hết, đức mỏng thì kẻ than tín làm phản, bỏ đi. Ta tự xét, thấy mình chưa hề có lỗi lầm nào, nhưng Thiện Dung, em ta, đã dụ dỗ kỹ nữ thê thiếp của ta mặc tình đùa giỡn, sự thể đã rõ ràng như vậy.

Như thế, ta còn nghĩa lý gì nữa?

Vậy các khanh hãy đem giết nó giữa chợ.

Các quan can ngăn: Dạ, xin Đại Vương cho phép hạ thần tâu bày! Hiện giờ, vua chỉ có một người em duy nhất. vua lại không có con cái để nối ngôi. Vậy xin cho phép bảy hôm nữa chúng thần sẽ thi hành theo lệnh vua. Bấy giờ vua bằng lòng nghe theo lời can ngăn của họ.

Vua lại mở rộng ân, ra lệnh cho các quan: Nay, ta cho phép vương tử mặc áo, đội mão vua cho đủ uy dung như ta không khác, rồi cho vào cung của ta mà vui chơi ca hát.

Rồi Vua ra lệnh cho một vị quan: Bắt đầu từ hôm nay, ngươi mặc áo giáp, tay cầm gậy, tay cầm gươm bén đến đó, bảo với Thiện Dung rằng: Vương tử có biết chăng?

Kỳ hạn là bảy ngày, thời gian ấy sẽ đến! Vậy Ngài hãy vui chơi thỏa thích! Bây giờ không mặc tình thụ hưởng, sau khi chết, có hối hận cũng vô ích. Một ngày trôi qua, vị quan kia đến bảo chỉ còn sáu ngày.

Cứ lần lượt đến bảo như vậy, cho đến khi chỉ còn một ngày thì vị quan kia đến thưa với vương tử: Vương tử nên biết sáu ngày đã qua rồi, chỉ còn một ngày mai nữa là cái chết sẽ đến với Ngài đó. Vậy hãy cố lên mà vui với năm thứ dục lạc. Hết ngày thứ bảy, vua sai sứ gọi vương tử đến.

Vua hỏi: Thế nào vương tử?

Trong suốt bảy ngày qua, ý chí người có được tự do sung sướng chăng?

Người em trả lời Đức Vua: Xin Đại Vương biết cho, hạ thần không thấy, không nghe gì hết.

Vua hỏi vương tử: Ngươi mặc áo Vua vào ở trong cung Vua, vui chơi với kỹ nữ, ăn uống ngon lành, tại sao giờ trước mặt ta, người dám nói láo rằng không thấy, không nghe gì hết.

Người em thưa với Vua: Người bị tội chết thì dù mạng còn đây nhưng có khác gì người đã chết.

Còn lòng dạ nào mà mê đắm năm thứ dục lạc, chưng diện ăn mặc?

Vua bảo người em: Ôi, lời tâu của người ngu. Nay ngươi có một thân, âu lo trăm mối, một thân mà không còn nghĩ đến ăn uống, nghỉ ngơi, huống chi các bậc Sa Môn họ Thích, người ta phải lo nghĩ đến ba đời.

Thân này chết rồi lại thọ thân khác. Cả ức trăm ngàn đời nối nhau chịu khổ. Nhớ lại nỗi khổ não kia mà tâm ý lẫy lừng, hoặc nhớ lại đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Khi được làm người thì phải làm tôi tớ cho kẻ khác. Hoặc có khi sinh vào nhà nghèo, thiếu ăn thiếu mặc. Nhớ lại những cay đắng ấy, nên mới xuất gia học đạo, tìm pháp vô vi để tu giải thoát. Nếu không tinh tấn thì phải trở lại nạn khổ nhiều kiếp.

Bấy giờ vương tử đến trước Vua thưa: Hôm nay, nghe Vua chỉ dạy nên tâm em được khai ngộ. Sinh, già, bệnh, chết thật là điều đáng chán vì nó gây ra lo buồn khổ não, trôi lăn không dừng. Cúi mong Đại Vương cho phép em được học đạo, khéo tu phạm hạnh.

Vua bảo với người em: Ngươi nên biết đã đúng lúc.

Liền đó, Vương Tử từ giã vua đi xuất gia làm Sa Môn. Ông vâng làm theo lời răn dạy của Sư Trưởng, tu tập đêm ngày không ngừng nghỉ. Sau đó, ông chứng quả Tu Đà Hoàn rồi lần tới quả A La Hán, thấy suốt sáu đường, không còn gì trở ngại.

Cho nên nói: Sợ thì sợ ít vui.

Pháp Vua gia tội nặng: Bấy giờ, người ham mê dâm dục kia thường làm những việc nhơ nhớp, nên bị phép vua trị tội. Tất cả tài sản đều sung cho cửa quan. Y bị cắt tóc, tra khảo bằng roi gậy, khổ đau vô lượng. Hoặc bị nhốt vào ngục nhiều năm không được thả ra.

Trị tội bằng năm thứ hình cụ là dây thừng, roi da, gậy gộc ngày ngày bị tra khảo, làm cho thân hình lở loét, máu mủ hôi thối khó đến gần. Ruồi nhặng bu cắn không biết né tránh vào đâu. Nằm ra đó mà tiểu tiện, muốn chết mà chết không xong. Ấy là kết quả của hành động dâm dật bất tịnh. Chết rồi bị đọa vào địa ngục khó có ngày ra.

Giới là đường cam lộ

Buông lung là nẻo chết

Không tham thì không chết

Mất đạo là tự chôn.

Giới là đường cam lộ: Người sống không buông lung thì dù chết đi nhưng không bao giờ chết. Xưa, có một thầy Tỳ Kheo đầy đủ đức hạnh, sáu thời hành đạo, không mảy may thiếu sót. Đầu hôm, nửa đêm, gần sáng, đều siêng năng tinh tấn, không hề mệt mỏi.

Cứ vậy, qua thời gian lâu, khối hơi kết đầy lồng ngực, bị đau tim. Nhiều thầy thuốc chữa trị, nhưng vẫn không trị khỏi. Rồi thầy đột ngột qua đời. Có một vị Ưu Bà Tắc thông minh tài giỏi, không việc gì không biết, ông đến trước chúng Tỳ Kheo mà đọc bài kệ trên.

Người tu học thiền định dù thân xác có tan biến thì cứ tan biến nhưng đời sau vẫn không cho là tan biến mà vẫn coi như tồn tại.

Vì sao?

Vì người không tu học thiền định thì chính mình đã không đạt đạo thì làm sao cứu giúp được kẻ khác?

Vì sao?

Nếu tự mình không đạt đạo mà thọ nhận của tín thí y phục, cơm nước, giường chõng, thuốc men, thì không thể tiêu hóa, đền đáp ân nghĩa thí ấy, sau khi chết sẽ phải đền trả, không thể cứu giúp người khác.

Còn khiến thí chủ không được phước báo, không làm rạng rỡ Phật Pháp, dù đạo pháp còn đó, nhưng ngày một suy hao. Khi chánh pháp ẩn khuất thì ngoại đạo phát triển. Những việc như thế đều là do nguyên nhân chính yếu làm hư hoại Phật Pháp.

Cho nên nói: Giới là đường cam lộ, buông lung là nẻo chết.

Lại giải thêm về buông lung là nẻo chết: Người sống buông lung thì gây ra nhiều lầm lỗi, gieo trồng nhiều gốc rễ bất thiện cho cả đời này và đời sau.

Tôn Giả Mã Sư cũng có dạy: Người hiểu biết xả bỏ sự buông lung như vất bỏ thuốc độc. Sống buông lung thì gây nhiều lỗi lầm cho đời này và đời sau.

Người trí tìm xét cội nguồn, suy cứu cái gốc của sự buông lung mà than rằng: Buông lung khác gì con chuột chết đuối trong bình bơ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần