Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tâm ý - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI MỐT

PHẨM TÂM Ý  

TẬP HAI  

Cho nên nói: Phước ngăn được ác, giác là Bậc Hiền.

Không có ý bất tịnh

Và giận dữ như người

Người muốn biết được pháp

Tam da tam Phật nói,

Ai dứt bỏ cống cao

Tâm ý rất thanh tịnh

Bỏ được tâm tổn hại

Mới nghe được chánh pháp.

Chư Phật, Thế Tôn thường dùng thiên nhãn quán xét những việc trong ba đời, biết rõ đời vị lai, chúng sinh mê lầm, tự kiêu, khinh miệt kẻ khác, không kính thờ Tam Bảo. Ta ra đi rồi, lời dạy vẫn còn đó. Là những người dòng dõi, các thầy phải truyền dạy Kinh Điển của ta cho người đời sau, chúng sinh nào nghe đến đều được cứu độ.

Bấy giờ, trong vườn Kê Đầu, thuộc nước lớn Ba La Lê, có một thầy Tỳ Kheo được mấy ngàn muôn người bao quanh trước sau.

Ngài ngồi trên tòa cao nói pháp giáo hóa. Chúng sinh nào nghe đều được cứu độ. Tùy theo công hạnh mình hướng đến mà đều thỏa nguyện. Người nước ngoài đều phải theo luật lệ trong nước này là ai muốn vào Chùa lễ Phật, nghe pháp đều phải dỡ mũ ra. Bấy giờ có vị vua bị hói đầu và trên đầu có ghẻ, chân lại mang giày, tự ỷ mình bậc giàu sang quý tộc, nên ông quấn tấm nỉ trên đầu nghe Kinh.

Nhà Vua bảo: Xin thầy Tỳ Kheo nói pháp cho ta nghe.

Thầy Tỳ Kheo đáp: Như Lai có dạy rằng: Không được nói pháp cho người chân mang giày dép.

Vua nghe thế bực tức liền cởi giày ra và bảo: Xin thầy Tỳ Kheo hãy mau nói pháp cho vui lòng ta. Làm trái ý ta thì bị chém đầu.

Thầy Tỳ Kheo đáp: Giới cấm của Như Lai có dạy rằng: Không được nói pháp cho người trùm khăn trên đầu nghe.

Nghe lời ấy, nhà vua càng thêm tức giận, lửa sân bừng bừng, bảo thầy Tỳ Kheo: Ông muốn làm nhục ta chăng?

Cứ cố tình chối từ là sao?

Bây giờ ta để đầu trần, nghe ông nói pháp đây. Nếu không cởi mở những ngờ vực của ta thì thân ông bị chém đứt làm ba khúc.

Khi ấy, thầy Tỳ Kheo nói cho nhà vua nghe bài kệ:

Không có ý bất tịnh

Và giận dữ như người

Người muốn biết được pháp

Tam da tam Phật nói,

Ai dứt bỏ cống cao

Tâm ý rất thanh tịnh

Bỏ được tâm tổn hại

Mới nghe được chánh pháp.

Nghe bài kệ, nhà vua lộ vẻ hổ thẹn, liền đứng dậy, năm vóc gieo sát đất, tự quy y sám hối, mong được dứt trừ lỗi của thân, miệng, ý.

Quỳ thẳng chắp tay, vua thưa với thầy Tỳ Kheo: Chẳng hay bài kệ này là do chính Như Lai nói hay là tôn nhân biết rõ tâm ta nên nói ra?

Thầy Tỳ Kheo đáp: Bài kệ này chính là do Như Lai nói ra, đến nay đã lâu lắm rồi, không phải mới nói đâu.

Nhà Vua tự suy nghĩ: Hay lắm! Bậc Thánh với trí tam đạt biết hết mọi việc. Ngài biết cả đến mai sau có hạng như ta, với tâm giận dữ, tổn hại. Giờ đây xin sám hối một lần nữa, không dám gây ra nghiệp mới.

Khi ấy thầy Tỳ Kheo dần dần nói pháp sâu cho nhà vua nghe.

Nghe xong, ngay tại chỗ ngồi, nhà vua dứt sạch hết các phiền não, được mắt pháp thanh tịnh, thấy pháp, được pháp, không còn lo sợ gì nữa.

Tâm không ý trụ

Cũng không biết pháp

Mê đắm việc đời

Không có chánh trí.

Tâm không ý trụ, cũng không biết pháp: Như nước chảy xiết khó có thể ngăn lại. Ra khỏi mạch phun, dòng nước chảy mãi suốt đêm ngày. Muốn đưa nó chảy ngược về nguồn thì không thể được.

Người như thế không biết chánh pháp, cũng không biết cái gì đáng thành tựu để thành tựu và cái gì cần bỏ để bỏ, khác gì kẻ điếc nghe nhạc ngũ âm, người mù cầm đuốc.

Cho nên nói: Tâm không ý trụ, cũng không biết pháp.

Mê đắm việc đời, không có chánh trí: Như người tu hành tham ưa thế gian, tin theo tà kiến điên đảo, hoặc thờ các thần nước, lửa, trời, trăng.

Cúng tế Tổ Tiên, cha mẹ, anh em, trong tâm mong được công đức chánh pháp, khác nào kẻ muốn xây nhà trên hư không, làm sao thực hiện được?

Như trong Kinh nói: Sát sinh để cúng tế đều là gieo nhân khổ hại.

Cho nên nói:

Mê đắm việc đời,

Không có chánh trí.

Ba sáu dòng nước chảy

Cùng tâm ý hữu lậu

Thường sinh khởi tà kiến

Nương kết sử dục tưởng.

Ba sáu dòng nước chảy: Về ba mươi sáu thứ tà thì tà của than có ba, ba cõi mỗi cõi có một.

Biên kiến có ba: Dục Giới có một, Cõi Sắc có một, Cõi Vô Sắc có một.

Tà kiến có mười hai: Cõi Dục có bốn, Cõi Sắc có bốn, Cõi Vô Sắc có bốn.

Trộm về Kiến có mười hai: Cõi Dục có bốn, Cõi Sắc có bốn, Cõi Vô Sắc có bốn.

Trộm về giới có sáu: Cõi Dục có hai, Cõi Sắc có hai, Cõi Vô Sắc có hai, cộng chung tất cả là ba mươi sáu. Ba mươi sáu thứ ấy làm cho người đời mê lầm, không thấy chánh kiến. Bởi vậy, người trí phòng lo việc chưa xảy ra.

Cho nên nói: Ba sáu thứ dòng nước chảy, cùng tâm ý hữu lậu, ba sáu tâm tà kiến do tâm sinh ra, nó lan tràn thành muôn mối, trở thành tà kiến.

Cho nên nói: Cùng tâm hữu lậu.

Thường sinh khởi tà kiến, nương kết sử dục tưởng: Tà kiến này là chấp thường kiến, đoạn diệt kiến. Hai tà kiến này không tương ưng nhau. Chấp thường kiến thì không tương ưng với chấp đoạn diệt. Chấp đoạn diệt thì không tương ưng với chấp thường.

Kiến chấp của hai người khác nhau là do tà kiến mà đưa đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Lại sinh khởi ba ý tưởng là ý tưởng về dục, ý tưởng về sân, ý tưởng về vô minh.

Cho nên nói:

Thường sinh khởi tà kiến,

Nương vào kết sử dục tưởng.

Bỏ ý, buông cội gốc

Người theo ý lưu chuyển

Giây lát mất tiếng tăm

Như chim bỏ rừng vắng.

Bỏ ý, buông cội gốc, người theo ý lưu chuyển: Ở đời có nhiều người ưa thích ngũ âm. Như mắt thấy sắc, khởi lên nhãn thức bèn thành nhãn căn. Tai nghe tiếng, khởi lên nhĩ thức bèn thành nhĩ căn. Mũi ngửi mùi, khởi lên tỉ thức bèn thành tỉ căn. Miệng nếm vị sinh khởi khẩu thức, bèn thành khẩu căn. Thân biết trơn láng, sinh khởi thức thân bèn thành thân căn. Ý biết pháp sinh khởi ý thức, bèn thành ý căn.

Cho nên nói: Bỏ ý, buông cội gốc, người theo ý lưu chuyển.

Giây lát mất tiếng tăm, như chim bỏ rừng vắng: Người ta phạm lỗi, không lo nghĩ về sau. Làm lành lâu ngày có thể mất đi trong giây lát. Bị các đàn việt thí chủ thấy, chê bai.

Họ bảo nhau: Chúng ta vốn nghĩ họ là người giới đức thanh tịnh đầy đủ, cớ sao bây giờ chỉ thấy toàn là tội lỗi. Rồi họ cùng nhau bạc đãi xem thường, không kính trọng nữa, giống như đàn chim thường ngủ đêm trong rừng rậm, ham mê trái ngọt hoa thơm, khi trái ngọt hoa thơm đã hết, mạnh con nào con nấy bay đi. Kẻ phạm giới cũng giống như thí dụ ấy. Phước hết, tội đến tự phải tan lìa.

Cho nên nói:

Giây lát mất tiếng tăm,

Như chim bỏ rừng vắng.

Tu học chỗ vắng lặng

Cẩn thận chớ theo dục

Chớ nuốt hòn sắt nóng

Khóc la chịu quả báo.

Tu học chỗ vắng lặng, cẩn thận chớ theo dục: Thường phải giữ gìn mọi hành động của tâm ý. Không để bị ý dục lôi kéo. Lòng dục khiến người ta mê mờ không phân biệt tôn ti.

Cho nên nói: Tu học chỗ vắng lặng, cẩn thận chớ theo dục.

Chớ nuốt hòn sắt nóng, khóc la chịu quả báo: Như lửa thiêu đốt đau nhức tận xương tủy, chết rồi đọa địa ngục, khổ sở muôn bề, ôm cột đồng cháy, nuốt hòn sắt nóng, kêu khóc thảm thiết, biết tỏ cùng ai.

Cho nên nói:

Chớ nuốt hòn sắt nóng,

Khóc la chịu quả báo.

Nên khởi mà không khởi

Ỷ sức không tinh tấn

Tự làm thân người hèn

Biếng nhác không trí tuệ.

Nên khởi mà không khởi: Nói về Phật, thiện tri thức, nhưng không tạo công đức lành. Tuy sinh gặp thời, nhưng không làm gì có ích cho người. Trời mưa bảy thứ báu đầy ngập Thế Giới, nhưng kẻ ngu thì tâm ý mê mờ, nào biết nhặt lấy của báu ấy.

Thường được thân người nhưng không biết lo xa. Tuy được gọi là người, nhưng sống vô ích. Ở đây cũng như thế, gặp được Phật ra đời giảng nói pháp sâu xa, người ngu giữ khư khư sự mê lầm của mình không chịu nghe tin nhận những điều chân lý.

Cho nên nói: Nên khởi mà không khởi.

Ỷ sức không tinh tấn: Như có người tu hành có năng lực nhận sự giáo hóa của Phật nhưng lại biếng nhác không tinh tấn.

Cho nên nói: Ỷ sức không tinh tấn.

Tự làm thân người hèn, biếng nhác không trí tuệ: Tự dìm mình vào sinh tử, không nghĩ đến tai họa đời sau. Tuy gặp Phật ra đời, gặp thiện tri thức, gặp Bậc Hiền Thánh nhưng không chịu lãnh thọ trí tuệ, phân biệt nghĩa thú.

Cho nên nói:

Tự làm thân người hèn,

Biếng nhác không trí tuệ.

Loạn quán và chánh quán

Đều từ ý sinh ra

Nếu giác biết tâm quán

Tâm ngu thường rối loạn.

Loạn quán và chánh quán, đều từ ý sinh ra: Loạn quán là quán dục, quán giận dữ và quán vô minh. Người tu hành lìa bỏ các quán ấy mà tu tập chánh quán. Khi có chánh quán định ý thì siêu việt trên hết trong các định tối thắng. Chỉ có Bậc Thánh đã dứt hết các lậu, không còn đắm trước thì mới đạt được thứ định ấy.

Cho nên nói: Loạn quán và chánh quán, đều từ ý sinh ra.

Nếu giác biết tâm quán, tâm ngu thường rối loạn: Người tinh tấn tu học phải quán xuất ly. Quán không, vô tướng, vô nguyện, rửa sạch tâm dơ, buông bỏ tám việc thế tục. Tu tâm thanh tịnh, hiểu các tướng hảo. Luôn luôn vắng lặng, lời dạy bảo ra tốt đẹp không ai bì kịp. Bốn đến như thế lúc nào cũng tu tập. Người ngu giữ khư khư sự mê muội của mình nên tâm ý thường loạn động.

Như chất nước ngon ngọt, nhưng kẻ ngu cho là cay đắng, chẳng lẽ phải chờ Bậc Thánh cạy miệng đổ vào?

Cứ khư khư giữ sự mê lầm thì khó có thể sửa đổi như vậy.

Cho nên nói:

Nếu giác biết tâm quán,

Tâm ngu thường rối loạn.

Người trí quán như vậy

Giữ cho niệm chuyên nhất

Than ôi! Ý không đắm

Chỉ Phật mới dứt được.

Người trí quán như vậy, giữ cho niệm chuyên nhất: Người trí giảng nói pháp nhiệm mầu, phá tan nghi ngờ, dứt bỏ sự khó khăn, rọi sáng lòng người. Sống chung với mọi người mà riêng mình không bạn. Thường hỏi mọi người ai có gì thắc mắc ta sẽ dùng lửa trí tuệ rực rỡ để đốt cháy hết những mối nghi ngờ của mọi người.

Luôn luôn quán sát tâm không rối loạn. Người học đạo tu hành nên lấy đó làm sự nghiệp.

Cho nên nói: Người trí quán như vậy, giữ cho niệm chuyên nhất.

Than ôi! Ý không đắm, chỉ Phật mới dứt được: Người tu hành được định tam muội, bỏ hết những việc hữu lậu thế tục. Lại cũng bỏ luôn định ý giải thoát là cội gốc điều lành của thế tục.

Ai làm được việc ấy?

Chỉ có Phật, Thế tôn mới bỏ được mà thôi.

Cho nên nói:

Than ôi! Ý không đắm,

Chỉ Phật mới dứt được.

Quán thân như bình không

Tâm yên như tường thành

Dùng tuệ đánh với ma

Giữ thắng, chớ để mất.

Quán thân như bình không: Như cái bình cũ kỹ, trong ngoài không bền chắc, tuy còn dùng đựng đồ được, nhưng không được bao lâu. Thân bốn đại này cũng giống như vậy, thường phải khổ đau, hư hoại, không được bao lâu, như cái bình cũ kia, dù đựng đồ tốt hay đựng đồ xấu nó cũng phải đi đến chỗ hoại diệt, về với tro than.

Tấm thân mong manh này cũng giống như vậy, có khi thọ thân tốt đẹp, có khi thọ thân xấu xí, nếu nhập lãnh điều lành thì đó là công đức lành để trang điểm cho thân, còn nếu nhận lãnh điều xấu ác thì đó là bỏ nghiệp lành, tâm bị ô nhiễm. Sau khi chết, than bị vất ngoài gò mả.

Cho nên nói: Quán thân như bình không.

Tâm yên như tường thành: Sở dĩ xây thành vững chắc, đào hào sâu là để chống lại bọn trộm cướp hại dân. Tâm cũng giống như vậy, phải chống giữ tâm không cho giặc kết sử trói buộc.

Thành có vững chắc thì giặc mới không có cơ hội đánh phá, tâm ngay thẳng không tà vạy thì kết sử không có cơ hội làm phiền não.

Cho nên nói: Tâm yên như tường thành.

Dùng tuệ đánh với ma: Kỹ thuật đã hoàn bị, sáu nghề đã đầy đủ thì có khả năng chiến đấu với ma Trời Tự Tại.

Cho nên nói: Dùng tuệ đánh với ma.

Giữ thắng chớ để mất: Đã thắng dâm, nộ, si, không còn ý tưởng nào khác, thường buộc ý trước mặt, không có tâm nào khác.

Cho nên nói: Giữ thắng chớ để mất. Tóm lại, quán sát thế gian cũng giống như vậy.

Quán thân như chùm bọt

Như ngựa đồng nắng lóa

Dùng tuệ đánh với ma

Giữ thắng chớ để mất.

Giống như chùm bọt nước vừa có đó liền vỡ mất, không tồn tại được lâu. Thân bốn đại này cũng giống như vậy, tụ lại thì thành thân người, phân tán ra thì thành khí. Vốn nhờ cha mẹ mà có được thân bốn đại, nhưng nếu suy xét tận cùng ngọn ngành thì đều là không. Tìm thì không thấy ở trước, kiếm mãi vẫn không thấy ở sau.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần