Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Quán Suy Xét - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

PHẨM QUÁN SUY XÉT  

TẬP MỘT  

Khéo quán xét lỗi mình

Để lỗi không bày ra

Ai nấy có hiềm khích

Như bụi nhẹ bay kia.

Khéo quán xét lỗi mình: Người ta chỉ thấy lỗi xấu của kẻ khác mà không thấy lỗi xấu của mình. Cho mình phải, cho người trái, gièm pha lẫn nhau, như quan điển trường coi việc thu lúa thóc, khen ngợi coi trọng kẻ ở gần, coi thường người ở xa.

Cho nên nói: 

Khéo quán xét lỗi mình,

Để lỗi mình không bày ra.

Ai nấy có hiềm khích,

Như bụi nhẹ bay kia.

Nếu khoe mình không lỗi

Hai việc sẽ cùng đến

Chỉ thấy người lầm lỗi

Thường có tâm nguy hại

Nhìn xa không thấy gần.

Người ta sống trên đời phần nhiều tự khen ngợi mình, tự khoe khoang công đức mình, đời không ai bằng. Những việc ta thực hành như giới, văn, tuệ thí là tôn quý, là đặc biệt, là không ai sánh bằng.

Cho nên nói: Nếu khoe mình không lỗi.

Hai việc sẽ cùng đến: Như kẻ đánh bài lận, hễ kẻ gian lận thì thắng, người ngay thẳng thì thua. Người giữ hạnh, tu đức cũng như vậy, là tự biết lỗi lầm của mình không để ai thấy.

Cho nên nói: Hai việc sẽ cùng đến.

Chỉ thấy người lầm lỗi, thường có tâm nguy hại: Người không tự xét, chỉ thấy việc bên ngoài, các pháp bất thiện, những tai họa xấu ác, rơi vào đường ác, không đến cõi lành, gieo khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Cho nên nói: Chỉ thấy người lầm lỗi, thường có tâm nguy hại.

Đất Trời cách biệt nhau, không thấy pháp chân, không thấy pháp chẳng phải chân.

Cho nên nói:

Nhìn xa không thấy gần.

Biết thẹn, thọ hơn hết

Diều ham ăn bị bắt

Lực sĩ không sợ hãi

Hạng ấy sống ngắn ngủi.

Biết thẹn là hơn hết: Người ta sống trên đời này, không biết hổ thẹn, không kiêng sợ điều gì, như trâu chạy rong không hề sợ hãi. Người ngu đần cũng giống như vậy, họ sinh tâm làm mọi chuyện không hề sợ hãi.

Cho nên nói: Biết thẹn, thọ hơn hết.

Diều ham ăn bị bắt: Như diều bay trên cao, nhưng do ham ăn, nào biết tránh né lưới bẫy. Chúng sinh cũng giống như vậy, tham đắm tài sắc không biết thỏa mãn.

Cho nên nói: Diều ham ăn bị bắt.

Lực sĩ không sợ hãi: Như người lực sĩ không biết sợ hãi, giữa chốn đông người muốn làm gì thì làm, không ai bằng. Nếu ai đến trách mắng khuyên can thì tâm liền tức giận giết chết người ấy.

Cho nên nói: Lực sĩ không sợ hãi.

Hạng ấy sống ngắn ngủi: Người ta sống trên đời này, có thói quen khinh người quý mình. Chỉ chấp vào điên đảo, mê lầm không tỉnh ngộ. Xâm phạm đồ đạc của Tam Bảo, ỷ mình làm càn. Những hạng người ấy, sống không dừng lâu.

Cho nên nói:

Hạng ấy sống ngắn ngủi.

Biết thẹn, không hết thọ

Thường cầu hạnh thanh tịnh

Oai nghi không thiếu sót

Phải xét thọ chân tịnh.

Biết thẹn không hết thọ: Người biết hổ thẹn thì không tha thiết lắm đối với chuyện cơm áo, tiền của có được đều ban bố cho mọi người. Áo thô cơm dở, không ưa trang sức. Giữ thân sống tạm qua ngày, không mong cầu giàu sang.

Cho nên nói: Biết thẹn không hết thọ.

Thường cầu hạnh thanh tịnh: Mọi việc làm đều thanh tịnh, không gây ra những việc tà vạy. Thân, miệng, ý khớp với hạnh vô thượng. Cũng biết giữ gìn sự thanh tịnh bên ngoài nên nói ra lời gì đều vừa lòng người đối diện, không làm tổn hại người khác.

Cho nên nói: Thường cầu hạnh thanh tịnh.

Oai nghi không thiếu sót: Gom nhiếp các giác quan, không để rong ruổi.

Cho nên nói: Oai nghi không thiếu sót.

Phải xét thọ chân tịnh: Mọi hành động cử chỉ, nói năng, ăn uống là để nuôi mạng sống.

Cho nên nói:

Phải xét thọ chân tịnh.

Thế gian đều mù tối

Có mắt, ít có tai

Bầy chim sa vào lưới

Sinh thiên có mấy ai?

Thế gian đều mù tối: Như kẻ mù không thấy hình sắc đẹp xấu, cao nguyên hay đồng bằng, chúng sinh trong thế gian này cũng giống như thế, họ bị dâm, nộ, si che lấp, không thấy việc làm thiện ác, không biết tốt xấu, cũng lại không biết pháp dữ, pháp lành. Ý tự mê lầm, không mong cầu điều thiện.

Cho nên nói: Thế gian đều mù tối.

Có mắt, ít có tai: Trong Kinh Trường A Hàm chép: Đức Phật bảo Phạm Chí Trường Trảo: Trên đời này, rất ít người tu thiện. Tóm lại chúng sinh tà kiến điên đảo nhiều hơn đất trên mặt đất. Không biết Phật, không biết Pháp, không biết Tỳ Kheo Tăng, không biết cha mẹ, cũng không biết trên dưới, cao thấp, chúng sinh chánh kiến thì ít như đất dính trên móng tay.

Hiểu biết dù không sai lầm nhưng nguyện ước không giống nhau. Như ngoại đạo Phạm Chí Ni Kiền Tử xuất gia học đạo, ai cũng đều cho mình là cao quý, sách vở khác nhau, mong cầu giải thoát. Họ chấp chặt ý ngu mê nên không đạt được đại đạo.

Người chánh kiến không có bao nhiêu.

Cho nên nói: Có mắt, ít có tai.

Bầy chim rơi vào lưới: Như người thợ săn giăng lưới, giương bẫy bắt chim. Họ bắt được vô số loài chim thú, thoát khỏi lưới chỉ có một, hai con. Chúng sinh được sinh lên Cõi Trời cũng giống như vậy, chỉ một, hai người được hưởng phước Trời.

Như trong Kinh Tạp A Hàm có viết:

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Chúng sinh bị đọa vào địa ngục nhiều như đất trên mặt đất.

Hết khổ địa ngục này thì sinh qua địa ngục khác. Ngạ quỷ, súc sanh cũng giống như vậy. Chúng sinh được sinh lên Cõi Trời ít như đất dính trên móng tay.

Cho nên nói:

Như chim sa vào lưới,

Sinh Thiên có mấy ai.

Quán suy hao ở đời

Chỉ thấy các sắc đổi

Kẻ ngu tự buộc mình

Bị mê tối trói buộc.

Quán suy hao ở đời, chỉ thấy các sắc đổi: Người ta sống trên đời sự thay đổi có trăm ngàn thứ, việc làm không giống nhau, thế gian có ba thứ:

Khí thế gian.

Ấm thế gian.

Chúng sinh thế gian.

Khí thế gian chỉ cho ba ngàn đại thiên, cõi nước.

Chúng sinh thế gian chỉ cho chúng sinh trong ba cõi, bốn cách sinh, năm đường.

Ấm thế gian là sắc ấm, vô sắc ấm. Trong ba cõi thì chú trọng cõi chúng sinh.

Vì sao nói pháp suy hao?

Suy hao là do dâm, nộ, si làm suy hao, giống như những người đi buôn đến phương xa, gặp cướp bóc, bị cướp mất hết tiền của báu vật, các loài chúng sinh này cũng giống như vậy, bị dâm, nộ, si, cướp đoạt hết hàng hóa tiền bạc căn lành. Mọi người đều trông thấy sự suy hao ấy, có hằng ngàn muôn chúng sinh thoát khỏi sự cướp bóc ấy.

Cho nên nói: Quán suy hao ở đời, chỉ thấy các sắc đổi.

Kẻ ngu tự buộc mình, bị mê tối trói buộc: Ở đời có nhiều người việc làm khác nhau, thường bị trói bởi hai phược một là kết sử phược, hai là ấm phược, do hai thứ này trói buộc, vô minh che kín. Cho nên không có khả năng vượt thứ lớp chứng quả, dứt sạch hữu lậu, thành vô lậu.

Như người có tội bị giam trong ngục, không thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng, các loài chúng sinh này cũng giống như vậy họ bị giam hãm trong căn nhà vô minh, bị dâm, nộ, si trói buộc, muốn cầu giải thoát cũng khó được.

Cho nên nói: Kẻ ngu tự buộc mình, bị mê tối trói buộc.

Cũng không thấy hành quán, cũng không có gì của ta, bởi tính quán xét nên không thấy được cội gốc công đức. Lại dùng trí biết tâm người khác để thoát khỏi nạn này, nhưng không có một căn lành nào thì làm sao thoát khỏi được. Như có kẻ rớt xuống hầm xí, bị phẩn nhơ dính đầy khắp mình, lại có người lòng từ bi thương xót muốn cứu kẻ đó, bèn tìm chỗ sạch trên mình để đưa tay kéo lên, nhưng khắp mình không còn chỗ nào sạch cả, đành phải bỏ đi.

Người vô lậu quán xét chúng sinh, tìm xem có chút căn lành nào để cứu vớt chữa trị, nhưng xem khắp thì không thấy có gốc lành nào để cứu chữa cả.

Bậc Thánh Nhân tự nghĩ mà than: Chao ôi! Toàn là những người suy hao! Tội nặng đến như thế.

Cho nên nói:

Cũng không thấy hành quán,

Cũng không có gì của ta.

Chúng sinh đều có ngã

Bởi ngã sinh tai họa

Mỗi mỗi đều không thấy

Bị gai tà kiến đâm.

Chúng sinh đều có ngã, bởi ngã sinh tai họa: Trên đời này có nhiều người tâm tính điên đảo, các loài chúng sinh do ngã tạo tác, từ ngã phát sinh.

Lại có người nói: Do cái khác mà sinh, do cái khác mà có.

Cho nên nói: Chúng sinh đều có ngã, bởi ngã sinh tai họa.

Mỗi mỗi đều không thấy, bị gai tà kiến đâm: Mỗi mỗi là chỉ cho ngoại đạo Phạm Chí, họ không suy nghĩ chánh kiến mà tin theo tà kiến điên đảo.

Cho nên nói:

Mỗi mỗi đều không thấy,

Bị gai tà kiến đâm.

Quán nhân duyên gai này

Bởi chúng sinh nhiễm đắm

Ta làm chẳng của kia

Kia làm chẳng của ta.

Quán nhân duyên gai này: Gai ở đây là gai tà kiến, nhân duyên chỉ cho địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi người. Trời và người mỗi cõi khác nhau là bởi tạo nghiệp khác nhau.

Cho nên nói: Quán nhân duyên gai này.

Bởi chúng sinh nhiễm đắm: Ngoại đạo dị học đêm ngày chăm chú, vội vàng, đều tự cho mình chân chính, tin theo tà kiến điên đảo. Không thể buông bỏ để trở về đường chánh.

Cho nên nói: Bởi chúng sinh nhiễm đắm.

Ta làm chẳng của kia, kia làm chẳng của ta: Họ đều tự cho mình là chân chánh, cùng nhau sai lầm, các loại chúng sinh đều do ta làm ta tạo, chẳng phải của người kia.

Lại tự nghĩ: Người kia tạo, người kia làm, chẳng phải của ta.

Cho nên nói:

Ta làm chẳng của kia,

Kia làm chẳng của ta.

Chúng sinh bị mạn trói

Nhiễm đắm vào kiêu mạn

Bị kiến chấp mê lầm

Không khỏi bờ sinh tử.

Chúng sinh bị mạn trói, nhiễm đắm vào kiêu mạn: Người nọ tự nghĩ về tánh ý mình rồi sinh tâm kiêu ngạo: Ta là bậc tối tôn, tối thượng giữa mọi người. Trong họ hàng bà con, nếu nhìn về ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, gia sản thì không ai bằng ta, giữ khư khư tánh kiêu ngạo ấy không bao giờ lìa bỏ.

Cho nên nói: Chúng sinh bị mạn trói, nhiễm đắm vào kiêu mạn.

Bị kiến chấp mê lầm, không khỏi bờ sinh tử: Kẻ chấp theo thường kiến thì không tương ưng với kẻ chấp theo đoạn diệt kiến, kẻ chấp đoạn diệt kiến thì không tương ưng với kẻ chấp theo thường kiến. Cả hai hạng người này đều không thể ra khỏi sinh tử để đến bờ vô vi.

Cho nên nói:

Bị kiến chấp mê lầm,

Không khỏi bờ sinh tử.

Đã kịp và sẽ kịp

Cả hai bị trần cấu

Quen với cội gốc bệnh

Học những gì phải học.

Xét những người giữ giới

Bậc phạm hạnh thanh tịnh

Chăm sóc người đau ốm

Đó là cõi bờ mé.

Trên thế gian có những chúng sinh tâm tà kiến lẫy lừng, tham đắm vào ái dục, không thể lìa bỏ. Khi tu hành khiết dục thanh tịnh thì họ khởi tâm kiêu mạn, không tự sửa đổi. Đó gọi là bờ mé thứ hai. Đó gọi là các Bậc Hiền tăng thêm các đắm trước.

Đã kịp và sẽ kịp: Loại có thân hoặc loại không có thân, cả hai đều còn phiền não, một là phiền não tà kiến, hai là phiễn não ái dục, bị kết sử sai khiến, không thể lìa bỏ được.

Cho nên nói: Cả hai đều bị trần cấu.

Quen với cội gốc bệnh: Chỉ cho ngoại đạo dị học, họ luyện tập kỹ thuật làm cho mình tiến lên.

Học những gì phải học: Có các chúng sinh học các kỹ thuật như cưỡi ngựa, đánh xe và làm đầy đủ vô số việc. Làm đủ những việc ấy mới được giải thoát.

Cho nên nói: Học những gì phải học.

Xét những người giữ giới: Hoặc có Phạm Chí vâng giữ giới cấm. Hoặc có người giữ giới quạ, họ cất tiếng như quạ kêu. Hoặc có người giữ giới chim trọc đầu thì lúc nào họ cũng quỳ mọp bắt chước tiếng kêu của chim trọc đầu. Hoặc có người giữ giới nai thì họ phát ra âm thanh như nai.

Cho nên nói: Xét những người giữ giới.

Bậc phạm hạnh thanh tịnh: Hàng ngoại đạo dị học kia họ tự nói với nhau rằng cứ hai người một tu hành tịnh hạnh thì liền được giải thoát, đến nơi thanh tịnh. Còn như ai thờ lửa, thờ mặt trời, mặt trăng, thờ thần châu báu, cỏ thuốc, y phục, cung điện, nhà cửa thì sau này sẽ được đến cõi vô vi. Cho nên nói gọi là bờ mé thứ nhất.

Trên thế gian có chúng sinh tâm tà kiến lẫy lừng, tham đắm ái dục không thể lìa bỏ. Về dục thanh tịnh, nếu người ngoài tu tập, có phạm dục không lỗi. Đó gọi là bờ mé thứ hai. Gọi là các Bậc Hiền tăng thêm các đắm trước, nếu hiểu rõ việc này thì không còn bị trôi lăn.

Người có mắt nhìn xem: Người có mắt chỉ cho Chư Phật, Thế Tôn. Ai có lòng tin, thì có khả năng quán sát sự trôi lăn trong sinh tử không dừng.

Cho nên nói: Người có mắt nhìn xem. Ai xóa bỏ được hai bên này thì không còn đắm nhiễm, không khởi trần lao, đây gọi là bờ mé.

Phải quán bọt trên nước

Và quán ngựa lóa nắng giữa đồng

Như thế, không quán thân

Thì không thấy thần chết.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần