Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm ác Hạnh - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI TÁM

PHẨM ÁC HẠNH  

TẬP HAI  

Nếu gần gũi người ấy, an ổn, không lo buồn: Người tu phải giữ gìn các oai nghi tới lui, qua lại. Nhờ vậy, không làm mất lễ tiết, như muôn hoa đua nở tỏa hương khắp miền. Người tu hành cũng giống như vậy, giới luật, học rộng, bố thí, các môn tổng trì, ý định, không loạn.

Nếu gần gũi những vị ấy thì không còn sai trái, nhờ đó đầy đủ Thánh vô lậu.

Cho nên nói:

Nếu gần gũi người ấy,

An ổn, không lo buồn.

Dứt bặt, không ai hơn

Mềm mỏng, không thô tháo

Thổi tan các pháp ác

Như gió thổi lá rụng.

Dứt bặt, không ai hơn, mềm mỏng không thô tháo: Các giác quan đầy đủ, lời nói ra chính đáng, không thô lỗ, oai nghi lễ tiết không để sơ mất. Người như vậy khó ai bằng, cũng không có ai hơn.

Cho nên nói: Dứt bặt, không ai hơn, mềm mỏng không thô tháo.

Thổi tan các pháp ác, như gió thổi lá rụng: Người tu hành giữ tâm vững vàng không động. Có lòng tin bền bỉ, không trái phạm mảy may, dứt bỏ các pháp ác, mỗi ngày một thêm điều lành. Ngày đêm thu nhiếp, không để bụi dính. Như sắt rỉ sét nhưng nhờ chà rửa mà sáng ra. Tâm người nhiều lớp bợn nhơ, phải dùng trí tuệ chiếu soi.

Cho nên nói:

Thổi tan các pháp ác,

Như gió thổi lá rụng.

Vô cớ sợ người ấy

Hủy báng người thanh tịnh

Bỏ ác được sức mạnh

Gió thổi tan mây khói.

Vô cớ sợ người ấy, hủy báng người thanh tịnh: Người tu học thì việc trên hết là quét sạch bụi nhơ phiễn não. Người tu hành quét sạch bụi nhơ chỉ tu thanh tịnh công đức đầy đủ, sợ gì không đạt đạo.

Tâm không bỏn sẻn, ganh ghét, tôn sùng gốc đạo thì hoát nhiên tự ngộ. Đó là nhờ thông đạt thấu hiểu các yếu chỉ sâu kín. Người thanh tịnh không có kết sử.

Kẻ ngu hủy báng cho là bất tịnh, hủy báng Bậc Thánh Hiền, phải chịu tội vô trạch, đó là do phước báo chứa nhóm mà có được.

Cho nên nói: Vô cớ sợ người ấy, hủy báng người thanh tịnh.

Bỏ ác được sức mạnh, gió thổi tan mây khói: Người đời ngu mê, họ cho ác là tốt.

Do vậy, tội ác ngày càng chất cao như núi Thái, tạo tội địa ngục, ngạ quỷ, tạp súc sanh.

Cho nên nói:

Bỏ ác được sức mạnh,

Gió thổi tan mây khói.

Hành vi của người

Ai nấy tự biết

Người lành làm lành

Kẻ ác làm ác.

Hành vi của người, ai nấy tự biết: Người tu hành có nhiều chí hướng, điều gì ác thì tự biết là ác, điều gì thiện thì tự biết là thiện.

Làm thiện hay ác dù mình không tự biết thì vẫn mắc quả báo gấp nhiều lần hơn, làm lành được phước không bao giờ hết, làm ác mắc tội gấp nhiều lần hơn. Người thanh tịnh thì được quả báo thanh tịnh, người không thanh tịnh thì chịu quả báo không thanh tịnh.

Khi sắp chết thì thiện ác rõ ràng, nếu Thánh thần đến rước thì thấy cung điện, nhà cửa, vườn hoa, ao tắm, thần thức không lầm lộn. Hoặc thấy y phục, đồ trang sức tự nhiên mặc vào người. Thiên nữ vây quanh cùng nhau vui chơi, lại ánh sáng chiếu soi không hề trở ngại.

Còn người chất chứa điều ác thì khi sắp chết thần thức rối loạn. Họ chỉ thấy lửa cháy bừng bừng với những gươm, kích, hoặc thấy chim cú rủ, chồn cáo, quỷ La Sát, yêu mị, cọp sói, thú dữ. Lại thấy núi đao rừng kiếm, gai gốc, hầm hố, quỷ dữ vây quanh.

Cho nên nói: Người lành làm lành, kẻ ác làm ác.

Người nào làm ác

Sau chịu quả báo

Nếu không làm ác

Sau không lo gì.

Người nào làm ác sau chịu quả báo: Người làm ác tự vời lấy tai họa. Cha mẹ, anh em, thân tộc không thể chịu tội thay mình.

Chính mình không làm ác thì sau không mắc quả khổ. Người này, khi sinh ra là gặp Thánh, hưởng phước. Cha mẹ, anh em cũng không thay mình hưởng vui. Ý tự trong sạch không hệ lụy đến người. Tự thực hành thanh tịnh thì tự mình được quả báo.

Cho nên nói:

Người nào làm ác

Sau chịu quả báo,

Nếu không làm ác,

Sau không lo gì.

Biết mình tịnh, bất tịnh

Lo gì người khác tịnh

Người ngu không rèn luyện

Như sắt dùi kim cương.

Biết mình tịnh, bất tịnh, lo gì người khác tịnh: Tự mình thanh tịnh thì mới có thể khiến người khác thực hành thanh tịnh.

Hạnh mình chưa hoàn toàn thì làm sao khiến người khác được hạnh thanh tịnh?

Cho nên nói: Biết mình tịnh, bất tịnh, lo gì người khác tịnh.

Người ngu không rèn luyện, như sắt dùi kim cương: Việc mà người ngu làm thì cả ngày vẫn không hết. Một ngày tạo tội đọa lạc nhiều kiếp. Dù gặp Thánh Hiền vẫn không được cứu độ. Như sắt dùi mà gặp kim cương thuần chất thì bỏ công mà không được gì.

Cho nên nói:

Người ngu không rèn luyện,

Như sắt dùi kim cương.

Nếu mắt thấy không lệch

Người khôn tìm phương cách

Người trí khéo ở đời

Không làm các điều ác.

Nếu mắt thấy không lệch: Người tu hành thì quan trọng là tinh chuyên, nếu mắt thấy sắc, không sinh nhãn thức, dù xấu hay tốt, ý vẫn bình đẳng.

Nếu thấy sắc đẹp, cũng không khởi tâm đắm nhiễm, nếu thấy người xấu cũng không buồn chán.

Cho nên nói: Nếu mắt thấy không lệch.

Người khôn tìm phương cách: Mắt thấy sắc kia biết không phải chân thật, mà nó là pháp rồi sẽ bị tiêu diệt, dời đổi không dừng. Hễ có sống thì có chết, có thường thì có diệt. Kẻ ngu quen thói đắm nhiễm, bị người trí chê cười.

Cho nên nói: Người khôn tìm phương cách.

Người trí khéo ở đời, không làm các điều ác: Người trí khi dạy dỗ thì quyền biến hóa độ không phải chỉ có một cách, đề phòng điều ác vô hình, nuôi lớn phước đức tự nhiên, giữ hạnh không hệ lụy đến đời, lời nói không tổn thương hình chất, khi còn sống thì chu toàn, chưa được bao lâu, mà đời sống qua mau, như có điều hổ thẹn. Nhưng nếu được sống lâu, cũng không khoe khoang. Khi còn sống trên đời cho đến khi chết, không hề làm điều ác nào.

Cho nên nói:

Người trí khéo ở đời,

Không làm các điều ác.

Lái buôn sợ giữa đường

Bạn ít, hàng hóa nhiều

Vượt qua chỗ hiểm nạn

Lại lo xe gãy trục.

Lái buôn sợ giữa đường, bạn ít, hàng hóa nhiều: Thuở xưa, có rất nhiều người đi buôn, mạo hiểm vượt đường xa, họ đi qua cánh đồng hoang vắng đầy hiểm nạn, trên đường ấy có bọn cướp không thể nào tránh khỏi. Mang theo của cải vật báu mà không có tư lương, đồng bạn, lại cũng không có khí giới để phòng thân. Bạn ít mà của cải nhiều nên tâm rất lo sợ, tinh thần bấn loạn.

Nhưng rồi có một người hiểu biết bảo các bạn: Anh em chớ sợ hãi, tôi sẽ tính kế để thoát khỏi nạn này. Nghe vậy những bạn kia bình tĩnh trở lại.

Cho nên nói: Lái buôn sợ giữa đường, bạn ít, hàng hóa nhiều.

Vượt qua chỗ hiểm nạn, lại lo xe gãy trục: Đường đầy hiểm nạn lại không gặp bạn lành. Bỏ đường cái mà đi vào đường tắt nhỏ hẹp thì không đến nơi. Giữa đường gặp nạn hư xe, bạn đi trước không ngoái nhìn bạn theo sau, đành bỏ nhau. Do vậy, Đức Thế Tôn mượn chuyện này làm thí dụ để giúp cho người đời sau hiểu rõ tội phước. Người được hóa độ không còn chút trở ngại.

Người giảng dạy không tốn công mình.

Cho nên nói:

Vượt qua chỗ hiểm nạn,

Lại lo xe gãy trục.

Có thân không bị ghẻ

Không bị độc làm hại,

Độc làm gì được ghẻ,

Không ác nào không gây.

Như Điều Đạt ở tại thành La Duyệt, khởi tâm mưu hại Đức Phật, sau đó, sự vụ bại lộ, ai cũng biết.

Khi ấy, Vua A Xà Thế nói với Điều Đạt: Ông nên ra khỏi nước, đừng sống ở đây nữa. Mười sáu nước lớn đều nghe biết việc ông làm. Họ hỏi tại sao ở đất nước này lại có Điều Đạt gây ra các tội ác, khởi tâm giết hại đối với Như Lai.

Nghe vậy, Điều Đạt buồn bã, trong lòng không yên, liền trở về quê cũ. Oán trước chưa tan lại bị lòng giận tức trói buộc.

Ông đường đột vào nội cung của Bồ Tát, nói với bà Cù Di: Nay tôi suy tôn bà lên chức đệ nhất phu nhân, không biết thánh nữ có bằng lòng không?

Nghe xong, Cù Di bảo Điều Đạt: Trước hết, ta muốn nắm tay phải của cháu.

Điều Đạt liền đưa tay cho bà nắm thì xương cổ tay ông bị bể nát, năm ngón tay phún máu. Khi ấy Điều Đạt hôn mê hồi lâu mới tỉnh.

Bà Cù Di bảo: Ngoài sức khỏe của Thái Tử Tất Đạt thì không ai mạnh hơn ta.

Nếu ta đấu vật với ngươi thì thân thể ngươi sẽ tan nát như cám bụi, như người lực sĩ với một ngón tay xô ngàn cây ngã, tha hồ bóp vụn ra, có khó gì?

Rồi Điều Đạt quay người bước vào cung điện, ngồi trên giường của Bồ Tát. Thấy vậy, cung nhân đều giận ghét. Họ liền chạy đến kéo ông ta khỏi giường, làm bị thương khoan bụng trái, không đi đứng được. Gia nhân bỏ ông lên xe chở về nhà ông.

Những người dòng họ Thích đều ghét ông, họ cùng đến nói với Điều Đạt: Này Điều Đạt, ông nên sửa đổi, đến sám hối với Phật.

Nghe vậy, Điều Đạt thầm nghĩ ra kế độc, ông bí mật nhờ người làm móc sắt mà trên đầu tẩm thuốc độc. Bên ngoài ông tỏ vẻ mềm mỏng dễ thương, nhưng bên trong tâm vẫn tức giận.

Khi ấy, Điều Đạt nhớ lời Phật nói:

Sa Môn Cù Đàm thường nói lời này: Có thân không bị ghẻ, không bị độc làm hại, độc làm gì được ghẻ, không ác nào không gây. Bây giờ, ta nên đến đó, giả bộ sám hối, dùng móc sắt móc chân ông ta, chất độc lan qua máu thì chắc chắn ông ta sẽ chết. Gia nhân cho ông lên xe, đưa đến chỗ Phật.

Khi còn cách Thế tôn khoảng hai mươi mốt nhận thì ông bảo người hầu: Cho ta xuống đây, ta muốn đi bộ.

Ông liền bước xuống đất, lập tức, lửa từ dưới đất vọt lên bao kín thân, đưa ông vào ngục.

Cho nên nói:

Có thân không bị ghẻ,

Không bị độc làm hại,

Độc làm gì được ghẻ,

Không ác nào không gây.

Nhiều người làm việc ác

Chắc chắn lụy đến thân

Khéo bố thí ân đức

Việc này thật khó làm.

Nhiều người làm việc ác, chắc chắn lụy đến thân: Ở đời có nhiều người làm điều ác, không hợp với Thánh đế. Họ làm nghề mổ heo, đánh cá, nuôi heo, nuôi gà, giăng bẫy để bắt hươu nai.

Làm giặc cướp giết hại, trói lại đem giao cho ngục tốt. Hay Chân Đà La làm những dây thòng lọng bắt chim bay. Các chúng sinh làm việc ác như vậy nhiều không kể xiết. Hạng người ấy vì thân mà gây họa. Sau khi chết, đọa vào địa ngục chịu khổ khó lường.

Cho nên nói: Nhiều người làm việc ác, chắc chắn lụy đến thân.

Khéo bố thí ân đức, việc này thật khó làm: Người nào tự quán sát thiện ác báo ứng đời trước đời sau, rộng bố thí cho kẻ nghèo, đem bố thí cho người, việc này thật khó.

Cho nên nói:

Khéo bố thí ân đức,

Việc này thật khó làm.

Lành thay người tu thiện!

Hay lắm làm ác quá!

Người ác làm ác dễ

Người ác làm lành khó.

Lành thay người tu thiện: Người lành tu hạnh lành là lẽ tự nhiên, không nên gần gũi những người làm ác. Người làm lành được Chư Phật che chở, các vị Trời và con người ai cũng kính quý. Đến nơi nào cũng không bao giờ xa lìa thiện tri thức.

Cho nên nói: Lành thay người tu thiện.

Hay lắm làm ác quá: Người làm ác thì càng ngày càng tăng chứ không giảm, như cỏ dại không trồng vẫn tự mọc, dù cho dung cuốc giẫy sạch hết, nhưng chúng vẫn mọc lại không dứt.

Cho nên nói: Hay lắm làm ác quá.

Người ác làm ác dễ, người ác làm lành khó: Như hạng Chân Đà La thường vác thây ma đem bỏ ngoài nghĩa địa, tâm thường vui thích, không chút sợ hãi. Lòng càng vui hơn, lấy đó làm vui. Như người coi ngục, giữ các gông xiềng, ngày đêm làm ác mà tự cho là cao quý. Các Bậc Hiền Thánh nhìn thấy các việc đó cho là đại họa.

Cũng như người đáng tội chết, lúc dẫn ra giữa chợ, thì mỗi bước đi của anh ta là đi gần đến cái chết.

Ba cõi khổ sở, có gì mà ham thích?

Cho nên nói:

Người ác làm ác dễ,

Người ác làm lành khó.

Kẻ ngu cho mình đúng

Như ác chưa chín muồi

Khi ác thật chín muồi

Phải chịu mọi khổ não.

Kẻ ngu cho mình đúng, như ác chưa chín muồi: Người ngu tự nghĩ việc mình làm là đúng. Còn việc người làm là sai. Thấy ai làm lành thì ganh ghét. Khi gốc tội đã đủ, tâm si mê đã chín muồi thì sau đó mới biết việc mình làm là sai.

Nay ta làm ác không phải cha mẹ ta làm, cũng không phải anh em dòng họ gây nên, khi chịu tội thì ăn năn không kịp. Không phải Trời, không phải quỷ, không phải Sa Môn, Phạm Chí gây ra.

Nay ta tự biết cội gốc của tội thì trên không oán trời, dưới không trách đất, cam lòng chịu tội, không biết làm sao.

Cho nên nói: Kẻ ngu cho mình đúng, như ác chưa chin muồi.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần