Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Ba - Phẩm Lợi Dưỡng - Tập Ba
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI BA
PHẨM LỢI DƯỠNG
TẬP BA
Thuở xưa, tại làng Câu Tú Na La nước Kế Tân, lúc ấy có một gã thích chuyện gian dối, nịnh hót. Ở địa phương ấy có ngôi Chùa Tháp tên Bà Bàn Na. Có một thầy Tỳ Kheo thường cung cấp nước sạch cho Tăng Chúng.
Thầy Tỳ Kheo này giả vờ làm kẻ gian xảo đang tụ tập nơi Chùa Chiền. Các Tỳ Kheo đều mặc áo bá nạp, rất nhiều màu sắc, cùng đến thôn ấy để gặp mặt chủ nhà. Sau khi chào hỏi, các thầy đều ngồi qua một bên.
Gia chủ buồn khóc năm vóc gieo sát đất thưa: Các đạo sĩ từ đâu đến nhà kẻ nghèo hèn này vậy?
Có phải các Ngài đến từ ao hoa sen, hay từ Thế Giới phương khác đến, hay từ núi Thần Tiên đến?
Trong tâm gia chủ rất quý kính các thầy bèn thỉnh các thầy Tỳ Kheo ngày mai đến nhà thọ thực.
Các thầy Tỳ Kheo đáp: Chúng tôi đến đây chỉ vì mình ông đó! Hôm nay vì muốn thành tựu cho nhau, nên chúng tôi không nhận lời người khác thỉnh.
Dù ông muốn tìm độ người là chính, nhưng phải tìm ra người có ruộng phước tốt. Ở đây có ngần ấy người không có lỗi lầm.
Nghe vậy, chủ nhà liền vào bên trong sai người giúp việc: Các ngươi hãy mau sửa soạn các thức ăn ngon, vì có nhiều thần nhân, đạo sĩ đến đây và ta muốn cúng các vị ấy.
Lúc bấy giờ các thầy Tỳ Kheo nói với người chủ: Hiền sĩ có biết không?
Chúng tôi đã tu học nhiều năm, kinh hành, tới lui đều có phép tắc, trong sáu thời đều hành đạo, khác với lúc bình thường. Chúng tôi muốn đi kinh hành từ sáng đến chiều, từc hiều đến sáng hôm sau. Khi mặt trời mọc mới được phép ăn, không trái với giới luật.
Vị Thượng tọa trong chúng vào nói với vị đàn việt: Chỉ có một mình tôi được gọi là ngồi ăn một bữa, ăn uống các món ngon và dưa trái. Lát nữa, đến giờ ngọ trai, ta sẽ chú nguyện cho.
Người đàn việt nghe vậy vui mừng hớn hở, không kiềm chế được, sắm sửa các thức ăn ngon, để vào bát, đặt dưa trái bên trên, rồi bước tới nhận chú nguyện. Rồi lại lấy bơ, bánh, mật trộn với bột và dâng lên riêng cho vị Thượng Tọa. Chờ khi đạo sĩ ăn xong, ta ăn món còn dư trong bát sẽ được phước.
Tỳ Kheo thọ thực, chú nguyện xong, bèn hỏi đàn việt: Có nước uống gì ngon không?
Vị thí chủ thưa: Thức uống nhà nghèo thì có thứ như: Nước bồ đào, mía, thạch mật.
Vậy Tôn Giả thượng tòa cần thứ nước nào?
Vị đạo sĩ đáp: Các thứ nước đàn việt vừa kể, từ khi sinh đến giờ, tôi chưa uống, chưa được nếm lần nào. Nước mà tôi hỏi là thứ nước trong vắt kia, là thứ tích lũy nhiều năm ngon ngọt, vị không thay đổi thì ta mới uống.
Người đàn việt rất ngạc nhiên, khi nghe nói thế bèn suy nghĩ: Than ôi! Tai họa gây nên sự biến này. Ta khởi lên ý nghĩ này cho rằng các đạo sĩ đều là bậc A La Hán toàn bích chứng đắc sáu thứ thần thông. Nhưng giờ đây xét qua tung tích của họ, thì họ chính lại là bọn giặc cướp nguy hiểm.
Đàn việt liền nói với đạo nhân: Từ thuở nhỏ đến giờ, tôi không biết uống rượu, nên đâu dám cúng dường rượu cho đạo nhân!
Vị đạo nhân liền lấy tiền trong Xa Lặc túi đưa cho người đàn việt và bảo: Nếu nhà không có rượu thì hãy cầm số tiền này đi mua rượu về cho tôi.
Người đàn việt nghe nói vậy liền lấy tay bịt lỗ tai lại: Than ôi, thật lạ lùng, vì sao?
Đạo Sĩ lại mang bên mình sinh nghiệp này?
Những người này đều là phường ăn bám vô lại.
Đạo Sĩ đâu có tâm đạo gì?
Liền nói với đạo nhân: Hãy sai người khác đi mua rượu vì tôi không phải là đày tớ của thầy mà thầy sai tôi đến nhà bán rượu?
Thực là đạo nhân ăn bám. Trước đây ta không biết nên bị thầy xem thường. Nay ta không bao giờ để bị thầy lừa dối nữa.
Thầy Tỳ Kheo bảo: Thôi đi! Đàn việt chớ hủy báng như thế, sở dĩ chúng tôi đến đây cũng chỉ vì muốn thức tỉnh mình ông mà thôi. Từ trước đến nay, ông hao tiền tốn của làm việc bố thí nhưng không gặp người chân chánh. Ông hãy bớt giận nghe tôi nói thí dụ.
Đàn việt thưa: Hay lắm, tôi rất muốn nghe.
Tỳ Kheo nói: Hãy nghe cho kỹ! Như người giỏi bắn cung, đứng cách xa trăm bước mà bắn sợi lông thì luôn luôn trúng, nếu bắn cao, thấp, trái, phải đều không trúng đích. Còn như lấy mặt đất làm mục tiêu mà bắn thì dù cao thấp, Đông, Tây, Nam, Bắc cũng đều bắn trúng, không sai chạy.
Nay đại chúng đây cũng lại như thế, bố thí không lựa chọn thì sẽ gặp được chân nhân, còn nếu lựa chọn để bố thí thì luôn luôn gặp được, phần nhiều uổng công phí của mà không được lợi ích. Trong đại chúng đây có đủ bốn quả, bốn song, Tám bối, mười hai hiền sĩ, đều có đủ cả.
Nếu muốn lấy được châu báu thì phải ra biển cả hay lên núi báu Tu Di, muốn cầu hiền nhân chứng quả A La Hán thì phải vào trong đại chúng. Đàn việt hãy nghe cho rõ, ta sẽ nói thêm một thí dụ. Người có trí tuệ thì nhờ thí dụ mà được hiểu.
Ngày xưa, ở cõi nước cao quý này, có một người cư ngụ ở Nam Thiên trúc trở về, y về chung với một người bạn. Rồi y ăn nằm với nữ chú thuật gia là Xa Bà La. Lúc y có ý định trở về nhà thì liền bị hóa thành lừa, không thể trở về được.
Người bạn bèn bảo: Nhiều năm chúng ta vắng nhà, hoàn toàn không có tin tức gì về mọi việc tốt xấu tai biến quê nhà.
Ý anh thế nào, có muốn trở về nhà không?
Nếu muốn về thì hãy sửa soạn.
Người kia trả lời: Tôi nào biết nghĩ xa, nên mới gặp chuyện xui xẻo vì tôi ăn nằm với nữ chú thuật, nên vừa có ý muốn trở về nhà thì liền bị hóa thành lừa. Tâm thần rối loạn, Trời đất trống trơn, không còn biết gì là Đông, Tây, Nam, Bắc nữa. Thế nên, không thể về được.
Người bạn bảo: Sao anh mê lầm như vậy?
Trên đỉnh núi Nam này có một loại cỏ tên là Già La Ba La. Nếu ai bị chú thuật trấn áp mà ăn cỏ thuốc ấy vào thì liền trở lại thân người.
Người kia nói: Nhưng tôi không biết thứ cỏ ấy, thì phải làm sao bây giờ?
Người bạn bảo: Anh cứ đến đó lần lượt ăn rồi sẽ tự gặp nó.
Người này liền nghe theo lời dạy bảo của bạn là nếu bị thành lừa thì đến núi Nam cứ lần lượt ăn cỏ thì sẽ được trở lại than người…
Rồi anh này tom góp các thứ châu báu và được cùng bạn, bình yên trở về nhà.
Đàn việt nên biết, ở đây cũng giống như thế, những người mê lầm một lòng tín thí để cầu chứng quả A La Hán, nhưng ai là người chứng quả?
Ngay đây tìm mãi vẫn không bao giờ gặp được. Vì muốn cầu chân nhân La Hán là phải tìm ngay trong đại chúng, theo thứ lớp cúng dường thì sẽ gặp Bậc Hiền Thánh, chứng quả không còn ngờ vực gì nữa. Đàn việt lại phải lắng nghe điều này!
Ngày xưa, khi Đức Phật còn tại thế, bà Đại Ái Đạo, dì ruột của Phật, dùng chỉ vàng dệt thành y, dâng lên cúng dường Phật.
Đức Phật bảo bà: Muốn bố thí thì hãy vào trong đại chúng, vì sao lại chỉ đối riêng mình ta?
Vì Ta cũng chỉ là một người trong đại chúng mà thôi. Có thể chia nhỏ y này ra rồi mang chỉ vàng ấy dệt thành y và cúng dường cho Thánh Chúng.
Như Lai là Đấng Tôn Quý nhất trong ba cõi mà còn không thể nhận của bố thí một cách thiên vị, nên Ngài đã nhường cho Thánh Chúng, chứ không lấy riêng về cho mình.
Người đàn việt có nghe vị chủ Chùa Bà Bàn Na ở trong thành phía Nam của nước này, từng cung cấp nước cho Chúng Tăng chăng?
Người đàn việt thưa: Tôi nghe việc ấy lâu rồi, nhưng từ khi sinh ra đến giờ, tôi chưa gặp mặt người ấy. Giờ đây, tôi mới biết vị ấy là Bậc Hiền Thánh.
Thầy Tỳ Kheo nói: Từ trước đến giờ, có biết bao tệ nạn gian xảo, giả dối, lừa gạt đàn việt, như tôi so sánh ấy, chẳng phải một người. Từ nay trở đi, nếu đàn việt muốn làm phước thì phải vào trong đại chúng, lúc đó quả báo mà mình mong cầu sẽ được kết quả.
Lúc bấy giờ thầy Tỳ Kheo liền nói bài kệ:
Rắn độc, mang trên cổ
Mặc y vằn như cọp
Đi như hạc rình cá
Im lặng không nói năng.
Không bốn tâm vô lượng
Dối trá gạt chủ nhân
Nên phải lìa nịnh hót
Luyện tinh thần bằng chân.
Như Lai giáo hóa khắp
Sáng ngời trong ba cõi
Sở dĩ được lợi dưỡng
Bởi có đạo Thánh Hiền.
Bố thí dứt tham tiếc
Hết lòng thờ Tam Bảo
Nhờ đó, lìa gian dối
Dùng pháp để dưỡng tính.
Người đàn việt liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, gieo năm vóc sát đất kính lạy Thánh Chúng, xin được sám hối: Hôm nay được gội nhuần những điều mà từ trước đến giờ con chưa được nghe. Tuy nói là cha mẹ, tôn trưởng nhưng cũng không thể chỉ đường. Vì cốt yếu là mong gặp được ân Thánh để dứt bỏ hẳn tâm nhơ bẩn. Từ nay trở đi, nếu bố thí thì không luận ít hay nhiều, đều phải đến trong đại chúng, không dám tự ý.
Nay, một lần nữa, con xin tự quy y. Mong các Hiền Thánh đều làm thầy con. Con xin cúng dường bốn món y phục, thức ăn, giường ghế, đồ nằm, thuốc men trị bệnh.
Cho nên nói: Không nịnh hót ai.
Không sống nhờ người: Thuở xưa, Tỳ Kheo Điều Đạt cùng năm trăm vị Tỳ Kheo nhận sự cúng dường trọng hậu và các vật lặt vặt, nên thường đến thăm viếng Vua không để làm Phật lòng Vua.
Năm trăm thầy Tỳ Kheo này đều nhờ Điều Đạt mà được lợi dưỡng, tự mình không có công đức nên không đáng quý. Nếu phải tự mình đầy đủ các pháp, tự được cúng dường, thì mới là quý.
Cho nên nói: Không sống nhờ người.
Giữ pháp hạnh mình: Pháp chỉ cho các pháp lành, phải thường nhớ chúng cho đầy đủ. Không nhận từ kẻ khác và không truyền trao cho kẻ khác. Sa Môn và bạch y phải dùng nội giáo của chính mình mà dứt nghĩ, thường nên tinh tấn, không làm mất pháp độ. Thường tu học theo chánh pháp không rơi vào tà đạo.
Cho nên nói:
Giữ chắc pháp hạnh của mình.
Tự có không cậy
Không trông nhờ ai
Tỳ Kheo trông mong
Không được chánh định.
Tự có không cậy: Phàm người đã giữ gìn công đức thì không thấy mình có công đức, làm mà không thấy mình làm, không cậy vào công đức của mình mà khinh thường người khác là không có công đức. Như các đệ tử của Tỳ Kheo Điều Đạt, họ thật sự không có công đức mà luống nhận của tín thí, đều khởi tâm mong cầu cho rằng mình là tôn quý nhất, không ai bằng.
Cho nên nói: Tự có không cậy.
Không trông nhờ ai: Các đệ tử Điều Đạt, mỗi người đều phải biết kiềm chế không được gièm pha nhau, phải khen ngợi danh dự, hễ ai không khen ngợi danh dự thì bị đuổi ra khỏi Chúng Tăng, đúng ra phải nói không có công đức mà lại nói khống là có công đức.
Thế nên Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy đều phải tự giữ gìn cẩn thận, chớ có nói khống là mình có công đức, làm những việc không đúng với mình thì sẽ vời lấy tai họa, không đến được chỗ rốt ráo.
Cho nên nói: Không trông nhờ ai.
Tỳ Kheo trông mong, không được chánh định: Ý thường kiêu hãnh, có sự mong cầu. Tâm ý không chuyên nhất, không làm theo chánh hạnh thì không bao giờ được tâm ý an định. Phàm người nhập định thì quan trọng là phải chuyên ý, không còn niệm nào khác.
Cho nên nói: Tỳ Kheo còn trông mong kẻ khác thì không đạt chánh định.
Muốn sự sống yên
Dứt tâm, tự tỉnh
Như chuột trong hang
Ẩn mình tu pháp.
Muốn sự sống yên: Sự sống yên ổn có nghĩa là nhóm họp các điều lành, mở rộng chỗ sâu kín, để nuôi sự sống, chứ không phải chỉ có ăn với mặc mà thôi.
Cho nên nói: Muốn sự sống yên.
Dứt tâm, tự tỉnh: Giữ giới, học rộng, bố thí, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, lấy đó làm chuỗi anh lạc để trang sức. Cho nên nói Sa Môn tự tỉnh giác.
Như chuột trốn trong hang: Loài chuột bọ ở sâu trong hang vững chắc không còn lo sợ gì, không bị người ác hay loài côn trùng khác xâm chiếm, sát hại, không bị lửa cháy, nước ngập.
Cho nên nói: Như chuột trốn trong hang.
Ẩn mình tu giáo pháp: Đầy đủ pháp nội cấm của Sa Môn, ẩn mình chỗ thanh vắng, tâm ý thảnh thơi vắng lặng, ăn uống tiết chế, biết đủ. Dù loài người hay chẳng phải loài người cũng không có được dịp phá hại mình được.
Cho nên nói:
Ẩn mình tu giáo pháp.
Muốn sự sống yên
Dứt tâm, tự tỉnh
Đến chỗ biết đủ
Nhớ tu một pháp.
Muốn sự sống yên: Con người ở khắp trong bốn biển, vượt qua mọi gian nan, càng tăng thêm khổ nhọc, không mảy may việc lành.
Cho nên nói: Muốn sự sống yên.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ba Mươi Pháp
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Sáu Mươi - Phẩm Trí Tuệ Soi Thấu Tất Cả
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Nan - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Bốn - Tinh Tấn độ Vô Cực - Kinh Số Năm Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Bảy - Phẩm Nhập Dự Luận
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Mười Hai - Thọ Ký Khẩn Na La Vương