Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Phẫn Nộ - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM PHẪN NỘ  

TẬP BA  

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thuở xưa, thân vua Trường Thọ bị chặt thành bảy khúc, đất nước đều bị mất, nhưng vẫn nhẫn nhục, không nghĩ báo oán, tôn kính lẫn nhau, lại xây dựng đất nước như cũ không khác. Tỳ Kheo các thầy phải tự giữ gìn đạo đức, sám hối với nhau. Người lớn làm gương cho người nhỏ noi theo.

Tại sao các thầy không biết chánh pháp?

Phải nhớ nhẫn nhục, khen ngợi năng lực của sự nhẫn nhục.

Những việc làm chân chánh được khen ngợi chân chánh. Các Tỳ Kheo nên biết, từ vô số kiếp đến nay, ta chứa nhóm công hạnh, thực hành sáu độ không cùng tận, tu hạnh bố thí đến cả đầu mắt tủy não, tài sản, đất nước vợ con, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, đều nhằm mục đích là dứt bỏ ý tưởng tham lam, giận dữ.

Cho nên nói: Gãy xương bị chết, đất nước tan hoang…

Nếu người mắng ta

Thắng, ta không thắng

Làm theo ý mình

Thì oán không dứt.

Nếu người mắng ta: Người tự suy nghĩ kẻ kia mắng ta không theo luật cấm, lấn hiếp người lương thiện.

Cho nên nói: Nếu người mắng ta.

Thắng, ta không thắng: Người kia tự suy nghĩ: Nếu ta đúng pháp thì ta được thắng, nếu ta không đúng pháp thì ta không thắng.

Cho nên nói: Thắng, ta không thắng.

Thích ý làm theo: Nếu suy nghĩ như vậy thì càng làm tăng thêm thù oán, vì không chịu suy nghĩ kỹ.

Cho nên nói: Làm theo ý mình.

Thì oán không dứt: Người như thế tâm như sắt cứng, không thể hủy hoại.

Cho nên nói:

Thì oán không dứt.

Không nên oán trả oán

Không thể dứt được oán

Nhẫn nhục dứt được oán

Gọi là pháp Như Lai.

Không nên lấy oán trả oán: Đức Thế Tôn bảo những người đến dự hội: Ta nhớ lại từ vô số kiếp đến nay, thù oán có thể dứt được, thân người là khó được, Đức Phật ra đời khó gặp, giống như hoa Ưu Đàm Bát đúng thời mới có. Tuy được làm người, xuất gia học đạo cũng không được kết quả.

Các thầy đã được thân người, các giác quan không thiếu khuyết, có khả năng nhận lãnh sự giáo hóa, tại sao được sống trong chánh pháp mà các thầy lại tranh chấp với nhau?

Cho nên nói: Không nên oán trả oán, không thể dứt được oán.

Nhẫn nhục dứt được oán, gọi là pháp Như Lai: Người thực hành nhẫn thì đầu tiên là im lặng. Nếu nghe người kia đã báo thù, nghe người kia mắng chửi thì muốn mắng chửi lại, như thế thì oán không bao giờ dứt được. Yếu gọi là nhẫn mạnh, cũng gọi là thắng.

Cho nên nói: Nhẫn nhục dứt được oán, gọi là pháp Như Lai.

Nếu được gần bạn lành

Cùng đi khắp Thế Giới

Không chất chứa gì khác

Chuyên niệm cùng một ý.

Nếu được gần bạn lành: Hoặc có chúng sinh đầy đủ lễ nghi, đức hạnh không thiếu, đầy đủ nghĩa vị, đầy đủ nhẫn hạnh đều do bạn lành giúp cho thành tựu.

Cho nên nói: Nên được gần bạn lành.

Cùng đi khắp Thế Giới: Bạn lành như thế thì từ kiếp này đến kiếp khác cùng theo nhau không hề thấy khổ.

Cho nên nói: Cùng đi khắp Thế Giới.

Không chất chứa gì khác: Tâm ý con người bình đẳng, không còn tính toán tiền của, cũng không còn lựa chọn bạn thân, cho dù là người bạn xuất thân trong gia đình nghèo hèn, lành dữ, tốt xấu, cũng không có được lựa chọn.

Cho nên nói: Không chất chứa gì khác.

Chuyên niệm cùng một ý: Phát tâm cùng nhau thực hành việc lành dốc lòng kính tin đối với Phật.

Cho nên nói:

Chuyên niệm cùng một ý.

Nếu không có bạn lành

Một mình, không bè bạn

Xem khắp mọi nơi chốn

Riêng tu, không làm ác.

Nếu không có bạn lành: Bạn thân là người có đức hạnh ngang bằng với mình, đều làm điều lành, mới gọi là bạn thân.

Không làm việc lành thì không gọi là bạn thân. Như người đời thường nói người không có bạn thì giống như lừa, trâu. Cùng làm những việc bất thiện nên không gọi là bạn lành.

Cho nên nói: Nếu không có bạn lành.

Một mình, không bè bạn: Thà ở một mình, tu các hạnh lành, chứ không vì điều ác mà ở chung với người ác.

Cho nên nói: Một mình, không bè bạn.

Xem khắp mọi nơi chốn: Người muốn quán sát giáo hóa, tiếp xúc với những gì thấy nghe thì dần dần trí tuệ thêm lớn, khi nghe hay nói không bị lầm lẫn.

Cho nên nói: Xem khắp mọi nơi chốn.

Riêng tu, không làm ác: Cho nên người hiểu biết thích sống nơi yên tĩnh, không ở chỗ ồn náo.

Thuở xưa, có một vị vua nước thù địch, kéo quân đến đánh nước khác, vị quan của nước bên cạnh hay tin liền tâu lên vua: Ngoài biên giới bọn giặc đang đến gần phạm vi nước ta.

Vua bảo: Ta không gây đau khổ cho họ, tất nhiên họ không bao giờ hại ta.

Giặc càng tiến tới, vị quan lại tâu vua: Giặc đã đến gần thành rồi.

Vua nói: Giặc không thể xâm chiếm được nước ta.

Bọn giặc đã tràn vào thành, đánh chiếm thành quách.

Vị quan lại thưa: Giặc đã kề sát, đại vương nên chuẩn bị xuất quân chiến đấu.

Vua nói: Ta không làm khổ họ thì không bao giờ hại được ta.

Bọn giặc tiến thẳng vào cung điện.

Vị quan lại tâu vua: Hiện giờ bọn giặc đã đến, đại vương quyết định thế nào?

Vua liền tắm gội, mặc áo mới, tự mang lương thực, ra thấy vua nước địch, rồi bảo: Thành quách cung điện này là của ông, ta định vào núi tu đạo đức. Ăn chỉ đủ sống, mặc chỉ để che thân.

Lúc ấy vua liền nói bài tụng:

Ta với áo cơm này

Muốn tìm nơi ẩn tu

Bỏ ngôi, ông làm vua

Ta muốn cầu nhiều phước.

Thà ở trong gộp đá,

Áo xấu, thức ăn dở

Ăn quả thường tu định

Vui cùng với hươu nai,

Không vì ở ngôi vua

Chịu đau khổ mất nước

Người trí sợ đời sau

Không bao giờ làm ác.

Thấy ông cùng binh chúng

Muốn đến giết hại ta

Thân này là đồ mục

Cứ giết, chớ hại dân.

Nghe lời ấy rồi, vua nước đối địch suy nghĩ, rồi trả lời bằng bài kệ:

Hay lắm! Bậc Đại giác

Nương pháp tự tiến lên

Cầm mũi tên đức hạnh

Bắn tan chúng binh ta.

Trí tuệ thắng thù oán

Bạn thân ngu ích gì?

Cho nên tuệ làm đầu

Trí tuệ cứu giúp khắp.

Nói xong, vua nước đối địch liền lui quân mã, dẫn quân trở về nước, trả lại cho chủ cũ các cung điện nhà cửa.

Cho nên nói: Xem khắp mọi nơi chốn, riêng tu, không làm ác.

Nhẫn nhục thắng oán

Lành thắng kẻ ác

Người thắng bố thí

Chí thành hơn dối.

Nhẫn nhục thắng oán: Hai thanh gươm đã ghìm sẵn trong tay thì chắc chắn có tổn hại. Lấy độc trị độc thì phải chết, không còn nghi ngờ. Chỉ có nhẫn nhục mới dứt bỏ được oán.

Cho nên nói: Nhẫn nhục thắng oán.

Người lành thắng kẻ ác: Có bao giờ các thầy nghe lửa lại có tính lạnh chưa?

Đáp: Chưa nghe! Việc này cũng như thế, lấy oán mà muốn dứt oán thì không bao giờ có.

Cái gì có khả năng dứt oán?

Chỉ có điều thiện mới dứt được oán mà thôi.

Cho nên nói: Người lành thắng kẻ ác.

Người thắng bố thí: Người tu thiện thì công hạnh không thiếu sót. Ý không khởi tưởng thì chắc chắn bố thí được. Người kết oán tự rước họa vào thân. Chết đọa vào địa ngục chịu khổ vô lượng. Sát hại lẫn nhau, chết rồi sống lại. Nếu sinh lên làm người thì dung mạo xấu xí, bị người khinh thường, mọi mong cầu đều không đạt.

Cho nên nói: Người thắng, bố thí.

Chí thành hơn dối: Người hiểu biết, thân hành thì không phạm lỗi của miệng. Nói ra thì đúng luật, không làm xúc nhiễu ai.

Dù cho phải chết cũng không nói dối, nói thêu dệt để mong được sống, trải qua sự sinh già, chịu vô lượng khổ, mắt thấy tai nghe oán thù rất sâu nặng.

Cho nên nói:

Chí thành hơn dối.

Học không có bạn

Không có bạn lành

Thà riêng giữ lành

Không chơi người ngu.

Học không có bạn: Người học rộng phải nương tựa vào thiện tri thức. Từ khi mới phát tâm cho đến lúc được đạo đều phải nương tựa vào thiện tri thức mới được thành tựu. Nếu gặp bạn ác thì chắc chắn làm điều ác.

Cho nên nói: Học không có bạn.

Không có bạn lành: Nếu như người học gặp phải thầy bạn xấu thì đêm ngày tranh chấp lấy làm ác làm nghiệp.

Cho nên nói: Không có bạn lành.

Thà riêng giữ lành, không chơi người ngu: Nếu không có bạn lành thì tâm an trụ vào nơi vắng lặng, xa lìa nơi ồn náo. Nếu nghe tranh chấp thì thường phải lánh xa, không ưa thích chuyện ấy.

Cho nên nói: Thà riêng giữ lành, không chơi người ngu.

Thích giới, học hạnh

Đâu cần có bạn

Riêng lành, không lo

Như voi giữa đồng.

Thích giới, học hạnh: Người tu hành tâm ưa thích sự vắng lặng. Thường lấy giới cấm làm chuỗi anh lạc trang điểm cho thân.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn can ngăn Tỳ Kheo xứ Câu Chiêm Bi nên chấm dứt việc tranh chấp, nhưng những vị này không chịu vâng lời Phật dạy. Đức Phật biết vậy, Ngài liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, bay lên hư không cách mười hai do tuần.

Ngài trở về Tinh Xá, đến giữa đại chúng nói bài tụng này:

Thích giới, học hạnh

Đâu cần có bạn

Riêng lành, không lo

Như voi giữa đồng.

Lúc ấy Đức Thế Tôn nghĩ: Các Tỳ Kheo xứ Câu Chiêm Bi thích tranh chấp, hủy báng nhau, nay ta phải xa lánh họ. Nếu nghe Tỳ Kheo xứ Câu Chiêm Bi đang ở địa phương nào thì ta sẽ lánh nơi đó qua xứ khác.

Lúc bấy giờ, có một con voi đầu đàn tách khỏi đàn voi đến ở ngoài đồng rộng, nó tự nghĩ: Được lìa bầy và đồng loại, ở một mình nơi đây thật là vui thú. Khi còn ở chung trong bầy, ta thấy bầy voi thường buông lung. Chúng giẫm đạp lên cỏ tươi rồi sau đó ta mới được ăn. Nay ta đi một mình, được uống nước trong, ăn cỏ tốt, không còn lo nghĩ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn biết được ý nghĩ con voi này, Ngài liền ở trước đại chúng nói bài kệ này:

Con voi giữa bầy voi

Có sáu ngà đầy đủ

Ý nghĩ nó giống ta

Tiếng lành, thích yên tĩnh.

Con voi giữa bầy voi: Thân Như Lai cũng gọi là voi có sức mạnh, con voi kia cũng gọi là voi có sức mạnh. Đức Như Lai là Đấng Hùng Lực trên thế gian, Bậc Tôn Quý nhất trong ba cõi. Voi là loài tôn quý nhất trong loài voi.

Cho nên nói: Con voi giữa bầy voi.

Có sáu ngà đầy đủ: Ngà là uy thế của voi, làm chuỗi anh lạc trang sức cho thân voi. Công đức là tướng hảo của Như Lai. Đức Như Lai thấy các Tỳ Kheo xứ Câu Chiêm Bi, tự sinh tâm nhàm chán, như voi chán bầy.

Cho nên nói: Riêng lành không lo, như voi giữa đồng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần