Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP TÁM MƯƠI
Tham ăn thích ngủ nghỉ
Là nhân của súc sinh
Người nào thân, miệng, ý
Tạo ba loại nghiệp ác.
Người ngu si như vậy
Sẽ đọa vào địa ngục
Hễ gây nên nhân nào
Thì sẽ hưởng quả ấy.
Như trồng lúa được lúa
Nghiệp thiện, ác như vậy
Đã thấy những người này
Tạo nhân khổ sinh tử.
Nhưng Chư Thiên ngu si
Vẫn không hề hay biết
Phóng dật ban đầu vui
Về sau chịu khổ lớn.
Pháp nào về sau khổ
Người trí nên xả bỏ
Hễ chưa được giải thoát
Thì không có chút vui.
Người nào được giải thoát
Thường muốn được thành tựu
Vui vô thường, phóng dật
Người trí nói chẳng vui.
Nếu việc gì thường vui
Người trí nói là vui
Trên dưới nối tiếp nhau
Các nghiệp đều như thế.
Quả báo cũng như vậy
Trên dưới không gián đoạn
Đã biết nghiệp quả rồi
Nên lìa bỏ phóng dật
Phải phát sinh thọ nhận
Là thú vui vô thượng.
Bồ Tát Khổng Tước Chúa dùng đủ phương tiện thuyết pháp từ bỏ phóng dật cho Chư Thiên nghe. Do nghiệp lành, âm thanh rất hay và hùng hồn của Bồ Tát lấn át tiếng ca vịnh của Chư Thiên. Âm thanh đó vang khắp hai vạn do tuần làm người nghe vui vẻ như hưởng pháp lạc.
Lúc đó, vì muốn tìm cầu thú vui, Chư Thiên bay lượn trên không, giống như các vị Trời hành xứ ở Trời Tứ Thiên Vương đi đi lại lại, Chư Thiên này cũng như vậy.
Nghe âm thanh ấy, bảy vạn vị Trời ở Trời Đâu Suất từ trên không hạ xuống. Vì kính trọng pháp và ít phóng dật nên họ hướng đến chỗ Khổng Tước Chúa Chủng Chủng Trang Nghiêm ở Trời Dạ Ma.
Thấy Chư Thiên ở Cõi Trời Đâu Suất, Bồ Tát Khổng Tước Chúa Chủng Chủng Trang Nghiêm nói với Chư Thiên: Xin chào các vị, do ít phóng dật các vị đã đến đây để cầu quả báo đời vị lai. Nếu muốn được nghe pháp chính yếu, các ông hãy mau xuống đây, tôi sẽ nói cho các ông pháp tịch tĩnh tôi đã được nghe.
Tôi đã tu tập thành tựu Niết Bàn. Đây là pháp ngày trước các vị chưa được nghe. Pháp này xưa kia tôi được Đức Phật Ca Ca Thôn Đà chỉ dạy, do nguyện lực đời đời tôi không quên và nói lại cho người khác.
Nghe Khổng Tước Chúa nói, Chư Thiên ở Cõi Trời Đâu Suất Đà từ trên hư không hạ xuống. Vì kính trọng chánh pháp, họ tập hợp trên ngọn núi. Ngọn núi này có vô số ao sen, sông suối, châu báu, có vô số loài chim hót rất hay. Họ quay quanh bốn phía Khổng Tước Chúa ở ngọn núi Ma ni xen lẫn.
Họ có oai đức thù thắng, đầy đủ sắc tướng và có ánh sáng hơn hẳn Chư Thiên Trời Dạ Ma. Giống như Chư Thiên ở Cõi Trời Dạ Ma so với người cõi Diêm Phù Đề, Chư Thiên ở Trời Đâu Suất Đà so với Trời Dạ Ma cũng hơn hẳn như vậy.
Thấy Chư Thiên ở Trời Đâu Suất, Chư Thiên ở Trời Dạ Ma không còn ngạo mạn về sắc đẹp và thú vui của mình nữa. Họ bèn đến chỗ Bồ Tát Khổng Tước Chúa. Có vị vào rừng dạo chơi và đứng ngắm các vị Trời mà trước đó họ chưa từng thấy ở Trời Đâu Suất tới, có vị lên đảnh núi dạo chơi, có vị vây quanh bốn phía Khổng Tước Chúa.
Bồ Tát Khổng Tước Chúa bảo Chư Thiên: Nay ta sẽ nêu rõ về hai mươi hai pháp mà ta đã tôn kính, tu tập, làm lợi ích cho hàng Trời, người, làm an lạc cho tất cả chúng sinh, giúp cho họ được chánh hạnh. Hai mươi hai pháp này tạo lợi ích an lạc cho Cõi Trời, người yêu thích pháp ở trong hiện tại và vị lai, giúp họ xả bỏ hẳn phóng dật.
Nếu hàng Trời, người lìa phóng dật thì thường được an lạc và có thể đạt được Niết Bàn. Pháp này lợi ích còn hơn cha mẹ.
Hai mươi hai pháp đó là:
1. Tâm hối hận.
2. Sợ đường ác.
3. Nhẫn nhục.
4. Tinh tấn.
5. Thuyết pháp.
6. Từ bi.
7. Tâm dịu dàng.
8. Điều phục.
9. Tin nghiệp quả.
10. Không sống ở nơi hư hỏng.
11. An trụ tâm.
12. Sợ tiếng xấu.
13. Không say đắm.
14. Đi một mình.
15. Tâm không tán loạn
16. Nghĩ về cái chết.
17. Lìa bỏ sự kiêu mạn về sắc đẹp, của cải và dòng họ.
18. Nói lời dịu dàng, hòa nhã.
19. Giữ tâm bình đẳng đối với mọi người.
20. Biết đủ.
21. Sợ cảnh giới.
22. Lìa bỏ tâm nghi ngờ.
Trời, người nào tu tập đúng theo hai mươi hai pháp này thì không bị đọa vào đường ác, mau chóng đạt được Niết Bàn.
Thế nào là hối hận?
Vì sao hối hận rồi sẽ được yên ổn?
Khi đã hối hận rồi ta sẽ bỏ các pháp bất thiện.
Thế nào là hối hận phát sinh khi thấy người khác tạo nghiệp bất thiện về thân, miệng, ý?
Nếu thấy người khác tạo nghiệp bất thiện nơi thân thì quở trách họ và sinh tâm hối hận, không cùng làm với họ. Nếu có nhân duyên làm phát sinh suy nghĩ bất thiện thì liền xả bỏ, không nhớ nghĩ, không tham đắm, trong lòng phát sinh hổ thẹn, cố gắng làm cho người khác không phát sinh và không làm theo suy nghĩ bất thiện, tâm luôn chê trách sự suy nghĩ thô, tế.
Giống như có cái hố đầy phân và chó chết dơ bẩn, có người thích sạch sẽ vào đó để tìm sự trong sạch, sau khi vào trong hố và chất bất tịnh ngập đến cổ người ấy liền chán ghét, nếu có cảm giác bất thiện phát sinh thì người kia sinh tâm hối tiếc cũng như vậy.
Giống như có người khác thích sạch sẽ, do không biết nên họ ăn nhầm phân nhơ, hoặc bị kẻ giặc mạnh bạo bắt ăn, ăn xong, người ấy sinh tâm hối hận, về sau không ăn nữa. Người sống theo nghiệp lành hổ thẹn quở trách việc suy nghĩ bất thiện cũng giống như vậy. Họ rất siêng năng trừ bỏ sự suy nghĩ thô tế. Đó là pháp đầu tiên không sinh phóng dật, đoạn trừ phóng dật. Vì vậy phải nên siêng năng tu tập pháp ấy.
Người nào muốn cầu chân đế, sợ hãi sinh tử thì khi có chút ít suy nghĩ bất thiện phải sinh tâm hối hận, không mong cầu, không sống phóng dật. Người không phóng dật mới có thể phát sinh hối hận sau khi làm việc ác. Người sống phóng dật thì không thể sinh tâm hối hận. Pháp này là gốc rễ của các nghiệp lành. Đó là hối hận và trừ bỏ các suy nghĩ bất thiện, là pháp đầu tiên.
Pháp thứ hai làm tăng pháp lành là sợ đường ác. Đó là pháp lớn để ra khỏi sinh tử và diệt trừ phóng dật. Tất cả hàng Trời, người sợ phải đi con đường ác. Sa Môn, Bà La Môn hoặc bất cứ người nào, nếu sợ đường ác thì không gây nghiệp ác, không tùy hỷ khi thấy người khác làm. Biết nghiệp bất thiện khiến ta đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh nên họ không tạo nghiệp ác.
Vì sao nghiệp ác là nhân đọa vào đường ác?
Nếu ta gần gũi, ưa thích chút ít nghiệp ác thì sẽ làm cho nó lớn mạnh khiến ta bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Vì vậy Sa Môn, Bà La Môn và các người khác phải luôn sợ hãi quả báo ác là địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
Nếu sợ đường ác thì người phóng dật, ít trí tuệ sẽ không còn sống phóng dật, không tạo ra ba loại nghiệp ác nơi thân, miệng, ý. Người này thường tu nghiệp lành, xả bỏ nghiệp ác. Đó chính là sợ đường ác.
Giống như có người biết sức mình và người nên sợ rắn độc, dao và lửa là những thứ có thể giết hại mạng sống, người sợ đường ác, sợ nghiệp ác cũng giống như vậy. Người này không tạo những nghiệp ác vi tế, không sống phóng dật, do không phóng dật, họ sinh trong hàng Trời, người, hưởng sự vui sướng, giàu có rồi nhập Niết Bàn. Vì thú vui thù thắng, vì sự không chết, không thay đổi, không thoái lui, không diệt tận, ta phải sợ hãi đường ác.
Sa Môn, Bà La Môn và người nào có thể sống như vậy sẽ đạt đến nơi vô thượng.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Ai sợ hãi đường ác
Nên lìa bỏ phóng dật
Làm lành cầu công đức
Liền đến thành Niết Bàn.
Người nào sợ đường ác
Người ấy tâm ngay thẳng
Do tâm họ ngay thẳng
Đã vui lại thêm vui.
Ai không sợ đường ác
Thì gây nhiều nghiệp ác
Bị lửa dữ thiêu đốt
Dắt đi vào địa ngục.
Giống như một đóm lửa
Tuy nhỏ cũng thiêu được
Đường ác cũng như vậy
Nhiều kiếp chịu quả báo.
Người nào muốn được vui
Nên sợ hãi đường ác
Ai biết sợ đường ác
Thì thường được an lạc.
Hoặc Trời, hoặc người, Sa Môn, Bà La Môn và các người khác ai sợ đường ác thì phải hối hận, khi mắc phải điều ác nhỏ tâm không tùy hỷ, không tư duy về việc ác đó, sợ hãi quả khổ ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, vì sợ ba đường ác nên họ xả bỏ mười nghiệp ác, không dạy người khác làm, không tùy hỷ, không gần người ác.
Người này tu tập nghiệp lành, bỏ tất cả nghiệp ác, việc làm trong sạch, lìa bỏ phóng dật, được giải thoát khỏi các pháp bất thiện trong các hữu. Sau khi đã được giải thoát tất cả các pháp và các lỗi lầm, họ được an ổn vượt qua bờ bên kia.
Vì vậy ta cần phải sợ đường ác và phải nhớ rằng tất cả hàng Trời, người ai thích pháp này thì sẽ đạt được Niết Bàn.
Lại nữa, Đức Phật dạy nếu lìa phóng dật thì đạt được Niết Bàn, làm cho tất cả hàng Trời, người được lợi ích an lạc. Trước đây, lúc làm người ta đã được nghe pháp này và nhớ mãi không quên. Nay ta sẽ nói cho Chư Thiên nghe về pháp thứ ba là pháp nhẫn nhục. Nhẫn là pháp lành bậc nhất, trong sạch bậc nhất, là pháp được Đức Phật ca ngợi. Nhẫn có hai loại là pháp nhẫn và sinh nhẫn.
Pháp nhẫn là sống theo đạo pháp, suy tư về pháp lành, nhẫn chịu với các pháp kiên cố. Nhờ tư duy về đường lành thù thắng nên họ có thể nhẫn nhục.
Giống như đại địa nhẫn chịu với núi sông, vườn cây và vô số loại khác ở các thế gian không biết mệt mỏi, tất cả pháp nhẫn cũng giống như vậy, có thể đạt đến Niết Bàn. Tất cả pháp nhẫn là pháp lành trong sạch và chắc chắn nhất, thâu giữ đường Niết Bàn. Người đó có thể nhẫn nhục đối với thế gian kiên cố nên có thể đạt Niếtbàn.
Pháp nhẫn thứ nhì là Sa Môn, Bà La Môn hoặc người khác sắp phát sinh sân hận, nhẫn nhục làm nó không phát sinh.
Do biết tai hại của sân hận, họ nghĩ: Nếu phát sinh sân hận thì tự thiêu đốt thân mình, tâm chứa chất độc, dung mạo biến đổi, người khác đều sợ hãi tránh né, mọi người không ưa thích, khinh rẻ, khi chết bị đọa vào địa ngục. Do sân hận, không có việc gì ta không làm, vì vậy người trí xả bỏ sân hận như xả bỏ lửa. Nhờ biết tai họa của sân hận ta có thể tự làm lợi ích.
Ai muốn tự lợi mình và lợi người nên thực hành nhẫn nhục. Giống như lửa lớn đốt cháy nhà cửa, có người mạnh mẽ dùng nước dập tắt, người trí tuệ dùng nhẫn để diệt sân hận cũng giống như vậy. Người có thể nhẫn nhục là người có tâm thiện bậc nhất, có thể xả bỏ sân hận. Người này được mọi người yêu mến, tin tưởng và muốn gặp mặt.
Họ có thân tướng thanh tịnh, tâm vắng lặng không chao động, xa lìa lỗi lầm của thân miệng, lìa tâm nóng nảy, không sợ đọa vào đường ác, lìa sự oán ghét, tiếng xấu và sự buồn rầu, không sợ hãi kẻ thù, xa lìa người ác và lời chửi rủa hung ác, lìa sự hối hận, không sợ những âm thanh ghê rợn, không có sự lo sợ vô ích và không có kiêu ngạo.
Ai có thể xa lìa những nỗi lo đó thì tất cả công đức đều được đầy đủ, tiếng lành đồn khắp, được thú vui ở hiện tại và vị lai, được mọi người coi như cha mẹ. Người này được mọi người gần gũi, sự sân hận giống như rắn độc, dao, lửa, ta có thể dùng nhẫn nhục để diệt trừ nó. Có thể nhẫn chịu khi giận dữ đó gọi là nhẫn.
Nếu người nào muốn tu tập việc lành nên nghĩ như vậy: Nhẫn nhục như của báu, cần phải giữ gìn nó, nhẫn nhục có thể dẹp trừ sân hận, ánh sáng chánh pháp nơi nhẫn nhục giống như ngọn đuốc có thể dẹp tan bóng tối sân hận. Như con mắt đối với người mù, như của cải chánh pháp trừ bỏ sự nghèo nàn tà kiến.
Như cha mẹ làm lợi ích cho con, nhẫn là thuyền lớn đối với người bị chìm trong sân hận, là sự cứu giúp đối với người bị đọa vào đường ác, nhẫn là nước lớn dập tắt lửa địa ngục, sức mạnh của nhẫn nhục có thể diệt trừ nỗi khổ vì đói khát, ganh ghét của ngạ quỷ.
Đối với súc sinh giết hại lẫn nhau, nhẫn nhục có thể cho chúng thân mạng. Ai sợ đường ác thì phải siêng năng thực hành nhẫn nhục không gián đoạn và phải tư duy về sức mạnh của nhẫn nhục.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trường A Hàm - Kinh Thế Ký - Phẩm Bốn - ðịa Ngục - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Một - Phẩm Con Rắn - Chuyện Con Lợn Rừng
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Sáu Mươi Tám - Phẩm Lục độ Tương Nhiếp
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Chủng ðức
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Tám - Phẩm Thọ Ký Cho Bốn Vị Vương Tử