Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Năm - Như Lai Hiện Thọ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI NĂM
NHƯ LAI HIỆN THỌ
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn cất lời bảo khắp đại chúng Bồ Tát ba lần: Các thiện nam! Tất cả hãy tin lời dạy bảo chắc thật của Như Lai, chớ có do dự.
Khi ấy Đại Sĩ Di Lặc và các vị khác trong hội chúng đều chắp tay bạch với Thế Tôn: Cúi xin Đại Thánh phân biệt giảng giải, chúng con đều tin tưởng lời Như Lai dạy.
Chư Bồ Tát cũng thưa với Thế Tôn ba lần như vậy.
Khi ấy, Thế Tôn thấy các Bồ Tát nói lên ba lần để khuyến trợ, muốn Phật tuyên thuyết như vậy.
Phật bảo các Bồ Tát: Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe và suy nghĩ cho kỹ!
Tất cả cũng đáp: Xin vâng!
Phật bảo: Thiện Nam! Như Lai kiến lập cảnh giới năng lực vô biên như thế.
Các Trời, Rồng, Thần, A Tu Luân, người thế gian đều tự biết và suy nghĩ: Thế Tôn Năng Nhân sinh vào dòng họ Thích, từ bỏ ngôi vua, đi đến bên dòng sông, ngồi dưới cây nơi Đạo Tràng, chứng đạt đạo vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác. Nhưng từ lâu xa, trăm ngàn ức triệu vô số kiếp đến nay, ta đã đạt quả vị Chí Chân Đẳng Chánh Giác rồi.
Ví như có năm trăm ngàn ức Cõi Phật, có số vi trần đầy trong các cõi ấy, nếu có người lấy số bụi đó qua trăm ngàn ức triệu các Cõi Phật không thể tính đếm ở phương Đông, mỗi nơi đều bỏ một hạt.
Cứ lần lượt mỗi cõi đi qua lại bỏ một hạt như thế và cứ như thế lấy tất cả số vi trần trong năm trăm ngàn ức vô số cõi Phật ấy rải hết các cõi Phật, cho đến hết số bụi đó.
Này các thiện nam! Các ông nghĩ sao?
Có ai có khả năng tính đếm số lượng các cõi Phật này hay tư duy, trù tính mà có thể biết được chăng?
Đại Sĩ Di Lặc và các chúng Bồ Tát trong Pháp Hội đều bạch Phật: Bạch Đấng Thiên Trung Thiên! Không ai có thể tính đếm được.
Vì sao?
Vì Thế Giới Chư Phật nhiều vô lượng, không thể nghĩ bàn, chẳng phải là điều mà tâm biết được. Giả sử tất cả Thanh Văn, Duyên Giác có trí tuệ Hiền Thánh cũng không thể tư duy biết được số ấy.
Chỉ có trí tuệ của Đại Thánh Thế Tôn mới có thể biết được mà thôi, ngoài ra không ai có thể biết được.
Chính chúng con là các Bồ Tát ở địa vị không thoái chuyển còn không thể biết. Thế Giới của Chư Phật ở đây không suy lường, không có giới hạn.
Khi ấy Thế Tôn bảo với đại chúng: Các thiện nam! Nay ta sẽ nói. Như người kia lấy số vi trần trong năm trăm ngàn ức triệu không thể tính đếm các cõi Phật ở phương Đông, mỗi nơi đều bỏ một hạt. Cứ lần lượt mỗi cõi đi qua đều bỏ một hạt như thế.
Và cứ như thế?
Lấy tất cả số vi trần trong các cõi của năm trăm ngàn ức vô số cõi Phật ấy, rải hết các cõi Phật, cho đến hết số vi trần ấy.
Ta đã đạt đạo vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác đến nay trải qua số kiếp hơn hẳn số kiếp như số vi trần ấy.
Các thiện nam! Các ông thấy ta giảng pháp ở Thế Giới Kham nhẫn này, lại thị hiện tại trăm ngàn ức triệu các cõi Phật phương khác, tất cả đều gọi ta là Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác.
Đức Định Quang Như Lai vì biết bao bạn bè mà thị hiện diệt độ.
Các thiện nam! Ta dùng phương tiện quyền biến khéo léo diễn nói Kinh Điển, hiện vô số điềm tốt đẹp.
Như Lai lại biết nguồn gốc qua lại, đi ở của tất cả chúng sinh, quán hết tâm chúng mà tùy duyên thị hiện, tất cả đều là danh xưng, không diệt độ mà nói là Nê Hoàn, tùy thuận tập tánh thiện ác của chúng sinh mà vì họ diễn giải biết bao nhiêu phương pháp.
Chư thiện nam! Ta quán thấy vô số loại tâm tánh khác nhau, việc làm bất đồng, cội đức cạn mỏng của chúng sinh phần nhiều bị phá hoại, không chịu tin nghe nên vì họ giảng nói.
Này các Tỳ Kheo! Nếu suy lường sau trước thì ta mới xuất gia, thành Đấng Bình Đẳng Giác đến nay chưa lâu, vừa mới đạt được đạo vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác. Nhưng Như Lai đã thành Phật đến nay rất lâu mà phương tiện nói là thành Phật chưa lâu.
Vì sao?
Vì muốn hóa độ chúng sinh vậy. Đối với chúng sinh có thể thuyết Kinh, đều đã độ thoát, nơi chốn có thể giảng nói thì tự hiện thân vì tất cả mà mở đường chỉ lối và cũng vì hàng trời, người ưa tạo tội phước.
Vì vậy cho nên những điều Như Lai diễn giảng đều chắc thật, chí thành, chẳng phải hư dối. Như Lai thấy hết tất cả ba cõi, tùy duyên hóa hiện, không sở hành, không xuất sinh, không xoay vần, không diệt độ, không thật có, không hiện hữu, cũng không có bản vô, không biết, không như thế, không thật hư, cũng không có ba cõi.
Sở hành của Như Lai là không thấy có ba cõi. Như Lai quán khắp tất cả các pháp, tại bất cứ chỗ nào cũng không bỏ mất các pháp.
Tất cả điều giảng dạy chí thành bất hư.
Chúng sinh khổ não không thể kể xiết, tạo nên bao nhiêu chủng tánh sai khác, tư duy niệm tưởng khác nhau, ta muốn khiến cho chúng sinh gieo trồng cội phước đức cho nên nói phân biệt biết bao nhiêu pháp.
Lại nữa, những điều Như Lai phải làm đều đã làm xong. Quả Phật hiện tại và sự đắc thành quả Đẳng Giác đến nay đã quá lâu xa, thọ mạng vô cùng, thường trụ bất diệt.
Như Lai không cần phải nói những điều đã nói lúc ban đầu về thời quá khứ trước đây khi hành pháp Bồ Tát để được thành tựu hạn lượng của thọ mạng.
Lại nữa, Như Lai đắc quả Phật đến nay thời gian lại nhiều gấp bội số trăm ngàn ức triệu như thí dụ trước. Rồi sau đó mới nhập Nê Hoàn.
Vì sao?
Vì giáo hóa chúng sinh mà thị hiện tu hành đến nay đã lâu xa, vì loài vô đức xa lìa phước đức, vì hạng bần cùng đắm trước ái dục, bị ràng buộc vào lưới kiến chấp mà tự che lấp mình, rong ruổi bất định.
Như Lai vì họ mà thị hiện, làm phát khởi tư tưởng mong chóng thành đạt, không sinh lười biếng, lo âu khó đắc.
Như Lai khéo léo phương tiện bảo các Tỳ Kheo: Cần khổ tu hành mới đắc Phật Quả, chân thật chẳng hư. Vì các chúng sinh trải vô số trăm ngàn ức triệu kiếp mới thấy Như Lai, vì việc làm của họ vội vàng không đúng, luôn luôn sợ hãi không chịu chấm dứt, cho nên nói Phật pháp khó được nghe, Như Lai khó được gặp.
Sự nghe thấy quá khó như vậy nên phát khởi tư tường khó gặp, buồn vui lẫn lộn, biết Phật là hy hữu, phát tâm dũng mãnh, ưa chỗ vắng lặng, tu hành tinh tấn. Do không thấy Phật nên sinh lòng khát ngưỡng, thấy Như Lai rồi, hoan hỷ kính lễ, tạo các công đức, ai không diệt độ thì giáo hóa khiến diệt độ, khai hóa mọi người.
Do vậy, Như Lai xuất hiện thuyết Kinh, nói ra lời chắc thật không hư.
Ví như có vị thầy thuốc thông minh trí tuệ, tài giỏi khó sánh, rành chế phương dược, biết bệnh nặng nhẹ, trị liệu đúng thuốc.
Ông có nhiều con, hoặc mười đứa cho đến trăm đứa.
Ông ta đi xa, các con ở nhà không hiểu y lý, không rành phương dược, không biết thuốc độc, bị bệnh rất nặng, uống nhằm độc dược.
Độc dược phát tác, choáng váng lăn lộn. Cha từ xa về, con ở trong thành đầu óc rối loạn. Thấy các con bị bệnh, người cha xót thương.
Con thấy cha về vui mừng tự nói: Cha đã về, thật là tốt lành, an ổn. Chúng con vì nhầm tin lời người mà uống phải độc dược. Cúi xin cha cứu mạng chúng con.
Khi ấy, người cha thấy các con gặp tai nạn khổ não, lăn lộn dưới đất, liền bảo người mang thuốc đến, màu thuốc rất đẹp, mùi vị thơm ngon.
Người cha pha chế các thuốc, đưa cho các con và dặn: Hãy mau uống thứ thuốc thượng hạng, mùi vị thơm ngon này. Nếu các con uống thuốc này vào thì độc kia tiêu diệt, bệnh được khỏi ngay, thân thể an ổn, khí lực khang kiện.
Các người con không bị sự điên đảo làm rối loạn đầu óc thì thấy thuốc thơm, nếm biết mùi vị, liền uống vào, lập tức lành bệnh, độc dược tiêu trừ. Những người con tâm tánh bị bấn loạn thì chẳng chịu uống thuốc.
Những người con uống thuốc lành bệnh đều nói là do cha cho thuốc nên chúng ta được lành bệnh và được an ổn. Còn những người con bị tà tưởng, không chịu uống vì khi thấy màu thuốc không ưa hương vị.
Người cha nghĩ: Nay những người con của ta ngu si không biết tâm tánh điên đảo, không chịu uống thuốc, bệnh không thuyên giảm, e rằng sẽ chết.
Nay ta nên dùng quyền biến để các con uống thuốc.
Nghĩ rồi, bèn bày phương tiện, muốn khiến con mau uống thuốc, liền bảo các con: Ta nay tuổi già sức yếu sẽ chết nay mai, các con hãy gắng dậy. Nếu ta chết đi thì nên dùng thuốc này chữa lành nhiều bệnh. Các con nên ghi nhớ, uống thuốc đúng liều lượng. Giả sử chán bệnh, muốn được an ổn thì nên uống thuốc này.
Dặn dò các con xong, người cha bỏ đi đến nước khác, giả báo là chết.
Các con nghe cha chết rồi, buồn đau khóc lóc, lo sầu không thể kể xiết: Cha chúng ta trí tuệ thông minh, nhưng xem thường không uống thuốc nên nay đã chết, để anh em cô độc. Họ nhớ nghĩ, âu lo, tự trách mình không làm theo lời cha dạy.
Rồi họ bèn làm theo những việc cha dặn lại, xem kỹ màu sắc, hương vị của thuốc, tự mình trị liệu không dám khinh suất, liền uống thuốc vào để tiêu diệt mầm bệnh, bệnh liền thuyên giảm.
Khi ấy, người cha thấy con uống thuốc, bệnh lành, liền trở về nhà.
Phật dạy: Này các thiện nam! Như vị thầy thuốc ấy khéo quyền phương tiện khiến các con hết bệnh thì có nên chê trách việc làm của vị ấy là không chính đáng chăng?
Các vị Bồ Tát bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không! Bạch Bậc An Trú, không!
Phật dạy: Ta từ vô số trăm ngàn ức kiếp không thể tính đếm, phát tâm cầu đạo vô thượng chánh chân, cần khổ vô cùng, luôn luôn hành phương tiện, thị hiện giáo hóa khai ngộ quần sinh.
Người cha thầy thuốc ấy chính là Như Lai vậy, còn các người con ấy chính là chúng sinh sinh tử trong năm đường.
Người cha đi nơi khác không có mặt dụ cho Như Lai chưa xuất hiện ở đời. Các con vào thành uống độc dược lăn lóc dụ cho chúng sinh bị ba độc buộc ràng, trôi lăn trong ba cõi, năm đường không thể tự cứu.
Người cha trở về dụ cho Như Lai hành hạnh đại từ bi, thấy chúng sinh trong ba cõi lưu chuyển trong năm đường không thể tự ra khỏi, cho nên xuất hiện ở đời rộng nói Kinh Pháp, khai hóa chúng sinh.
Uống thuốc lành bệnh dụ cho phát tâm cầu đạo vô thượng chánh chân, trụ quả bất thoái, vô sinh, hoặc đắc Thanh Văn, Duyên Giác không đạt cứu cánh. Xem màu sắc, hương vị của thuốc mà không uống dụ cho sáu mươi hai quan điểm rơi vào tà kiến.
Người cha già để thuốc lại, dặn con rồi bỏ đi dụ cho Phật thấy chúng sinh nghi Đạo Giáo nên thị hiện diệt độ, lưu lại Kinh Pháp để giáo hóa đời sau.
Bốn chúng đệ tử phúng tụng học hỏi, nghĩ công đức của Phật, phát tâm cầu đại đạo, hoặc đắc La Hán, hoặc đắc Duyên Giác.
Phật thấy như vậy lại xuất hiện ở thế gian. Tất cả thế gian đều là con của ta.
Các thiện nam! Như Lai hành quyền phương tiện chẳng phải là dối trá.
Khi ấy Đức Thế Tôn muốn giảng lại nghĩa trên liền nói bài tụng:
Trăm ngàn ức kiếp
Không thể nghĩ bàn
Muốn biết số lượng
Cũng không biết được
Chí tôn Đại Thánh
Đắc đạo đến nay
Thường giảng thuyết Kinh
Chưa từng dừng nghỉ
Khuyến khích giúp đỡ
Vô số Bồ Tát
Đều được an trú
Đạo tuệ của Phật
Vô số ức kiếp
Khai đạo chúng sinh
Trải ngàn ức kiếp
Không thể nghĩ bàn
Vì họ thị hiện
Có cảnh diệt độ
Để giáo hóa họ
Chỉ đường lợi ích
Dùng quyền phương tiện
Thị hiện diệt độ
Nên vì chúng sinh
Diễn nói Kinh này
Ta đã an lập
Tất cả chúng sinh
Phân biệt cho họ
Rõ biết nghĩa ấy
Tâm họ điên đảo
Nên không hiểu biết
Muốn an lập họ
Phật bèn tuyên thuyết
Nếu gặp được Phật
Sau Ngài diệt độ
Dùng biết bao vật
Mà để cúng dường
Thấy ta diệt độ
Âu sầu lo lắng
Nếu thấy lại Phật
Mừng vui phấn chấn
Giả sử thẳng thắn
Nói lời chí thành
Này các chúng sinh
Tạm bỏ thân này
Rồi sau Như Lai
Luôn tự thị hiện
Dùng mọi âm thanh
Diễn bày Phật Đạo
Người ở đời sau
Phân biệt lời này
Ta còn trong ấy
Chẳng phải diệt độ
Tỳ Kheo nên biết
Phật quyền phương tiện
Luôn luôn kham nhẫn
Hiện ra trên đời
Cùng với đồ chúng
Quyến thuộc vây quanh
Nhân đó tuyên dương
Phật đạo tôn quý
Chư hiền được nghe
Phật hiện ở đời
Làm Bậc Đạo Sư
Vào cõi tịch diệt
Quán thấy chúng sinh
Sầu lo áo não
Hoảng hốt không thấy
Tướng hảo của Ngài
Khát khao trông ngóng
Muốn được thấy Phật
Và sau đó thì
Phân biệt Kinh Điển
Không thể nghĩ bàn
Trăm ngàn ức kiếp
Ta thường kiến lập
Phương thức như vậy.
Phật thường đi đến
Ở núi Linh Thứu
Sàng tòa tự nhiên
Số nhiều vô lượng
Giả sử chúng sinh
Thấy Thế Giới ấy
Có nạn nước lửa
Thiêu hủy đất trời
Thì ngay khi ấy
Cõi Phật của ta
Đủ thứ vi diệu
Êm ả an lành
Ca múa vui chơi
Vô cùng an ổn
Giảng Đường Tinh Xá
Phòng ốc gác lầu
Đẹp đẽ trang nghiêm
Đều bằng bảy báu
Dược thảo cây cối
Hoa quả tốt tươi
Mưa hoa tự nhiên
Hoa ấy nhiều màu
Dùng rải cúng Phật
Và chúng đệ tử
Mọi người ở nhà
Đều thấy chấn động
Có kẻ ưa thích
Phát khởi đạo tâm
Cõi nước của ta
Kiến lập thường nhiên
Người khác có thấy
Tai kiếp thiêu rụi
Thì cõi nước ấy
Lửa rất lạ thường
Do quyền phương tiện
Thị hiện như thế
Như Lai khen ngợi
Tôn pháp của Phật
Vô lượng vô biên
Hiện bày như thế
Các loài chúng sinh
Không chịu lắng nghe
Chỉ thích tạo nên
Tội khổ tai ương
Giả sử nhân dân
Nhu hòa trung thực
Khi ấy Đức Phật
Xuất hiện thế gian
Gặp được Thế Tôn
Giảng dạy Kinh Pháp
Mới được sáng tỏ
Nghĩa lý thanh tịnh
Phật đến vì người
Phân biệt răn dạy
Nói những sự việc
Tạo trong luân hồi
Giả sử Như Lai
Lâu mới xuất hiện
Sau đó mới vì
Thuyết giảng Kinh này
Trí lực của ta
Quang minh tối thượng
Tri kiến như thế
Đâu phải mỏng bạc
Việc làm đời trước
Số kiếp vô lượng
Là do lòng từ
Bình thản vô cầu
Người có trí tuệ
Không được hồ nghi
Vứt bỏ do dự
Chớ ôm nội kết
Những điều sẽ nêu
Chưa từng công bố
Nay Phật bảo khắp
Không nghĩa nào khác
Như vị thầy thuốc
Dùng phương tiện khéo
Mở bày phân biệt
Cho con phương thuốc
Hiện suy già chết
Nhưng thân thường tại
Dùng tiếng vi diệu
Vô thủy vô chung
Dung nạp bạn hữu
Tùy nghi sử dụng
Ở đời thuyết pháp
Trị bệnh chúng sinh
Khai dẫn kẻ ngu
Khiến lìa tăm tối
Thị hiện Niết Bàn
Thật không diệt độ
Cớ gì ân cần
Muốn được hiện rõ
Người thường mờ tối
Khiến tâm tin ưa
Do vì phóng dật
Dọa lạc ba đường
Tâm họ náo nức
Muốn được hiểu rõ
Lời của Như Lai
Thường thường biết thời
Vì các chúng sinh
Thực hành trí tuệ
Dùng phương tiện gì
Mà nói đạo pháp
Do đâu mà được
Kinh giáo của Phật.
Khi Đức Thế Tôn nói về thọ lượng ấy của Như Lai, vô số chúng sinh không thể nghĩ bàn đều đạt được ý nghĩa lợi ích của đạo giải thoát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bốn - Phẩm Vị Tằng Hữu Pháp - Kinh Bạc Câu La
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sở Hoạn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tùy Cầu Tức đắc đại Tự Tại đà La Ni Thần Chú - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Tà Tư