Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi Ba - Quán Thế âm Phổ Môn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI MƯƠI BA
QUÁN THẾ ÂM PHỔ MÔN
Khi ấy Bồ Tát Vô Tận Ý liền từ chỗ ngồi đứng dậy, để trần vai hữu, quỳ thẳng chắp tay, thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Vì sao gọi là Quán Thế Âm?
Ý nghĩa như thế nào?
Phật bảo Vô Tận Ý: Vị Tộc Tánh Tử ấy, nếu có chúng sinh gặp trăm ngàn muôn ức khổn ách, hoạn nạn, khổ não vô cùng, vừa nghe danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm thì liền được giải thoát, không còn các khổ, nên gọi là Quán Thế Âm.
Nếu có người tâm luôn trì danh hiệu ngài, giả sử gặp lửa lớn thiêu đất núi rừng, thiêu cháy cỏ cây, rừng rậm, nhà cửa, thân ở trong lửa mà được nghe tên Quán Thế Âm, lửa liền tắt.
Nếu vào sông nước lớn, dòng nước chảy xiết, trong lòng sợ hãi, mà xưng tên Bồ Tát Quán Thế Âm, nhất tâm hướng về thì do oai thần gia hộ khiến không bị chìm, làm cho an ổn.
Nếu có trăm ngàn muôn ức chúng sinh sang hèn vào trong biển cả, ở trong biển thăm thẳm mênh mông không bờ bến, dò tìm vàng, bạc, các loại ngọc minh nguyệt, như ý, bảo châu, thủy tinh, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách. Thuyền chở đầy châu báu, giả sử gió thổi thuyền ấy trôi dạt vào dòng xoáy hắc sơn, hoặc tấp vào cõi quỷ, gặp cá kình.
Có một người trong chúng nhất tâm thầm nghĩ công đức oai thần của Bồ Tát Quán Thế Âm rồi xưng danh hiệu ngài thì đều được giải thoát tất cả các hoạn nạn và chúng bạn cũng được cứu độ, không gặp các ách nạn tà ma quỷ quái.
Vì thế nên gọi là Quán Thế Âm.
Phật dạy: Này Tộc Tánh Tử! Nếu thấy oán tặc muốn đến làm nguy hại, liền xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và hướng về ngài thì dao gậy của giặc liền gãy từng đoạn, tay không đưa lên được, tâm họ tự nhiên hiền lành.
Này Tộc Tánh Tử! Giả sử các quỷ thần tà nghịch, yêu mị đầy cả Thế Giới tam thiên đại thiên này muốn đến quấy nhiễu người mà nhất tâm xưng danh Quán Thế Âm thì tự nhiên bị hàng phục, chẳng thể xâm phạm, tâm ác chẳng sinh, chẳng nhìn bằng con mắt tà vạy.
Nếu người phạm tội, hoặc không có tội mà bị người ác, quan huyện bắt, trói thân, cùm chân, hoặc bỏ trong lao ngục nhất lại tra khảo tàn khốc mà nhất tâm hướng về xưng danh hiệu Quán Thế Âm thì nhanh chóng được giải thoát, mở cửa ngục đi ra, không ai có thể giữ lại, cho nên gọi là Quán Thế Âm.
Phật dạy: Này Tộc Tánh Tử! Cảnh giới Quán Thế Âm oai thần công đức sáng ngời khó có thể hạn lượng như vậy, nên gọi là Quán Thế Âm.
Phật bảo Vô Tận Ý: Này Tộc Tánh Tử! Giả sử bọn giặc cướp oán tặc đầy cả tam thiên đại thiên Thế Giới này cầm binh khí dao, gậy mác, mâu, kích muốn giết hại vạn dân, có một đoàn khách buôn đi ngang qua con đường có đạo tặc ấy mang theo bảo vật quý giá.
Vị dẫn đường sợ hãi thầm nghĩ: Nơi này nhiều giặc, để không bị nguy hại và bị cướp đoạt tài bảo thì ta nên bày quyền kế thoát khỏi nạn này, chẳng gặp nguy hại, bèn bảo các khách buôn: Không nên sợ sệt, hãy cùng nhau nhất tâm đồng cất tiếng xưng niệm oai thần Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát sẽ liền tới ủng hộ khiến chúng ta không còn sợ hãi. Hãy đồng tâm hướng về để thoát các nạn, không gặp oán.
Đoàn khách buôn nghe lời làm theo, đồng thanh xưng hiệu Quán Thế Âm, thân mạng hướng về nguyện xin thoát nạn sợ hãi này.
Vừa xưng danh hiệu, giặc liền thoái lui không dám xúc phạm.
Đoàn khách buôn thoát nạn, không còn sợ hãi.
Cảnh giới oai đức của Bồ Tát Quán Thế Âm sáng ngời như thế, cho nên gọi là Quán Thế Âm.
Phật lại bảo Bồ Tát Vô Tận Ý: Nếu người tu học mà dâm, nộ, si còn mạnh, hãy hướng về lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, thì dâm, nộ, si sẽ dừng.
Và quán vô thường, khổ, không, phi thân vô ngã thì nhất tâm đắc định.
Nếu có người nữ không có con, muốn cầu con trai, con gái, hãy hướng về Bồ Tát Quán Thế Âm, nhất tâm tinh tấn hướng về ngài thì liền được con trai hay con gái.
Là con gái thì mãi mãi đoan chánh, tướng mạo vô song, ai thấy cũng vui. Nếu là con trai thì có tướng oai phong, mọi người yêu mến, mong mỏi muốn thấy, trồng các cội đức, không gây nghiệp tội.
Oai thần, công đức, trí tuệ, cảnh giới của Quán Thế Âm cao vời như thế, người nào nghe danh hiệu thì mục đích đạt được không bao giờ hư vọng, không bị tà hại, đạt đến quả đạo đức vô thượng, thường gặp Chư Phật, Chân Nhân, Bồ Tát, Chánh Sĩ có đức cao, không gặp lại người nghịch.
Nếu nghe danh hiệu mà chấp trì nhớ tưởng thì công đức vô lượng chẳng thể tính kể.
Nếu có người cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa các Bồ Tát thì các Bồ Tát ấy đều khiến hiện tại hành tâm Từ.
Nếu Tộc Tánh Tử, Tộc tánh nữ trọn đời cúng dường áo mền, ẩm thực, giường, ngọa cụ, thuốc thang chữa bệnh, tất cả đều đầy đủ thì phước ấy nhiều chăng?
Vô Tận Ý thưa: Bạch Thế Tôn, nhiều chẳng thể hạn lượng!
Vì sao?
Vì các Bồ Tát ấy nhiều vô số ức chẳng thể thí dụ.
Phật dạy: Tuy cúng dường số Bồ Tát vô hạn ấy nhưng không bằng một lần hướng về Quán Thế Âm cúi đầu làm lễ, chấp trì danh hiệu.
Vì phước này hơn hẳn phước người kia, huống lại cúng dường, tuy cúng dường sáu mươi hai ức hằng hà sa số chư Bồ Tát so với sự chấp trì danh hiệu, kể hai phước này cả ức trăm ngàn kiếp cũng không thể hết được, nhưng rốt cuộc chẳng so sánh nhau được, cho nên gọi là Quán Thế Âm.
Khi ấy Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Đức Phật: Quán Thế Âm vì nhân duyên gì dạo đi trong Thế Giới kham nhẫn?
Thuyết Pháp như thế nào?
Chí nguyện ra sao?
Việc hành trì chánh pháp, phương tiện khéo léo cảnh giới thế nào?
Phật dạy: Này Tộc Tánh Tử! Bồ Tát Quán Thế Âm đã đi dạo trong Thế Giới, hoặc hiện thân Phật để ban bố tuyên dương giáo pháp, hoặc hiện dung mạo, hình tượng Bồ Tát để giảng Kinh khai hóa, hoặc hiện thân Duyên Giác, hoặc hiện thân Thanh Văn, hoặc hiện thân Vua Trời Phạm Thiên để giảng đạo Kinh, hoặc hiện thân Kiền Đạp Hòa, muốn độ quỷ thần nên hiện thân hình quỷ thần.
Muốn độ bậc tôn quý hiện thân tướng tôn quý. Hoặc lại thị hiện thân trời ở cõi Đại Thần Diệu, hoặc thân hình Chuyển Luân Thánh Vương hóa độ bốn cõi, hoặc thân hình kỳ lạ, hoặc thân hình La Sát Phản Túc, hoặc thân Tướng Quân, hoặc hiện thân Sa Môn, Phạm Chí, hoặc thân thần Kim Cang, ẩn sĩ ở một mình, Tiên Nhân, trẻ nít…
Bồ Tát Quán Thế Âm dạo đi các cõi Phật đều hiện khắp biết bao nhiêu than hình, tại chỗ biến hóa khai độ tất cả.
Vì vậy, này Tộc Tánh Tử! Tất cả chúng sinh đều nên cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm.
Vị Tộc Tánh Tử ấy, nơi nào mà chung quanh có sự sợ hãi liền khiến không sợ hãi.
Đã được không sợ hãi rồi, khiến đều an ổn, ai nấy vui mừng.
Vì vậy nên Bồ Tát dạo đi trong Thế Giới kham nhẫn.
Khi ấy, Bồ Tát Vô Tận Ý liền cởi trăm ngàn anh lạc báu nơi thân dâng lên Bồ Tát Quán Thế Âm, thưa: Cúi xin Chánh Sĩ nhận pháp cúng dường này, là anh lạc báu đặc biệt đeo ở thân tôi.
Bồ Tát Quán Thế Âm không chịu nhận.
Vô Tận Ý lại thưa: Đã đến lúc, xin ngài thương xót nhận cho, đừng từ chối.
Khi ấy Bồ Tát Quán Thế Âm tự nghĩ: Ta không dùng vật báu ấy.
Vô Tận Ý thưa: Xin hãy thương xót các Trời, Rồng, Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hầu Lặc, Nhân Phi Nhân mà thọ nhận.
Bồ Tát Quán Thế Âm thọ nhận anh lạc báu, liền chia làm hai phần: Một phần dâng cúng Đức Như Lai Năng Nhân, một phần đặt lên tháp báu để cúng dường Đức Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác Đa Bảo.
Vị Tộc Tánh Tử ấy vì tất cả chúng sinh nên dùng thần túc biến hóa dạo đi trong Thế Giới kham nhẫn, cứu tế khắp nơi.
Bấy giờ Bồ Tát Trì Địa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, tới trước bạch Đức Phật: Giả sử có người nghe công đức tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm trọn không hư dối, thì đời đời an ổn đạt đến tuệ vô cực.
Bồ Tát Quán Thế Âm ấy thần túc biến hóa đến khắp cửa đạo, oai thần hiển hiện không cùng tột.
Phật nói Phẩm Phổ Môn Đạo xong có tám vạn bốn ngàn người trong hội khi ấy đạt đến vô đẳng luân, liền phát tâm đạo vô thượng chánh chân.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Mười Hai - Kinh Nấu Nước Thạch Mật
Phật Thuyết Kinh Sa Ma Bà đế Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh Nhân Quả Trong đời Quá Khứ Và Hiện Tại - Phần Mười Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hỏa Bất Thiêu
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh Lô Hi Gia
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bảy Mươi Năm - Phật Thuyết Kinh Người Nữ Cầu Nguyện