Mối nhân duyên với đạo Phật

Đạo Phật trong trái tim tôi   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Mỗi khi hiểu thêm lời Phật dạy là như có một chân trời mới mở ra trong con, chân trời của trí tuệ và từ bi. Con xin phép trình bày sơ qua về giáo lý của Đức Phật và con đường tu tập.

1. Mối nhân duyên với đạo Phật

Con đến với Đạo Phật thật tình cờ, vì cả nhà con không ai theo Đạo Phật, chỉ thờ cúng ông bà tổ tiên thôi. Con còn nhớ rõ ngày hôm đó có sự kiện Scandal về việc một số người lợi dụng Phật giáo để tổ chức giải oan gia trái chủ nhằm thu lợi bất chính. Một vị Thượng tọa đã đăng đàn nói về sự mê tín dị đoan của việc giải oan gia trái chủ. Sau khi nghe thầy thuyết pháp con thầm thán phục và nghĩ rằng đây mới là lời dạy chân chánh của Đức Phật.

Từ đó, con bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu vào lời dạy của Đức Phật. Con được nghe nhiều người nói rằng: “Dù tôi làm gì không quan trọng, chỉ cần tâm tôi tốt là được rồi”. Câu hỏi là: Họ nói đúng hay sai? Vậy thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Câu hỏi này ám ảnh tâm trí con từ đó. Câu hỏi tưởng chừng như rất đơn giản nhưng chỉ Đức Phật mới có câu trả lời hoàn hảo.

2. Lời dạy hoàn hảo của Đức Phật

Học kinh Nikaya, con thấy rằng Đức Phật chắc chắn phải là một bậc thầy vĩ đại, một bậc giác ngộ có trí tuệ siêu việt. Bởi vì từng câu chữ, từng lời văn trong kinh tạng Nikaya điều có ý nghĩa, không thừa cũng chẳng thiếu. Thật may mắn cho người Việt, khi năm bộ kinh tạng Nikaya được Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch ra tiếng việt, nhờ đó chúng ta được đọc trực tiếp vào lời dạy nguyên thủy của Đức Phật hoặc gần nhất với lời dạy của Đức Phật lịch sử, không phải qua bất kỳ một lăng kính màu nào. Mỗi lần hiểu thêm lời kinh con lại thầm tri ân công đức của Hòa Thượng Thích Minh Châu, thầy là một “Bóng người hộ pháp lồng khuôn Phật Đà” (1) mà con luôn khâm phục và tri ân trong lòng.

Ta phải tự mình bước đi trên con đường đó, bằng nỗ lực của bản thân mình, phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự giác, tự tri, tự chứng, tự đạt.

Ta phải tự mình bước đi trên con đường đó, bằng nỗ lực của bản thân mình, phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự giác, tự tri, tự chứng, tự đạt.

Mỗi khi hiểu thêm lời Phật dạy là như có một chân trời mới mở ra trong con, chân trời của trí tuệ và từ bi. Con xin phép trình bày sơ qua về giáo lý của Đức Phật và con đường tu tập.

Về tổng quát, đệ tử Đức Phật chia làm hai hội chúng: Các vị xuất gia và cư sĩ tại gia. Đức Phật dạy có sự phân biệt rõ ràng cho 2 hội chúng của mình.

Đối với các vị cư sĩ tại gia: Đức Phật chỉ dạy làm cách nào để sống hạnh phúc, an lạc ngay trong hiện tại, và sau khi chết được tái sanh vào cảnh giới lành, tức là được tái sanh trở lại làm con người với năm phước báu căn bản (Tài sản, sắc đẹp, tuổi thọ, an vui, trí tuệ) hoặc được tái sanh vào cõi thiện dục giới cao hơn là sáu cõi trời. Đức Phật hoàn toàn không nhắc đến sự giải thoát, bởi vì cư sĩ tại gia vẫn còn đời sống hưởng thụ năm loại dục công đức (Sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm dịu), nhưng sự hưởng thụ này vừa phải, tiết chế của sự “Thiểu dục tri túc”.

Như vậy, đối với cư sĩ tại gia, Đức Phật dạy về giữ 5 giới, hoặc thực hành bát quan trai giới, thực hành thập thiện, sống biết bố thí cúng dường với lòng rộng mở, biết sẻ chia với người khác… Đó là nền tảng để được an lạc ngay trong đời sống hiện tại, và quả báo hết sức tốt đẹp của việc giữ giới là sau khi chết được sanh về cảnh giới lành.

Đối với các vị xuất gia: Mục đích cuối cùng của các vị xuất gia là giải thoát khỏi Sanh – già – bệnh – chết, là đắc ngộ niết bàn. Các vị xuất gia bắt buộc phải sống đời sống Phạm hạnh, tùy vào căn cơ của từng người mà Đức Phật dạy các pháp môn khác nhau như: Bát chánh đạo, quán 12 nhân duyên, tu tập Thất giác chi, Tứ niệm xứ… Dù theo pháp môn nào đi nữa thì cũng không ngoài con đường Giới – Định – Tuệ:

Một là thành tựu giới thanh tịnh.

Hai là thành tựu thiền định (Ít nhất đắc được tứ thiền).

Ba là bằng năng lực có được nhờ thiền định, vị ấy có thể chuyển từ thiền chỉ (Samatha) qua thiền quán (Vipassana). Nhờ vào trí tuệ phát sanh, vị ấy quán về tam tướng của vạn vật: “Vô thường, khổ, vô ngã”.

Trong bài “Tiểu kinh giáo giới La-Hầu-La” (2). Đức Phật dạy rằng, do vị ấy quán về sự “Vô thường, khổ, vô ngã” của ngũ uẩn nên vị ấy nhàm chán. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy giải thoát, tức là chứng đắc được Tứ quả A-La-Hán.

Con đường đắc thánh Đức Phật dạy rất rõ ràng: Thành tựu đời sống Phạm hạnh mới có thể đưa đến thành tựu thiền định, thành tựu thiền định mới có thể đưa đến trí tuệ, thành tựu trí tuệ mới có thể đưa đến Giải thoát và Giải thoát tri kiến. Như vậy là Giới – Định – Tuệ  - Giải thoát – Giải thoát tri kiến.

3. Hành trì tự mình trải nghiệm lời Phật

Được học tập, tu tập theo lời Phật là phước duyên lớn nhất của đời con. Từ khi hành trì tự mình cảm thấy tham, sân, si của mình giảm bớt. Dù nhiều lúc đối mặt với khổ đau của bệnh tật, của cơm áo gạo tiền, của già bệnh chết, của sanh ly tử biệt… nhưng cái khổ không còn quá lớn như lúc chưa tu tập.

Ngày trước, nhiều lúc con không thể trả lời được câu hỏi: “Rốt cuộc mục đích cuộc đời mình là gì?”, nhiều khi mất phương hướng của cuộc đời. Nhưng sau khi học Phật Pháp thì mục đích cuộc đời rất rõ ràng, con đường rất rõ ràng.  

Con thường thực hành Văn – Tư – Tu. Dù công việc bận rộn, con vẫn cố gắng dành thời gian hằng ngày để nghe các Quý thầy thuyết pháp hoặc đọc kinh Nikaya (VĂN TUỆ), đồng thời suy nghĩ, tư duy, chiêm nghiệm những lời Phật dạy, đối chiếu với sự trải nghiệm của chính bản thân mình để liễu nghĩa lời Phật (Tu tuệ ). Về Tu tuệ, con thực hành việc giữ năm giới và cố gắng hằng ngày ngồi thiền khoảng 40 phút (Thiền hơi thở - Samatha).

Về việc giữ giới, con cố gắng giữ năm giới căn bản của người Phật tử: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không rượu bia và các chất say.

Dù đời sống mưu sinh rất khó để giữ trọn vẹn 5 giới này (Ví dụ như giới rượu bia rất khó để giữ trọn vẹn khi đi làm việc phải có mối quan hệ với đồng nghiệp, đối tác). Nhưng nhờ cố gắng giữ năm giới này, nên con sống được an lạc, hạnh phúc. Bởi vì con biết rằng dù bị chết bất đắc kỳ tử đi nữa thì mình sẽ được tái sanh vào cảnh giới lành, nhờ đó con sống an ổn, không lo sợ gì.

Đồng thời, từ khi thực hành thiền định, con cảm thấy tâm được an lạc hơn. Dù biết không thể đắc thiền khi sống đời cư sĩ nhưng con cố gắng tích lũy Ba-la-mật nhiều nhất có thể, với hy vọng có thể đắc thiền đắc thánh trong vị lai. Như vậy là có Pháp Học, có Pháp Hành, với hy vọng thành tựu Pháp Thành ở vị lai.

Từ một người không có khái niệm gì về Phật Giáo, đến nay niềm tin về Đức Phật của con đã trở nên vững chắc, tin sâu nhân quả. Tuy chưa đạt đến niềm tin bất động như vị Thánh Sơ Quả nhưng trong tâm trí con: Đây là con đường chân chánh Đức Phật dạy, đây là con đường giải thoát khỏi Sanh, già, bệnh, chết. Ta phải tự mình bước đi trên con đường đó, bằng nỗ lực của bản thân mình, phải tự mình thắp đuốc lên mà đi, tự giác, tự tri, tự chứng, tự đạt.

Câu hỏi “Thế nào là Thiện? Thế nào là bất thiện?” trong tâm trí con đã được thay thành câu: “Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, đây là Giải thoát, ta phải tự mình bước đi trên con đường đó”. Và lời khích lệ của Đức Phật: “Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật. Ðó là lời cuối cùng Như Lai.” (3)

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Tài liệu tham khảo:

(1): Trích “Trường Ca Kalinga” của cư sĩ Trúc Thiên.

(2): Trích “Tiểu kinh giáo giới La-Hầu-La” – Kinh Trung Bộ số 147 (HT. Thích Minh Châu Việt dịch)

(3): Trích “Kinh Đại bát niết bàn” – Kinh Trường Bộ số 16 (HT. Thích Minh Châu Việt dịch)

 *Bài dự thi được gửi từ tác giả Thiện Chánh Niệm - Đỗ Nhân Trường. Địa chỉ: 111/63, đường Đặng Thùy Trâm, P.13, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Bài tham gia cuộc thi viết “Đạo Phật trong trái tim tôi” do Ban TT - TT TW & Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam phát động. Đạo hữu, Phật tử hoan hỉ gửi bài viết dự thi về email: [email protected].

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Gặt quả lành từ những nhân rất nhỏ!

Ở thời đại ngày nay, gần như mọi người ở mọi tôn giáo đều công nhận Luật Nhân Quả của nhà Phật, hễ có nhân ắt sẽ có quả.

Mối nhân duyên với đạo Phật

Mỗi khi hiểu thêm lời Phật dạy là như có một chân trời mới mở ra trong con, chân trời của trí tuệ và từ bi. Con xin phép trình bày sơ qua về giáo lý của Đức Phật và con đường tu tập.

“Khổ qua” hay “khổ quá”?

Vào một ngày hữu duyên, con đã được nghe Thầy Thích Khải Tuấn nói rằng: “Khổ qua thì có người ăn được, có người ăn không được nhưng khổ đau thì buộc ai cũng ăn ở trong đời. Người ăn được thì là khổ qua còn người ăn không được thì là khổ quá”.