Phật Thuyết Kinh đồng Tử Thiện Tư - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH ĐỒNG TỬ THIỆN TƯ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời, Đức Bà Già Bà Thế Tôn trú trong vườn Am Bà La Ba Lê thuộc thành Tỳ Da Ly, cùng với chúng Thanh Văn là tám ngàn Tỳ Kheo và một vạn Bồ Tát. Tất cả đại chúng như vậy đều biến hóa thành thân tướng Chư Thiên.
Bấy giờ, vào sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y mang bát cùng với hóa chúng này vây quanh trước sau, thứ lớp vào đại thành Tỳ Da Ly khất thực, dần dần đi đến nhà của Ly Xa Tỳ Ma La Cật. Trong nhà Ly Xa Tỳ Ma La Cật có một Đồng Tử tên là Thiện Tư. Khi ấy, Đồng Tử đang được nhũ mẫu bồng đứng trên lầu gác của nhà mình, trong tay đang cầm một nhanh hoa sen ngắm nghía vui đùa.
Đồng Tử này đã Vua trồng các căn lành từ đời trước và nhờ sức thần thông của Chư Phật nên khiến cho Đồng Tử bỗng nhiên dùng kệ thưa với nhũ mẫu:
Nay có tiếng vi diệu
Lấp các tiếng âm nhạc
Xin nhũ mẫu buông con
Để con rời lầu gác.
Ánh sáng này chiếu khắp
Quyết là đại trượng phu
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Vi diệu khiến ý vui
Chim chóc thay nhau hót
Tai con chưa từng nghe
Chim chóc hót như vậy.
Ắt là Đấng Điều Ngự
Vì lợi ích thế gian
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Như mang các anh lạc
Tiếng khua vang khắp nơi
Âm hòa hợp vi diệu
Người nghe đều vui vẻ.
Hẳn chân ngàn bánh xe
Oai phước trang nghiêm thân
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Như đại địa chấn động
Cũng như đánh chuông đồng
Các âm thanh như vậy
Không có, không người nghe.
Người ấy là mặt trời
Thân quang minh Đại Thánh
Sắp vào đại thành này
Khiến chúng sinh hết sợ.
Như cỏ cây rừng núi
Nhiều loài hoa trang nghiêm
Mùi hương thơm vi diệu
Tùy sở thích chúng sinh.
Nhất định khéo an trú
Cùng nguyện đại Long Vương
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào trong thành này.
Như sáng chiếu hư không
Khắp đại địa đều sáng
Vượt ánh sáng mặt trời
Thế Tôn thân vàng ròng.
Ắt hoan hỷ quán sát
Đại oai phóng quang minh
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào trong thành này.
Di mẫu hãy xem đây
Chúng trời tại hư không
Vui mừng nên ca hát
Hiện bày các y phục.
Quyết định lợi ích đời
Các chúng sinh tối thắng
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vao cửa thành này.
Nay trong đại thành ấy
Cùng nhau khởi tâm từ
Mỗi mỗi đều vui mừng
Như cha mẹ thương con.
Đó là khối phước lớn
Các đức trang nghiêm thân
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Lại đủ cả nam nữ
Cầm các loại hương hoa
Đầy khắp cả bốn phía
Tâm sinh vui mừng lớn.
Đó là Đại Tự Tại.
Hoa phước đức trang nghiêm
Chân phải vượt cổng thành
Sắp vào cửa thành này.
Hoa trời, người rải khắp
Hiện đầy cả hư không
Nơi nơi mưa các hương
Vi diệu càng vui thích.
Đó là Bậc Thiện Thệ
Đại trí tuệ vào thành
Vì lợi ích chúng sinh
Do vậy nay đến đây.
Bấy giờ, nhũ mẫu bồng Thiện Tư, nghe Đồng Tử tự mình nói kệ như vậy, tâm sinh khiếp sợ, than nổi gai ốc, chân tay, đầu cổ rụng rời, đặt Đồng Tử ở trên lầu gác rồi liền suy nghĩ: Đứa con này là ai vậy?
Là Trời, là Rồng, là Dạ Xoa, là La Sát, Cưu Bàn Trà, Tỳ Xá Già, Khẩn Na La hay là Ma Hầu La Già?
Những lời ấy đâu phải là lời nói của đứa bé ở thế gian! Thấy rồi, nhũ mẫu quyết định đứng yên không dám di động, không dám bước đi, không dám nói lớn, như nín thở cúi đầu, im lặng lắng nghe.
Lúc này, Đức Thế Tôn từ từ đến nhà Đồng Tử Thiện Tư, đi vào một ngõ rộng tới trước cửa nhà của Đồng Tử thì dừng lại. Từ xa, Thiện Tư nhìn thấy Đức Thế Tôn đứng bên dưới lầu gác, liền từ trên lầu cao cúi mình hướng về Đức Phật.
Đồng Tử Thiện Tư nhờ thần lực của Phật, nên ở trong hư không an nhiên đứng yên, dùng kệ bạch Phật:
Thế Tôn trụ trong trí
Bậc tối thắng an trú
Vì lợi ích chúng sinh
Xin nhận hoa sen con.
Đức Thế Tôn dùng kệ đáp Đồng Tử Thiện Tư:
Ta trú trong thật tế
Chẳng phải cõi chúng sinh
Tế ấy không thật có
Là tế như thật tướng.
Đồng Tử Thiện Tư lại dùng kệ bạch Phật:
Sao gọi Thế Tôn trụ?
Nơi chân thật tế ấy
Tế này đã không có
Không có, trụ chỗ nào?
Phật dùng kệ đáp:
Thật tế của như tế
Tế kia là Như Lai
Như trú thật tế ấy
Ta trụ đó cũng vậy.
Chư Phật như thật tế
Thể ấy một không khác
Như chân thật tế ấy
Ta an trụ như vậy.
Đồng Tử Thiện Tư dùng kệ bạch:
Phi tế, phi phi tế
Tế ấy có tướng sao?
Tạo những phương tiện gì
Được gọi là thật tướng.
Phật dùng kệ đáp:
Tế không thể chấp tế
Nên nói là thật tế
Tế ấy như hư không
Hư không cũng không tướng.
Đồng Tử Thiện Tư lại dùng kệ bạch Phật:
Hiếm có xứ chân thật
Trú chỗ trú tối thượng
Nguyện chúng sinh trú đó
Như chỗ trú Chư Phật.
Đồng Tử Thiện Tư nói kệ này rồi một lòng chắp tay bạch Phật: Xin Đức Thế Tôn thương xót con mà nhận hoa sen này.
Đức Thế Tôn vì thương xót Đồng Tử Thiện Tư nên nhận hoa sen ấy.
Phật nhận hoa rồi, bấy giờ Đồng Tử Thiện Tư hết sức vui mừng, phát nguyện: Nhờ căn lành này, đời sau con sẽ chứng được đạo quả bồ đề vô thượng, như nay Đức Thế Tôn vì tất cả chúng sinh mà thuyết pháp. Tuy nhiên trong pháp ấy, pháp của các phàm phu và A La Hán, hết thảy Thánh pháp đều không thể thủ đắc.
Khi đó, Trưởng Lão Xá Lợi Phất cùng ở trong đại chúng nghe nói lời ấy, liền hỏi Đồng Tử Thiện Tư: Này Đồng Tử Thiện Tư! Chỗ Đồng Tử vừa nói là mình sẽ chứng đắc pháp như vậy rồi, vì các chúng sinh thuyết giảng.
Vậy pháp ấy như thế nào?
Làm sao nêu giảng?
Bấy giờ, Đồng Tử Thiện Tư liền dùng kệ đáp:
Pháp kia không có Phật
Và tất cả Thanh Văn
Con sẽ chứng pháp ấy
Vì các chúng sinh thuyết.
Pháp ấy không xứ sở
Lại cũng không đến đi
Người trí biết như vậy
Thể tánh là gốc pháp.
Tất cả Phật quá khứ
Hiện tại vô thượng tôn
Đều nhận biết như vậy
Nhập tịch diệt rốt ráo.
Trong ấy không pháp giới
Chúng sinh giới cũng không
Biên vực là như vậy
Thế gian không người vào.
Pháp giới là tên chữ
Chữ từ phân biệt sinh
Phân biệt, không phân biệt
Rốt ráo không thủ đắc.
Trưởng Lão Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử ở trong đại chúng dùng kệ hỏi Đồng Tử Thiện Tư:
Đồng Tử ông làm sao
Học hiểu được pháp ấy?
Sâu xa khó thí dụ
Chỗ mê các bậc trí.
Ông nay chưa tự đi
Mà biện tài như vậy
Đối với bậc trí tuệ
Đại Thanh Văn hơn hết?
Thân ông như vàng ròng
Khéo hiểu biết rộng khắp
Nổi bật nơi thành này
Như trăng ở hư không.
Đồng Tử Thiện Tư lại dùng kệ đáp:
Tôn Giả nay nói sinh
Sinh này không có chốn
Vì các pháp không sinh
Sinh này là cái gì?
Các pháp đã không sinh
Sao gọi là chân thể?
Con nói bản tánh ấy
Tất cả các pháp không.
Pháp và bản tánh pháp
Cả hai không thủ đắc
Đều đã không thủ đắc
Chư Phật nói pháp này.
Đó là luân tối thượng
Trước chuyển ở Lộc Uyển
Hư không thu giữ rồi
Khiến nhiều Thanh Văn ngộ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chỉ Trì Giới
Phật Thuyết Kinh Truyện Về Những Con Cá Lớn
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Diêm Phù Xa
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Pháp Hành
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Một - Phẩm Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Vô Nhi Bình đẳng Tối Thượng Du Già đại Giáo Vương - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Năm - Pháp Hội Thiện đức Thiên Tử