Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Ngã
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI BA
PHẨM NGÃ
Nên học lời lành
Sa Môn ngồi, đứng
Vui ngồi một chỗ
Mong dứt tâm vọng.
Nên học lời lành: Ngày đêm tụng tập lời hay tiếng tốt, góp nhặt những điều quan trọng giúp đời.
Cho nên nói: Nên học lời lành.
Sa Môn ngồi, đứng: Thầy Tỳ Kheo thường suy nghĩ: Nên phân biệt trên dưới, không ngồi lầm chỗ của người khác, đây là chỗ ngồi ăn, đây là chỗ ngồi hành đạo. Ta nên ngồi đây hay đi chỗ khác.
Cho nên nói: Sa Môn ngồi, đứng.
Vui ngồi một chỗ: Chuyên nhất tâm ý mong cầu được định, phân biệt các nhận thức, giữ gìn các căn. Một buổi ngồi thiền mà tâm ý loạn động thì không phải là một buổi ngồi. Nếu tâm ý không rong ruổi theo cảnh bên ngoài thì có khả năng vượt ra khỏi cảnh giới ma.
Cho nên nói: Vui ngồi một chỗ.
Mong dứt tâm vọng: Giấu kín tâm thức, người không giữ gìn tâm ý thì nhiều loạn tưởng, khiến lại thọ thân trong ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không gặp được Tam Bảo, Chư Phật, Thế Tôn. Không gặp những vị phạm hạnh thanh tịnh. Không biết hổ thẹn, từ một đời cho đến trăm ngàn đời. Mong dứt tâm vọng thì không còn sinh tử.
Cho nên nói:
Mong dứt tâm vọng.
Ngồi, nằm một mình
Riêng mình, không bạn
Phải tự hàng phục
Riêng vui núi rừng.
Ngồi, nằm một mình: Hàng phục trong ngoài, sinh từ lẫy lừng. Dù nằm ngồi một mình nhưng tâm ý không trụ định thì không phải là nằm ngồi. Lại phải còn suy nghĩ hoạn nạn trong ba cõi, thường giữ tâm ý, không để phân tán.
Cho nên nói: Ngồi, nằm một mình.
Riêng mình, không bạn: Tâm luôn định một chỗ dù ở trong chúng hay nơi vắng vẻ. Khi đi, khi ngồi, tâm không rong ruổi.
Như người tu hành đúng giờ đi khất thực, bên trong thầm nghĩ: Từ đâu có món ăn này?
Người nhận thí nên tìm cách báo ân, phải tự biết đủ. Lại nên nghĩ công đức của thân tướng Phật. Giữ ý nhẫn nhục, không cho phân tán. Giữ tâm được như vậy là có khả năng vào xóm làng mà hóa độ chúng sinh, không sinh khởi loạn tưởng. Như vậy có khác gì người đang sống ở chốn núi rừng.
Cho nên nói: Riêng mình, không bạn.
Phải tự hàng phục: Thường tự dứt vọng, không để tâm rong ruổi, lúc nào cũng cân nhắc sự việc bên ngoài, bên trong để tự hàng phục mình, thì được các Trời, người đều thờ phụng, cúng dường, tám bộ quỷ thần lúc nào cũng ủng hộ, được Phật, Thế Tôn khen ngợi.
Cho nên nói: Phải tự hàng phục.
Riêng vui núi rừng: Giữ tâm chuyên ý, thường vui vắng lặng. Dù ở trong đại chúng nhưng tâm thì như hư không. Dù Trời rung đất chuyển tâm vẫn không rối loạn. Như vậy, mới hợp với Thánh Điển Như Lai.
Cho nên nói:
Riêng vui núi rừng.
Ngàn muôn quân địch
Một người đánh thắng
Không bằng tự thắng
Là thắng trong thắng.
Ngàn muôn quân địch, một người đánh thắng: Như trong chúng sinh có một người đánh thắng cả ngàn quân địch, nhưng không tự hàng phục mình được thì không gọi là thắng, chỉ là đọa lạc chứ không đến chỗ rốt ráo. Tự giữ gìn tâm ý, trong ngoài đều hàng phục, vượt qua thứ lớp đến cảnh giới vô vi.
Thắng hết mọi oán thù, không còn lo sợ gì, đó mới gọi là thắng. Dứt bỏ được kết sử trong ba cõi, nhổ bỏ hoàn toàn cội gốc của nó không còn sót mới gọi là người mạnh mẽ. Cội gốc kết sử trong ba cõi đã dứt bỏ không còn sót, không tạo nghiệp mới.
Có khi một người thắng cả ngàn người, hay thắng cản đến muôn người, vẫn không phải là người mạnh mẽ, bởi kẻ ấy vẫn còn trong sinh tử, chưa lìa khỏi tám nạn.
Cho nên nói:
Ngàn muôn quân địch,
Một người đánh thắng,
Không bằng tự thắng,
Là thắng trong thắng.
Tự thắng trên hết
Như chúng sinh kia
Ai tự thắng mình
Các hạnh đầy đủ.
Tự thắng trên hết: Người ta ở đời, nếu ai biết tự hàng phục mình thì tinh thần không lầm lẫn. Lại được Trời, Rồng, Quỷ Thần, Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chiên Đà la cúng dường.
Thiên Ma Ba Tuần dù thống lãnh sáu tầng Trời đi nữa cũng không có dịp làm hại người ấy.
Cho nên nói: Tự thắng là trên hết.
Như chúng sinh kia: Như người tu hành chẳng những tự mình ham mê tu học, mà còn khuyên giúp người khác tu hành. Bên trong, tâm người ấy không sinh bợn nhơ, cảnh trần bên ngoài không xâm nhập được. Như vậy mới ứng hợp với thanh tịnh vô vi.
Cho nên nói: Như những chúng sinh kia.
Ai tự thắng mình, các hạnh đầy đủ: Người có mười tên gọi khác nhau. Hoặc gọi chúng sinh, ta, người, thọ mạng, là loài có hình tướng, đều gọi là chúng sinh. Nếu các loài chúng sinh ấy biết tự hàng phục mình, không sinh các ý tưởng đối với cảnh trần bên ngoài, thì đó là nghĩa bậc nhất, không có hình tướng có thể thấy được.
Ai muốn cầu đạo vô vi thì phải tự hàng phục mình, không sinh mười tám bản trì, không còn rơi rớt trong các cõi, đó cũng gọi là người tự hàng phục. Các giác quan đầy đủ, công đức vẹn toàn, lúc nào cũng hành đạo, không để mắt thì giờ.
Cho nên nói:
Ai tự thắng mình,
Các hạnh đầy đủ.
Chẳng Trời, Càn Đạp Hòa
Chẳng Ma và Phạm Thiên
Bỏ thắng là hơn hết
Như Tỳ Kheo trí tuệ.
Chẳng Trời, Càn đạp hòa, chẳng Ma và Phạm Thiên: Có người trên đời này cúng tế các vị Trời để cầu ban ân giáng phước.
Hoặc có người thờ Kiền Đạp Hòa tu hạnh thanh tịnh. Hoặc thờ cúng Thiên Ma mong được giàu sang, hoặc thờ Phạm Thiên, gọi Trời ấy là đạo. Ngoại đạo dị học tâm luôn nghĩ tưởng đến Phạm Thiên. Nguồn gốc chúng sinh đều phát sinh từ Phạm Thiên, vì thế nên phải tôn thờ Phạm Thiên.
Đức Như Lai nói: Đó không phải là đạo chân chính mà là con người tự mê hoặc mình, lại còn khiến kẻ khác rơi vào đường tà. Đạo ấy cũng không vững bền, không thể nương cậy.
Gọi là đạo chân chánh phải là bậc Tỳ Kheo có trí tuệ, giữ tâm thanh tịnh, không còn lậu hoặc kết sử, nói pháp cho mọi người nghe, không có tâm phân biệt kia đây. Ý như hư không, không thể tiêu hoại, căn tánh lanh lợi bén nhạy, không bị ngăn ngại. Những điều tâm nghĩ nhớ, không có việc gì trải qua mà không khắc ghi rõ ràng.
Cho nên nói:
Không phải Trời, Càn Đạp Hòa,
Không phải Ma,
Không phải Phạm Thiên,
Bỏ thắng mới là hơn hết,
Như Tỳ Kheo có trí tuệ.
Trước phải sửa mình
Sau mới sửa người
Người tự sửa mình
Là cao hơn hết.
Trước phải sửa mình, sau mới sửa người: Người tu tập thì giữ mình là hơn hết. Ngày thì giảng dạy, đêm thì kinh hành. Hết long chăm chú, không lúc nào lười biếng, rồi sau đó mới có thể dạy bảo chúng sinh cho họ được bước vào đại đạo.
Như trong Khế Kinh của Phật có dạy: Đức Phật bảo Quân Đầu: Như người bị rớt xuống bùn sâu mà muốn tìm cách kéo kẻ khác đang chìm đắm thì không thể được.
Như người không giới hạnh lại muốn dạy bảo mọi người thì cũng không có việc ấy… điều này có nói rộng như trong Kinh. Như đồ chứa lành lặn thì đựng nước không bị chảy, người có tâm tanh điềm đạm thì mới có khả năng thọ nhận chánh pháp cao sâu, cũng có khả năng giáo hóa tất cả chúng sinh. Ai được nghe pháp cũng đều tin tưởng, ưa thích.
Cho nên nói:
Trước phải sửa mình,
Sau mới sửa người,
Người tự sửa mình,
Là cao hơn hết.
Trước tự sửa mình
Sau mới sửa người
Tự sửa đổi mình
Không hại người trí.
Hễ người tu hành muốn hoàn tất sự tu học thì không nên dụng công luống uổng, không nề khổ nhọc, tin vào sức mình, bình đẳng không hai. Siêng năng tinh tấn, mỗi ngày có thêm tin tức tốt lành mới. Gần gũi người trí thức sáng suốt, không theo bạn bè xấu ác.
Phàm người có trí tuệ đều nhờ trí tuệ của bậc Minh triết Thánh Nhân. Không có thầy thì không đạt kết quả.
Cho nên nói:
Không làm hại người trí.
Phải tự tu hành
Nghe lời thầy dạy
Mình không được dạy
Làm sao dạy người?
Phải tự tu hành, nghe lời thầy dạy: Như người tu hành đầy đủ các hạnh, dùng văn, giới, thí, tuệ để tự trang nghiêm mình. Nghĩ nhớ thiền định tam muội, dứt hết các pháp hữu lậu, sau đó mới giáo hóa tất cả, khiến người nghe pháp tự mình quy y, dốc long kính tin, không còn nghi ngờ.
Cho nên nói: Phải tự tu hành, nghe lời thầy dạy.
Mình không được dạy, làm sao dạy người: Như người tu học không tìm được thầy giỏi, không ai dắt dẫn thì bị trở ngại. Nếu gặp được thầy giỏi thì sẽ tự tu hành, chắc chắc đạt được nguyện ước, không việc gì không thành công. Như người giỏi huấn luyện ngựa, gặp ngựa hay thì nuôi và huấn luyện kỹ lưỡng, còn gặp ngựa dữ thì phải đánh. Sau đó biết ngựa giỏi, ngựa dở khác nhau.
Người hiền, kẻ ngu cũng như vậy. Người lành sinh lên Cõi Trời, kẻ ác đọa xuống địa ngục, lần lượt chịu đựng các thứ tội khổ, sự đau đớn nhọc nhằn trong các đường ấy nói sao cho hết. Như người đi xa thì cầu phước lành che chở, muốn tới đâu đều được như ý muốn.
Cho nên nói: Phải tự tu hành, nghe lời thầy dạy, mình không được dạy, làm sao dạy người?
Nghĩ tự tu hành
Khiến người tin, hiểu
Ý ta đã chuyên
Điều người trí làm.
Nghĩ tự tu hành: Thường phải chuyên tinh, khiến cho ý không rối loạn, diệt hết dấu vết của mười nghiệp ác của thân, miệng, ý khiến cho vô số chúng sinh khát ngưỡng lắng nghe điều mình giảng nói và tu hành theo.
Cho nên nói: Nghĩ tự tu hành.
Khiến người tin, hiểu: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Sát Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sĩ nghe lời dạy chân chánh, tâm ý kính tin, ưa thích, không bao giờ chống đối.
Cho nên nói: Khiến người tin, hiểu.
Ý ta đã chuyên, điều người trí làm: Như người học nghề, hễ ý chuyên chú thì thành đạt. Nếu không gặp thầy giỏi thì mình bị thất bại không thể tự cứu. Khi ý đã chuyên thì trong mọi hành động cử chỉ đều được Trời, người kính mến. Nếu đến nơi khác thì ai thấy cũng vui mừng, không bao giờ lui sụt giữa chừng.
Cho nên nói:
Ý ta đã chuyên,
Điều người trí làm.
Vì mình hay vì người
Nhiều kẻ không thành tựu
Có người biết việc này
Sửa mình mới dạy người.
Vì mình hay vì người, nhiều kẻ không thành tựu: Người tu hành do nghiệp tà kiến mà mình đã tu, rồi lấy trí hiểu sai của mình mà bắt kẻ khác phải học theo. Cho nên bị sai lầm không đến chỗ vô vi. Nếu lại có người bản thân họ chuyên nhất, tu hạnh chánh đạo, rồi đem sự hiểu biết ấy dạy cho mọi người thì người được dạy sẽ tin hiểu không dung công luống uổng.
Cho nên nói: Vì mình hay vì người, nhiều kẻ không thành tựu.
Có người biết việc này: Điều mà người trí làm là phải tìm xét bản hạnh như lời Phật dạy.
Nếu không làm lợi cho mình thì sao làm lợi cho người được?
Người tu hành cần phải nghĩ nhớ, quán xét vô thường, khổ, không, vô ngã, hiểu rõ tất cả đều chẳng phải thật có, kia vô ngã, không, há có thân ư?
Bởi thế, Thánh Nhân dạy pháp tắc cho mọi người, làm người dẫn đường chỉ dạy phải lấy lời thiết yếu mà nói những răn cấm cho mọi người biết.
Cho nên nói:
Có người biết việc này,
Sửa mình mới dạy người.
Thân chỉ sống với đạo
Nào có chứa lầm lỗi
Đều đã được hàng phục
Người trí nói nghĩa ấy.
Thân chỉ sống với đạo: Người tu chuyên ròng khắc kỷ nên đáng tôn đáng quý, không có chuyện nào không thành công. Mọi cử chỉ hành động đều không gặp sự hung ác bạo ngược, thường được các Trời, Người, Rồng, Quỷ Thần, Càn Đạp Hòa, A Tu Luân, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc cúng dường, che chở, khiến không gặp hoạn nạn.
Cho nên nói: Thân chỉ sống với đạo, nào có chứa lầm lỗi.
Đều đã được hàng phục, người trí nói nghĩa ấy: Như người kính mến pháp sâu kín, đạt được nghĩa bậc nhất, vượt khỏi ba cõi, liền được thành tựu bốn ý chỉ, bốn ý đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám phẩm đạo Hiền Thánh. Đó là pháp môn cam lộ của Như Lai, người có ước nguyện thì được bốn thứ cúng dường y phục, thức ăn uống, giường đồ nằm, thuốc men trị bệnh.
Cho nên nói: Đều đã được hàng phục, người trí nói nghĩa ấy.
Nói tóm lại, bài kệ thành ba câu, văn giống như một. Chỉ có người mở trí thì được pháp ấy, đó là câu thứ nhất.
Pháp có hai nghĩa: Một là danh tự, nghi thể. Hai là bốn quả Sa Môn nghĩa bậc nhất. Người trí được giới ấy đó là câu thứ hai.
Giới có hai thứ là: Một là hai trăm năm mươi giới, hai là giới thân vô lậu. Người trí được khen ngợi, đó là câu thứ ba.
Khen cũng có hai nghĩa: Một là sự khen của thế tục, hai là sự khen ngợi của nội tạng. Tục là nói năng lưu loát, mặt mày xinh tươi, không làm thương tổn ý kẻ khác.
Người nghe pháp thì vui mừng tin nhận, ưa thích nghe pháp.
Giới thân vô lậu: Việc làm không sai trái, thường gặp Bậc Thánh Hiền, xa lánh tám chỗ không yên tĩnh. Ai thấy thì tâm ý khai mở. Họ bảo nhau cùng khen ngợi công đức. Tên tuổi người trí ai cũng biết, đó là câu thứ tư. Người có tu học thì người đời biết tiếng, đạo cũng biết tiếng.
Người trí được vui ấy: Có hai thứ vui là vui đời và vui đạo. Ở thế tục thường hưởng phước đức, xuất gia được đàn việt thí chủ cúng dường y phục, thưc uống ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh.
Vui đạo là vui hưởng phước đức thiền định, năm căn, năm lực, bảy giác ý, tám đạo Hiền Thánh.
Người trí được tuệ ấy: Tuệ có hai thứ: Một là tuệ thế tục, hai là tuệ của đạo. Tuệ thế tục là phân biệt tên các sự vật không lung túng. Tuệ của đạo là chứng các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Được các căn vẹn toàn, không, vô tướng, vô nguyện.
Cho nên nói: Người trí được tuệ ấy.
Người trí đạt được tâm: Tâm là gốc của tất cả việc làm, nếu tâm bất chánh, rong ruổi theo muôn thứ, dính mắc vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nếu ai hang phục, giữ tâm không loạn, thì sẽ thành tựu đạo quả vô vi. Người tu hành hàng phục tâm ý, suy nghĩ, nhiều kiếp bị tâm mê hoặc, trải qua kiếp số không lường trong sinh tử đều do tâm. Giờ đây ta biết được việc làm của tâm thì không để nó sai khiến tạo ra các nghiệp mới nữa.
Người trí đạt được đạo: Chúng sinh trôi lăn hết kiếp này qua kiếp khác, nhiều không kể hết.
Như trong Khế Kinh nói: Chúng sinh vào địa ngục nhiều hơn số bụi trên mặt đất. Như hôm nay ta đã vượt qua ba cõi, dùng thiên nhãn nhìn thấy các loại chúng sinh, cho dù loài nhỏ nhất bò, bay, máy, cựa cũng luôn luôn giết hại lẫn nhau, không bao giờ dứt.
Như người thợ gốm, chân đạp cho bánh xe quay vòng mà thành đồ gốm. Có vật bể khi đang còn trên bánh xe quay, hoặc bể khi đặt trên mặt đất, hoặc bể khi cho vào lò nung. Con người cũng như vậy. Cho nên người học phải nghĩ đến việc tu.
Lại dẫn lời Kinh: Ta dùng thiên nhãn nhìn xem chúng sinh, kẻ được sinh lên Cõi Trời như đất dính trên móng tay, ít không đáng kể.
Cho nên nói: Người trí đạt được đạo, ở trên Cõi Trời dạo chơi lâu dài.
Nếu có người ở lâu trên Cõi Trời thì có ba điều hơn người mới sinh lên là:
Tuổi thọ.
Sắc đẹp.
Phước lộc.
Cho nên nói: Ở lâu trên Cõi Trời dạo chơi lâu dài. Ở lâu trên Cõi Trời thì hưởng phước báo, cùng nhau vui chơi, nhìn phía Đông thì quên phía Tây.
Cho nên nói: Ở lâu trên Cõi Trời hưởng phước.
Ở lâu giữa thân tộc như ánh sáng mặt trời rọi xuyên mây, sinh ra cha mẹ, anh chị em, trong ngoài đều được kính mến, dứt bỏ hết mọi trói buộc, có khả năng dứt bỏ tất cả, các kết sử dứt hẳn không còn sót, mọi trói buộc ái nhiễm đều dứt bỏ hết.
Cho nên nói: Dứt bỏ tất cả các kết sử, ở giữa sự lo rầu mà ta không lo rầu, tâm luôn cởi mở đối việc phải quấy, biết rõ vô thường.
Ân ái biệt ly là việc thường ở thế gian. Hễ có vui chắc chắn có khổ, có sinh chắc chắn có chết, không sinh thì không chết, đâu thể tránh khỏi.
Do ý nghĩa ấy suy ra lo rầu là gì, vui nọ từ đâu đến?
Cho nên nói: Ở giữa nơi lo rầu, nhưng mình không lo rầu, tâm như tro tàn nguội lạnh.
Cảnh giới vô vi dứt hẳn các đường dữ, đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chốn biên giới, mọi rợ cũng gọi là đường dữ.
Cho nên nói: Dứt hết các đường dữ, thoát tất cả khổ, thoát tám gốc khổ là sinh, già, bệnh, chết, ghét phải gặp, ân ái chia lìa, mong ước không đạt.
Tóm lại, khổ bởi thân năm ấm lẫy lừng. Người tu hành đối với các khổ ấy mà thoát được thì Niết Bàn là bậc nhất, vô vi, không tạo tác, không có những sự biển đổi.
Cho nên nói: Gọi là Nê Hoàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám Mươi Tám - Kinh Khỉ Nắm Nắm đậu
Phật Thuyết Kinh Tôn đa Da Trí
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Bốn - Phẩm Hữu Y Hành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Năm - Phẩm Trời đế Thích
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Hai - Phẩm Phương Tiện - Phần Hai