Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM HAI

PHẨM SINH TỬ  

TẬP HAI  

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Suy nghĩ như vậy rồi, người kia quán mười tám hành của ý và đã thành tựu được Sơ Địa. Biết rõ về sáu giới thì chứng được địa thứ hai.

Lại phải niệm pháp gì để đạt được địa thứ ba?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Nhận biết đúng như thật, rõ ràng về năm thọ căn, nên đạt được địa thứ ba.

Thế nào là biết đúng về lạc thọ do dục sinh?

Người kia nhận biết đúng như thật, tuần tự biết về khổ thọ sinh, biết hỷ thọ sinh, biết ưu thọ sinh, biết xả thọ sinh, tất cả những thứ vui đều biết. Biết do xúc làm nhân mà sinh lạc thọ.

Biết lạc thọ rồi, người kia nhận biết đúng như thật: Tôi biết lạc thọ. Tỳ Kheo kia biết do xúc làm nhân duyên mà sinh lạc thọ. Khi tiếp xúc với lạc thọ thì không sinh tham dục, biết lạc thọ do xúc sinh rồi thì lạc thọ diệt.

Lạc thọ diệt rồi, người kia nhận biết đúng như thật: Ta đã diệt lạc thọ.

Người kia nghĩ như vậy: Khổ thọ của ta sinh, do nhân duyên mà sinh. Người kia biết khổ thọ sinh cũng giống như lạc thọ. Người kia biết rõ cũng như lạc thọ do xúc với nhân duyên mà sinh. Ở trong khổ thọ nói rộng ra như vậy.

Thế nào là Tỳ Kheo nhận biết hỷ thọ?

Do nhân duyên với xúc là sinh hỷ thọ.

Thế nào là Tỳ Kheo nhận biết ưu thọ?

Do nhân duyên là xúc mà sinh ưu thọ.

Nếu tùy thuận quán hỷ thọ ấy thì hỷ thọ diệt. Thấy hỷ thọ diệt thì lìa bỏ được dục hỷ thọ. Nếu hỷ thọ của ta mới sinh ra thì liền diệt ngay, thấy nó diệt rồi thì nhận biết đúng như thật về thọ, người kia lìa được dục. Như vậy nói rộng ra về ưu thọ và xả thọ cũng như thế.

Người kia thấy biết đúng như thật nên đạt được địa thứ ba. Dạxoa sống trên đất biết được nên hoan hỷ, tuần tự hướng lên nói với Dạ Xoa nơi hư không.

Dạ Xoa nơi hư không tâu với Tứ Đại Vương, Tứ Đại Vương tâu với Tứ Thiên Vương, Tứ Thiên Vương lại tâu với Vua Đế Thích Kiều Thi Ca: Ở cõi Diêm Phù Đề, trong nước… thôn… xóm… có thiện nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, đắp pháp y, xuất gia theo chánh tín chứng được địa thứ ba muốn cùng ma chiến đấu, làm suy yếu quân ma và tăng trưởng bạn chánh pháp.

Vua Đế Thích nghe như vậy tâm rất hoan hỷ. Vua Đế Thích Kiều Thi Ca liền cỡi voi lớn là Yên la bàn na, từ chỗ Thiên Chúng thần thông lớn bậc nhất đến Diệm Ma Thiên hoan hỷ nói: Ở cõi Diêm Phù Đề, trong nước… lần lượt cho đến đạt được địa thứ ba, muốn chiến đấu với ma, làm tổn giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp.

Diệm Ma Thiên nghe Vua Đế Thích nói như vậy tâm rất vui mừng.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ Kheo kia đạt được địa thứ ba rồi, phải tu như thế nào để chứng đắc địa thứ tư?

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Tỳ Kheo ấy muốn đạt được địa thứ tư phải quan sát như vậy: Do xúc làm nhân duyên mà sinh lạc thọ. Nếu nhân duyên của lạc thọ diệt, tịch tĩnh vắng lặng thì không còn lạc thọ.

Do xúc làm nhân duyên mà sinh khổ thọ. Như vậy người kia xa lìa các khổ, khổ do xúc sinh, khổ do thọ sinh, khổ do tập sinh. Nguyên nhân của các khổ, người kia nhận biết thọ do xúc làm nhân duyên. Thọ của ta trong mỗi niệm cùng với xúc sinh khởi.

Do xúc sinh người kia đối với lạc thọ tâm không sinh hoan hỷ, không sinh hỷ lạc, không khen ngợi thọ ấy, cũng không tạo tác nhiều, không tham đắm. Như thế người ấy không bị khổ thọ bức bách, không buồn, không loạn, hành xả như vậy, ức niệm, biết đúng về hành xả và ba thọ các tâm còn lại đều không bị nhiễm, tất cả đều được lìa bỏ như vậy là được thanh tịnh, trong sạch.

Tỳ Kheo kia nghĩ như vậy: Ta nay đối với xả này đã được thanh tịnh như vậy, trong sạch như vậy, nay ta làm sao đạt được hư không xứ?

Người kia hy vọng muốn được sống ở hư không xứ: Làm sao ta đạt được tâm của xứ đó?

Ta đã hiểu rốt ráo, chắc chắn về xả. Nay ta đã xả hoàn toàn về hỷ lạc, luôn thâu giữ không lìa bỏ. Ta nhờ vào xả này mà được vào hư không xứ, nhờ vào xả này ta được thanh tịnh như vậy, trong sạch như vậy. Ta rất hy vọng đạt đến Thức xứ vô sở hữu xứ. Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ta rất mong được vào xứ ấy.

Với chánh hạnh như vậy, người kia hành đúng đắn theo Phi tưởng phi phi tưởng xứ và nghĩ: Nay ta nhờ vào xả này mà được ở xứ kia, giúp ta đạt được pháp của xứ đó. Ta nhờ vào xả này mà đạt hỷ lạc trong xứ đó, chánh hạnh Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Ví như người thợ vàng khéo léo, hay học trò của ông ta đem khối vàng sống, đẹp đặt vào lửa, dùng ống bễ thổi, tay cầm kềm vừa thổi vừa đập một cách điêu luyện thành thạo. Vàng sống ấy trở thành mềm mại, sáng sủa, rực rỡ tùy ý dùng.

Vàng ấy được làm ra bất cứ vật gì đều đáng khen ngợi. Đem nó đi bất cứ phương nào, nơi nào cũng không ai chê bai, vì mài nó không còn vết nhơ, không uế tạp, không rít nhám là vật sáng mềm bậc nhất. Những vật được làm ra đều đẹp đẽ, bóng láng, sáng rỡ. Ánh sáng của nó che lấp những thứ vật báu khác. Vì người thợ vàng thiện xảo ấy và những học trò của ông ta đã biết cách mài dũa khéo léo khối vàng thật ấy nên biết đó là vật báu đích thực.

Biết như vậy rồi, tùy theo sự nhớ nghĩ mà có thể làm bất cứ vật gì khiến cho ai trông thấy đều hoan hỷ. Như làm cái linh, hoặc để trang nghiêm thân, chỗ thấy hoặc không thấy, dùng làm hoa tai để trang nghiêm nơi tai, làm chuỗi anh lạc để trang nghiêm nơi cổ, hoặc để trang nghiêm cúng dường Kinh Luận.

Hoặc làm nhẫn đeo tay, vòng nhẫn khắc chữ để trang nghiêm nơi ngón tay, hoặc làm vòng hoa, mão báu để trang nghiêm nơi tóc. Vật báu đích thực ấy trang nghiêm bất cứ chỗ nào, những vật trên đều tương ứng hoàn hảo.

Đạt trí tuệ, Tỳ Kheo giữ giới nghĩ: Ta nay nhờ nơi xả này mà được thanh tịnh như vậy, trong sạch như vậy, chánh hạnh như vậy để vào hư không xứ, được tương ứng. Ta dựa vào xả ấy mà buộc niệm vào xứ ấy, hỷ lạc trong xứ ấy, trụ vào xứ ấy. Ta nhờ vào xả này mà hội nhập nơi hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Lại suy nghĩ: Ta trụ vào xả này, làm sao để nó luôn luôn không động, không hoại, không diệt trong từng niệm.

Người kia suy nghĩ như vậy rồi, sau đó duyên dựa vào bốn xứ vô sắc. Xả kia chẳng phải là thường, chẳng phải là vô thường. Chẳng phải là động, hay bất động. Chẳng phải là thường hay vô thường.

Người kia biết duyên vào hư không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ kia, chẳng phải là thường hay vô thường, ở trong xứ đó tâm không hỷ lạc, biết nó không tịch tĩnh, là vô thường, động chuyển.

Người kia lại quán về thọ, biết thọ do dục sinh. Biết thọ do dục sinh rồi thì biết thọ cũng do dục diệt. Biết thọ diệt rồi thì biết thọ do nhãn xúc sinh, tuần tự biết thọ do nhĩ xúc sinh, biết thọ do tỷ xúc sinh, biết thọ do thiệt xúc sinh, biết thọ do thân xúc sinh, biết thọ do ý xúc sinh.

Người kia đã nhận biết rõ về thọ rồi, lại từ thọ ấy quán xét thật kỹ: Thọ do nhãn xúc sinh, dục sinh, đã sinh rồi cùng với thọ ấy trụ ta đều biết rõ, biết thọ của ta diệt, dục diệt đều đã diệt.

Lại nữa, biết thọ do nhĩ xúc sinh thì thọ do nhãn xúc sinh bị diệt, đều đã diệt nên nhàm chán và vứt bỏ không trở lại nữa.

Thọ này đã diệt theo thứ lớp quán thọ do nhĩ xúc sinh làm duyên cho khổ, vui và không khổ, không vui. Thọ do nhĩ xúc sinh như vậy tùy thuận mà quán xét. Biết như thế rồi thì khi thọ thuộc nhĩ xúc không sinh hỷ lạc. Biết rõ về thọ ấy rồi thì lìa bỏ dục và được giải thoát.

Trên nói về thọ do nhĩ xúc sinh, thọ ấy đã diệt rồi, lại quán thọ do tỷ sinh và nhân duyên của tỷ xúc. Thọ này của ta sinh nếu duyên vui thì sinh vui, duyên khổ thì sinh khổ, duyên không khổ không vui thì sinh không khổ không vui.

Như vậy tùy thuận quan sát: Thọ do tỷ xúc sinh, nhận biết đúng như thật thì thọ sẽ diệt. Biết thọ diệt thì thọ do tỷ xúc sinh cũng diệt luôn. Biết thọ do tỷ làm duyên sinh khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Về sau thọ do duyên của tỷ sinh, quan sát như vậy, cũng sinh như vậy, sinh rồi lại diệt.

Thọ do tỷ xúc sinh đã diệt, bây giờ quán thọ do thiệt sinh. Khi thọ sinh cũng có ba loại như đã nói ở trên. Tuần tự cho đến quán thọ do ý sinh cũng có ba loại.

Người kia nhận biết đúng như thật về thọ rồi, chứng được địa thứ tư, vị ấy tinh tấn dũng mãnh muốn thoát khỏi sự ràng buộc của quân ma. Dạ Xoa sống trên đất biết được nên rất hoan hỷ lại hướng lên nói với Dạ Xoa nơi hư không. Dạ Xoa nơi hư không hướng đến Tứ Đại Vương tâu như vậy.

Tứ Đại Vương hướng đến tâu với Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương hướng đến tâu với Vua Đế Thích.

Vua Đế Thích lại hướng đến Diệm Ma Thiên, nói: Ở cõi Diêm phù đề, trong nước… thôn… làng… có Thiện Nam… họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y, xuất gia theo chánh tín, trì giới, tinh tấn, theo thứ tự mà nhận biết đúng như thật về thọ và đã chứng được địa thứ tư.

Ta nay hướng lên Trời mà nói rõ khiến cho quân ma tổn giảm, bạn chánh pháp được tăng trưởng.

Diệm Ma Thiên thấy Vua Đế Thích cỡi voi trắng Yên la bàn na, tâm sinh hoan hỷ nói với Vua Đế Thích: Này Đế Thích, con người trong cõi Diêm Phù Đề tùy thuận theo pháp mà thực hành, phải nên yêu mến người ấy, đó là điều ông phải làm.

Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.

Tỳ Kheo kia làm sao lìa bỏ được sự trói buộc của ma, quan sát về xả thọ.

Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Tỳ Kheo kia quan sát kỹ về thọ: Do nhân duyên của nhãn thức mà sinh thọ bất thiện. Thọ ấy muốn khởi lên thì duyên nơi thiện thứ hai làm cho thọ bất thiện diệt, thọ thiện được sinh.

Duyên ký kia diệt thì thọ ký diệt, thọ vô ký sinh. Tuần tự thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỷ xúc sinh, thọ do thiệt xúc sinh, thọ do thân xúc sinh, thọ do ý xúc sinh. Nếu biết rõ về thọ như vậy thì pháp thiện được đầy đủ, phiền não tiêu trừ. Người kia tu hành như thế rồi lại quán kỹ về thọ.

Người kia muốn quán về pháp của thọ, pháp của thọ đều bị che lấp. Như ánh sáng đèn thì bị ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng che lấp. Hai thọ ấy ngăn che cũng như vậy. Thọ thiện đã sinh rồi thì ngăn che thọ bất thiện. Nên biết như ánh sáng đèn, nếu có ánh sáng đèn thứ hai thì không thể làm chướng ngại nhau. Lại, suy xét về thọ.

Thọ nào và cùng với thọ nào ngăn che nhau một cách rốt ráo?

Người kia thấy thọ thiện ngăn che thọ bất thiện một cách rốt ráo. Còn như ánh sáng đèn thì ánh sáng của sao không ngăn che nhau.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia suy xét quan sát: Thọ cái gì?

Và đối với thọ nào có thể hủy hoại?

Người kia quan sát về thọ duyên vô lậu hủy hoại thọ duyên hữu lậu. Ví như ánh sáng lửa có thể che lấp ánh sáng của tuyết.

Thọ nào thắng thọ nào?

Người kia lại quán xét: Thọ bất thiện kia ngăn che thọ thiện, sau đó sinh trở lại. Giống như ban ngày, ánh sáng Mặt Trời che lấp ánh sáng Mặt Trăng. Vào ban đêm ánh sáng Mặt Trăng không bị che lấp.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia suy xét đúng đắn về thọ: Nhiều thọ hòa hợp lại thì một thọ có thể che lấp, vượt hơn nhiều thọ kia. Quán nhiều thọ kia là thọ thế gian. Một thọ là thọ của tâm vô lậu xuất thế gian. Thọ này thù thắng có thể che lấp thọ hữu lậu.

Giống như trong đêm tối có rất nhiều sao, nhưng chỉ một ánh sáng của trăng là có thể che lấp tất cả vì sao kia.

Lại nữa, Tỳ Kheo kia tùy thuận quan sát về thọ vi tế kia.

Thế nào là nhiều thọ?

Nghĩa là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân khởi lên đó là thọ hữu lậu.

Thế nào là thiện phát sinh?

Người kia quán xét về các thọ trong thế gian có nhiều thọ hữu lậu, không có thọ vô lậu, vì thế gian không có diệu lực. Như ánh sáng của sao trong đêm tối, khi có trăng thì nó không thể chiếu sáng hoàn toàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần