Phật Thuyết Kinh A Di đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật đàn Quá độ Nhân đạo - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ
TAM DA TAM PHẬT TÁT LÂU PHẬT
ĐÀN QUÁ ĐỘ NHÂN ĐẠO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẦN BA
Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật: Nếu những người thiện nam, thiện nữ và nhân dân trong thế gian này nguyện sanh sang Cõi Phật A Di Đà thì có ba hạng, làm việc phước đức có lớn có nhỏ, dần dần đến không tương ứng kịp.
Ba hạng đó là:
1. Hạng tối thượng là người từ bỏ gia đình, vợ con, đoạn tận ái dục, sống đời Sa Môn thành tựu đạo vô vi, thường làm Đạo Bồ Tát, phụng hành Kinh Ba La Mật, làm Sa Môn thì đối với Kinh giới không thiếu mất, tâm từ tinh tấn, không nên sân hận, không nên giao thông cùng người nữ, trai giới thanh tịnh, không có sự tham luyến nơi tâm.
Chí thành tha thiết, mong được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, luôn luôn tâm nhớ nghĩ không ngưng dứt. Trong thời gian cầu đạo, người này tự nhiên trong giấc ngủ mộng thấy Phật A Di Đà và các Bồ Tát, A La Hán.
Khi người này sắp qua đời, chính Phật A Di Đà và các Bồ Tát, A La Hán cùng bay đến nghênh đón, tức thời được sanh sang Cõi Phật A Di Đàt từ hoa sen hóa sanh trong ao bảy báu, tự nhiên thọ thân cao lớn, được làm Bồ Tát Bất Thối Chuyển và cùng với các Bồ Tát bay thành hàng đến cúng dường vô số Chư Phật khắp mười phương.
Người này liền đạt trí tuệ dõng mãnh, thích nghe Kinh Đạo, thân tâm hân hoan vui mừng, được ở nơi nhà cửa bằng bảy báu trong hư không, muốn làm việc gì tha hồ tùy ý và được thân cận Đức Phật A Di Đà.
Đức Phật dạy: Những ai muốn được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, phải tinh tấn giữ gìn giới Kinh, phụng hành những pháp như trên đã nêu, sẽ được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, được mọi người tôn kính. Đây là hạng người thứ nhất.
Đức Phật dạy: Ở đây có hạng người muốn được sanh sang Cõi Phật A Di Đà nhưng không thể lìa xa gia đình, rời bỏ vợ con, đoạn tận ái dục, làm Sa Môn.
Họ sẽ giữ gìn Kinh giới không để khiếm khuyết, làm nhiều việc bố thí, tin thọ lời Kinh Phật bằng niềm tin chí thành tha thiết sâu xa.
Cúng dường thực phẩm cho Sa Môn, làm Chùa xây Tháp, dâng hoa, thắp đèn, treo tràng phan tốt đẹp. Đúng pháp như vậy, không còn lệ thuộc thân sơ, không nên sân hận mà phải trai giới thanh tịnh, từ tâm tinh tấn, chấm dứt ý niệm về ái dục.
Muốn sanh sang Cõi Phật A Di Đà trong suốt một ngày một đêm không ngưng dứt thì ngay trong đời hiện tại cũng được nằm mộng thấy Phật A Di Đà.
Khi người này qua đời, Phật A Di Đà liền hóa hiện làm cho được trông thấy Phật và cõi nước của Ngài. Người nào được sanh đến Cõi Phật A Di Đà sẽ được trí tuệ dõng mãnh.
Đức Phật dạy:
2. Nếu người thực hành bố thí như vậy, về sau lại hối tiếc, trong lòng hồ nghi, không tin rằng bố thí, làm việc thiện, đời sau được phước. Không tin có Phật A Di Đà, không tin có cõi nước Phật để sanh vào.
Mặc dù vậy, người này không có ý niệm liên tục, lúc tin lúc không tin, ý chí do dự không chuyên nhất. Nhưng ước nguyện thiện vẫn tiếp tục là gốc cho nên được vãng sanh.
Khi bệnh, sắp qua đời, Đức Phật A Di Đà hóa làm hình tượng khiến cho người này được trông thấy nhưng không thể nói thành lời, trong lòng cảm thấy hân hoan, vui mừng, nghĩ rằng: Ta hối hận vì không biết là làm thiện, giữ gìn Trai giới, ngày nay mới được sanh sang Cõi Phật A Di Đà. Người này tự ăn năn hối lỗi như vậy.
Người hối lỗi mà đối với chuyện nhỏ có chút hổ thẹn thì vẫn kịp thời. Sau khi chết liền được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, nhưng không thể đến trước chỗ Phật A Di Đà.
Lại thấy tự nhiên ở trong thành bảy báu, ở một bên Cõi Phật A Di Đà, trong lòng cảm thấy rất vui nên dừng chân trong thành ấy và được hóa sanh trong hoa sen, nơi ao bảy báu.
Tự nhiên được thọ thân cao lớn, ở trong thành này khoảng năm trăm năm. Chu vi thành là hai nghìn dặm, trong thành cũng có nhà cửa bảy báu.
Trong ngoài thành đều có ao tắm bảy báu. Nơi ao tắm tự nhiên có hoa tỏa hương xung quanh. Trên ao tắm có những hàng cây bảy báu, tạo thành năm âm thanh.
Khi muốn ăn uống, tự nhiên có thức ăn hiện ra trước, đầy đủ hương vị ngon ngọt, tùy theo sở thích mà dùng. Người ở nơi thành này rất khoái lạc, có vật dụng tự nhiên sánh bằng trên Trời Đao Lợi.
Tuy vậy, người ở trong thành không ra ngoài được, không thấy Phật A Di Đà, nhưng thấy hào quang của Ngài, tự trách móc, ăn năn và hân hoan vui mừng.
Không được nghe Kinh, không được gặp các Tỳ Kheo Tăng, không được thấy biết dung mạo của các Bồ Tát, A La Hán trong Cõi Phật A Di Đà như thế nào. Người ấy sầu khổ, như vậy cũng như sự vừa ý nhỏ vậy. Phật không làm cho tự thân người này tạo tác, mà tự nhiên đạt được và tự tâm hướng về con đường vào trong thành.
Đời trước, khi cầu đạo, người này tâm và khẩu khác nhau, ý niệm và ngôn từ không thành tín, nghi ngờ Kinh Phật, không tín hướng Tam Bảo nên tự nhiên vào trong đường ác.
Phật A Di Đà thương xót, dùng oai thần dắt dẫn để được thoát ra. Người này ở trong thành suốt năm trăm năm mới được ra khỏi.
Đến chỗ Phật A Di Đà nghe Kinh nhưng tâm không tỏ ngộ suốt thông, không được ở nơi các Bồ Tát, A La Hán, Tỳ Kheo Tăng để nghe Kinh.
Chỉ ở nhà cửa trên đất bằng chứ không thể làm cho nhà cửa cao rộng tùy ý trong hư không được. Cách Phật A Di Đà rất xa, không được gần gũi bên Phật A Di Đà.
Người này không có trí tuệ sáng suốt, ít biết Kinh Điển, tâm không hoan hỷ, ý không cởi mở. Trải qua thời gian rất lâu, người này mới có trí tuệ tỏ ngộ, biết Kinh, tinh thần dõng mãnh sáng suốt, tâm ý an vui, dần dần mới được như hạng người thứ nhất như đã nêu trên.
Vì sao?
Vì người này đời trước lúc cầu đạo không giữ gìn trai giới, hủy mất pháp Kinh, ý chí nghi ngờ không tin lời Phật, không tin Kinh Phật sâu xa, không tin bố thí làm thiện đời sau sẽ được phước báo, mà còn có tâm lý hối tiếc, không tin sanh sang Cõi Phật A Di Đà, không chí tâm làm công đức. Do đó cho nên mới có sự thể như vậy. Đây là hạng người thứ hai.
Đức Phật dạy:
3. Người nào muốn sanh sang Cõi Phật A Di Đà mà không làm việc bố thí, không thắp đèn, xông hương, rải hoa, treo tràng phan bảo cái, làm Chùa, xây Tháp, cúng dường thực phẩm cho Sa Môn, thì phải đoạn tận ái dục, không có sự tham luyến, tâm từ bi tinh tấn, không nên sân hận, Trai giới thanh tịnh.
Đúng pháp như vậy mà thực hành và nhất tâm mong được sanh sang Cõi Phật A Di Đà trong suốt mười ngày đêm không gián đoạn. Đến lúc qua đời được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, có trí tuệ dõng mãnh, được mọi người tôn kính.
Đức Phật dạy: Người đã thực hành những điều như vậy, sau lại hối tiếc, tâm ý nghi ngờ, không tin làm thiện đời sau sẽ được phước báo, không tin sanh sang Cõi Phật A Di Đà.
Mặc dầu vậy, người này vẫn được vãng sanh khi mang bệnh, qua đời, được Phật A Di Đà làm cho trong giấc mộng trông thấy cõi nước của Ngài.
Người này vô cùng vui mừng, tự nghĩ: Ta hối tiếc không biết là làm nhiều những thiện nghiệp, ngày nay sẽ được sanh sang Cõi Phật A Di Đà. Chỉ suy nghĩ như vậy nhưng miệng không thể nói, tự ăn năn hối lỗi. Người hối lỗi có giảm tội chút ít nhưng vẫn còn kịp.
Khi qua đời, người này được sanh sang Cõi Phật A Di Đà nhưng không thể đến chỗ Ngài, chỉ ở trong thành bảy báu cách xa hai ngàn dặm mà trong lòng vẫn vui vẻ nên dừng lại nơi thành, hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu, tự nhiên thọ thân cao lớn. Cách thức trong thành cũng như thành trước, vật dụng tự nhiên ngang với cõi Trời Đao Lợi.
Người này ở trong thành suốt năm trăm năm mới được ra khỏi, đến chỗ Phật A Di Đà, trong lòng rất đổi vui mừng. Được nghe Kinh nhưng tâm không tỏ ngộ, ý không an lạc, trí tuệ tối tăm, Biết Kinh quá ít.
Chỉ được ở nhà cửa nơi đất bằng chứ không thể tùy ý làm cho nhà cửa cao rộng ở trong hư không được. Lại cách Phật A Di Đà quá xa, không thể thân cận bên Ngài, có lòng nghi ngờ giống như hạng người thứ hai.
Trải qua thời gian rất lâu, người này mới được trí tuệ khai mở, hiểu Kinh, dõng mãnh, tâm an lạc giống như hạng người thứ nhất.
Vì sao?
Vì đời trước, khi cầu đạo mà lòng lại nghi ngờ, lúc tin lúc không tin. Không tin làm thiện sẽ được phước đức, nên tự nhiên được phước quả như vậy.
Tùy vào công đức nhiều hay ít, tự nhiên đưa đến kết quả như thuyết Kinh hành đạo, siêu tuyệt gấp trăm ngàn vạn ức không sánh bằng.
Đức Phật dạy: Người nào muốn cầu làm Bồ Tát đạo và sanh vào Cõi Phật A Di Đà, về sau sẽ được Bồ Tát bất thối chuyển. Vị Bồ Tát bất thối chuyển này sẽ có ba mươi hai tướng tốt sắc vàng ròng và tám mươi vẻ đẹp, đều sẽ làm Phật. Tùy vào tâm nguyện mong cầu có thể làm Phật ở cõi nước phương khác.
Không bao giờ đọa vào loài cầm thú hay địa ngục, ngạ quỷ. Tùy theo sự tinh tấn cầu đạo mà sớm hay muộn bằng nhau. Cầu đạo không ngưng nghỉ thì sẽ đắc đạo, sự mong ước nguyện cầu không mất đi bao giờ.
Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật và Chư Thiên, Vua Quan, nhân dân rằng: Những ai muốn sanh sang Cõi Phật A Di Đà, mặc dầu không tinh tấn thiền định, giữ giới nhiều nhưng chủ yếu là làm thiện nghiệp:
1. Không được giết hại.
2. Không được trộm cắp.
3. Không được dâm dục hoặc dan díu với vợ người khác.
4. Không được nói dối.
5. Không được uống rượu.
6. Không được nói lưỡi hai chiều.
7. Không được nói lời thô ác.
8. Không được nói điều phù phiếm.
9. Không được nói lời ganh ghét.
10. Không được tham lam. Không được trong lòng có sự tham tiếc bỏn sẻn. Không được sân hận. Không được ngu si. Không được tha hồ tham muốn. Không được hối tiếc trong lòng. Không được nghi ngờ. Nên làm việc hiếu thuận. Nên trung tín chí thành. Nên tin nhận lời Kinh Phật.
Tin một cách sâu xa rằng: Làm thiện đời sau được phước. Hãy phụng trì như vậy, vì pháp này không bao giờ mất, nó tồn tại theo ước nguyện tự tâm để được sanh sang Cõi Phật A Di Đà.
Chính yếu là phải Trai giới, nhất tâm thanh tịnh, ngày đêm luôn giữ ý niệm muốn được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, suốt mười ngày mười đêm không gián đoạn. ta thương tưởng tất cả mọi loài nên làm cho họ được sanh vào Cõi Phật A Di Đà.
Đức Phật dạy: Người đời vì tình sâu và hiền minh, ở nhà tu thiện hành đạo, sống chung cùng vợ con trong ân tình luyến ái nên gặp nhiều lo nghĩ, khổ sầu, việc nhà trăm mối, không có thời gian rãnh rổi để một lòng trai giới thanh tịnh.
Và, mặc dầu không từ giã gia đình, xa lìa ái dục, nhưng có thời gian thong thả, tự đoan tâm chánh niệm, chuyên thân hành thiện, tinh tấn tu hành trong suốt mười ngày đêm, tuyệt đối không suy nghĩ, tính toán nhiều.
Nếu muốn thân này được độ thoát, phải hạ quyết tâm chấm dứt niệm tưởng và bỏ sự âu lo. Chớ nghĩ đến việc nhà, không cùng với người nữ chung giường, tự đoan thân chánh niệm, đoạn tận ái dục, nhất tâm trai giới thanh tịnh, chí thành nghĩ đến việc sanh vào Cõi Phật A Di Đà, suốt một ngày đêm không gián đoạn.
Đến khi qua đời được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, hóa sanh trong hoa sen nơi ao bảy báu, sống trong nhà cửa cũng bằng bảy báu, tùy ý hành động một cách tự tại, giống như hạng người thứ nhất đã nếu trên.
Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật: Vô số Chư Thiên, loài người, Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di khắp mười phương mà được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, tất cả hội chúng lớn, người người đều cùng ở trong ao tắm bảy báu, cùng ngồi trên một hoa sen lớn, tự tu luyện Đạo Đức và hành thiện. Ai nấy đều tự nói về thời gian cầu đạo trong đời trước của mình.
Họ đã giữ giới, thực hành pháp thiện hay cội nguồn nơi họ sanh ra như thế nào?
Sự ưa thích Kinh Đạo, trí tuệ biết Kinh, công đức thực hành bố thí... theo trình tự, họ nói tất cả. Biết Kinh có rõ hay không. Trí có sâu cạn, lớn nhỏ. Đức có cao thấp, dày mỏng. Đạo tự nhiên phân biệt rõ ràng. Tài năng, trí tuệ dõng mãnh, chúng quán chiếu nhau, lễ nghĩa thuận hòa, cùng tự hoan hỷ phấn chấn, trí tuệ có dõng mãnh.
Đức Phật dạy: Người làm công đức không do dự, làm thiện an vui, không tin điều vớ vẩn, không ỷ lại giải đãi. Vì hành pháp như vậy, đến lúc vân tập thuyết Kinh Đạo, tự nhiên bị thúc giục nên ứng đáp chậm chạp, trí đạo thù thắng siêu tuyệt, tài năng cao lớn, mạnh mẽ nhưng phân vân giữa đôi bờ, gặp việc mới hối tiếc, có hối tiếc cũng đã rồi. Về sau hối hận trong lòng hẳn có ích gì, và luyến tiếc cũng vậy thôi.
Đức Phật dạy: Các Bồ Tát, A La Hán... ở Cõi Phật A Di Đà tự nhiên vân tập rất đông đủ.
Ở trong đại hội, họ tĩnh tâm chánh niệm, đoan tâm chánh hạnh, thần thông tự tại, cùng tiếp nối nhau bay đi ra vào, cúng dường vô cùng vô tận, tâm hân hoan vui mừng cùng nhau xem kinh hành đạo, hòa hiếu lâu bền, trí tuệ vẹn toàn, chí lớn sánh với hư không, tinh tấn cầu nguyện, tâm không bao giờ thối lui, ý không bao giờ lay chuyển, không khi nào giải đãi.
Tuy cầu đạo bên ngoài có vẻ chậm rãi nhưng bên trong lại khẩn cấp. Mênh mông như hư không nhưng vẫn vừa hợp bên trong, trong ngoài tương xứng, nghiêm chỉnh tự nhiên, nghiêm túc thẳng ngay, thân tâm thanh khiết.
Không có ái dục, không có sự tham đắm, không có những tỳ vết dơ xấu, chí nguyện các chúng Bồ Tát, A La Hán hoàn toàn an định, thù thắng tốt đẹp, không thêm, thiếu hay giảm. Cầu đạo hợp với chánh, không nghiêng theo tà, y theo đạo pháp, theo tôn chỉ của Kinh không dám sai lệch. Bất cứ nơi nào ở khắp mười phương vẫn không có bờ bến.
Những người này tùy ý tự tại đi đến nơi vô cùng vô tận, an nhiên hành đạo. Độ lượng và rộng rãi thênh thang, chỉ nghĩ đến đạo chứ không nghĩ gì khác, không có lo nghĩ, tự nhiên vô vi như đứng giữa hư không.
An nhiên vô dục, thực hành thiện nguyện, hết lòng tìm cầu và nuôi dưỡng tâm từ thương xót, trong ngoài đều tinh tấn, hợp với lễ nghĩa, rỗng suốt không trái, tương xứng thuận hòa bao trùm cả trong ngoài, hóa độ chúng sanh giải thoát mới có thể thẳng tiến Niết Bàn.
Tăng trưởng cùng đạo đức hợp thành ánh sáng, tự nhiên cùng bảo thủ nhau, càng thêm nhiều an vui, chân thật càng nhiều, chân thật rõ ràng khiết bạch, chí nguyện vô thượng, an định thanh tịnh, tĩnh lạc vô cùng tận, tốt đẹp không gì sánh bằng, sáng ngời vời vợi, tỏa chiếu mở bày xuyên suốt tất cả. Tướng tự nhiên trong tự nhiên nhưng có nguồn cội.
Tự nhiên thành năm ánh sáng, năm ánh sáng đến chín màu, chín màu xen lẫn xoay vòng tính đến trăm ngàn lần, tự nhiên đơn hoặc kép, tự nhiên thành bảy báu, tung hoành tất cả thành vạn vật. Hào quang trong suốt xen lẫn ánh sáng tỏa ra màu sắc diệu kỳ, đẹp vô cùng vô tận.
Cõi Phật vô cùng tốt đẹp đến thế, tại sao chúng sanh không nỗ lực làm thiện?
Tự nhiên nghĩ đến đạo, để tâm nơi không trên dưới, rỗng suốt không bờ bến, bỏ chí trong hư không. Tại sao không tinh tấn, nỗ lực tự tìm cầu có thể đạt đến nơi siêu tuyệt, sanh sang Cõi Phật A Di Đà, cắt đứt năm đường ác, lấp mất cõi ác, tiến lên đạo quả vô thượng, dễ dàng cho tất cả mọi người tến đến. Cõi Phật không ngược dòng, tùy thuận tự nhiên.
Tại sao không rũ bỏ việc đời, nỗ lực đi tìm cầu đạo đức để có được cuộc sống dài lâu, tuổi thọ dài vô tận?
Tại sao đắm trước việc đời, rối rắm với những ưu tư dời đổi?
Người đời bạc bẻo, phàm trần, cùng tranh đua bao việc không đâu, cùng sống trong chốn khổ cực, xấu ác kịch liệt, đời sống nhọc nhằn vì kế mưu sinh.
Không luận tôn ty, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ đều phải lo lắng về tiền tài, dầu có hay không vẫn phải ưu tư như nhau. Sầu khổ thêm nhiều, nghĩ suy chồng chất, bị tâm sai khiến, chẳng mấy lúc được an.
Có ruộng thì lo ruộng, có nhà lo nhà, có trâu lo trâu, có ngựa lo ngựa, có gia súc lo gia súc, có nô tỳ lo nô tỳ, có y phục, tiền tài, vàng bạc, vật báu... cũng phải âu lo những của cải ấy.
Suy nghĩ triền miên, lo sầu sợ hãi, ngang trái thật vô cùng, đạo tặc, nước, lửa, oan trái, nợ nần. Bị nước trôi, lửa cháy, trói buộc, đường đột chết chìm, lo khổ và vội vàng, chẳng lúc nào được giải thoát.
Sân hận kết tập thành khí uất ức trong lòng ngực, lo sầu khổ não thành bệnh nơi ngực, bụng... không dứt. Tâm ý chấp chặt không buông xả, hoặc bị giam giữ suốt đời cho đến mất mạng.
Cuộc sống chẳng còn thì có chi là mang theo được?
Dẫu là địa vị giàu sang phú quý, hoặc nghèo hay giàu. Có chăng chỉ còn nỗi lo sợ hãi hùng, khổ sở, nhọc nhằn như vậy. Cùng chung ở với bao nỗi thống khổ về nóng, lạnh... kết hợp.
Người nghèo ít gia sản, bị khốn khổ bần cùng, thiếu hụt, không có ruộng lại lo muốn có ruộng, không có nhà lo lắng muốn có nhà, không có ngựa lo lắng muốn có ngựa, không có trâu lại lo muốn có trâu, không có gia súc lại lo muốn có gia súc, không có nô tỳ lại lo muốn có nô tỳ.
Không có y phục, thực phẩm, tiền tài, mọi vật dụng... lại lo muốn có tất cả những thứ đó. Vừa có thứ này, lại thấy thiếu thứ kia. Có cái này ít thì nghĩ phải có cho nhiều bằng cái kia. Vừa đủ cái ít, liền muốn được đủ trọn vẹn.
Thế nên khổ cả một đời vì phải tìm cầu, lo nghĩ vô ích, không khi nào đạt được. Thân tâm đều lao nhọc, ngồi đứng cũng bất an.
Tâm âu lo theo cùng bao gian lao khổ nhọc đốt cháy tâm, không xa lìa sân hận, chỉ còn giận dữ và tập kết các thứ nóng, lạnh cùng cư ngụ với sự thống khổ.
Có khi được sống ở Cõi Trời cũng không chịu hành đạo làm thiện, đến lúc chết đều phải một mình vào nẻo xa xôi, có chỗ hướng về con đường thiện hoặc ác, làm sao biết được?
Hoặc có khi người đời như cha con, anh em, vợ chồng, thân thuộc trong ngoài gia thất, ở giữa đất Trời đều phải yêu kính nhau, không nên oán ghét nhau, có hay không đều phải giúp đỡ nhau, chớ nên có tâm tham tiếc, ngôn từ và sắc diện luôn hài hòa, không nên chống đối nhau.
Giả sử tâm có sự sân hận tranh cãi với nhau thì đời này ý hận thù liên quan với sự ganh ghét cho đến đời sau trở thành oán đối kịch liệt.
Vì sao?
Vì như việc đời nay muốn cùng hại nhau, tuy chưa đến lúc phá hại nhau kịp, nhưng tinh thần sầu khổ kết thành uất hận, tự nhiên khắc sâu trong tâm thức, mãi không rời bỏ và sẽ tương sanh tương báo nhau.
Con người sống trong ái dục ở thế gian sẽ đến trong cuộc đời một mình, trở lại một mình và chết một mình, sống cũng có một mình. Chính mình tiến đến chốn khổ vui mà không ai thay thế được.
Thiện ác biến hóa chỗ khác thành tai họa, lỗi lầm đọng lại đợi làm hành trang, rồi sẽ một mình đi đến những chốn xa xăm, nào ai thấy được sẽ ở chốn nào?
Thiện hoặc ác tự nhiên đeo đuổi suốt quảng đường đời, thăm thẳm mịt mù, biệt ly mãi mãi, không cùng đạo lộ nên chẳng hẹn thời gian gặp gỡ, rất khó được cùng gặp lại nhau.
Tại sao không từ bỏ việc gia đình khi hãy còn khỏe mạnh, trẻ trung để nỗ lực làm thiện, nỗ lực tinh tấn mong cầu vượt qua đời sống thế gian để được trường thọ vô tận?
Không chịu quyết tâm cầu đạo, lại mong cầu chờ đợi niềm vui nào nữa?
Những người như vậy không tin làm thiện được phước, không tin hành đạo sẽ đắc đạo, không tin sau khi chết sẽ tái sanh, không tin bố thí cho người khác thì được phước đức.
Hoàn toàn không tin gì cả! Không có niềm tin cho nên không có gì cả. Vì thế, những điều gặp phải cùng thay nhau nghe, lần lượt tiếp nối truyền thọ dần dần.
Ngoài giáo lệnh của cha đến Tiên Nhân, Tổ Phụ, hoàn toàn không làm thiện. Vốn không hành đạo nên thân ngu thần ám, tâm ý bế tắc, chẳng thấy được đạo lớn, không thể thấy được hướng đến chốn nào của người sống hay chết, cũng không biết được và không thấy con đường thiện ác, chẳng nói được gì.
Những thiện ác hay phước đức đã làm, tai ương lầm lỗi, họa phúc, trách phạt đều tự có tác dụng, chứ chẳng có gì lạ cả. Cho đến con đường sanh tử chuyển tiếp không ngừng, hoặc cha khóc con, con khóc cha, em khóc anh hay anh khóc em, vợ khóc chồng hay chồng khóc vợ, gốc ngọn, dưới trên, vô thường điên đảo đều sẽ đi qua không tồn tại được.
Với lời dạy mở đường dẫn lối, người tin đạo rất ít nên phải chịu tử sanh không có ngừng nghỉ. Những hạng người này tội lỗi, mê muội, không tin lời Kinh mà muốn khoái lạc.
Tâm không suy nghĩ tính toán, ngu si nơi ái dục, chẳng biết đạo đức, mê hoặc nơi sân hận, tham đắm tài sắc, mắc tội không đạt đạo, phải sống nhọc nhằn gian khổ, sanh nơi đường ác, cực nhọc không bao giờ được tạm ngưng, đau đớn thật đáng thương!
Khi những người thân trong gia đình như cha con, anh em, chồng vợ... đi đến sự sống chết, khiến họ phải buồn thương khóc lóc.
Những lo nghĩ phẫn uất liên kết ân ái triền miên, tâm ý vương vít thống khổ sầu thương suốt ngày đêm làm buộc ràng, chướng ngại, không lúc nào được nhẹ nhàng, giải thoát.
Nếu được sự chỉ dạy về đạo đức thì tâm không tỏ ngộ mà lại nghĩ đến ân tình yêu mến không nguôi, làm che khuất tối tăm và chồng chéo thêm nghẽn lối, không thể suy tính được.
Tự tâm đoan chánh, quyết định từ bỏ việc đời, chuyên nhất hành đạo, xoay vần cho đến cuối cùng của cuộc sống vẫn không thể đắc đạo, không thể được gì.
Tất cả những xấu xa rối rắm ấy đều từ tham đắm ái dục. Với cách sống ấy thì rất nhiều người không hiểu đạo và rất ít người đắc đạo. Cuộc đời chợt thoáng mong manh, không thể lười biếng, ỷ lại.
Tôn ty cao thấp, sang giàu phú quý hay nghèo nàn, nam nữ lớn nhỏ bôn ba việc của mình nên phải nhọc nhằn cùng khổ, ôm lòng oán thù sát hại, khí ác phủ mờ tăm tối, không ai mà không buồn bã vì những việc làm vọng tưởng, ác nghịch đất Trời, chẳng thuận nhân tâm.
Trước theo sự ác không đạo đức, tha hồ hành động. Tuổi thọ chưa đến đã vội mất thân, liền rơi vào đường ác, khổ sở nhiều đời, sầu đau triền miên đến ngàn vạn ức năm không có kỳ hạn.
Thống khổ làm sao nói hết, thật đáng thương thay! Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật và các Trời, Vua Quan, nhân dân:
Ta bảo các ngươi rằng: Việc của người thế gian là tội lỗi nên họ không đạt đạo. Các ngươi hãy suy nghĩ cho chín chắn. Hãy buông bỏ xa lìa nghiệp ác và thực hành theo nghiệp thiện. Nên kiên trì, chớ làm việc trái quấy theo vọng tưởng.
Càng làm nhiều việc thiện thì sự trỗi dậy của ái dục dù lớn hay nhỏ, nhiều hay ít cũng không thể tồn tại được. Thế nên đừng ưa thích mà hãy xa lìa chúng, hướng về Đức Thế Tôn, có sự tin nhận lời Kinh sâu xa của Phật, phụng hành đạo đức.
Những người này là em nhỏ của ta. Những người muốn học giới Kinh Phật tôn quý đều là đệ tử của ta. Những người muốn lìa xa gia đình, từ giã vợ con, dứt bỏ tiền tài, sắc đẹp, xuất gia làm Sa Môn, làm Tỳ Kheo của Phật... đều là con cháu của ta.
Rất khó được gặp ta ở đời. Người nào nguyện được sanh sang Cõi Phật A Di Đà, muốn được trí tuệ dõng mãnh, được mọi loài tôn kính thì không nên để tâm chạy theo dục vọng, làm trái ngược giới Kinh.
Về sau, người này thỉnh thoảng có lúc nghi vấn không hiểu ý Kinh, đến thỉnh hỏi Phật, ta sẽ giải thích cho.
Bồ Tát A Dật quỳ gối chắp tay thưa: Oai thần Phật vô cùng tôn quý, Ngài thuyết Kinh an thiện, chúng con được nghe lời Phật dạy, trong tâm đều thông suốt, người đời cũng vậy.
Đúng như lời Phật dạy, hoàn toàn không khác. Nay Phật từ bi thương xót chúng con, mở bày con đường lớn, chỉ dạy cho chúng con con đường sống. Mắt tai chúng con hôm nay mới được nhìn xa trông rộng và được độ thoát.
Hôm nay chúng con thực sự được sanh ra, được nghe lời Phật dạy, không ai mà không có từ tâm tỏ ngộ và hân hoan vui mừng. Tất cả Chư Thiên, Vua Quan, dân chúng cho đến vạn loại côn trùng đều được nhờ ân cao cả. Ai nấy đều được giải thoát khỏi lo sầu đau khổ. Lời Phật chỉ dạy vô cùng sâu xa hiền thiện, tận cùng căn để.
Trí tuệ Phật thấy biết tất cả mọi việc thời quá khứ, tương lai và hiện tại, không kể trên hay dưới, mênh mông vô bờ bến khắp mười phương.
Gặp được Phật rất khó thay! Từ tâm của Phật làm cho chúng con được độ thoát, đều nhờ đời trước, khi Phật còn cầu đạo đã chịu khó chịu khổ, ân cần học hỏi mới đạt đến giác ngộ.
Ân đức bao trùm, Ngài đã ban bố phước đức, phước lộc cao vời vợi. Hào quang tỏa chiếu muôn phương sáng đến hư không vô tận, xuyên suốt Cõi Niết Bàn.
Ngài nắm tất cả sự truyền trao giáo hóa Kinh Điển hòa tan chúng thành mạch sống, tiến đến tuệ giác và tình thương, ân cần khắp cả muôn loài đến vô cùng vô tận.
Phật là Đấng Thánh Chúa, là bậc Pháp Sư tôn quý tuyệt vời mà không ai có thể sánh được. Ngài vì Chư Thiên, Vua Quan, dân chúng mà làm thầy khắp mười phương. Tùy vào tâm nguyện ước mong của mỗi chúng sanh lớn hoặc nhỏ Ngài đều làm cho họ đắc đạo.
Ngày nay chúng con được gặp Phật, được nghe thanh âm Đức Phật A Di Đà, chúng con vui mừng khôn xiết, không ai mà không được khai sáng trí tuệ.
Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật: Nếu quả đúng như lời ông trình bày tức là đã có tâm từ và tâm đại hỷ đối với Phật thì hãy niệm Phật. Thế Giới rất lâu xa mới có Phật.
Nay ta làm Phật nơi cuộc đời khổ lụy này, ta đã nói về Kinh Đạo, giáo hóa truyền trao cho chúng sanh được thấu suốt, cắt đứt sự nghi ngờ, đoan tâm chánh hạnh, nhổ sạch gốc ái, đoạn tận cội nguồn xấu ác, tự tại thong dong, trí tuệ siêu việt suốt cả trong lẫn ngoài, nắm giữ tất cả giềng mối, chiếu sáng phân minh, khai thị năm đường, biết thật chính xác đâu là con đường sanh tử, Niết Bàn.
Đức Phật dạy: Nếu như các ngươi từ vô số kiếp đến nay, số kiếp nhiều không thể tính đếm được, các ngươi hành đạo Bồ Tát muốn hóa độ Chư Thiên, loài người và loài côn trùng nhỏ nhít, đến nay thật là lâu xa. Người theo được đạo độ thoát nhiều vô số, cho đến đắc đạo quả Niết Bàn cũng nhiều vô số.
Hoặc là các ngươi và Chư Thiên, Vua Quan, dân chúng, hoặc Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di khắp mười phương. Hoặc đời trước của các ngươi từ vô số kiếp đến nay xoay chuyển trong năm đường sanh tử.
Than ôi, tiếng khóc và nước mắt chuyển sang cùng lòng tham luyến tiếc, ưu tư sầu khổ, đau đớn khổ sở không thể nói hết. Sanh tử mãi đến đời này không dứt. Chính ngày hôm nay được gặp Phật cùng gặp hội chúng, mới được nghe thanh âm của Phật A Di Đà, thật là an vui. Ta trợ giúp các ngươi sự an vui ấy và tự nhàm chán sự đau đớn sanh tử.
Khi sanh ra thật là đau xót, thật là khổ sở, thật là cùng cực. Đến trưởng thành cũng đau xót, khổ sở và cùng cực. Lúc chết cũng đớn đau, khổ sở và cùng cực. Ở chốn rất xấu ác bất tịnh, không được trong sạch. Thế nên Phật nói cho các ngươi tất cả.
Các ngươi có thể tự quyết định đoạn tuyệt con đường ác và chốn xấu xa. Các ngươi có thể tự đoan chánh thân tâm, thực hành nhiều thiện nghiệp, luôn đoan chánh bên trong lẫn bên ngoài, gột sạch thân thể, tẩy trừ tâm nhơ bẩn, thúc liễm thân tâm tương ứng nội tâm và ngoại thân, nói và làm trung tín thì con người mới có thể tự độ thoát. Giúp đỡ lẫn nhau nhổ sạch gốc ái dục.
Tâm chí thành sáng suốt, nguyện cầu không lay chuyển, kết thành căn bản đạo thiện. Tuy tinh tấn khổ nhọc một đời nhưng chỉ là thoáng chốc.
Đời nay làm thiện, đời sau sanh ang Cõi Phật A Di Đà, vô cùng khoái lạc, an vui, tăng trưởng đạo đức, sáng suốt và được điều thiện, cùng nhau hộ trì, mãi mãi xa lìa phiền não khổ đau nơi con đường xấu ác.
Nhổ sạch gốc rễ các ác và khổ đau, đoạn trừ những ân nghĩa ái dục, trường sanh nơi Cõi Phật A Di Đà và không còn những đớn đau thống thiết, cũng không có những chốn xấu ác, không có sự khổ sở nhọc nhằn, không có dâm dục, sân hận và ngu si, không có lo nghĩ khổ sầu.
Sanh nơi Cõi Phật A Di Đà, muốn thọ một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp hay ức kiếp, tùy theo ý muốn tuổi thọ là vô số kiếp hay không thể tính được số kiếp cũng được tha hồ tùy ý đạt được tất cả. Thích ăn hay không tự do tùy ý, hoàn toàn tự nhiên được như ý muốn.
Đối với đạo quả Niết Bàn, mỗi người tự nỗ lực tinh tấn, sáng suốt tìm cầu, mong muốn phát nguyện, trong lòng không nên có sự hối tiếc hay nghi ngờ.
Người nào muốn được Vãng Sanh thì không còn mắc phải những lầm lỗi nữa, người ấy sẽ ở bên cạnh cõi nước Phật A Di Đà, tự nhiên ở trong thành bảy báu đúng năm trăm năm.
Bồ Tát A Dật thưa: Chúng con được nghe những lời dạy rất nghiêm minh của Đức Thế Tôn, ai nấy đều tinh tấn, nhất tâm mong cầu, vâng theo lời Phật dạy, không dám lười biếng, nghi ngờ.
Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật và đại chúng: Các ngươi ở trong cuộc đời này mà có thể tự chánh ý định tâm, thân không làm điều ác, đó là đức thiện vĩ đại nhất. Những người như vậy thật là tối thượng trong mười phương, không ai sánh được.
Vì sao?
Vì Chư Thiên và loài người trong vô số Cõi Phật khắp mười phương đều tự nhiên làm thiện, ít người làm ác nên dễ giáo hóa. Nay ta làm Phật nơi thế gian này là làm Phật ở nơi năm ác, năm thống khổ, năm thiêu đốt.
Ta tận lực đem những lời chỉ dạy cho nhân dân, làm cho họ buông bỏ năm ác, xa lìa năm thống khổ, tránh được năm lửa thiêu. Ta điều phục, giáo hóa tâm của những người này, làm cho họ giữ năm thiện nghiệp, được phước đức, sống lâu, vượt khỏi thế gian và đắc đạo Niết Bàn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Lượng Số Chư Vật
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Nên Hành Trì, Không Nên Hành Trì - Phần Mười - Kết Luận
Phật Thuyết Kinh Ba Pháp Quán Bảy Xứ - Kinh Số Bốn Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tật Bệnh - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Mười điều An Lành
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tam Ma đề - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bảy - Ngạ Quỷ Sự - Phẩm Hai - Phẩm Ubbarì - Chuyện Ankura Ankura
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười Một - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhì - Phần Một