Phật Thuyết Kinh Ly Cấu Thí Nữ - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH LY CẤU THÍ NỮ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN HAI
Các Thiên Tử liền quán sát tâm niệm của ta, dốc một lòng tin tưởng, bèn thuyết kệ này để tán thán Phật:
Tóc Phật màu xanh biếc
Đẹp sạch, xoắn phía hữu
Như hoa sen trăm cánh
Mặt Phật như trăng rằm.
Lông trắng giữa chặng mày
Sáng trong như là tuyết
Mắt như hoa sen xanh
Như Vua trong loài ong.
Sư tử trong loài người
Màu sắc môi đỏ tươi
Lông mi rất mem dịu
Ngay thẳng mà đẹp đẽ.
Lưỡi rộng phủ kín mặt
Cho đến giáp mé tóc
Lời Phật dạy ôn hòa
Ban vui khắp mọi loài.
Âm thanh như chuông đồng
Như kèn, sáo, tù và
Và nhu hòa trang nhã
Giống như tiếng cầm, sắt.
Tiếng chim Chân Đà Lạc
Anh vũ cùng gà Côn
Hót vang khắp núi rừng
Âm thanh Phật tối thắng.
Phật gầm tiếng sư tử
Vi diệu trừ các bệnh
Xa lìa các cấu uế
Thật ngữ dứt kiến chấp.
Phật sống với đại chúng
Nghi vấn được giải trừ
Nói điều không sai sót
Khiến mọi người vui mừng.
Thắng mình, bỏ mọi chấp
Giống như nẻo vắng lặng
Lời nói không kiêu mạn
Hình thể rất diệu kỳ.
Chất phác không quanh co
Đều vì chúng dạy bảo
Như kết hoa làm vòng
Tuệ Phật cũng như vậy.
Ý niệm đều sung mãn
Cánh tay dài quá gối
Lòng bàn tay thẳng đều
Ngón tay nhỏ, dài, đẹp.
Thân cao lớn vững chắc
Dung mạo ánh sắc vàng
Thân thể Phật hiển lộ
Ở xa đều nghe tiếng.
Lông mềm mại sắc tía
Đều xoáy về phía phải
Bắp vế như long tượng
Hai đầu gối rộng đẹp.
Chân bằng, như bức tranh
Phía dưới có tướng luân
Oai đức Phật như vậy
Với thấy biết của tôi.
Thế gian không ai hơn
Vượt khỏi các xứ hữu
Đấng lương y đại từ
Cứu giúp những chúng sinh.
Đoạn trừ mọi trói buộc
Như hoa sen không nhiễm
Ta nghe các vị Trời
Tán thán Phật như vậy.
Ly Cấu Thí nói với Phạm Chí: Ta nghe Chư Thiên tán thán công đức của Phật như vậy. Từ đó về sau, ta không hay nhớ nghĩ về sự ngủ nghỉ, cũng không có tưởng về dâm, nộ, si, nguy hại, không tham chấp nơi cha mẹ, anh, chị, em, hàng tri thức thân thuộc, cũng không ái nhiễm về y phục, đồ trang sức, mạng sống, quốc thành, những sự vui chơi v.v… chỉ độc nhất một việc cung kính niệm Phật và Đại Thánh.
Phạm Chí nên biết! Vì vậy nơi nào Như Lai giảng thuyết Kinh Pháp, ta đều đến nghe, không mất một câu, lãnh hội nghĩa lý thâm diệu. Ngày đêm ta luôn quán tưởng Phật không dừng nghỉ, lúc nào cũng thấy Phật, cho nên nghe pháp, cung kính Thánh chúng, ta không nhàm chán.
Khi Ly Cấu Thí ca ngợi oai đức của Phật và Thánh chúng thì Phạm Chí, Phạm Thiên, năm trăm Phạm Chí khác, nghe rồi đều rất mừng rỡ và đồng phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Giác.
Vương Nữ bèn xuống xe, đến chỗ các vị Bồ Tát và Thánh đệ tử, cúi đầu đảnh lễ nơi chân, nhất tam cung kính đứng chấp tay. Khi ấy, Hiền Giả Xá Lợi Phất nhìn thấy Ly Cấu Thí.
Ly Cấu Thí bạch Hiền Giả Xá Lợi Phất: Cúi xin Hiền Giả, vì thân nữ nhân có hai điều nên biết là dục trần như lửa, lại nhiều phóng dật, chỗ đáng ưa thích thì tâm không nhớ nghĩ thuận hợp, không hướng đến giải thoát mà còn buông lung nữa.
Lành thay Hiền Giả! Xin hãy thương xót chúng con mà Thuyết Pháp, để chúng con được an lạc mãi mãi, không bị tai nạn.
Vừa nói như vậy xong thì Vua Ba Tư Nặc cùng các quần thần đi đến chỗ ấy.
Vua nghe những lời trên, bèn nói với Ly Cấu Thí: Chỉ một mình con là sung sướng nhất, cớ sao lại cực khổ để nhan sắc tiều tụy, lại đến nơi này. Từ lúc sinh ra đến nay, con chưa từng đi bộ, vì sao con chẳng ngủ nghỉ, lại không ưa vui chơi, tạo mọi thích thú cho riêng mình.
Vua Ba Tư Nặc vì Ly Cấu Thí nói kệ:
Dung mạo tươi đẹp
Như ngọc nữ Trời
Anh lạc đầy đủ
Hương xông y phục
Than con như vậy
Vì sao nhàm chán?
Có gì không vui
Mà không ngủ nghỉ
Trong nước của ta
Giàu nhiều của báu
Tuy có cha mẹ
Vẫn được tự do
Sao lại không vui
Nay được tự tại
Tâm con thế nào
Không thích ở nhà
Vui lòng cha mẹ
Tất cả mọi người
Đều yêu kính con
Vì sao không vui?
Lại đến ngồi đây
Bao nhiêu anh lạc
Trang nghiêm thân con
Thấy nghe điều gì
Ôm lòng lo sợ
Thân thể mệt mỏi
Con cho cha biết
Ý định của con
Nay phát thệ nguyện?
Cầu đạt những gì?
Ly Cấu Thí nói kệ thưa phụ vương:
Đại Vương không hiểu
Nỗi khổ sinh tử
Hoạn nạn các ấm
Thân thể mong manh
Tưởng nhớ tham dục
Mọi việc huyễn hóa
Mạng sống ở đời
Không ngừng một giây
Đại Vương nên hiểu
Rắn độc nơi ta
Sao an tâm ngủ
Và tham các dục?
Nơi đây đếm có
Bốn loại rắn độc
Tâm luôn nhớ nghĩ
Làm sao vui được
Khi các cừu địch
Cùng nhau bức bách
Chúng sinh khổ não
Sao lại an vui
Oán kiết phiền não
Xung đột liên tục
Con phải làm gì
Đem lại niềm vui?
Người đọa trong độc
Ai được ngủ nghỉ?
Chưa bỏ oan gia
Làm sao hoan hỷ
Rơi vào hầm lửa
Nương cậy vào đâu?
Cha mẹ nên biết
Việc đời như vậy
Nay phải quán xét
Tự tại tối thắng
Khi con phát tâm
Muốn gặp được Phật
Cha nghe con nói
Chưa từng thấy nghe
Bồ Tát mà lại
Ôm lòng phóng dật
Sợ hơn tệ thú
Đuổi bắt lấy nhau
Mà rất tinh tấn
Cừu địch cầm gay
Cầm đao đuổi người
Mà lại đói khát
Vào nơi làng trống
Sợ giặc sinh tử.
Ai sẽ an vui?
Xét ra xem thân này
Giống như hộp tô vẽ
Bên trong có cảm thọ
Dựa vào bốn rắn độc
Vô lượng loại Ấm, Cái
Hoạn nạn là giặc oán
Ai vui nơi hoang vắng
Cảnh giới đáng sợ hãi.
Khi ấy, Ly Cấu Thí hỏi Hiền Giả Xá Lợi Phất: Thưa Hiền Giả! Xin vì con mà giảng nói về trí tuệ. Con nghe ai cũng ca ngợi trí tuệ của Hiền Giả là tối tôn trong hàng thâm niên.
Trí tuệ ấy là hữu vi hay là vô vi?
Giả sử hữu vi thì sự phát khởi sinh diệt đều là pháp hư dối. Nếu là vô vi thì xa lìa ba tướng. Vì thế cho nên, không có sự sinh khởi thì trí tuệ ấy không hợp hội, là không thật có.
Lúc này, Hiền Giả Xá Lợi Phất yên lặng không trả lời.
Hiền Giả Đại Mục Liên nói: Hiền Giả Xá Lợi Phất! Hãy trả lời câu hỏi của Ly Cấu Thí.
Xá Lợi Phất đáp: Vương Nữ này không hỏi về hữu vi, hay vô vi mà lại nói về không bất khởi, thì không thể dùng lời nói để trả lời được.
Ly Cấu Thí hỏi Hiền Giả Đại Mục Liên: Đức Thế Tôn thường khen ngợi Hiền Giả là thần thông đệ nhất trong hàng Trưởng Lão.
Vậy lúc Hiền Giả hiện thần thông thì tưởng niệm về chúng sinh hay tưởng niệm nơi pháp?
Nếu khi hiện thần túc mà tưởng niệm về chúng sinh thì chúng sinh hư vọng không thật, nên thần túc cũng không. Nếu tưởng niệm về nơi pháp thì pháp là không có chỗ tạo tác. Đã không có chỗ tạo tác thì là không thể thủ đắc. Mà không thể thủ đắc thì không có chỗ để tưởng.
Đại Mục Liên im lặng không đáp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Bốn - Phẩm Buông Lung - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Nhập Lăng Già - Phẩm Mười - Phẩm Kệ Tụng Phần Thứ Nhất - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Bốn - Phẩm Thiện Quyền
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hữu Thân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh ưng Thí
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Mười - Trang Nghiêm Tịnh độ