Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Thập Nhẫn - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI PHƯƠNG
QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thật Xoa Nan Đà, Đời Đường
PHẨM HAI MƯƠI CHÍN
PHẨM THẬP NHẪN
PHẦN HAI
Chư Phật Tử! Trên đây gọi là mười nhẫn của Đại Bồ Tát.
Bấy giờ Phổ Hiền Bồ Tát muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
Như trong đời có người
Nghe chỗ có kho báu
Vì có thể hưởng được
Nên lòng rất vui mừng.
Cũng vậy, đại trí huệ
Bồ Tát chân Phật Tử
Ðược nghe các Phật Pháp
Tướng thậm thâm tịch diệt,
Lúc nghe thâm pháp này
Trong tâm được an ổn
Chẳng kinh cũng chẳng hãi
Cũng chẳng sanh sợ sệt.
Ðại Sĩ cầu bồ đề
Nghe tiếng quảng đại này
Tâm tịnh hay kham nhẫn
Nơi đây không nghi lầm.
Tự nghĩ: Do nghe được
Pháp thậm thâm vi diệu
Sẽ thành nhất thiết trí
Nhân Thiên Ðại Ðạo Sư.
Bồ Tát nghe tiếng này
Trong lòng rất hoan hỷ
Phát sanh ý kiên cố
Nguyện cầu các Phật Pháp
Vì mến thích bồ đề
Nên tâm lần điều phục
Lòng tin thêm tăng trưởng
Không trái chê chánh pháp.
Thế nên nghe tiếng này
Nơi lòng được kham nhẫn
An trụ vững chẳng động.
Tu hành hạnh Bồ Tát.
Vì cầu đạo bồ đề
Chuyên tu hướng về đó
Tinh tấn không thối chuyển
Chẳng bỏ những thiện nghiệp.
Vì cầu đạo bồ đề
Trong lòng không sợ hãi
Nghe pháp thêm dũng mãnh
Cúng Phật khiến hoan hỷ.
Như có người đại phước
Gặp được kho chân kim
Theo thân chỗ nên đeo
Chế tạo đồ trang nghiêm.
Bồ Tát cũng như vậy
Nghe nghĩa thậm thâm này.
Tư duy thêm trí huệ
Ðể tu pháp tùy thuận.
Pháp hữu cũng thuận biết,
Pháp vô cũng thuận biết,
Tùy pháp đó như vậy
Như vậy biết các pháp.
Thành tựu tâm thanh tịnh
Minh triệt rất hoan hỷ
Biết pháp theo duyên khởi
Dũng mãnh siêng tu tập.
Bình đẳng quán các pháp
Biết rõ tự tánh đó
Chẳng trái Phật Pháp Tạng
Biết khắp tất cả pháp.
Chí nguyện thường kiên cố
Nghiêm tịnh Phật Bồ Đề
Bất động như Tu Di
Nhất tâm cầu Chánh Giác.
Do phát tâm tinh tấn
Lại tu đạo tam muội
Vô lượng kiếp siêng làm
Chưa từng có thối thất.
Pháp của Bồ Tát nhập
Là chỗ đi của Phật
Nơi đây rõ biết được
Thời không lòng lười chán.
Như lời Chư Phật dạy
Bình đẳng quán các pháp
Chẳng phải nhẫn bất đẳng.
Thành được trí bình đẳng.
Tùy thuận lời Phật nói
Thành tựu môn pháp này
Biết rõ đúng như pháp
Cũng chẳng phân biệt pháp.
Trong Tam Thập Tam Thiên
Có bao nhiêu Thiên Tử
Cùng đồng ăn một bát
Ðồ ăn đều khác nhau.
Ðồ ăn riêng nhiều món
Chẳng từ mười phương đến
Ðúng theo nghiệp đã tu
Tự nhiên hiện trong bát.
Bồ Tát cũng như vậy
Quán sát tất cả pháp
Ðều từ nhân duyên khởi
Vô sanh nên vô diệt,
Vô diệt nên vô tận,
Vô tận nên vô nhiễm,
Nơi pháp biến dị kia
Biết rõ không biến dị.
Không đổi thời không xứ
Không xứ thời tịch diệt,
Trong lòng không nhiễm trước
Nguyện độ các chúng sanh.
Chuyên niệm nơi Phật Pháp
Chưa từng có tán động
Mà dùng tâm bi nguyện
Phương tiện đi trong đời.
Siêng cầu nơi thập lực
Ở đời mà chẳng trụ,
Không đi cũng không đến
Phương tiện khéo thuyết pháp.
Nhẫn này là trên hết
Biết pháp là vô tận
Vào nơi chân pháp giới
Thiệt cũng không sở nhập.
Bồ Tát trụ nhẫn này
Thấy khắp các Như Lai
Ðồng thời thọ ký cho
Gọi là thọ Phật chức.
Thấu rõ pháp Tam Thế
Tướng tịch diệt thanh tịnh
Mà đều độ chúng sanh
Ðể ở trong đường lành.
Các loại pháp thế gian
Tất cả đều như huyễn
Nếu biết được như vậy
Thời tâm không bị động
Các nghiệp từ tâm sanh
Nên nói tâm như huyễn
Nếu rời phân biệt này
Diệt hết cõi hữu lậu.
Ví như nhà huyễn thuật
Khắp hiện các sắc tượng
Cho chúng luống tham vui
Rốt ráo vô sở đắc.
Thế gian cũng như vậy
Tất cả đều như huyễn
Vô tánh cũng vô sanh
Thị hiện có các thứ.
Ðộ thoát các chúng sanh
Khiến biết pháp như huyễn
Chúng sanh chẳng khác huyễn
Biết huyễn không chúng sanh.
Chúng sanh và Quốc Độ
Những pháp trong Tam Thế
Như vậy đều không thừa
Tất cả đều như huyễn.
Huyễn làm hình nam nữ
Và voi, ngựa, trâu, dê
Nhà cửa, núi, suối, ao
Vườn, rừng, cùng bông, trái,
Vật huyễn không tri giác
Cũng không có trụ xứ
Rốt ráo tướng tịch diệt
Chỉ theo phân biệt hiện.
Bồ Tát được như vậy
Thấy khắp các thế gian
Tất cả pháp hữu vô
Thấu rõ đều như huyễn.
Chúng sanh và Quốc Độ
Các thứ nghiệp tạo ra
Vào nơi như huyễn tế
Với kia không nương chấp.
Ðược thiện xảo như vậy
Tịch diệt không hí luận
Trụ nơi bực vô ngại
Khắp hiện oai lực lớn.
Các Phật tử dũng mãnh
Tùy thuận nhập diệu pháp
Khéo quán tất cả tưởng
Ràng rịt các thế gian.
Các tưởng như dương diệm
Khiến chúng hiểu điên đảo.
Chúng sanh đều riêng khác
Hình loại chẳng phải một
Thấu rõ đều là tưởng
Bỏ rời những điên đảo.
Chúng sanh đều riêng khác
Hình loại chẳng phải một
Thấu rõ đều là tưởng
Tất cả không chân thiệt.
Các chúng sanh mười phương
Ðều bị tưởng che ngăn
Nếu bỏ thấy điên đảo
Thời diệt tưởng thế gian.
Thế gian như dương diệm
Do tưởng có sai khác
Biết thế gian do tưởng
Xa lìa ba điên đảo.
Như nắng quá gắt nóng
Người đời cho là nước
Thiệt ra không có nước
Người trí chẳng nên cầu.
Chúng sanh cũng như vậy
Ðời loài đều không có
Như diệm ở nơi tưởng
Cảnh giới tâm vô ngại.
Nếu lìa những vọng tưởng
Cũng lìa những hí luận
Kẻ ngu si chấp tưởng
Ðều khiến được giải thoát.
Xa lìa tâm kiêu mạn
Trừ diệt tưởng thế gian
Ở chỗ tận vô tận
Phương tiện của Bồ Tát.
Bồ Tát biết thế pháp
Tất cả đều như mộng
Chẳng chỗ, chẳng không chỗ
Thể tánh hằng tịch diệt.
Các pháp vô phân biệt
Như mộng, tâm không khác
Tam thế những thế gian
Tất cả đều như vậy.
Tánh mộng không sanh diệt
Cũng không có phương sở
Ba cõi đều như vậy
Người thấy tâm giải thoát.
Mộng chẳng tại thế gian
Chẳng tại phi thế gian
Cả hai chẳng phân biệt
Ðược nhập nơi bực nhẫn.
Như trong mộng ngó thấy
Những cảnh loại khác nhau,
Thế gian cũng như vậy
Cùng mộng không sai khác.
Người trụ trong mộng định
Biết đời đều như mộng
Chẳng phải đồng và khác
Chẳng phải một và nhiều.
Chúng sanh các cõi, nghiệp,
Tạp nhiễm và thanh tịnh
Như vậy đều biết rõ
Cùng mộng đều bình đẳng.
Hạnh của Bồ Tát làm
Và cùng các đại nguyện
Biết rõ đều như mộng
Cùng thế gian không khác.
Biết thế gian không tịch
Chẳng hoại nơi thế pháp
Như chiêm bao ngó thấy
Những hình sắc dài vắn.
Gọi đây: như mộng nhẫn
Nhân đây biết thế pháp
Mau thành trí vô ngại
Rộng độ các chúng sanh.
Tu hành hạnh như vậy
Xuất sanh trí rộng lớn
Khéo biết các pháp tánh
Nơi pháp tâm không chấp.
Tất cả các thế gian
Những âm thanh sai khác
Chẳng phải trong, chẳng ngoài
Biết đó đều như vang.
Như nghe các tiếng vang
Tâm chẳng sanh phân biệt
Bồ Tát nghe âm thanh
Không phân biệt cũng vậy.
Chiêm ngưỡng các Như Lai
Và nghe nói pháp âm
Diễn Khế Kinh vô lượng
Dầu nghe mà không chấp.
Như vang không lai khứ
Tiếng đã nghe cũng vậy
Mà hay phân biệt pháp
Cùng pháp không trái lầm.
Khéo biết các âm thanh
Nơi tiếng không phân biệt
Biết tiếng đều không tịch
Khắp phát âm thanh tịnh
Biết pháp chẳng tại lời
Khéo vào vô ngôn tế
Mà hay hiện ngôn thuyết
Như vang khắp thế gian.
Biết rõ ngôn ngữ đạo
Ðầy đủ phần âm thanh
Biết thanh tánh không tịch
Dùng thế ngôn để nói
Như âm thanh thế gian
Hiện đồng pháp phân biệt
Tiếng đó đều cùng khắp
Khai ngộ các quần sanh.
Bồ Tát được nhẫn này
Tịnh âm độ thế gian
Khéo diễn thuyết ba đời
Nơi đời không chấp trước.
Vì muốn lợi thế gian
Chuyên ý cầu Bồ Đề
Mà thường nhập pháp tánh
Nơi đó vô phân biệt.
Quán khắp các thế gian
Tịch diệt không thể tánh
Mà thường làm lợi ích
Tu hành ý chẳng động.
Chẳng trụ nơi thế gian
Cũng chẳng rời thế gian
Nơi thế không sở y
Y xứ bất khả đắc.
Rõ biết tánh thế gian
Nơi tánh không nhiễm trước
Dầu chẳng nương thế gian
Giáo hóa khiến siêu độ.
Bao nhiêu pháp thế gian
Ðều biết tự tánh nó
Rõ pháp không có hai
Cũng không chấp không hai
Tâm cũng chẳng rời thế gian
Cũng chẳng trụ thế gian
Chẳng phải ngoài thế gian
Tu hành nhất thiết trí.
Ví như bóng trong nước
Chẳng phải trong chẳng ngoài
Bồ Tát cầu bồ đề
Biết thế chẳng phải thế
Chẳng nơi thế trụ xuất
Vì thế bất khả thuyết
Cũng chẳng trụ trong ngoài
Như bóng hiện thế gian.
Nhập nghĩa thậm thâm này
Lìa nhơ đều sáng suốt
Chẳng bỏ tâm bổn thệ
Ðèn trí huệ chiếu khắp.
Thế gian không biên tế
Trí nhập cũng vô biên
Giáo hóa khắp quần sanh
Khiến họ bỏ những chấp.
Quán sát pháp thậm thâm
Lợi ích những quần sanh
Từ đây nhập vào trí
Tu hành tất cả đạo.
Bồ Tát quán các pháp
Biết chắc đều như hóa
Mà tu hạnh như hóa
Rốt ráo trọn chẳng bỏ.
Tùy thuận hóa tự tánh
Tu tập đạo Bồ Đề
Tất cả pháp như hóa
Bồ Tát hạnh cũng vậy.
Tất cả các thế gian
Và cùng vô lượng nghiệp
Bình đẳng đều như hóa
Rốt ráo trụ tịch diệt.
Những Phật trong Tam Thế
Tất cả cũng như hóa
Bổn nguyện tu các hạnh
Biến hóa thành Như Lai.
Phật dùng đại từ bi
Ðộ thoát hóa chúng sanh
Ðộ thoát cũng như hóa
Hóa lực vì thuyết pháp.
Biết thế gian như hóa
Chẳng phân biệt thế gian
Hóa sự nhiều loại khác
Ðều do nghiệp sai biệt.
Tu tập hạnh Bồ Đề
Trang nghiêm nơi hóa thành
Vô lượng khéo trang nghiêm
Như nghiệp làm thế gian.
Pháp này rời phân biệt
Cũng chẳng phân biệt pháp
Cả hai đều tịch diệt
Hạnh Bồ Tát như vậy.
Hóa hải rõ nơi trí,
Hóa tánh ấn thế gian
Hóa chẳng phải sanh diệt
Trí huệ cũng như vậy.
Nhẫn thứ mười quán rõ
Chúng sanh và các pháp
Thể tánh đều tịch diệt
Không xứ sở như không
Ðược trí như không này
Lìa hẳn các chấp trước
Như hư không vô tướng
Nơi thế gian vô ngại
Thành tựu sức không nhẫn
Như hư không vô tận
Cảnh giới như hư không
Chẳng phân biệt hư không.
Hư không không thể tánh
Cũng chẳng phải đoạn diệt
Cũng không những sai khác
Trí lực cũng như vậy
Hư không không sơ tế
Cũng không có trung, hậu
Lượng đó bất khả đắc
Trí Bồ Tát cũng vậy.
Quán pháp tánh như vậy
Tất cả như hư không
Không sanh cũng không diệt
Sở đắc của Bồ Tát.
Tự trụ pháp như không
Lại vì chúng sanh nói
Hàng phục tất cả ma
Phương tiện của nhẫn này.
Tướng thế gian sai khác
Ðều không chẳng có tướng
Vào nơi chỗ vô tướng
Các tướng đều bình đẳng.
Chỉ dùng một phương tiện
Vào khắp các thế gian
Là biết pháp Tam Thế
Ðều đồng tánh hư không.
Trí huệ cùng âm thanh
Và thân của Bồ Tát
Tánh đó như hư không
Tất cả đều tịch diệt.
Mười thứ nhẫn như vậy
Phật Tử đã tu hành
Tâm họ khéo an trụ
Rộng vì chúng sanh nói.
Nơi đây khéo tu học
Thành tựu sức quảng đại
Pháp lực và trí lực
Là phương tiện Bồ Đề.
Thông đạt môn nhẫn này
Thành tựu trí vô ngại
Vượt hơn tất cả chúng
Chuyển pháp luân vô thượng.
Hạnh quảng đại đã tu
Lượng đó bất khả đắc
Ðiều Ngự Sư trí hải
Mới phân biệt biết được
Bỏ ngã mà tu hành
Nhập vào pháp tánh sâu
Tâm thường trụ tịnh pháp
Dùng đây thí quần sanh.
Chúng sanh và sát trần
Còn biết được số đó
Công đức của Bồ Tát
Không thể biết hạn lượng.
Bồ Tát hay thành tựu
Mười thứ nhẫn như vậy
Trí huệ và công hạnh
Chúng sanh chẳng lường được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Như Lai - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tập Nhất Thiết Phước đức Tam Muội - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Phương Quảng - Phần Bảy - Diệt định
Phật Thuyết Kinh A Na Luật Bát Niệm
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Hàng Ma