Phật Thuyết Kinh A Di đà Tam Da Tam Phật Tát Lâu Phật đàn Quá độ Nhân đạo - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH A DI ĐÀ

TAM DA TAM PHẬT TÁT LÂU PHẬT

ĐÀN QUÁ ĐỘ NHÂN ĐẠO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẦN HAI  

Đức Phật dạy: Ao tắm của Phật A Di Đà dài bốn vạn tám ngàn dặm, chiều rộng cũng bốn vạn tám ngàn dặm. Ao này đều bằng bảy báu cùng hợp lại thành. Cát dưới đáy ao bằng ngọc trắng, ngọc minh nguyệt và ngọc châu ma ni. Nước trong ao tắm của Phật A Di Đà và các Bồ Tát, A La Hán trong veo và thơm tinh khiết.

Trong ao có hoa thơm, trăm loại hoa tự nhiên sanh ra, nhiều sắc màu khác nhau, hương thơm khác nhau, mỗi cành có cả ngàn hoa lá rất thơm, không gì sánh được và cũng không thể dùng ngôn từ nào để diễn tả được mùi thơm ấy.

Những đóa hoa này chẳng phải loại hoa của thế gian, cũng chẳng phải là hoa trên Trời mà chúng được kết tinh bằng hương thơm của tất cả các loại hoa trong khắp mười phương và tự nhiên hóa sanh như vậy.

Nước trong ao trôi chảy rót thành dòng và dòng nước ấy không chảy nhanh, không chảy chậm, chúng tạo thành năm âm thanh tuyệt diệu.

Đức Phật dạy: Hàng Trời, người và những loài côn trùng, cầm thú nơi vô số cõi nước khắp mười phương được sanh vào nước Phật A Di Đà đều được hóa sanh trong ao hoa sen báu.

Họ lớn lên tự nhiên mà không cần người nuôi dưỡng. Họ ăn những thức ăn tự nhiên. Thân thể của họ chẳng phải như thân thể những người ở thế gian, cũng chẳng phải thân thể của những người ở Cõi Trời. Họ tích tụ nhiều đức thiện, nên được thọ thân hư vô tự nhiên và thể của vô cực, vô cùng tốt đẹp không gì sánh được.

Đức Phật bảo A Nan: Ví như ở thế gian có người hành khất nghèo nàn, bảo ông ta đứng cạnh Nhà Vua, như vậy diện mạo, dáng dấp của người hành khất thế nào?

Có giống diện mạo, dáng dấp của Nhà Vua chăng?

Hiền Giả A Nan thưa: Nếu như kẻ hành khất ấy đứng bên cạnh Vua thì diện mạo, dáng dấp của kẻ ấy rất xấu xí, không đẹp bằng Nhà Vua gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Vì sao?

Vì người hành khất nghèo nàn khốn khổ, chưa từng được bữa ăn ngon mà chỉ bị ăn những món ăn thô dở.

Đã ăn dở, còn chẳng được no lòng, lấy gì để nuôi thân?

Gân cốt rã rời, không có gì cấp dưỡng, thường bị thiếu thốn, đói khát, chẳng được đầy đủ, bị rét mướt, sợ sệt, sầu khổ...

Chỉ vì đời trước người này ngu si không trí tuệ, lại tham lam bỏn xẻn, không có lòng từ thương xót làm việc thiện, mở rộng lòng thương bố thí cho người.

Người này chỉ muốn được nhiều của cải, tham lam ăn uống, lại muốn ăn ngon, không tin bố thí đời sau sẽ được phước báo, không tin làm thiện đời sau sẽ được phước lành. Người này chỉ mong nắm giữ thật nhiều nên càng làm thêm nhiều điều ác.

Đến lúc qua đời với hai bàn tay trắng, chẳng có một chút ân đức, cũng chẳng có chỗ cậy nhờ, vào trong đường ác chịu khổ đọa đày.

Sau đó được thoát khỏi đường ác, được làm thân người nhưng làm người ở nơi hạ tiện, làm con trong nhà nghèo khổ, thân thể thô bỉ xấu xí, đơn độc một mình, áo quần rách rưới không đủ che thân, nên phải sống đời xin ăn, đói lạnh khốn khổ, sắc diện tiều tụy chẳng giống loài người. Người này do đời trước đã tạo nghiệp, nên chịu nhiều tai ương, hình phạt.

Những người trông thấy không ai thương xót, bị đem bỏ ngoài phố chợ, chịu nắng mưa, sương gió nên gầy gộc, đen đúa, xấu xí và không sánh được với người như vậy.

Vì sao Nhà Vua được xem là người tôn quý, tốt đẹp nhất trong thiên hạ?

Bởi vì đời trước đã làm điều thiện, tin thọ Kinh Đạo, ban ân thí đức, thuận nghĩa bác ái, nhân từ bố thí, không tham lam ăn uống mà đem cho tất cả mọi người, không có sự tiếc nuối và hoàn toàn không chống trái, tranh cãi.

Được phước thiện đã tạo, sau khi chết phước đức theo cùng nên không bị vào đường ác. Nay sanh làm người, được sống chốn Vương Gia, là Vua tôn quý bậc nhất, đứng đầu cai trị nhân dân.

Đó là người oai hùng vĩ đại, có diện mạo thuần khiết, từ hòa, thân thể đoan chánh nên được mọi người kính nể, tùy ý tha hồ muốn ăn ngon mặc đẹp.

Nếu muốn điều gì, tự nhiên chúng sẽ hiện ngay trước mặt, hoàn toàn không có trái ý. Nhà Vua là người tốt đẹp thù thắng trong cõi người, được hạnh phúc vô tư, nên có diện mạo sáng ngời và được tất cả như vậy.

Đức Phật bảo A Nan: Nói như vậy, tuy Đế Vương bậc nhất trong thiên hạ nhưng nếu ông ta đứng bên cạnh Vua Chuyển Luân thì dung mạo của Nhà Vua xấu xí như kẻ hành khất đứng bên cạnh Nhà Vua vậy.

Dung mạo của Nhà Vua sánh với sắc diện tốt đẹp của Vua Chuyển Luân không bằng trăm ngàn vạn ức lần. Nếu như sự tuyệt hảo không gì sánh được của Vua Chuyển Luân đối với thiên hạ, thì vẫn không bằng sắc diện đoan chánh tốt đẹp thù thắng của Trời Đế Thích gấp trăm ngàn vạn ức lần khi vua đứng bên cạnh Trời Đế Thích.

Nếu như Trời Đế Thích đứng bên cạnh đệ lục Thiên Vương thì dung mạo ấy rất xấu, không bằng sắc diện đoan chánh, tốt đẹp thù thắng của đệ lục Thiên Vương gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Nếu như đệ lục Thiên Vương đứng bên cạnh các vị Bồ Tát, A La Hán trong nước Phật A Di Đà thì sắc diện Thiên Vương quá xấu, không bằng sắc diện đoan chánh, tốt đẹp thù thắng của các vị Bồ Tát, A La Hán trong nước Phật A Di Đà gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Đức Phật dạy: Dung mạo của các Bồ Tát, A La Hán ở nước Phật A Di Đà đều đoan chánh, tuyệt đẹp, không ai có thể sánh được. Họ là những người tiếp nối đạo lộ Niết Bàn.

Nơi nhà cửa, trú xứ, Tinh Xá, giảng đường hay bên trong, bên ngoài trên những ao tắm của Phật A Di Đà cùng các Bồ Tát, A La Hán đều có cây bảy báu.

Trong đó có cây thuần là vàng, cây thuần là bạc, cây thuần là thủy tinh, cây thuần là lưu ly, cây thuần là bạch ngọc, cây thuần là san hô, cây thuần là hổ phách, cây thuần là xa cừ. Mỗi loại cây tự xếp thành hàng khác nhau.

Có hai loại châu báu tạo thành một cây, như: Cây bạc có rễ bạc, thân cây vàng, cành bạc, lá vàng, hoa bạc, quả vàng.

Cây vàng có rễ vàng, thân cây bạc, cành vàng, lá bạc, hoa vàng, quả bạc.

Cây thủy tinh có rễ thủy tinh, thân cây lưu ly, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa thủy tinh, quả lưu ly.

Cây lưu ly có rễ lưu ly, thân cây thủy tinh, cành lưu ly, lá thủy tinh, hoa lưu ly, quả thủy tinh.

Đây là hai loại châu báu cùng tạo thành một cây.

Có bốn loại châu báu cùng tạo tành một cây, như: Cây thủy tinh, rễ thủy tinh, thân cây lưu ly, cành vàng, lá bạc, hoa thủy tinh, quả lưu ly.

Cây lưu ly, rễ lưu ly, thân cây thủy tinh, cành vàng, lá bạc, hoa thủy tinh, quả lưu ly.

Đây là bốn loại châu báu cùng tạo thành một cây, mỗi loại tự xếp thành hàng khác nhau.

Có năm loại châu báu cùng tạo thành một cây, như: Cây bạc, rễ bạc, thân cây vàng, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa bạc, quả vàng.

Cây vàng, rễ vàng, thân cây bằng bạc, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa san hô, quả bạc.

Cây thủy tinh, rễ thủy tinh, thân cây lưu ly, cành ban hô, lá bạc, hoa vàng, quả lưu ly.

Cây lưu ly, rễ lưu ly, thân cây san hô, cành thủy tinh, lá vàng, hoa bạc, quả san hô.

Cây san hô, rễ san hô, thân cây lưu ly, cành thủy tinh, lá vàng, hoa bạc, quả lưu ly.

Đây là năm loại châu báu cùng tạo thành một cây, mỗi loại tự xếp thành hàng khác nhau.

Có sáu loại châu báu cùng tạo thành một cây, như: Cây bạc, rễ bạc, thân cây vàng, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa san hô, quả hổ phách.

Cây vàng, rễ vàng, thân cây bạc, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa hổ phách, quả san hô.

Cây thủy tinh, lá lưu ly, hoa hổ phách, quả san hô.

Cây thủy tinh, rễ thủy tinh, thân cây lưu ly, cành san hô, lá hổ phách, hoa bạc, quả vàng.

Cây lưu ly, rễ lưu ly, thân cây san hô, cành hổ phách, lá thủy tinh, hoa vàng, quả bạc. Đây là sáu loại châu báu cùng tạo thành một cây, mỗi loại tự xếp thành hàng khác nhau.

Có bảy loại châu báu cùng tạo thành một cây, như: Cây bạc có rễ bạc, thân cây vàng, cành thủy tinh, lá lưu ly, hoa san hô, quả hổ phách.

Cây vàng, rễ vàng, thân cây thủy tinh, cành lưu ly, lá san hô, hoa hổ phách, quả bạc.

Cây thủy tinh, rễ thủy tinh, thân cây lưu ly, cành san hô, lá hổ phách, hoa xa cừ, quả bạch ngọc.

Cây san hô, rễ san hô, thân cây hổ phách, cành bạch ngọc, lá lưu ly, hoa xa cừ, quả ngọc minh nguyệt.

Cây hổ phách, rễ hổ phách, thân cây bạch ngọc, cành san hô, lá lưu ly, hoa thủy tinh, quả vàng.

Cây bạch ngọc, rễ bạch ngọc, thân cây xa cừ, cành san hô, lá hổ phách, hoa vàng, quả ngọc ma ni.

Đây là bảy thứ châu báu cùng tạo thành một cây, mỗi loại tự xếp thành hàng khác nhau.

Từng hàng cây đan nhau, những thân cây tự thẳng tắp với nhau, những cành cây tự vươn lên ngang nhau, những chiếc lá cùng hướng về nhau, những bông hoa cùng nhau nở tròn và những quả tự lớn tương đương với nhau.

Đức Phật dạy: Phật A Di Đà sẽ ở trong Tinh Xá hay giảng đường, bên trong hay ngoài vòng quanh bên ao hồ bảy báu, phía trên bờ đều có những hàng cây bảy báu.

Các Bồ Tát, A La Hán ở trong nhà cửa bảy báu, bên trong hay bên ngoài ao hồ bảy báu, vòng quanh ven bờ đều có những hàng cây bảy báu.

Mỗi nơi đều có hàng hàng trùng điệp đến hàng trăm hàng ngàn cây báu và mỗi cây tự tạo thành năm âm thanh vô cùng tuyệt diệu, không gì sánh được.

Đức Phật bảo A Nan: Như một vị Vua ở thế gian có trăm loại âm thanh kỹ nhạc, vẫn không hay bằng những âm thanh kỹ nhạc của Vua Chuyển Luân gấp trăm ngàn vạn ức.

Như một vạn loại âm thanh kỹ nhạc của Vua Chuyển Luân, vẫn không bằng một âm thanh những kỹ nhạc của Cõi Trời Đao Lợi thứ hai, gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Một vạn âm thanh kỹ nhạc ở trên Trời Đao Lợi vẫn không bằng một âm thanh trên Cõi Trời thứ sáu gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Như một vạn loại âm thanh âm nhạc trên Cõi Trời thứ sáu vẫn không hay bằng một âm thanh của cây bảy báu trong Cõi Phật A Di Đà, gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Trong Cõi Phật A Di Đà cũng có vạn loại âm nhạc tự nhiên rất hay vô cùng vô tận. Khi Phật A Di Đà và các Bồ Tát, A La Hán muốn tắm gội thì mỗi người tự vào tắm gội trong ao bảy báu đó.

Ý của các Bồ Tát, A La Hán muốn làm cho nước đến chân thì nước sẽ ngập đến chân.

Ý muốn làm cho nước đến đầu gối, tức thì nước sẽ đến đầu gối.

Ý muốn làm cho nước đến lưng, tức thì nước sẽ đến lưng.

Ý muốn làm cho nước đến ngực, tức thì nước sẽ đến ngực.

Ý muốn làm cho nước đến cổ, tức thì nước sẽ đến cổ.

Ý muốn làm cho nước tự giội lên thân, tức thì nước sẽ tự giội lên thân.

Ý muốn làm cho nước trở lại như cũ, tức thì nước sẽ trở lại như cũ... tha hồ tùy theo ý thích của mỗi người.

Đức Phật dạy: Khi Phật A Di Đà cùng các Bồ Tát, A La Hán đã tắm xong, tất cả sẽ thấy mình ngồi trên một hoa sen lớn, đồng thời tự nhiên có gió từ bốn phương nổi lên.

Những ngọn gió này không phải gió của thế gian, cũng chẳng phải gió trên Trời, mà chính là những ngọn gió khắp mười phương tự nhiên hợp lại hóa thành. Gió này không lạnh không nóng, mà luôn luôn điều hòa, thích ứng với mọi người.

Nó rất mát mẻ trong lành, không gì sánh được. Gió từ từ thổi đến không nhanh không chậm, hợp với tiện nghi. Gió này thổi vào hàng cây bảy báu tạo thành năm âm thanh, làm cho cây hoa bảy báu che phủ cả nước Phật và tung rải trên Phật cùng các Bồ Tát, A La Hán. Hoa rơi xuống đất dày đến bốn tấc, vô cùng tốt đẹp mềm mại, không gì sánh được.

Tự nhiên gió thổi đến cuốn bay những bông hoa héo ấy đi. Và gió từ bốn phương tự nhiên thổi vào hàng cây bảy báu, những hàng cây ấy tạo thành năm âm thanh, và những cây hoa tự nhiên tung rải lên trên Đức Phật cùng các Bồ Tát, A La Hán.

Hoa héo thì rơi xuống đất, liền tự nhiên bay đi. Bốn phương gió lại nổi lên thổi vào cây bảy báu, cả bốn lần như vậy. Trong số những vị Bồ Tát, A La Hán ấy, có người chỉ muốn nghe Kinh, có người chỉ muốn nghe âm nhạc, có người chỉ muốn nghe mùi thơm của hoa.

Có người không muốn nghe Kinh, có người không muốn nghe tiếng nhạc, có người không muốn nghe mùi thơm của hoa. Người nào thích nghe cái gì, liền sẽ được nghe cái ấy. Và người không muốn nghe cái gì thì chỉ nghe một thứ. Tùy ý ưa thích của mỗi người mà không hề bị trái ý bao giờ.

Tắm gội xong, mỗi người tự đi làm việc đạo: Có người thì giảng Kinh nơi đất bằng, người tụng Kinh, người thuyết Kinh, người trì Kinh, người nghe Kinh, người niệm Kinh, người tư duy về đạo, người Tọa Thiền, người kinh hành...

Trong đó có người giảng Kinh trong hư không, người tụng Kinh, người thuyết Kinh, người trì Kinh, người nghe Kinh, người niệm Kinh, người tư duy về đạo, người nhất tâm Tọa Thiền, người Kinh hành.

Người chưa đắc đạo Tu Đà Hoàn, liền đắc đạo Tu Đà Hoàn.

Người chưa đắc đạo Tư Đà Hàm, liền đắc đạo Tư Đà Hàm.

Người chưa đắc đạo A Na Hàm, liền đắc đạo A Na Hàm.

Người chưa đắc đạo A La Hán, liền đắc đạo A La Hán.

Người chưa đắc Bồ Tát Bất Thối Chuyển, liền đắc Bồ Tát Bất Thối Chuyển.

Mỗi người tự thuyết Kinh hành đạo và tất cả đều đắc đạo, không ai mà không hân hoan vui mừng. Trong những vị Bồ Tát này, có những vị muốn cúng dường vô số Chư Phật khắp mười phương, tức thời họ vân tập đến trước Đức Phật, đảnh lễ, thưa thỉnh, cúng dường vô số Chư Phật khắp mười phương.

Chư Phật lặng yên nhận lời thưa thỉnh, làm cho các Bồ Tát vô cùng hoan hỷ, nhiều đến ngàn vạn ức người, nhiều vô lượng vô số, không thể tính đếm được.

Các vị Bồ Tát này đều có trí tuệ dõng mãnh, họ bay tiếp nối nhau cùng đến chỗ vô số Chư Phật khắp mười phương, đảnh lễ trước các Đức Phật.

Các Bồ Tát muốn có đủ thứ vật tự nhiên để cúng dường, tức thời tự nhiên có trăm hoa với đủ sắc màu, trăm thứ vải vóc nhung lụa đẹp, trăm loại y kiếp ba và đèn bằng bảy báu, vạn loại âm nhạc... tất cả đều hiện hữu trước mặt.

Hương thơm của loài hoa ở đây là do nhiều loại tự nhiên khắp mười phương hòa hợp mà hóa sanh, chứ chẳng phải vật ở thế gian hay vật ở trên Trời tạo ra. Người nào muốn có hương thơm, tự nhiên sẽ có ngay và không muốn dùng nữa tức thì hương ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn đem những vật cúng dường Chư Phật, Bồ Tát, A La Hán, tùy theo ý muốn cúng một bên, hai bên, trước, sau, giáp vòng chung quanh các Ngài, tức thời đến ngay.

Trong những giờ phút ấy, họ vô cùng vui vẻ, không thể dùng ngôn từ để diễn đạt được. Nếu ý của các vị Bồ Tát muốn có bốn mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Nếu các vị Bồ Tát muốn có tám mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có một tăm sáu mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có ba trăm hai mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có sáu trăm bốn mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có một ngàn hai trăm tám mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có hai ngàn năm trăm dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có năm ngàn một trăm hai mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có một vạn hai ngàn bốn trăm mười dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có hai vạn bốn trăm tám mươi dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có năm vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có mười vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có bốn mươi vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có tám mươi vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có một trăm sáu mươi vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có ba trăm vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Những đóa hoa tươi đẹp ngát hương được rơi xuống từ hư không. Đến khi hoa héo, sẽ tự rơi xuống đất, và tự nhiên gió lớn thổi đến, cuốn những hoa héo ấy bay đi.

Các vị Bồ Tát muốn có sáu trăm vạn dặm hoa, tức thì tự nhiên có hoa ngay. Họ sẽ ở trong hư không cùng mang hoa tung lên trên Chư Phật và Bồ Tát, A La Hán.

Tự nhiên những đóa hoa ấy hợp lại thành một bông hoa, với những cánh hoa xoay tròn đều đặn, đẹp hơn trước gấp bội.

Bông hoa rất tươi đẹp, mượt mà vượt bậc hơn trước gấp trăm ngàn lần, với màu sắc đặc thù, hương thơm không thể dùng ngôn từ để diễn tả được.

Các Bồ Tát vô cùng hoan hỷ, ở trong hư không cùng trỗi lên kỹ nhạc, âm thanh tự nhiên để làm vui đẹp lòng Chư Phật, Bồ Tát, A La Hán.

Ngay thời điểm này, ai nấy đều vui không thể nói hết. Các Bồ Tát ngồi nghe Kinh, nghe Kinh xong đều đọc tụng thông suốt, hiểu rõ ý Kinh, càng tăng trí tuệ sáng suốt.

Lúc ấy, trong các cõi nước, từ Cõi Trời Tứ Thiên thứ nhất, đến Cõi Trời thứ Ba Mươi Ba, Chư Thiên và loài người đều mang đến những vật tự nhiên của Cõi Trời để cúng dường chư Bồ Tát và A La Hán.

Chư Thiên và loài người lại ở trong hư không trổi lên những âm nhạc lớn. Theo trình tự, họ lần lượt kẻ trước người sau đến cúng dường các Bồ Tát.

Chư Thiên và loài người hoan hỷ nghe Kinh và trổi lên âm nhạc lớn. Trong những giờ phút này, vui không thể kể xiết.

Các Bồ Tát nghe Kinh và cúng dường xong, đứng dậy đảnh lễ Đức Phật rồi lui ra. Họ bay đến vô số Chư Phật khắp mười phương nghe Kinh và cúng dường theo trình tự như trước.

Sau khi đã hoàn tất, đến gần trưa họ bay về nước mình đảnh lễ Đức Phật A Di Đà rồi ngồi xuống nghe Kinh với tâm vô cùng hỷ lạc.

Đức Phật dạy: Khi Đức Phật A Di Đà và các Bồ Tát, A La Hán sắp thọ trai thì tự nhiên có ghế bằng bảy báu cùng chỗ ngồi được trải vải nhung mềm mịn êm ái tùy theo ý muốn.

Trước khi Phật và Bồ Tát ngồi lên tòa thì đã có bát bảy báu, tự nhiên trong bát có đầy đủ thực phẩm thơm ngon. Loại thực phẩm này chẳng phải của thế gian, cũng chẳng phải trên Trời, mà đó là tinh chất trong tất cả những thực phẩm của khắp mười phương.

Nó thơm ngon tuyệt vời không gì sánh được, tự nhiên hóa sanh như vậy. Nếu ai muốn được vị ngọt ngon thế nào thì sẽ có tùy theo ý muốn.

Trong những Bồ Tát, A La Hán này, có vị muốn bát bằng vàng, có vị muốn bát bằng bạc, có vị muốn bát bằng thủy tinh, có vị muốn bát bằng san hô, có vị muốn bát bằng hổ phách, có vị muốn bát bằng bạch ngọc, có vị muốn bát bằng xa cừ, có vị muốn bát bằng mã não, có vị muốn bát bằng ngọc minh nguyệt, có vị muốn bát bằng ngọc ma ni, có vị muốn bát bằng vàng ròng... tùy theo ý mà có ngay.

Bát này không từ đâu đến, không có ai cúng dường, được hóa sanh tự nhiên. Các Bồ Tát, A La Hán đều thọ trai, thực phẩm không nhiều, cũng không ít mà bằng nhau.

Không ai khen chê thức ăn ngon hay dở, và cũng không vì thức ăn ngon nên vui vẻ. Thọ trai xong, tất cả những thức ăn, bình bát, tòa ngồi tự nhiên biến mất. Đến khi sắp thọ trai thì sẽ hóa sanh lại như vậy. Tâm của các Bồ Tát, A La Hán rất trong sạch.

Sự ăn uống của họ chỉ để làm khí lực cho nên chất thải tự tiêu tan, hoàn toàn không còn gì.

Đức Phật bảo A Nan: Khi Đức Phật A Di Đà thuyết Kinh cho các Bồ Tát, A La Hán thì trên giảng đường đại hội có vô số Bồ Tát, A La Hán, Chư Thiên và loài người nhiều không tính được bay đến chỗ Đức Phật A Di Đà cung kính đảnh lễ, ngồi nghe Kinh.

Đức Phật giảng rộng về Kinh lớn của đạo trí cho tất cả nghe biết, nên tâm tư ai nấy cũng phấn chấn vui mừng vì được chỉ bày, cởi mở, tức thời gió từ bốn phương tự nhiên nổi dậy, thổi vào cây bảy báu tạo thành năm âm thanh.

Hoa nơi cây bảy báu che phủ cả cõi nước này và từ hư không rơi xuống. Hương thơm của hoa lan tỏa khắp trong một cõi và tung rải lên trên Đức Phật A Di Đà cùng các Bồ Tát, A La Hán. Hoa rơi xuống đất dày đến bốn tấc. Hoa héo đều bị gió lớn tự nhiên cuốn đi.

Gió từ bốn phương thổi vào cây hoa bảy báu bốn lần như vậy, tức là Trời Tứ Thiên Vương thứ nhất, Trời Đao Lợi thứ hai, cho đến Cõi Trời thứ ba mươi ba.

Chư Thiên và loài người đem vạn loại vật tự nhiên của trên Trời như trăm loại hoa xen lẫn nhiều màu sắc, trăm loại hương thơm, trăm loại vải tốt mịn, trăm loại vải tùy ý may y phục, vạn loại âm nhạc thù thắng gấp bội hơn trước. Họ mang đến đảnh lễ Đức Phật A Di Đà rồi cúng dường Phật, các Bồ Tát và A La Hán.

Chư Thiên, loài người lại trổi lên những âm thanh hùng vĩ để làm đẹp lòng Phật A Di Đà và các Bồ Tát, A La Hán. Trong những giờ phút này, vui không thể nói hết được.

Chư Thiên theo trình tự lần lượt kẻ trước người sau đến cúng dường như những vị trước đã cúng dường. Vô số cõi nước ở phương Đông, nhiều không thể tính đếm, nhiều như cát Sông Hằng, mà mỗi hạt cát là một Đức Phật và số nhiều ấy cũng như vậy.

Các Đức Phật này dạy vô số các Bồ Tát số đông không tính hết, bay đến chỗ Đức Phật A Di Đà đảnh lễ và nghe Kinh. Với tâm tư hân hoan vui mừng, họ đứng dậy đảnh lễ Phật mà lui ra.

Chư Phật ở phương Tây, phương Bắc, phương Nam và bốn góc, nhiều như cát Sông Hằng, các Ngài dạy vô số các Bồ Tát bay đến chỗ Đức Phật A Di Đà đảnh lễ và nghe Kinh cũng như vậy.

Chư Phật ở phương Trên, phương Dưới, số nhiều như cát Sông Hằng, đều dạy các Bồ Tát nhiều vô lượng vô số bay đến chỗ Phật A Di Đà đảnh lễ và nghe Kinh. Lần lượt, lần lượt nối tiếp nhau như vậy mà không lúc nào ngưng dứt.

Đức Phật dạy: Sở dĩ Chư Phật lấy cụm từ nhiều như số cát Sông Hằng để chỉ cho số lượng, bởi vì vô số Chư Phật ở khắp mười phương, trên dưới rất đông, rất nhiều, không thể tính đếm được, cho nên lấy cụm từ này làm số tượng trưng.

Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Khi Đức Phật A Di Đà thuyết Kinh cho các Bồ Tát, A La Hán xong, trong số Chư Thiên và loài người ở đây có người chưa đạt đạo liền đạt đạo, có người chưa đắc quả Tu Đà Hoàn liền đắc quả Tu Đà Hoàn, có người chưa đắc quả Tư Đà Hàm liền đắc quả Tư Đà Hàm.

Người chưa đắc quả A Na Hàm liền đắc A Na Hàm, người chưa đắc quả A La Hán liền đắc quả A La Hán, người chưa đắc Bồ Tát bất thối chuyển liền đắc bất thối chuyển.

Đức Phật A Di Đà tùy theo Đời trước của người đó và đạo tâm mong cầu của họ lớn hay nhỏ mà tùy hỷ truyền trao chỉ dạy, làm cho họ tỏ ngộ, trí tuệ sáng suốt, tự ưa vui với sở nguyện Kinh Đạo, không ai mà không hoan hỷ tụng tập Kinh này. Họ tụng Kinh thông thạo, không hề biết nhàm biết chán.

Trong những Bồ Tát, A La Hán có người tụng Kinh âm thanh như ba trăm tiếng chuông lớn, có người thuyết Kinh như gió lốc mưa rào.

Như vậy trọn một kiếp mới xong, chưa có lúc nào mỏi mệt. Họ có trí tuệ dõng mãnh, thân thể nhẹ nhàng, không bao giờ biết đau yếu.

Tất cả lúc đi đứng ngồi nằm đều uy nghiêm, vững chãi, oai hùng như Vua trong loài sư tử. Ở trong chốn núi sâu hay đi đến nơi nào, không ai dám ngang hàng, cũng không có ý nghi ngờ, sợ hãi. Không bao giờ do dự, tính toán và biết phải làm gì, gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Đó là vua trong loài sư tử, gấp trăm ngàn vạn ức lần vẫn không bằng sự dõng mãnh của đệ tử thứ hai của ta là Đại Mục Kiền Liên.

Gấp trăm ngàn vạn ức lần như Đại Mục Kiền Liên đối với những Bồ Tát, A La Hán ở cõi ta thật là cao tột, không gì sánh được.

Hiền Giả bay đi hay dừng lại, trí tuệ luôn dõng mãnh, thấy nghe xuyên suốt tất cả, biết rõ việc quá khứ, tương lai và hiện tại của mười phương.

Gấp trăm ngàn vạn ức lần như vậy cọng chung làm một trí tuệ đem đặt bên các A La Hán trong Cõi Phật A Di Đà thì đức ấy vẫn không sánh bằng, gấp trăm ngàn vạn ức lần.

Bồ Tát A Dật quỳ gối, cung kính chắp tay bạch Phật: Các A La Hán trong Cõi Phật A Di Đà có nhập Nê Hoàn chăng?

Con xin muốn nghe điều này.

Đức Phật dạy: Thầy có thấy những ngôi sao khắp bốn phương Trời không?

Bồ Tát A Dật thưa: Thưa, con có thấy.

Đức Phật dạy: Như người đệ tử thứ hai của ta là Đại Mục Kiền Liên bay lên Trời một ngày một đêm, tính biết có bao nhiêu ngôi sao. Sao ở bốn phương Trời này rất là nhiều, nhiều gấp trăm ngàn vạn ức lần, không thể tính đếm được.

Như vậy, lấy bớt một giọt nước trong biển cả mênh mông thì có thể làm cho giảm đi một ít nước trong biển ấy chăng?

Bồ Tát thưa: Múc đi trăm ngàn vạn ức thùng nước vẫn không thể làm giảm chút ít nước trong biển cả được.

Đức Phật dạy: Các A La Hán trong Cõi Phật A Di Đà tuy có nhập Niết Bàn cũng như giảm đi một giọt nước trong biển cả mênh mông kia vậy, không thể làm cho những vị A La Hán giảm bớt được.

Bạch Đức Thế Tôn! Giảm bớt trăm ngàn vạn ức khe nước vẫn không thể biết giảm mất một tí nào.

Lấy bớt lượng nước trong biển cả bằng một Sông Hằng, há có thể biết được chút ít không?

Bạch Đức Thế Tôn! Lấy bớt trăm ngàn vạn ức lượng nước như Sông Hằng vẫn không thể biết là giảm tí nào. Các A La Hán ở Cõi Phật A Di Đà nhập Niết Bàn nhiều vô số nhưng những người mới đắc đạo cũng nhiều vô số, nên không tăng giảm.

Làm cho các dòng nước đều chảy vào trong biển lớn thì có thể làm cho biển lớn ấy thêm nhiều không?

Bạch Đức Thế Tôn! Biển ấy không thể thêm nhiều hơn.

Vì sao?

Vì biển cả là Vua của các dòng nước, cho nên mới như vậy.

Đức Phật dạy: Cõi Phật A Di Đà cũng như vậy, đều làm cho vô số chúng sanh, Chư Thiên và loài người, loài côn trùng nhỏ nhít nơi vô số cõi nước khắp mười phương được vãng sanh rất nhiều, rất đông không thể tính đếm được. Các Bồ Tát, A La Hán trong Cõi Phật A Di Đà là chúng Tỳ Kheo Tăng, vẫn theo như cũ không bị tăng giảm, làm thay đổi.

Vì sao?

Vì Cõi Phật A Di Đà cực kỳ an lạc, là Vua của các thiện nghiệp trong vô số các cõi nước khắp mười phương, là hùng tráng nhất trong các cõi nước, là châu báu trong các cõi nước, là tuổi thọ miên trường trong các cõi nước, là những kiệt xuất trong các cõi nước, là bao la nhất trong các cõi nước, là Kinh Đô trong các cõi nước, vô vi tự nhiên tột đỉnh của hạnh phúc, an vui tốt đẹp và sáng lạng.

Vì sao?

Vì khi Phật A Di Đà còn làm Bồ Tát đã phát nguyện tinh tấn dõng mãnh, không biếng lười, cho nên đạt quả phước như vậy.

Bồ Tát A Dật rất hoan hỷ, quỳ gối chắp tay bạch Phật: Đức Thế Tôn nói về cõi nước của Phật A Di Đà chỉ có an vui, tốt đẹp, sáng lạng và thù thắng, không thể so sánh thôi sao?

Đức Phật dạy: Trú xứ của các Bồ Tát, A La Hán, trong đó nhà cửa bằng bảy báu. Có người ở trong hư không, có người ở nơi đất bằng, có người muốn làm nhà thật cao, tức thì nhà cửa thật cao. Có người muốn nhà cửa thật rộng lớn, tức thì nhà cửa rộng lớn. 

Tất cả thể hiện tùy theo ý muốn một cách tự nhiên. Có trường hợp đặc biệt không thể làm cho nhà cửa tùy theo ý của người được.

Vì sao?

Vì những người có thể làm cho nhà cửa tùy theo ý đều do đời trước khi cầu đạo Bồ Tát thường tinh tấn và từ tâm, càng làm nhiều thiện nghiệp nên đưa đến nhiều phước đức.

Còn trường hợp khác không thể tùy theo ý muốn là vì đời trước khi cầu đạo không tinh tấn, thiếu từ tâm làm thêm nhiều thiện nghiệp nên đưa đến thiếu phước đức.

Ở Cõi Phật A Di Đà những y phục và thực phẩm đều tự nhiên bình đẳng, nhưng đức thì có nhiều hay ít, do người có tinh tấn dõng mãnh hay không, thể hiện cho chúng ta thấy rõ như vậy.

Đức Phật bảo: Các ông có thấy trú xứ của đệ lục Thiên Vương không?

Bạch Đức Thế Tôn, chúng con có thấy.

Đức Phật dạy: Giảng đường, nhà cửa, đất đai ở Cõi Phật A Di Đà thù thắng gấp trăm ngàn vạn ức trú xứ của đệ lục Thiên Vương. Các Bồ Tát, A La Hán có sự thấy nghe xuyên suốt tất cả. Họ thấy biết mọi sự thời quá khứ, tương lai và hiện tại khắp mười phương.

Lại có vô số nhân dân và những loài súc sanh, côn trùng nhỏ nhít ở trên Trời dưới đất, có tâm tư ý nghĩ về sự thiện ác hay phát ngôn đều biết hiện còn bao nhiêu năm hay đến kiếp nào được cứu thoát sanh vào cõi người, được vãng sanh vào Cõi Phật A Di Đà, lúc nào sẽ làm A La Hán, Bồ Tát... đều đoán biết tất cả.

Trên đảnh của các Bồ Tát, A La Hán tự phát ra ánh sáng tỏa chiếu lớn hoặc nhỏ. Trong số các Bồ Tát, có hai vị Bồ Tát tối tôn thường đứng hầu bên phải và bên trái Đức Phật.

Ngài thường cùng hai vị Bồ Tát này đối thoại, luận bàn những việc thời quá khứ, tương lai và hiện tại của chúng sanh khắp mười phương. Hoặc sai hai vị Bồ Tát này đến chỗ vô số các Đức Phật khắp mười phương. Họ liền bay đi, tùy theo ý muốn bay đến nơi nào, nhanh chóng như Phật và thật dõng mãnh không ai sánh bằng.

Hai vị đó là Bồ Tát Cái Lâu Tuyên và Bồ Tát Ma Ha Na Bát. Hai vị này có ánh sáng trí tuệ tối thượng, hào quang trên đảnh tỏa chiếu đến phương khác, thường sáng rực rỡ đến ngàn núi Tu Di trong Cõi Phật.

Hào quang trên đảnh các Bồ Tát cõi này tỏa chiếu khắp ngàn vạn ức dặm. Hào quang trên đảnh các A La Hán tỏa chiếu bảy trượng.

Đức Phật dạy: Nếu có người Thiện Nam, Thiện Nữ, hay người dân nào ở thế gian gặp việc liên lụy đến quan quyền, khủng bố, nạn gấp rút mà biết quay về đảnh lễ, nương tựa nơi Bồ Tát Cái Lâu Tuyên và Bồ Tát Ma Ha Na Bát thì sẽ được thoát khỏi tất cả.

Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật: Hào quang trên đảnh Đức Phật A Di Đà tỏa sáng cực kỳ vĩ đại, làm cho ánh sáng của Trăng, Sao, Mặt Trời trong hư không phải dừng lại, không thể vận hành, không thể phát sáng, vì hào quang rực rỡ của Phật đã phủ che tất cả.

Hào quang Phật tỏa chiếu trong cõi nước và tỏa chiếu khắp các cõi nước phương khác lúc nào cũng rực rỡ sáng ngời, không bao giờ có bóng tối. Cõi Phật A Di Đà không có thời gian một ngày, hai ngày.

Không có năm ngày, mười ngày.

Không có mười lăm ngày hay một tháng.

Không có năm tháng, mười tháng, năm năm hay mười năm.

Không có trăm năm, ngàn năm, không có vạn năm hay vạn ức năm.

Không có trăm ngàn vạn ức năm.

Không có một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp.

Không có vạn kiếp hay trăm vạn kiếp.

Không có ngàn vạn kiếp hay trăm ức vạn kiếp.

Hào quang của Phật A Di Đà sáng đến vô cùng vô cực. Sáng đến kiếp sau cho đến vô số kiếp. Vô số kiếp rồi lại đến vô số kiếp. Vô số kiếp đến vô lượng kiếp, không bao giờ có lúc tối tăm. Cõi nước và Cõi Trời không có lúc tan hoại.

Vì sao?

Vì tuổi thọ của Phật A Di Đà cực kỳ viên mãn, cõi nước vô cùng tốt đẹp cho nên mới được như vậy. Tuổi thọ của Phật A Di Đà cho đến kiếp sau, vô số kiếp rồi lại vô số kiếp Ngài vẫn chưa vào Niết Bàn.

Đức Phật Giáo hóa ở thế gian là ý muốn hóa độ cho Chư Thiên, nhân dân và loài súc sanh, côn trùng nhỏ nhít nơi vô số cõi nước khắp mười phương.

Ngài muốn làm cho những chúng sanh ấy được sanh sang cõi nước của Ngài và tất cả đều đắc đạo Nê Hoàn. Những vị đã làm Bồ Tát cõi nước này, Ngài lại muốn cho họ được làm Phật.

Đã làm Phật rồi chuyển đến giáo hóa cho Chư Thiên, nhân dân, súc sanh và loài côn trùng nhỏ nhít khắp mười phương. Lại muốn khiến cho họ làm Phật.

Đã làm Phật rồi lại giáo hóa cho Chư Thiên, nhân dân và những loài súc sanh, côn trùng nhỏ nhiệm, làm cho họ đắc đạo Nê Hoàn.

Những người có thể dạy bảo được thì dạy bảo lần lượt, họ lại dạy cho người khác và cùng được độ thoát, cho đến làm cho đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật Đạo, cùng nhau được độ thoát và được đắc đạo Nê Hoàn.

Tất cả được như vậy mà Ngài vẫn chưa muốn vào Nê Hoàn. Sự độ thoát của Phật A Di Đà lần lượt như vậy. Ngài trụ thế vô số kiếp, vô số kiếp không thể tính toán được mà Ngài vẫn chưa lúc nào vào Nê Hoàn.

Vô số Chư Thiên, nhân dân và loài côn trùng nhỏ nhít khắp mười phương được sanh vào Cõi Phật A Di Đà, được làm Phật nhiều vô số. Những vị A La Hán được đạo Nê Hoàn cũng nhiều vô số không tính hết được.

Ân đức của Phật A Di Đà đã ban bố cho muôn loài khắp mười phương, thật là vô cùng vô tận, sâu thẳm vô lượng vô biên, an lạc không sao nói hết.

Trí tuệ siêu tuyệt của Ngài đã dạy dỗ xuất phát thành Kinh Đạo, ban rải cho vô số chúng sanh từ trên Trời cho đến dưới đất khắp mười phương, thật là vô bờ bến. Số quyển Kinh rất là nhiều, nhiều vô cùng tận, không thể tính được.

Đức Phật bảo Bồ Tát A Dật: Thầy có muốn biết tuổi thọ Phật A Di Đà thời gian bao lâu không?

Bạch Đức Thế Tôn! Con muốn nghe biết điều này.

Đức Phật dạy: Thầy hãy nghe rõ. Giả sử vô số tất cả Chư Thiên, nhân dân và loài súc sanh, côn trùng nhỏ nhít trong khắp mười phương đều được vào đạo, được làm Phật Bích chi, A La Hán.

Họ cùng nhất tâm Tọa Thiền hợp thành một trí tuệ dõng mãnh để muốn tính biết tuổi thọ của Phật A Di Đà là bao nhiêu năm, ngàn vạn ức kiếp, hoàn toàn không thể tính biết được.

Lại làm cho Chư Thiên, nhân dân và loài súc sanh, côn trùng nhỏ nhít trong ngàn núi Tu Di nơi các cõi nước ở phương khác đều được vào đạo.

Tất cả được làm Bích Chi Phật và A La Hán, nhất tâm Tọa Thiền hợp thành một trí tuệ dõng mãnh, cùng muốn tính đếm số các Bồ Tát, A La Hán trong Cõi Phật A Di Đà có bao nhiêu ngàn vạn ức người, đều không thể tính biết được. Tuổi thọ của Phật A Di Đà trường cửu, miên viễn, vô cùng vô tận, chiếu sáng mênh mông, minh thiện thẳm sâu, vô cùng vô tận.

Những ai có thể tin được điều này?

Nếu không phải là bậc chí Thánh như Phật.

Bồ Tát A Dật nghe lời Phật dạy rất vui mừng, quỳ gối chắp tay thưa: Đức Thế Tôn nói về tuổi thọ dài lâu vô tận của Phật A Di Đà, oai thần tột đỉnh, trí tuệ sáng ngời và an lành vời vợi. Chỉ có chính Ngài mới là như vậy.

Đức Phật dạy: Cho đến sau này, khi Đức Phật A Di Đà nhập diệt, Bồ Tát Cái Lâu Tuyên sẽ làm Phật, thống lãnh sự nghiệp trí tuệ, đứng đầu sự dạy bảo và hóa độ cho Chư Thiên, nhân dân, cho đến loài côn trùng nhỏ nhít khắp mười phương ở thế gian, làm cho họ đắc đạo Nê Hoàn Phật.

Phước đức thiện của Bồ Tát này sẽ như Đại Sư A Di Đà Phật. Bồ Tát trụ thế vô số kiếp, vô số kiếp không thể tính được, chỉ có pháp Đại Sư mới nhập Nê Hoàn. Tiếp đến là Bồ Tát Ma Ha Na Bát sẽ làm Phật, chủ trì sự nghiệp trí tuệ, thống lĩnh sự dạy bảo và hóa độ phước đức cho mọi loài.

Cũng như Đại Sư A Di Đà Phật, Bồ Tát trụ thế vô số kiếp vẫn chưa nhập Niết Bàn, lần lượt truyền thừa, truyền bá Kinh Đạo, sáng lạng vô cùng, cõi nước cực thiện, giáo pháp cũng thế, không bao giờ đoạn tuyệt mà vô cùng vô tận.

Hiền giả A Nan quỳ xuống, chắp tay thưa hỏi Phật: Trong cõi nước Phật A Di Đà không có núi Tu Di, đệ nhất Tứ Thiên, đệ nhị Đao Lợi Thiên, như vậy nương tựa vào đâu để ở?

Con muốn nghe Ngài dạy điều này.

Đức Phật bảo A Nan: Thầy có ý nghi ngờ về trú xứ của Phật A Di Đà chăng?

Ví như nước trong biển cả từ khắp mười phương thiên hạ, có một người đong lường nước biển ấy, vẫn có thể làm khô cạn tận đáy bùn, trí tuệ Phật thì không như vậy.

Theo sự thấy biết của ta, Chư Phật thời quá khứ có tên Thích Ca Văn Phật như ta nhiều như số cát Sông Hằng, mỗi hạt cát là một Đức Phật.

Chư Phật tương lai có tên như ta cũng nhiều như số cát Sông Hằng. Người vừa mới mong cầu làm Phật có tên như ta cũng nhiều như số cát Sông Hằng. Đức Phật ngồi nhìn thẳng về phương Nam.

Phật ngay đời hiện tại có tên gọi như ta cũng nhiều như số cát Sông Hằng. Chư Phật đời quá khứ, tương lai, hiện tại khắp mười phương có tên gọi như ta nhiều bằng mười số cát Sông Hằng, mỗi hạt cát là một Đức Phật, số Phật ấy cũng như vậy, Phật đều đoán thấy biết tất cả.

Đức Phật dạy: Thuở xưa, vô số kiếp đã qua, một kiếp hay mười kiếp, trăm kiếp ngàn kiếp, vạn kiếp ức kiếp, ức vạn ức kiếp, trong đó có Phật thuộc về quá khứ đã qua một Phật, mười Phật, trăm Phật, ngàn Phật, vạn Phật, ức Phật, ức vạn ức Phật các Đức Phật có danh hiệu không giống nhau, hoặc không có danh hiệu như ta.

Kiếp bắt đầu ở tương lai, một kiếp, mười kiếp, trăm kiếp, ngàn kiếp, vạn kiếp, ức kiếp, ức vạn ức kiếp, trong kiếp ấy có Phật, một Phật hay mười Phật, trăm Phật, ngàn Phật, vạn ức Phật, ức vạn ức Phật, những Đức Phật tự có danh hiệu không đồng nhau, lâu lâu mới có một Phật có danh hiệu như ta. Vô số cõi nước khắp mười phương có Đức Phật hiện tại.

Tiếp đến cõi nước phương khác có một Cõi Phật, mười Cõi Phật, trăm Cõi Phật, ngàn Cõi Phật, vạn Cõi Phật, ức Cõi Phật, ức vạn ức Cõi Phật, trong đó có Phật nhưng danh hiệu thì khác nhau rất nhiều, không giống danh hiệu của ta. Vô số Chư Phật trong mười phương, lâu lâu mới có Phật danh hiệu như ta.

Khắp mười phương, thời quá khứ, tương lai và hiện tại, suốt trong khoảng thời gian mênh mông diệu vợi ấy thật là dằng dặc xa xôi, vô cùng vô tận.

Trí Phật hiển bày vô cùng trong sáng, suy cổ biết kim. Phật biết trước tất cả mọi kiếp hiện tại và tương lai, đoán biết quá khứ vô tận, nhiều không thể tính hết. Oai thần chói sáng cao vời của vô số Chư Phật, Ngài đều biết rõ.

Đạo Đức và trí tuệ Phật hợp thành ánh sáng nên hoàn toàn không thể hỏi Phật Kinh Đạo cùng tận được. Bởi vì trí tuệ Phật không bao giờ có thể đo lường hay nói hết được.

Hiền giả A Nan nghe lời Phật dạy, sợ hãi sởn tóc gáy, vội quỳ xuống bạch Phật: Con không dám có ý nghi ngờ về trú xứ của Phật. Sở dĩ con thỉnh hỏi Đức Thế Tôn như vậy vì con thấy những cõi nước phương khác đều có núi Tu Di, đệ nhất Tứ Thiên, đệ nhị Đao Lợi Thiên và chúng sanh nương tựa vào đó để ở.

Con sợ sau khi Phật nhập Niết Bàn, bất chợt có Chư Thiên, loài người hoặc Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đến hỏi con về cõi nước Phật A Di Đà vì sao không có núi Tu Di, đệ nhất Tứ Thiên, đệ nhị Đao Lợi Thiên, họ sẽ nương vào đâu để sống, rồi con phải trả lời ra sao?

Nếu bây giờ không thỉnh hỏi Phật, sau khi Phật đi rồi, con sẽ lấy gì để giải đáp điều họ hỏi?

Chỉ riêng Đức Thế Tôn biết rõ việc này, ngoài ra mọi người không ai có thể giải đáp cho con, thế nên hôm nay con hỏi Phật.

Đức Phật bảo A Nan: Đệ Tam Diệm Thiên, Đệ Tứ Đâu Suất Thiên, Đệ Thất Phạm Thiên sẽ nương vào đâu để ở?

Hiền giả A Nan thưa: Chư Thiên đều ở trong hư không tự nhiên, vì trong hư không không có nơi nương tựa. Oai thần Phật rất lớn, tự nhiên hành động theo ý muốn, hành động theo ý muốn không cần dự tính.

Chư Thiên mà còn ở trong hư không, huống chi Phật là Đấng có oai thần tôn quý, lại cần có chỗ nương tựa ư?

Hiền giả A Nan nghe lời Phật dạy, rất hoan hỷ, quỳ xuống chắp tay thưa: Trí tuệ Phật biết rõ mọi việc thời quá khứ, tương lai và hiện tại khắp mười phương, thật là vô cùng vô tận, mênh mông không bờ bến, rất cao siêu vĩ đại, diệu kỳ an lạc, cực kỳ sáng suốt, tốt đẹp không gì có thể sánh được. Oai thần của Phật rất tối thắng, không gì có thể tương xứng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần