Phật Thuyết Kinh A Xà Thế Vương Nữ A Thuật đạt Bồ Tát - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH A XÀ THẾ VƯƠNG NỮ

A THUẬT ĐẠT BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẦN BA  

Tôn Giả Đại Ca Diếp! Tôi thấy đấng Chánh Biến Tri cũng như thấy Tôn Giả Đại Ca Diếp, vì không có trí sáng lớn nên ưa thích sinh ở thế gian, tự gọi là có thân, chuyên về một hạnh giác ngộ mong muốn thấy đạo.

Tôn Giả Đại Ca Diếp hỏi.

Cô nên trình bày pháp không có chủ, kẻ ngu si nên mới ưa sinh, tự gọi là ngã thân, tất cả vạn vật là pháp tưởng hiện có của ngã, không ở trong hay ở ngoài mà được thấy, vậy từ đâu hóa sinh?

Vương Nữ đáp.

Các pháp không thể thấy, đó là pháp vô hình, như vậy thì không thể thấy là được sinh như thế nào?

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Pháp Phật cũng là không, là không thật có sao?

Vương Nữ đáp.

Muốn thấy được pháp chánh chân vô thượng thì phải nên đúng như pháp mà thấy.

Đại Ca Diếp hỏi.

Pháp của bạch y tôi cũng muốn nghe, huống chi là Phật đạo ma không muốn nghe sao?

Vương Nữ đáp.

Pháp không thấy là có, cũng không thấy là không.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Vậy đó là pháp không?

Vương Nữ đáp.

Các pháp đều không, không có hình tướng, không thể từ chân đế mà thấy được. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn thấy được thân tướng Phật, thì tự mình hãy làm thanh tịnh các đức hạnh, ở trong hạnh thanh tịnh, mới thấy được thanh tịnh, mới là thuần thục.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Thế nào là tự làm thanh tịnh hạnh cho thuần thục?

Vương Nữ đáp.

Tự quán thân là không, tức là hội nhập các pháp không, các pháp không giảm, cũng không tăng. Đó là tự thấy các sự thanh tịnh.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Những gì gọi là thân không?

Vương Nữ đáp.

Không tận là không, thân này là không, các pháp không cũng như vậy.

Tôn Giả Ca Diếp nói.

Từ đâu nghe được pháp này mới có thể tin tưởng chắc chắn. Đức Phật dạy hai nhân duyên mới được tin, một là nghe người khác, hai là khéo tự suy nghĩ hành động.

Vương Nữ nói.

Dùng trí tuệ nghe người khác nói, có thể nghe, rồi mới tự quán xét nơi thân tạo tác. Nếu tự có trí tuệ, lại quán tất cả, lấy sự sáng suốt làm thầy.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Làm sao tự biết thân mình làm thiện?

Vương Nữ thưa.

Nghe pháp, quán sát điều thiện, thân làm thiện thì thấy tạo tác thiện.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Bồ Tát làm thế nào tự quán thân hành thiện?

Vương Nữ thưa.

Pháp của Bồ Tát hòa hợp với tất cả người trong thiên hạ, đồng một sở thích, không điều gì mà không thông suốt. Đây là thân Bồ Tát hành thiện.

Lại nữa, thưa Tôn Giả Ca Diếp! Pháp vị lai, pháp quá khứ, pháp hiện tại đều không tăng giảm, đây là pháp hành của Bồ Tát.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Làm thế nào thấy được pháp không có chỗ tăng, không có chỗ giảm?

Vương Nữ đáp.

Có hai điều là có pháp và không pháp, không tăng và không giảm. Khởi lên suy nghĩ như vậy thì tự thấy thân, ý, hành của mình. Mà thấy thân, ý, hành chính là không có sự thấy biết.

Đại Ca Diếp! Đó là tự thấy thân mình.

Tôn Giả Ca Diếp hỏi.

Làm thế nào để tự thấy thân mình?

Vương Nữ đáp.

Cũng như Tôn Giả Đại Ca Diếp tự độ thân mình, không thấy tất cả mọi người.

Tôn Giả Ca Diếp nói.

Tôi không có nơi chốn được.

Vương Nữ nói.

Các pháp đều không có chỗ xả bỏ cũng không có nơi chốn chấp trước.

Tôn Giả Đại Ca Diếp im lặng, không dùng lời gì để đáp lại.

Bấy giờ, Tôn Giả Tu Bồ Đề nghe lời nói ấy, cho là rất sâu xa, nên rất hoan hỷ, bèn hỏi Vương Nữ Vô Sầu Ưu.

Cô từ đâu mà đạt được lợi ích lớn, mới có biện tài này?

Vương Nữ đáp.

Cũng không được lợi ích, cũng không phải là không được lợi ích. Trí tuệ cũng không thấy pháp, pháp cũng không thấy trí tuệ, cũng không nội quán, cũng không ngoại quán. Trí tuệ là như vậy.

Vì sao?

Tôn Giả Tu Bồ Đề nói có pháp tức là phi pháp. Cũng như Tôn Giả Tu Bồ Đề là bậc thâm nhập tánh không bậc nhất. Pháp là có nơi chốn, có thuyết giảng, là có trí tuệ, không có trí tuệ, trí tuệ thì không có nơi chốn để nêu bày.

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp.

Không nên chấp chặt vào chỗ vắng lặng, hễ có pháp xứ là được trí tuệ. Pháp này chỉ thấy, không thể thuyết giảng, không thể nói ra.

Vương Nữ nói.

Tất cả các pháp đều như vậy, không từ nơi nhận thức, không từ nơi chọn lấy. Thế thì làm sao được lợi ích lớn mà có trí tuệ.

Tôn Giả Tu Bồ Đề hỏi.

Cô hãy nêu bày về pháp không, không có trí tuệ.

Do từ đâu mà nói là có?

Vương Nữ thưa.

Tôn Giả đã từng nghe tiếng kêu lớn ở trong núi, có âm thanh vang từ đâu không?

Tất cả các pháp đều như vậy. Tin, không nói, tin là tiếng vang. Có trí tuệ, không có trí tuệ vốn là không tuệ. Tiếng vang đó nhờ âm thanh hợp thành.

Vương Nữ hỏi Tôn Giả Tu Bồ Đề.

Âm vang này phát ra là có hình tướng chăng?

Tôn Giả Tu Bồ Đề đáp.

Âm vang không có hình tướng. Nó do nơi không mà có tên gọi.

Tất cả các pháp đều như tiếng vang, do nơi không mà phát sinh.

Vương Nữ nói.

Tất cả pháp, nơi chốn thuyết pháp cũng từ không mà phát sinh.

Tu Bồ Đề hỏi.

Nếu tất cả các pháp từ không phát sinh, thì vì sao Phật lại thuyết giảng.

Chư Phật ở đời vị lai xuất hiện nơi thế gian nhiều như cát sông Hằng?

Vương Nữ thưa.

Tôn Giả muốn biết chỗ sinh ra pháp chăng?

Tu Bồ Đề đáp.

Tôi muốn biết.

Vương Nữ nói.

Nơi chốn phát sinh là không có chỗ sinh, không có chỗ sinh chính là chốn phát sinh.

Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Hằng hà sa chư Phật không thấy từ Như Lai đi, cũng không phải từ Như Lai đến. Sở dĩ thành Phật là chẳng từ nơi pháp nào để phát tâm, cũng không dừng lại nơi ý.

Tu Bồ Đề nêu.

Thuyết này là đệ nhất nghĩa về chưa sinh, chưa khởi.

Vương Nữ nói.

Chỗ thuyết giảng đều là đệ nhất. Hoặc thuyết giảng hoặc không thuyết giang cũng đều là đệ nhất. Tất cả đều là không chốn sinh, không thể nêu bày. Không thể nêu bày mới không xa lìa pháp Phật.

Tu Bồ Đề nói.

Thật hiếm có người tại gia học đạo mà có biện tài uyên bác, hiểu rộng nghĩa lý, thâm nhập pháp diệu như vậy.

Vương Nữ thưa.

Bồ Tát cũng không là tại gia, cũng không là xuất gia, cũng không là Sa Môn, cũng chẳng phải là không Sa Môn.

Vì sao?

Vì do hành động của tâm ý. Hành động ấy lấy trí tuệ làm đầu, lấy sự sáng suốt làm sự hoàn hảo.

Tu Bồ Đề hỏi.

Bồ Tát có bao nhiêu chỗ để dừng lại?

Tôi xin được nghe.

Vương Nữ thưa.

Bồ Tát thọ trì tám pháp trụ, là cho dừng ngay nơi sự dừng, không chỗ nào là không dừng, là bậc nhất trong hàng Thanh Văn.

Tám pháp ấy là những gì mà hàng Bồ Tát thường hành ý thiện, chí tâm cầu Phật, không hề chuyển hối?

1. Đem tâm từ bi rộng lớn cứu giúp tất cả mọi người.

2. Không bỏ lòng thương yêu rộng lớn, xa lìa pháp thế gian, đối với thân mạng không có sự chấp trước.

3. Thực hành phương tiện thiện xảo, trí tuệ không thể nêu kể, đều phát sinh từ tâm dốc cầu thành Phật.

4. Thường tinh tấn dũng mãnh, không nhàm chán, thấy nghe cầu đạt các pháp.

5. Phải biết hành xứ của Bồ Tát.

6. Cứu hộ dẫn dắt tâm ý của hết thảy mọi loài.

7. Trí ấy không từ người khác có.

8. Thọ trì tất cả pháp, tự chưng đắc pháp nhẫn.

Đó là tám pháp.

Thưa Tôn Giả Tu Bồ Đề! Thọ trì tám pháp này là thực hành ngay chỗ để dừng, vượt hơn các La Hán, Phật Bích Chi.

Lúc ấy, Tôn Giả Tu Bồ Đề im lặng.

Bấy giờ, Tôn Giả La Vân hỏi Vương Nữ Vô Sầu Ưu.

Cô quả thật là đã giải bày nghĩa lý rõ ràng, hiểu sâu các pháp tổng trì, đạt trí tuệ căn bản. Nhưng sao công chúa lại ngồi nơi tòa vàng uế trược, không có tâm khiêm nhường, cung kính.

Tự mình ngồi nơi tòa cao nêu vấn nạn mà thuyết giảng Kinh Pháp cho chư đại Tỳ Kheo. Tôi từng nghe Phật dạy. Ai không có bệnh tật thì không được ngồi nằm nơi tòa cao, nghe thuyết giảng Kinh Pháp.

Vương Nữ thưa.

Tôn Giả đã từng biết ở thế gian cho điều gì tịnh, điều gì là bất tịnh chăng?

Tôn Giả La Vân nói.

Ở thế gian, ai thọ trì, tin tưởng, không phạm giới là tịnh. Nếu sai phạm là bất tịnh.

Vương Nữ nói.

Như vậy là Tôn Giả chưa hiểu, chưa rõ về điều ấy.

Vì sao?

Thưa Tôn Giả La Vân! Người giữ giới, tin tưởng, thọ trì, không phạm giới là bất tịnh, người phạm giới tức là tịnh.

Vì sao?

Nếu không nương vào trí tuệ thanh tịnh thì có phân biệt tịnh và bất tịnh vốn không vắng lặng, không tịnh, không bất tịnh. Chư vị A La Hán đều thấy rõ như vậy, người nào phạm giới là tịnh.

Vì sao?

La Vân! Vì xa lìa nơi chốn của giới, không học, không lập nên có thể đạt đến trí tuệ vô biên, lìa bỏ nẻo ác, vượt quá thế gian. Cho nên gọi là lìa giới.

Tôn Giả La Vân hỏi.

Người như vậy thì sự lập nguyện, không lập nguyện có khác chăng?

Vương Nữ thưa.

Ví như lấy vàng đem mài dũa tạo ra nhiều đồ vật như nhẫn, vòng, dây chuyền, vật đã làm hoặc chưa làm thì màu sắc trước, màu sắc sau có khác nhau không?

Tôn Giả La Vân đáp.

Không khác.

Vương Nữ thưa.

Đúng vậy! Thưa Tôn Giả La Vân! Cớ sao lại trách cứ về chỗ ngồi cao, không khiêm nhường, cung kính. Điều cốt yếu là hành động của ý.

Thưa Tôn Giả La Vân! Xưa kia Bồ Tát dùng cỏ trải nơi đất mà ngồi, hơn cả chỗ ngồi của Thanh Văn, Phạm Thiên.

Tôn Giả La Vân hỏi lại.

Vì sao chỗ ngồi của Bồ Tát lại hơn chỗ ngồi của Thanh Văn, Phạm Thiên?

Vương Nữ thưa.

Thưa Tôn Giả La Vân! Bồ Tát ở nơi gốc cây dùng cỏ làm tòa. Ba ngàn thế giới Thích, Phạm, Tứ Thiên Vương và thế gian, trên đến cõi Trời Ba Mươi Ba, giữa là muôn dân, quỷ thần lớn đều đến thăm hỏi. Trong hàng Bồ Tát, có vị quỳ lạy chân Bồ Tát, có vị khiêm nhường vái chào, có vị vòng tay lại.

Những sự việc đó đúng chăng?

Tôn Giả La Vân trả lời.

Đúng! Rất đúng.

Vương Nữ nói.

Tôn Giả La Vân nên biết! Chỗ ngồi của Bồ Tát là từ nơi ý tâm cao thấp chẳng phải là nơi tòa ngồi, cho nên vượt hơn chỗ ngồi của Thanh Văn, Phạm thiên, Tôn Giả nên biết như vậy.

Lúc này, Vua A Xà Thế bảo Vương Nữ Vô Sầu Ưu.

Con không biết sao! Tôn Giả La Vân thuộc chủng tộc tôn quý bậc nhất nơi hàng Chuyển Luân Vương. Do lòng tin đạo nên từ giả gia đình khi còn nhỏ để hành đạo Sa Môn, bỏ ngôi vị Chuyển Luân Vương, là con của Phật Thích Ca, bậc trì giới đệ nhất.

Sao con lại khinh mạn, không chịu kính lễ?

Vương Nữ thưa.

Thưa Phụ Vương! Chớ nên nói như vậy. Sao Phụ Vương lại lấy viên ngọc Thần Chu đem so sánh với thủy tinh.

Phụ Vương từng thấy Sư Tử sinh ra con là cáo chăng?

Con của Chuyển Luân Vương đâu lại làm Vua nước nhỏ.

Vua nói.

Không có như vậy.

Vương Nữ thưa.

Tâu Phụ Vương! Cha nên biết đều là do nhân duyên thôi, chứ Tôn Giả La Vân kia đâu từ Như Lai sinh, mà là sinh từ thai của cha mẹ. Hạnh Sư Tử của Như Lai đều hàng phục chín mươi sáu thứ ngoại đạo, trí tuệ thần thông đều đầy đủ, là vị đại thánh dũng mãnh.

Tất cả các pháp đều nhận biết ro không có điều gì bị trở ngại, kể cả tâm niệm của mọi người. Ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai đều thấu đạt, là vị đại y vương chữa trị mọi thống khổ cho nhân loại, thường khuyến hóa tất cả để chuyển pháp luân.

Các Tôn Giả Xá Lợi Phất, Đại Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Tu Bồ Đề, Loa Việt, La Vân, A Nan, đều là hàng Thanh Văn nghe pháp phụng hành chứ chẳng phải là con của Phật.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần