Phật Thuyết Kinh Bản Nghiệp Của Bồ Tát - Phẩm Một - Phẩm Hạnh Nguyện - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH

BẢN NGHIỆP CỦA BỒ TÁT

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẨM MỘT

PHẨM HẠNH NGUYỆN  

TẬP MỘT  

Nghe như vậy!

Một thời, Phật đi đến Đạo Tràng Ma Kiệt, khi vừa đắc quả Phật, hào quang rực sáng, ngồi nơi Tòa Sư Tử hoa sen báu tự nhiên của Chư Phật trong quá khứ đã ngồi.

Đạo đức, oai nghi, tướng tốt, hoàn toàn như nhau, thân, ý thanh tịnh, phước hạnh đủ khắp. Ánh sáng chiếu suốt khắp pháp giới cõi con người, từ quá khứ, hiện tại đến vị lai không hề ngăn ngại, thành tựu ở đời, tất cả đều như nhau.

Lúc này ở trong hội, các Bồ Tát đều là bậc nhất sinh bổ xứ, thần thông đạt đến chỗ cao tột biến khắp mười phương, chỉ dẫn đường tốt cho chúng sinh, mở bày tạng pháp của Chư Phật, chỉ dạy con đường Niết Bàn, thâm nhập vào căn tánh của mỗi người.

Trí đức đời trước, phương tiện được vận dụng khéo léo, dạy bảo dần dần rồi hiểu rõ các pháp trong và ngoài, trước sau không dao động, biết được tất cả cảnh giới Chư Phật, sự phân biệt cũng không còn, khen ngợi các danh hiệu Phật, xưng tụng không thể hết.

Tất cả sự việc trong ba đường ác, cũng đều thông suốt, các Bồ Tát cùng khen ngợi: Phật vì nghĩ đến chúng ta mà phát ra chí nguyện lớn, biểu hiện cho chúng ta thấy tất cả cảnh giới tốt xấu của Chư Phật và cõi nước thù thắng nơi Phật thường qua lại để giáo hóa và phát triển đạo pháp, thần thông chói sáng, chỉ dạy cho Trời người hiểu rõ giáo pháp.

Bản nghiệp của Phật là Thập Địa, Thập Trí, Thập Hạnh, Thập Đầu, Thập Tạng, Thập Nguyện, Thập Minh, Thập Định, Thập Hiện, Thập Ấn, chặt đứt các lỗi lầm và các nghi ngờ vọng tưởng của chúng ta.

Vì chúng ta mà hiển hiện hạnh Phật, trí Phật, thần Phật, định Phật, tùy lúc mà hiến hóa vô lượng, luôn luôn tự tại. Bốn vô sở úy, mười pháp bất cộng, tất cả trí tuệ đều sáng suốt, đạo đức vô thượng, tất cả các việc ấy đều hiện bày rõ ràng.

Rất xa phương Đông

Có Cõi Hương Lâm

Phật nhập tinh tấn

Bồ Tát Kính Thủ.

Rất xa phương Nam

Có Cõi Lạc Lâm

Phật Bất Xả Nhạo

Bồ Tát Giác Thủ.

Rất xa phương Tây

Có Cõi Hoa Lâm

Phật Tập Tinh Tấn

Bồ Tát Tuệ Thủ.

Rất xa phương Bắc

Có Cõi Đạo Lâm

Phật Hành Tinh Tấn

Bồ Tát Tuệ Thủ

Phương xa Đông Bắc

Có Cõi Thanh Liên

Phật Bi Tinh Tấn

Bồ Tát Đức Thủ

Phương xa Đông Nam

Có Cõi Kim Luân

Phật tận tinh tấn

Bồ Tát Mục Thủ

Phương xa Tây nam

Có Cõi Bảo Lâm

Phật Thượng Tinh Tấn

Bồ Tát Minh Thủ

Phương xa Tây Bắc

Có Cõi Kim Cang

Phật Nhất Thừa Độ

Bồ Tát Pháp Thủ

Rất xa phương Dưới

Có Cõi Thủy Tinh

Phật Phạm Tinh Tấn

Bồ Tát Trí Thủ

Rất xa phương Trên

Có Cõi Dục Lâm

Phật Chí Tinh Tấn

Bồ Tát Hiền Thủ.

Bấy giờ, Bồ Tát Hiền Thủ dẫn đầu vô số những Thượng Nhân cùng đi đến cúi đầu sát chân Phật, rồi ngồi trên tòa sen một bên Phật.

Khi ấy, Bồ Tát Kính Thủ nương thánh chỉ của Phật, khen: Sung sướng thay! Được gặp Thượng nhân đang hội họp là việc chưa từng có.

Quán sát nơi Ngài đến: Cõi Phật là cõi thanh tịnh, cho đến việc ăn mặc của Như Lai cũng đầy giới đức, thể hiện sự tu hành vi diệu, thành tựu hiểu biết về căn lực, giảng dạy Kinh pháp, được oai thần của Phật, tùy cõi sạch, nhơ mà độ người nhiều vô số, truyền giáo pháp đến khắp nơi.

Ngay trong cõi Phật này, cõi nước của những người đặc biệt có đến trăm vạn ức. Nào hiền, ngu, tốt, xấu, thọ, yểu cùng vô số ngôn ngữ khác nhau, họ đều nghe đức độ của Phật, đều tự tôn xưng danh hiệu Phật.

Hoặc có người tôn xưng Phật là Bậc Thánh Giả Nhân. Người tôn xưng Phật là Đại Sa Môn. Hoặc gọi Chúng Hựu, hoặc gọi Thần Nhân, hoặc khen Dũng Trí, hoặc khen Thế Tôn, hoặc gọi là Năng Nhu, hoặc gọi là Thăng Tiên, hoặc kêu Thiên Sư, hoặc kêu Tối Thắng.

Chư Thiên, nhân dân trong mười phương, tôn xưng danh hiệu Phật bằng vô số vạn ức tên như vậy. Đấy là do những người này đều nhờ vào bản nguyện của Phật từ xưa đến nay đã tuyên bố, giáo hóa đạo pháp cho họ.

Bấy giờ, từ tướng dưới bàn chân, Phật phóng bánh xe ánh sáng, chiếu khắp các cõi nước nhỏ thuộc Thế Giới Chư Phật. Ở một cõi nước nhỏ, có một núi Tu Di, một Mặt Trời, một Mặt Trăng, chiếu sáng xoay quanh bốn châu thiên hạ.

Phía Đông là Phất Vu Lệ, phía Nam là Diêm Phù Đề, phía Tây là Câu Da Ni, phía Bắc là Uất Đơn Việt. Chung quanh bốn biển lớn, có tường sắt bao bọc, ở trên có hai mươi tám tầng Trời. Như vậy, làm thành một cõi nước nhỏ, khắp cả mười phương họp lại, có cả trăm ức cõi nước nhỏ như vậy.

Bấy giờ, lại hiện ra trăm ức núi Tu Di, trăm ức Mặt Trời, Mặt Trăng và các Cõi Trời như Trời Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Diệm Ma, Trời Đâu Thuật, Trời Bất Khiếu Nhạo, Trời Hóa Ứng Thanh.

Trời Phạm Thiên, Trời Phạm Chúng Thiên, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Thanh Minh, Trời Thủy Hành, Trời Thủy Vi, Trời Thủy Vô Lượng, Trời Thủy Âm, Trời Ước Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Tịnh Minh, Trời Thủy Diệu.

Trời Vi Diệu, Trời Quảng Diệu, Trời Cực Diệu, Trời Phước Ái, Trời Ái Thắng, Trời Cận Tế, Trời Thiện Quán, Trời Khoái Kiến, Trời Vô Kết Ái, Trời Thức Tuệ Thiên, Trời Vô Sở Niệm Tuệ, cho đến Trời Vô sắc thứ hai mươi tám.

Có cả trăm ức cõi nước nhỏ như vậy làm thành một cõi Phật, gọi là Thế Giới Nhẫn. Đức Phật Thích Ca Văn, phân thân thành trăm ức thân, biến đầy khắp ở trong đó.

Khi ấy, khắp Cõi Trời người đều thấy các cõi nước nhỏ, Chư Phật, Bồ Tát như đang ở gần nhau.  

PHẨM HẠNH NGUYỆN  

Bồ Tát Trí Thủ hỏi Bồ Tát Kính Thủ: Nhân giả tu hạnh gì mà được thành tựu Thánh Đạo của Phật, thân, khẩu, ý trong sạch, không nghĩ điều xấu của người, cũng làm cho mọi người không phạm các lỗi đó, nhân từ rộng lớn.

Nội tính quang minh sáng suốt, đặc biệt vượt hẳn lên trên, để giác ngộ cho hàng đệ tử, tất cả tà vạy không thể làm lay động, thân thể đoan chánh, các tướng không ai sánh bằng, dòng họ tôn quý, biết kính trọng Phật Pháp, tự giữ vững chí hướng.

Thường thực hành tứ đẳng, tài cao, trí tuệ rõ suốt, tinh tấn dũng mãnh, tu học theo các căn bản đạo đức, đầy đủ các pháp Ba La Mật, đã làm vô lượng các việc, thường sinh chỗ phước đức, nghe nói tin theo, tâm ý ngay thẳng, nhập thiền định, thâu giữ các niệm, hiểu rõ lợi ích của các pháp không, vô tướng, vô nguyện, xuất ra nhập vào bốn đại.

Năm ấm, sáu nhập, mười hai duyên khởi, bảy giác chi không trở ngại, thông hiểu mười trí lực, thể nhập tất cả các đường, giải cứu nguy ách, được Thích, Phạm cung kính, như đèn đuốc trừ diệt sự tối tăm.

Như Mặt Trời, Mặt Trăng soi sáng khắp thiên hạ, như thuyền trưởng cứu độ mọi người, đức hạnh vượt ba cõi và làm người đứng đầu, muốn thành tựu đạo như vậy, phải tu tập như thế nào?

Bồ Tát Kính Thủ đáp: Lành thay! Phật tử, chí ngưỡng mộ cao xa, tâm từ bi rộng lớn, thương xót mười phương.

Nếu thiện nam, thiện nữ muốn thành đạo, trước hết thân phải ngay thẳng, lời nói và ý nghĩ phải đi đôi, miệng học tập Kinh Điển, tâm nghĩ đến việc đáng làm. Đổi cũ, sửa mới, không thoái ý đạo. Dồn chứa đức lành, ban ân không mỏi mệt, được như thế thì học hỏi điều gì cũng đều có thể được.

Là Bồ Tát, cần phải học một cách đúng đắn, theo như giáo Phật Pháp dạy, không được thêm bớt, lấy thệ nguyện làm chủ yếu, luôn nghĩ đến việc an vui cho thế gian, nguyện phụng thờ giới hạnh, để lập căn bản đạo đức.

Tại gia giữ giới

Nên nguyện chúng sinh

Hiểu rõ tham dục

Vào trong pháp không.

Hiếu thờ cha mẹ

Nên nguyện chúng sinh

Giúp cho tất cả

Khiến được Phật Đạo.

Dạy bảo vợ con

Nên nguyện chúng sinh

Ra khỏi ngục ái

Tâm không lưu luyến.

Nếu được năm dục

Nên nguyện chúng sinh

Vào pháp thanh tịnh

Tâm không tham đắm.

Ở nơi kỹ nhạc

Nên nguyện chúng sinh

Được hưởng pháp lạc

Nhẫn là hoan hỷ.

Đeo báu anh lạc

Nên nguyện chúng sinh

Trút bỏ gánh nặng

Luôn được vừa ý.

Thấy các thể nữ

Nên nguyện chúng sinh

Vứt bỏ sắc ái

Dâm dật không còn.

Nếu lên lầu gác

Nên nguyện chúng sinh

Như lên pháp đường

Lãnh thọ Kinh Phật.

Thân ở trong phòng

Nên nguyện chúng sinh

Biết rõ đường ác

Không có gì vui.

Bố thí của cải

Nên nguyện chúng sinh

Làm phước giúp nghèo

Chẳng còn tham tiếc.

Nhàm chán gia đình

Nên nguyện chúng sinh

Mau được giải thoát

Không còn trói buộc.

Nếu bỏ xuất gia

Nên nguyện chúng sinh

Xa lìa tội lỗi

Theo chánh được yên.

Vào điện thờ Phật

Nên nguyện chúng sinh

Gần Phật hành pháp

Không còn trở ngại.

Đến chỗ thầy bạn

Nên nguyện chúng sinh

Hiểu rõ đúng đắn

Sẽ được như nguyện.

Cầu xin xả tội

Nên nguyện chúng sinh

Được chí thành tựu

Học không bị lỗi.

Cởi bỏ bạch y

Nên nguyện chúng sinh

Rõ đường tu đức

Không còn biếng nhác.

Mặc áo Ca Sa

Nên nguyện chúng sinh

Áo pháp thực hành

Tâm không nhiễm nhơ.

Cạo bỏ râu tóc

Nên nguyện chúng sinh

Bỏ trang sức đẹp

Không còn lo toan

Đã làm Sa Môn

Nên nguyện chúng sinh

Thực hành ý Phật

Hướng dẫn thiên hạ.

Thọ giới thành tựu

Nên nguyện chúng sinh

Được đạo phương tiện

Trí tuệ bát nhã.

Giữ gìn cấm giới

Nên nguyện chúng sinh

Vâng giữ Phật Pháp

Không phạm giáo pháp.

Được Hòa Thượng dạy

Nguyện cho chúng sinh

Được như thiền định

Giải thoát suy nghĩ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần