Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Nguyệt Dụ

Kinh Nguyên thủy   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:01 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống

PHẬT THUYẾT KINH TẠP A HÀM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Ðà La, Đời Tống  

KINH NGUYỆT DỤ  

Tôi nghe như vậy!

Một thời Đức Phật ở trong Vườn Trúc, khu Ca Lan Đà, thành Vương Xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Hãy sống như mặt trăng. Khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học. Như người mắt sáng khi lội vực sâu, lên đỉnh núi, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình và chậm rãi tiến tới trước.

Tỳ Kheo cũng vậy, sống như mặt trăng. Khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học.

Tỳ Kheo Ca Diếp sống như mặt trăng. Khi đi vào nhà người khác với tàm quý, khiêm hạ không cao mạn, kiểm thúc tâm, thúc liễm thân hình như người mới học. Như người mắt sáng lội vực sâu, lên đỉnh núi chế ngự tâm, thúc liễm thân, xem xét kỹ rồi mới tiến.

Phật bảo các Tỳ Kheo: Ý các ông thế nào?

Tỳ Kheo phải như thế nào mới vào nhà người?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là chỗ nương tựa của pháp, xin Thế Tôn nói rộng, các Tỳ Kheo nghe xong sẽ nhận lãnh phụng hành.

Phật bảo Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông giảng nói. Nếu Tỳ Kheo nào ở nhà người mà tâm không bị dính, không bị trói, không tham đắm dục lạc. Đối với cái lợi mà người khác có, công đức mà người khác làm, hoan hỷ như là của chính mình, không sanh ra tư tưởng ganh tị. Cũng không tự đề cao mình, hạ thấp người. Tỳ Kheo như vậy mới nên vào nhà người.

Bấy giờ, Thế Tôn đưa tay sờ vào hư không, rồi hỏi các Tỳ Kheo: Hiện tại tay này của ta có bị dính, bị trói, bị nhiễm bởi hư không chăng?

Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không.

Phật bảo Tỳ Kheo: Pháp của Tỳ Kheo thường như vậy, với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người. Chỉ có Tỳ Kheo Ca Diếp là với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người.

Đối với cái lợi mà người khác có, công đức mà người khác làm, hoan hỷ như là của chính mình, không sanh ra tư tưởng ganh tị. Cũng không tự đề cao mình, hạ thấp người, chỉ có Tỳ Kheo Ca Diếp như vậy mới nên vào nhà người.

Bấy giờ, Thế Tôn lại đưa tay sờ vào hư không, rồi hỏi các Tỳ Kheo: Ý các ông thế nào?

Hiện tại tay này của Ta có bị dính, bị trói, bị nhiễm bởi hư không chăng?

Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, không.

Phật bảo Tỳ Kheo: Chỉ Tỳ Kheo Ca Diếp thường như vậy, với tâm không bị dính, không bị trói và không bị nhiễm khi vào nhà người.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Tỳ Kheo như thế nào mới đáng là thuyết pháp thanh tịnh?

Các Tỳ Kheo bạch Phật: Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là nơi nương tựa của pháp, xin Ngài nói rộng, chúng con nghe xong sẽ nhận lãnh phụng hành.

Phật bảo Tỳ Kheo: Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông mà giảng nói.

Nếu có Tỳ Kheo nào thuyết pháp cho người mà khởi tâm như vậy: Những ai khởi tín tâm thanh tịnh đối với ta?

Làm như thế rồi, cúng dường y phục, ngọa cụ, mền nệm và thuốc men. Thuyết như vậy, gọi là thuyết pháp không thanh tịnh.

Nếu lại có Tỳ Kheo nào thuyết pháp cho người, khởi nghĩ như vậy: Chánh pháp luật được Thế Tôn hiển hiện, lìa các nhiệt não, không đợi thời tiết, ngay nơi hiện thân này, duyên nơi tự tâm mà giác tri, hướng thẳng Niết Bàn.

Nhưng chúng sanh thì đắm chìm vào già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Những chúng sanh như vậy nếu nghe được chánh pháp, nhờ nghĩa lợi thì mãi mãi sẽ được an lạc.

Nhờ nhân duyên chánh pháp này, bằng tâm từ, tâm bi, tâm thương xót và tâm muốn chánh pháp được trụ thế lâu dài mà thuyết cho người. Đó gọi là thuyết pháp thanh tịnh.

Chỉ có Tỳ Kheo Ca Diếp mới có tâm thanh tịnh như vậy mà vì người thuyết pháp. Bằng chánh pháp luật của Như Lai, cho đến vì tâm muốn làm chánh pháp được trụ thế lâu dài mà vì người thuyết pháp. Cho nên, các Tỳ Kheo, phải học như vậy, thuyết pháp như vậy, đối với chánh pháp luật của Như Lai, cho đến tâm muốn khiến cho chánh pháp được thường trụ lâu dài mà vì người thuyết pháp.

Phật nói Kinh này xong, các Tỳ Kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường

Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một

Kinh Nguyên thủy   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường