Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM HAI

PHẨM HAI PHÁP  

PHẦN BẢY  

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết!

Có hai loại bố thí, đó là:

1. Tài thí.

2. Pháp thí.

Tài thí có hạng người hay bố thí vô số thức ăn uống ngon bổ, hương liệu, vòng hoa, y phục, xe cộ, phòng xá, đồ nằm, của cải, đèn đuốc, thuốc men chữa bệnh, xả hết tất cả những thứ như vậy để bố thí cho người khác. Gọi đó là bố thí tài vật.

Pháp thí có hạng người vì tất cả những người khác giảng thuyết chánh pháp đầu, giữa, cuối đều thiện, văn nghĩa hoàn hảo, đây đủ pháp thanh bạch, phạm hạnh, khiến các hữu tình nghe xong, thoát khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não, nóng bức. Đó gọi là pháp bố thí giáo pháp.

Đối với hai loại tài thí và pháp thí này là vi diệu tối thượng bậc nhất. Ví như ở thế gian, sữa từ bò mà ra, lạc từ sữa mà ra, sinh tô từ lạc mà ra. Từ sinh tô cho ra thục tô, từ thục tô cho ra đề hồ và đối với tất cả các vị sữa bò này thì đề hồ là tối thượng thắng diệu hơn hết.

Cũng vậy, trong hai loại tài thí và pháp thí là tối thượng thắng diệu bậc nhất.

Đối với pháp thí, ai là người thực hành pháp thí đúng đắn?

Chỉ có Đức Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhân Sư, Phật, Bạc Già Phạm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Trong hai loại bố thí

Pháp thí đứng hàng đầu

Người thực hành pháp thí

Thiện Thệ là trên hết.

Trong ruộng thọ tài thí

Như Lai đứng hàng đầu

Thí tài không bền chắc

Chúng sinh nhận pháp thí.

Tài thí giúp chúng sinh

Được đời sống an lạc

Pháp thí khiến người nhận

Cuối cùng đạt Niết Bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai loại cúng tế, hai loại đó là:

1. Cúng tế tài vật.

2. Cúng tế pháp.

Cúng tế tài vật đó là có hạng người cúng tế vô số thức ăn uống ngon bổ, hương liệu, vòng hoa, y phục, xe cộ, phòng xá, đồ nằm, của cải, đèn đuốc… cúng tế những loại như vậy gọi là cúng tế tài vật.

Cúng tế pháp là có người cúng tế pháp nơi Khế Kinh, Ứng Tụng, Ký Biệt, Già Tha, Tự Thuyết, Bản Sinh, Phương Quảng, Vị Tằng Hữu, dùng vô lượng pháp môn, đúng như lý tuyên thuyết, trình bày, xây dựng, phân tích, chỉ dạy, đó gọi là pháp.

Đối với hai loại cúng tế tài vật và cúng tế pháp này, thì cúng tế pháp là tối thượng thắng diệu bậc nhất. Ví như ở thế gian, sữa từ bò mà ra, lạc từ sữa ra, sinh tô từ lạc mà ra. Từ sinh tô cho ra thục tô, từ thục tô cho đề hồ là đối với tất cả các vị nơi sữa bò này thì đề hồ. Và tối thượng thắng diệu hơn hết. Cũng vậy, trong hai loại cúng tế tài vật và cúng tế pháp, thì cúng tế pháp là tối thượng thắng diệu bậc nhất.

Trong việc cúng tế pháp, ai là người thực hành cúng tế pháp một cách đứng đắn?

Chỉ có Đức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Bạc già phạm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Trong hai loại cúng tế

Cúng tế pháp đứng đầu

Người hành cúng tế pháp

Thiện Thệ là trên hết.

Trong ruộng cúng tế tài

Như Lai đứng hàng đầu

Cúng tài không bền chắc

Chúng sinh cúng tế pháp.

Chúng sinh cúng tài vật

Được đời sống an lạc

Người cúng tế chánh pháp

Cuối cùng đạt Niết Bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết!

Những người tu hành khi tập hợp nhau có hai việc làm:

1. Nói đúng pháp.

2. Im lặng.

Do nói đúng pháp nên xét biết người đó có đức, xét biết người đó có đức nên càng kính tin, càng kính tin nên đi đến chỗ của người đó để gần gũi, hầu hạ, cầu nghe chánh pháp. Cầu nghe chánh pháp nên chăm chú nghe không tán loạn. Chăm nghe không tán loạn nên nghe pháp được thông suốt và ghi nhớ, thọ trì pháp, quán sát mục đích ý nghĩa của pháp.

Khi quán sát mục đích ý nghĩa của pháp nên có thể chấp nhận pháp. Suy nghĩ chấp nhận pháp. Khi suy nghĩ kỹ, sinh ưa thích. Sinh ưa thích xong, có được năng lực. Có được năng lực xong, có thể cân nhắc, đo lường. Do cân nhắc, đo lường nên lựa chọn. Do lựa chọn nên giác ngộ ngay sự thật, liền tự thấu rõ: Sự sinh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã xong, không còn tái sinh nữa.

Do im lặng nên tâm được yên tịnh. Thanh tịnh trong sáng, không có tỳ vết, lìa tùy phiền não, chánh biết khắp, có thể luyện cho thân tâm an trụ bất động, có thể phát sinh, khai triển. Phát sinh khai triển nên nhận biết đúng như thật.

Nhận biết đúng như thật nên nhàm chán, chối từ. Nhàm chán, chối từ nên lìa dục. Lìa dục xong liền được giải thoát.

Giải thoát xong tự thấu rõ: Ta đã giải thoát, sự sinh đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc đáng làm đã làm xong, còn tái sinh nữa.

Bí Sô các ông nên giảng nói rõ pháp như trên, nên nhận biết rõ pháp như trên. Ai có thể làm được như vậy thì mới gọi là đích thật nhận lấy ngọn cờ của Chư Phật.

Ngược lại, không phải là mọi người tập họp lại để cùng nói năng, hý luận, mới có thể nhận biết đúng đắn về thật tướng của các pháp, có thể đoạn trừ các lậu, chứng đắc Niết Bàn. Ta thường nêu bày biết rõ các pháp như trên, nên được gọi là người đứng đầu, nhận lấy ngọn cờ của Chư Phật.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hành giả khi tập họp

Cần phải làm hai việc

Là im lặng yên tịnh

Và nói đúng chánh pháp.

Do nói đúng chánh pháp

Và yên lặng thanh tịnh

Biết thật tướng các pháp

Cuối cùng chứng Niết Bàn.

Nên Bí Sô các ông

Ai nói rõ pháp trên

Mới là người chân thật

Nhận ngọn cờ của Phật.

Ta thường ở trong chúng

Giảng thuyết pháp rõ ràng

Thế nên gọi bậc nhất

Gương cao ngọn cờ Phật.

Ai nương cờ chánh pháp

Giảng thuyết và tu hành

Mau thoát sinh tử

Đạt Niết Bàn cứu cánh.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Khi nói năng những Bí Sô nào suy nghĩ trái với giáo pháp, theo ý tưởng tham dục, sân giận, tàn hại, Bí Sô như vậy gọi là người ác, người thực hành sơ suất, cẩu thả, người có những hành động tương ứng với nhiều ác làm phương tiện, nên đối với sự đoạn trừ, với sự lìa bỏ, không còn được thiện hữu gần gũi bảo hộ.

Phóng dật, biếng trễ, tinh tấn thấp kém, quên mất chánh niệm, tỉnh giác, tâm loạn không định, buông thả các căn, không có nhận thức xuất ly, không biết xuất ly, không có chánh tuệ như thật. Là người đến ma ác, pháp ác, bất thiện, bị hàng phục do ma ác, pháp ác, bất thiện, làm tăng trưởng tất cả các pháp ác, bất thiện.

Khi im lặng các Bí Sô nào suy nghĩ, trái với giáo pháp, nói rộng ra cho đến làm tăng trưởng tất cả pháp ác, bất thiện, Bí Sô như vậy các người đồng phạm hạnh có ý chê bai, quở trách. Đối với người đó ta cũng không khen ngợi.

Bí Sô như vậy tuy được xuất gia thọ giới cụ túc, nhưng gọi đó là người ngu si, có ác tuệ, ưa thích nơi hữu.

Thế nên các ông phải học như vậy: Ta phải dùng phương tiện gì để đoạn trừ suy nghĩ trái với giáo pháp và dùng phương tiện gì để tu tập suy nghĩ đúng với giáo pháp. Bí Sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi nói năng, im lặng

Căn buông lung, tạo ác

Không vâng lời ta dạy

Là người si tối tăm.

Nên Bí Sô các ông

Siêng tu, không phóng dật

Lìa suy nghĩ trái pháp

Nên tư duy đúng pháp.

Các ông ai siêng năng

Nói, im, không phóng dật

Không lâu vượt sinh tử

Chứng Niết Bàn vô thượng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Khi nói năng, các Bí Sô nào suy nghĩ đúng với giáo pháp, với ý tưởng xuất ly, không sân hận, không tàn hại. Bí Sô như vậy gọi là người nhiều thiện, người không thực hành sơ suất, cẩu thả.

Người có những hành động tương ứng nhiều với thiện làm phương tiện, nên đối với sự đoạn trừ, lìa bỏ, luôn luôn được thiện hữu thân cận, bảo hộ bằng pháp thiện, phóng dật, tinh tấn dũng mãnh, chánh niệm, tỉnh giác, tâm định không loạn, giữ kín các căn, có nhận thức xuất ly, hiểu biết xuất ly, đạt chánh tuệ như thật, là người xả bỏ pháp ác, bất thiện của ma ác, hàng phục pháp ác, bất thiện của ma ác, làm tổn hại tất cả pháp ác, bất thiện.

Khi im lặng, các Bí Sô nào suy nghĩ đúng với giáo pháp, nói rộng ra cho đến làm tổn giảm tất cả các pháp ác, bất thiện, Bí Sô như vậy được các đồng phạm có trí khen ngợi.

Bí Sô như vậy gọi là người xuất gia chân thật, thọ giới Cụ Túc, người có nhiều trí tuệ, người không ưa các hữu. Gọi là người không si.

Thế nên các ông nên học như vậy: Ta phải tu tập theo phương tiện nào để đoạn trừ suy nghĩ trái với giáo pháp. Bí Sô các ông nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi nói năng, im lặng

Các căn không tạo ác

Vâng theo lời ta dạy

Là người trí thông tuệ.

Tư duy tu xuất ly

Và không giận, không hại

Có chánh kiến xuất ly

Hiểu biết đúng như thật.

Hàng phục các ma ác

Và pháp ác, bất thiện

Đoạn hẳn các phiền não

Chứng cứu cánh Niết Bàn.

Nên Bí Sô các ông

Siêng tu, không buông lung

Nên tư duy đúng pháp

Tránh suy nghĩ trái pháp.

Các ông ai siêng tu

Nói, im, không phóng dật

Mau vượt khỏi sinh tử

Chứng Niết Bàn Vô thượng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Bí Sô hữu học có hai loại năng lực.

Hai loại đó là:

1. Năng lực lựa chọn.

2. Năng lực tu tập.

Thế nào là Bí Sô có năng lực lựa chọn?

Nghĩa là có hạng Bí Sô hữu học, khi thọ dụng các thứ y phục, ẩm thực, phòng xá, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh, của cải… đều lựa chọn một cách rõ ràng, không phải không chọn lựa mà liền thọ dụng.

Đối với y phục, ẩm thực, phòng xá, đồ nằm, thuốc men chữa bệnh và của cải chưa có được thì không quá mong cầu. Đối với y phục, ẩm thực, phòng xá, thuốc men chữa bệnh và của cải đã được rồi thì không quá đắm chấp.

Chấp nhận, chịu đựng những sự đói khát, lạnh nóng, muỗi mòng, rắn rít… xúc phạm chịu đựng những lời hủy báng, mắng nhiếc của người khác. Cố gắng chịu đựng những sự đau đớn, cay đắng dữ dội, khó chịu đựng từ trong cơ thể phát sinh ra cướp đoạt mạng sống, chịu đau khổ khó chữa trị. Nhẫn nhục chịu đựng tất cả những việc rất khó nhẫn ở thế gian.

Lựa chọn rõ ràng ba loại hành ác thuộc thân, ngữ, ý để quán chiếu về quả khổ dị thục không thể ưa thích của pháp quá khứ, hiện tại, vị lai, cho nên suy nghĩ thế này: Ta nay quyết định phải đoạn trừ ba loại ác hạnh thuộc thân, ngữ, ý. Ta nay quyết định phải tu ba loại thiện hạnh thuộc thân, ngữ, ý.

Có thể nhận biết đúng đắn về lỗi lầm có ba loại ác hạnh. Lại nhận biết đúng đắn về công đức của ba loại thiện hạnh. Đã nhận biết đúng đắn rồi thì siêng đoạn ác hạnh, siêng tu thiện hạnh để sửa đổi bản thân, làm cho bản thân được thanh tịnh, lìa các tội lỗi. Đó gọi là năng lực lựa chọn ban đầu của Bí Sô hữu học.

Thế nào là Bí Sô có năng lực tu tập?

Nghĩa là có hạng Bí Sô hữu học, những điều đã ghi nhớ, tất cả đều thuận với Giác chi không trái. Những Trạch Pháp, Tinh Tấn, Hỷ, Khinh An, Định, Xả đã được, tất cả đều thuận với giác chi không trái.

Tu niệm Giác chi điều y chỉ nơi sự chán bỏ, xa lìa y chỉ nơi diệt trừ và hồi hướng về xả. Tu tập Trạch Pháp, Tinh Tấn, Hỷ, Khinh An, Định, Xả Giác Chi đều y chỉ nơi sự chán bỏ, xa lìa y chỉ diệt trừ và hồi hướng nơi xả. Như vậy gọi là năng lực tu tập của loại Bí Sô hữu học. Đó gọi là hai năng lực của Bí Sô hữu học.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần