Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Tương ứng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH PHÁP TẬP YẾU TỤNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẨM HAI MƯƠI CHÍN
PHẨM TƯƠNG ỨNG
Ánh trăng soi tối tăm
Khi Trời chưa ló dạng
Nhật quang chiếu sáng khắp
Ánh trăng liền lu mờ
Ngoại đạo chiếu ánh sáng
Khi Phật chưa xuất thế
Như Lai phóng đại minh
Ngoại đạo liền lu mờ
Lấy thật cho là giả
Lấy giả cho là thật
Đó là tâm tà kiến
Không được lợi ích lành
Chân thật biết là thật
Hư ngụy biết là giả
Đó là tâm chánh kiến
Tất được lợi ích lành
Kẻ ngu chấp kiên cố
Phải bị chín trói buộc
Như chim sa vào lưới
Đều do đắm ái dục
Những ai có hoài nghi
Đời này và đời sau
Thiền định khéo diệt sạch
Tịnh hạnh không não phiền
Tánh độc không nhổ trừ
Tham muốn lòng rong ruổi
Chưa thể tự điều phục
Không xứng mặc pháp y
Tánh độc khéo nhổ trừ
Giữ giới ý an nhiên
Tâm đó đã điều phục
Xứng đáng mặc pháp y
Không dùng lời nhu hòa
Danh xưng vang khắp chốn
Dung nhan dẫu đẹp xinh
Mà lòng đầy gian xảo
Ai khéo lìa việc ác
Nhổ tận đến gốc rễ
Bâc trí trừ các uế
Mới gọi là thiện sắc
Chớ cho đẹp bên ngoài
Thoáng gặp mà biết lòng
Trên đời lắm kẻ xấu
Nhởn nhơ ở thế gian
Như vàng giả mạo kia
Bên trong toàn đồng thau
Rêu rao đi khắp nơi
Trong uế ngoài bất tịnh
Ham ăn chẳng biết dừng
Suốt ngày chỉ nằm lì
Như chuồng để nuôi heo
Nên mãi thọ bào thai
Ý ai khéo chuyên nhất
Ăn uống biết chừng mực
Thực là nhánh của dục
Tiết chế tu chánh đạo
Tà kiến cho thân tịnh
Các căn chẳng nhiếp phục
Ăn uống không chừng mực
Là pháp của phàm phu
Ý dục càng chuyển tăng
Như nhà mục rỉ chảy
Hãy quán thân bất tịnh
Các căn chẳng nhiếp phục
Ăn uống biết chừng mực
Tín tâm hành tinh tấn
Ý dục chẳng buông lung
Như gió thổi thái sơn
Nơi vắng rất an lạc
Nhưng người chẳng thích mấy
Thánh Hiền thường cư trú
Nơi ở của Đạo Nhân
Khó dời khó dao động
Như núi Tuyết trùng trùng
Phi thánh tức chẳng hiện
Như đêm vào nhà tối
Hiền Giả có cả ngàn
Bâc Trí tại tùng lâm
Nghĩa lý cực thâm thúy
Người trí khéo phân biệt
Chúng sanh nhiều muôn loại
Chẳng tu nên chẳng chứng
Nay quán nghĩa lý này
Phạm giới bị người khinh
Quán lậu biết sợ hãi
Biến đổi chẳng phải thường
Hữu lậu nên chớ thích
Nên nhớ lìa ba cõi
Bất tín chẳng xấu hổ
Xuyên tường mà trộm cắp
Đoạn trừ ý tưởng kia
Đó là bậc thượng nhân
Trước đoạn tâm tham ái
Kiêu mạn và tà kiến
Diệt sạch mọi kết sử
Vô cấu tu tịnh hạnh
Ăn uống biết chừng mực
Tài vật không cất giấu
Vô nguyện, không, vô tướng
Tu hành độ chúng sanh
Như chim bay giữa Trời
Dấu tích chẳng thể thấy
Như bậc tu hành kia
Diệu ngôn chẳng thể biết
Ai khéo đoạn gốc lậu
Không nương pháp vô thường
Vô nguyện, không, vô tướng
Tu hành độ chúng sanh
Ít có mấy chúng sanh
Phần nhiều chẳng thuận đạo
Giả sử dẫu có người
Rất khó chứng diệt độ
Đúng sai của nhân thế
Hãy quán hết mọi pháp
Trừ sạch các kết sử
Nhiệt não vĩnh chẳng còn
Tu hành chẳng ưu sầu
Ngày kia sẽ giải thoát
Trừ sạch mọi kết sử
Phiền não chẳng còn sanh
Như chim bay giữa Trời
Không gì gây trở ngại
Vị kia được vô lậu
Vô nguyện, không, vô tướng
Như chim bay giữa Trời
Không gì gây trở ngại
Hành giả qua bờ kia
Vô nguyện, không, vô tướng
Việc ác chớ nên tạo
Ai tạo chịu phiền não
Việc sai chớ nên làm
Trước sầu sau cũng sầu
Việc thiện hãy nên tạo
Ai tạo chẳng ưu sầu
Việc vui hãy nên làm
Sanh thiên thọ vui sướng
Hư không chẳng dấu vết
Sa Môn chẳng ý dơ
Người đời ưa làm ác
Duy Phật Tịnh vô uế
Hư không chẳng dấu vết
Sa Môn chẳng ý dơ
Thế gian đều vô thường
Phật lìa ngã, ngã sở
Chư Thiên cùng nhân thế
Tương ứng tất cả hành
Thoát khỏi mọi khổ đau
Lìa ái miễn luân hồi
Chư Thiên cùng nhân thế
Tương ứng tất cả hành
Khéo xa những nghiệp ác
Không đọa ba đường ác
Cũng lại không biết luận
Trí ngu không phân biệt
Nếu lại biết luận nghĩa
Lời nói chẳng sai lầm
Hãy đàm luận chánh pháp
Hãy dựng Phật Pháp tràng
Pháp tràng là Đại Tiên
Đại Tiên là Pháp Tràng
Hoặc chê do im lặng
Hoặc chê do nói nhiều
Hoặc chê do chưa nói
Chẳng ai không bị chê
Lúc khen lúc hủy báng
Chỉ vì lợi với danh
Chẳng có cũng chẳng không
Tức cũng chẳng thể biết
Được người trí ngợi khen
Hoặc tốt hay là xấu
Người trí chẳng khiếm khuyết
Định tuệ được giải thoát
Như vàng ròng sắc tím
Trong ngoài tịnh xuyên suốt
Ví như núi Diệu Cao
Không bị gió lung lay
Người trí cũng như vậy
Chê khen chẳng động dao
Như cây không có rễ
Không cành huống là lá?
Bâc trí cởi trói buộc
Đức họ ai dám hủy?
Vô cấu chẳng chỗ nương
Thân lậu trồng nhân khổ
Tối thắng không còn ái
Trời người chẳng hay biết
Ví như lưới rừng rậm
Vô ái huống có dư?
Phật có vô lượng hạnh
Không vết, vết ai đi?
Nếu hữu chẳng dục sanh
Với sanh chẳng thọ hữu
Phật có vô lượng hạnh
Không vết, vết ai đi?
Nếu muốn diệt vọng tưởng
Trong ngoài không các nhân
Cũng không vướng sắc tưởng
Bốn ứng chẳng thọ sanh
Bỏ trước và bỏ sau
Bỏ giữa vượt các cõi
Tất cả đều buông bỏ
Chẳng còn thọ sanh già.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Dũng Vương - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thông Phương Quảng Sám Hối Diệt Tội Trang Nghiêm Thành Phật - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Chín
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Hai Mươi - Phẩm đại Sư được Thọ Ký