Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Một - Phẩm Một Pháp - Phần Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM MỘT

PHẨM MỘT PHÁP  

PHẦN BẢY  

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thế gian các hữu tình

Ai biết rõ trì giới

Thườnh được quả báo vui

Thấy rõ như Như Lai.

Ngay nơi thân bất tịnh

Càng hay sinh nhàm chán

Cầu thắng quả vị lai

Giữ gìn giới trong sạch.

Do không biết trì giới

Thường được nẻo thiện vui

Thấy rõ như Như Lai

Nên hủy phạm tịnh giới.

Những người hộ trì giới

Được sinh trong nẻo thiện

Nhận được Cõi Trời vui

Chứng Niết Bàn vô thượng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Các hữu tình nào nhận biết, nhưng nói dối không xấu không hổ, không có tâm sửa đổi, ta nói các hữu tình đó đối với các nghiệp ác, bất thiện, không một việc gì mà họ không làm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Biết nhưng cố nói dối

Không hổ thẹn, sửa đổi

Các hữu tình như vậy

Không ác nào không tạo.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Các hữu tình nào nhận biết nhưng nói dối, càng sinh lòng hổ thẹn, dốc tâm sửa đổi, ta nói: Hữu tình đó đối với pháp thiện, trắng sạch không điều gì là họ không làm.

Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Biết nhưng cố nói dối

Có tâm hổ thẹn sửa

Các hữu tình như vậy

Không thiện nào không tạo.

siêng năng, không buông lung

Vâng lời, tu chân chánh

Được Niết Bàn vô thượng

Lìa hẳn các sợ hãi.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có một vị tối thắng, vị đó nếu không xuất hiện ở thế gian thì vô lượng hữu tình sẽ thoái thất Thánh tuệ.

Vị ấy là ai?

Đó là Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác không xuất hiện ở thế gian thì không thể nêu giảng về pháp tu Thánh tuệ, nên các hữu tình sẽ thoái thất Thánh tuệ.

Bí Sô nên biết! Các sự thoái thất về thân thuộc, bạn bè, của cải, địa vị, đó là thoái thất nhỏ. Thoái thất về Thánh tuệ là thoái thất lớn.

Vì sao?

Vì các hữu tình thoái thất Thánh tuệ là ngay nơi pháp hiện tại có nhiều sự lo buồn, sống không an lạc, có tai họa, phiền não, nhiễu loạn. Đời sau luôn luôn chịu khổ và nhiều tai hại nặng nề, bức bách, thường đi trong đường sinh tử, luôn bị đọa nơi địa ngục, ngạ quỷ, bàng sinh, A Tu La, luôn chịu sinh tử, buồn khổ trong hàng Trời, Người.

Vì sao?

Vì do hữu tình kia đối với Thánh tuệ chưa hiểu biết, chưa thông đạt nên luôn sinh tử luân hồi trong sáu đường. Các hữu tình nào chứng được Thánh tuệ thì có thể ra khỏi, ngay khi đó dứt hết cảnh giới khổ.

Thế nên các Bí Sô phải học như vầy: Ta phải làm sao để tu tập Thánh tuệ khiến cho không thoái thất. Ta phải làm sao đối với các Thánh tuệ phải hiểu biết, thông đạt. Bí Sô các vị nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Như Lai không xuất hiện

Thế gian các hữu tình

Không ai cứu, che chở

Sẽ thoái thất Thánh tuệ.

Mất bạn, tiền, địa vị

Gọi đó là mất nhỏ

Nếu mất chân Thánh tuệ

Đó gọi là mất lớn.

Ta quán sát thế gian

Mất Thánh tuệ vô thượng

Lưu chuyển trong sinh tử

Thọ những thân danh, sắc.

Ngay trong pháp hiện tại

Chịu khổ, không an vui

Trong vị lai luôn luôn

Bị sinh tử luân hồi.

Ai muốn cầu Thánh tuệ

Đoạn trừ cảnh giới khổ

Nên nguyện chư Như Lai

Luôn xuất hiện ở đời.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có một vị Tối thắng, vị đó nếu xuất hiện ở thế gian thì vô lượng hữu tình sẽ tăng trưởng Thánh tuệ.

Vị đó là ai?

Đó là Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác.

Vì sao?

Vì nếu các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở thế gian thì có thể nêu giảng về pháp tu Thánh tuệ, làm cho các hữu tình tăng trưởng Thánh tuệ.

Bí Sô nên biết! Các hữu tình tăng trưởng về bà con, bạn bè, tiền của, địa vị, gọi đó là tăng trưởng nhỏ. Tăng trưởng về Thánh tuệ gọi là tăng trưởng lớn.

Vì sao?

Vì nếu các hữu tình tăng trưởng Thánh tuệ thì ngay trong pháp hiện tại được nhiều sự hỷ lạc, không sống buồn khổ, tai hoạn, phiền não, nhiễu hại, không ở đời sau luôn chịu khổ, chịu nhiều tai hại dữ dội, bức bách, không đi mãi nơi đường sinh tử, không bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A Tu La, không chịu sinh tử lo buồn trong hàng Trời, Người.

Vì sao?

Vì hữu tình kia ngay nơi Thánh tuệ đã hiểu biết, đã thông đạt, không còn sinh tử, luân hồi nơi sáu đường. Các hữu tình nào chưa tăng trưởng Thánh tuệ thì không thể xa lìa, đoạn trừ các cảnh giới khổ.

Thế nên các Bí Sô phải học như vậy: Ta phải tu tập như thế nào để Thánh tuệ tăng trưởng.

Ta phải làm sao để hiểu biết, thông đạt các Thánh tuệ?

Bí Sô các vị nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Như Lai nếu xuất hiện

Thế gian các hữu tình

Có cứu giúp, nương tựa

Thánh tuệ càng tăng trưởng.

Thêm bạn, của, địa vị

Gọi đó là thêm nhỏ

Thêm được chân Thánh tuệ

Gọi đó là thêm lớn.

Ta quán sát thế gian

Được Thánh tuệ vô thượng

Không trôi lăn sinh tử

Nhất định được Niết Bàn.

Ngay trong pháp hiện tại

Lìa khổ thường an vui

Đời vị lai luôn luôn

Thoát sinh tử luân hồi.

Ai muốn tăng Thánh tuệ

Đoạn ngay cảnh giới khổ

Nên nguyện Phật Thế Tôn

Thường trụ mãi nơi đời.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Thế gian có một pháp, ngay khi sinh trưởng, làm cho các hữu tình ngu si điên đảo dày chắc, cấu uế theo đó tăng lên, nẻo ác thêm dẫy đầy, khiến nhiều chúng sinh tạo những điều không lợi ích, làm những điều không an vui, khiến các đại chúng Trời, Người nơi thế gian không được nghĩa lợi, tăng thêm buồn khổ.

Một pháp là gì?

Đó là tà kiến.

Vì sao?

Vì do tà kiến nên làm cho các hữu tình ngu si càng tăng thêm điên đảo dày chắc, cấu uế theo đó tăng lên, nẻo ác dẫy đày, khiến nhiều chúng sinh tạo những điều không lợi ích, làm những điều không an vui, khiến các đại chúng Trời, Người nơi thế gian không được nghĩa lợi, tăng thêm buồn khổ.

Như vậy gọi là thế gian có một pháp, ngay khi phát sinh, làm cho các hữu tình ngu si tăng thêm. Nói rộng ra, cho đến làm cho các đại chúng Trời, Người nơi thế gian không được nghĩa lợi, tăng thêm buồn khổ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi tà kiến phát sinh

Ngu si càng tăng thêm

Và điên đảo dày chắc

Cấu uế theo đó tăng.

Các nẻo ác tràn đầy

Không được những lợi lạc

Tà khiến hại kẻ ngu

Như lửa đốt các vật.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Thế gian có một pháp, ngay khi phát sinh, làm cho các hữu tình tổn giảm ngu si, diệt trừ điên đảo, pháp tịnh theo đó tăng lên, thoát khỏi các nẻo ác, nẻo thiện tràn đầy, giúp cho nhiều chúng sinh tạo được nhiều lợi ích, tăng thêm sự an vui.

Thế nào là một pháp?

Đó là chánh kiến.

Vì sao?

Vì do Chánh kiến nên làm cho các hữu tình tổn giảm ngu si, diệt trừ điên đảo, pháp tịnh theo đó tăng lên, thoát khỏi các nẻo ác, nẻo thiện tràn đầy, giúp cho nhiều chúng sinh tạo được nhiều lợi ích, được nhiều an vui, khiến các đại chúng Trời, Người nơi thế gian được nhiều lợi ích, tăng thêm sự ưa thích.

Như vậy gọi là thế gian có một pháp, ngay khi phát sinh, làm cho các hữu tình tổn giảm ngu si. Nói rộng ra cho đến làm cho các đại chúng Trời, Người nơi thế gian được lợi ích, tăng thêm an lạc.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Khi chánh kiến phát sinh

Ngu si bị tổn giảm

Và điên đảo trừ diệt

Các pháp tịnh tăng thêm.

Thoát ác, đầy nẻo thiện

Vì có những lợi lạc

Chánh kiến ngay hiện tiền

Mau được vui Niết Bàn.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ta quán sát thế gian, không có một pháp nào xoay chuyển mau chóng như tâm con người.

Vì sao?

Vì tâm con người đối với cảnh, xoay chuyển rất nhanh chóng. Thế gian, xuất thế gian, không gì có thể ví dụ. Các vị nên giữ tướng của tâm như vậy. Giữ được tướng ấy rồi nên khéo tư duy. Khéo tư duy rồi, nên khéo quán sát, quán sát rồi nên an trụ.

An trụ rồi, nếu không biết rõ bên trong có tham dục ràng buộc, các vị lại phải quán sát thật kỹ: Ta nay bị tham dục ràng buộc bên trong mà không biết ư?

Ta nay không bị tham dục ràng buộc bên trong mà không biết ư?

Quán sát thật kỹ rồi, lại nên tác ý tư duy theo một cảnh tướng đáng ưa thích. Tác ý như vậy, khi tư duy theo một cảnh tướng đáng ưa thích, tâm ai tùy thuận hướng đến sẽ ưa thích cảnh ấy. Nên biết tâm như vậy là tùy thuận theo các dục, trái hẳn với sự xuất ly.

Các vị khi ấy nên tự biết rõ: Ta nay còn có tham dục ràng buộc bên trong, nên không thể biết rõ chứ không phải là không có. Ta nay chưa đoạn năm thứ tham dục trói buộc, chỗ chứng ngộ so với trước kia chưa có sai khác!

Ta nay vẫn chưa chứng được quả đã tu. Ví như có người chèo thuyền chở nặng đi ngược dòng nước, người ấy bấy giờ phải ra sức dụng công, nếu chỉ lơ là giây lát thì thuyền bè sẽ lập tức bị dòng nước cuốn trôi phăng xuống.

Như vậy, các vị khi tư duy theo một hướng đáng yêu thích. Nếu tâm tùy thuận hướng đến cảnh tướng hỷ lạc ấy, nên biết tâm này tùy thuận theo các dục, trái ngược với sự xuất ly.

Khi ấy các vị nên tự biết rõ: Ta nay còn có tham dục ràng buộc bên mà không thể biết, chứ không phải là không có. Ta nay chưa đoạn trừ năm thứ tham dục trói buộc, chỗ chứng ngộ so với trước kia chưa có sai khác.

Ta nay vẫn chưa chứng được quả đã tu. Các vị tác ý, khi tư duy theo một tướng đáng yêu thích, nếu tâm tùy thuận hướng đến hỷ lạc, là tướng xuất ly, nên biết tâm này tùy thuận xuất ly, trái với các dục.

Các vị khi ấy nên tự biết rõ: Ta nay không tham dục trói buộc bên trong, chứ không phải có mà không biết. Ta nay đã đoạn năm thứ dục tham trói buộc, chỗ chứng hiện nay cùng với trước kia có sai khác. Ta nay đã có thể chứng được quả đã tu. Như đem cái lông chim quăng vào trong lửa, lông chim lập tức cháy queo, không có giãn bung ra.

Như vậy, các vị khi tư duy theo một tướng đáng yêu thích, nếu tâm tùy thuận hướng đến tướng hỷ lạc, xuất ly, nên biết tâm này tùy thuận xuất ly, trái ngược với các dục.

Khi ấy các vị nên tự biết rõ: Ta nay không có tham dục ràng buộc bên trong, chứ chẳng phải có mà không biết. Ta nay đã đoạn trừ năm thứ tham dục trói buộc, chỗ chứng hiện nay cùng với trước kia có sai khác. Ta nay đã có thể chứng được quả đã tu.

Thế nên các vị nên học như vầy: Ta nay phải khéo chuyển tâm mình như thế nào khiến nó được điều phục, trái hẳn với các dục, tùy thuận xuất ly. Bí Sô các vị nên học như vậy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Không có một pháp nào

Tánh luôn động như tâm

Khó điều ngự, khó ngăn

Thế Tôn đã dạy rõ.

Ví như người có trí

Đem lửa và dụng cụ

Uốn mũi tên cho thẳng

Làm bắn trúng nơi xa.

Như vậy các Bí Sô

Nên khéo học phương tiện

Điều phục tâm tánh mình

Khiến mau chứng Niết Bàn.

Bài kệ tóm tắt phần Kinh Bản Sự trước:

Tu từ, tu hai duyên

Thí, phạm giới, trì giới

Hai vọng, hai Thánh tuệ

Tâm tà kiến, chánh kiến.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần