Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Một - Phẩm Một Pháp - Phần Sáu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Huyền Trang, Đời Đường  

PHẨM MỘT

PHẨM MỘT PHÁP  

PHẦN SÁU  

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai chưa biết rõ đam

Người đó xa Niết Bàn

Ai đã biết rõ đam

Cách Niết Bàn không xa.

Ta quán các hữu tình

Do đam làm cấu nhiễm

Qua lại đọa nẻo ác

Chịu sinh tử luân hồi.

Ai hiểu biết đúng đắn

Đoạn trừ hẳn đam ấy

Được thượng quả Sa Môn

Không còn thọ sinh nữa.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ai đối với mạn chưa nhận biết đúng như thật, chưa nhận biết đúng khắp, chưa đoạn trừ hẳn, người đó ngay nơi tâm mình chưa lìa mạn, nên không thể thông đạt, biết khắp, Đẳng Giác, đạt đến Niết Bàn và chứng đắc an lạc vô thượng.

Ai đối với mạn đã nhận biết đúng như thật, đã nhận biết đúng khắp, đã đoạn trừ hẳn, người đó ngay nơi tâm mình đã lìa mạn, thì có thể thông đạt, biết khắp, Đẳng Giác, đạt đến Niết Bàn và chứng đắc an lạc vô thượng.

Thế nên Bí Sô! Đối với mạn phải nhận biết đúng như thật, nên nhận biết đúng khắp, nên tìm cách đoạn trừ hẳn, tức ở trong Pháp Phật nên tu hành phạm hạnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai chưa biết rõ mạn

Người đó xa Niết Bàn

Ai đã biết rõ mạn

Cách Niết Bàn không xa.

Ta quán các hữu tình

Do mạn làm cấu nhiễm

Qua lại đọa nẻo ác

Chịu sinh tử luân hồi.

Ai hiểu biết đúng đắn

Đoạn trừ hẳn mạn ấy

Được thượng quả Sa Môn

Không còn thọ sinh nữa.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ai đối với hại chưa nhận biết đúng như thật, chưa nhận biết đúng khắp, chưa đoạn trừ hẳn, người đó ngay nơi tâm mình chưa lìa hại, nên không thể thông đạt, biết khắp, Đẳng Giác, đạt đến Niết Bàn và chứng đắc an lạc vô thượng.

Ai đối với hại đã nhận biết đúng như thật, đã nhận biết đúng khắp, đã đoạn trừ hẳn, người đó ngay nơi tâm mình đã lìa hại, thì có thể thông đạt, biết khắp, Đẳng Giác, đạt đến Niết Bàn và chứng đắc an lạc vô thượng.

Thế nên Bí Sô! Đối với hại nên nhận biết đúng như thật, nên nhận biết đúng khắp, nên tìm cách đoạn trừ hẳn, tức ở trong Pháp Phật nên tu hành phạm hạnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai chưa biết rõ hại

Người đó xa Niết Bàn

Ai đã biết rõ hại

Cách Niết Bàn không xa.

Ta quán các hữu tình

Do hại làm cấu nhiễm

Qua lại đọa nẻo ác

Chịu sinh tử luân hồi.

Ai hiểu biết đúng đắn

Đoạn trừ hẳn hại ấy

Được thượng quả Sa Môn

Không còn thọ sinh nữa.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ai đối với tất cả chưa nhận biết đúng như thật, chưa nhận biết đúng khắp, chưa đoạn trừ hẳn, người đó ngay nơi tâm mình chưa lìa tất cả, nên không thể thông đạt, biết khắp, Đẳng Giác, đạt đến Niết Bàn và chứng đắc an lạc vô thượng.

Ai đối với tất cả đã nhận biết đúng như thật, đã nhận biết đúng khắp, đã đoạn trừ hẳn, người đó ngay nơi tâm mình đã lìa tất cả, thì có thể thông đạt, biết khắp, Đẳng Giác, đạt đến Niết Bàn và chứng đắc an lạc vô thượng.

Thế nên Bí Sô! Đối với tất cả phải nhận biết đúng như thật, nên nhận biết đúng khắp, nên tìm cách đoạn trừ hẳn, tức ở trong Pháp Phật nên tu hành phạm hạnh.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ai tất cả chưa rõ

Người đó xa Niết Bàn

Ai tất cả đã rõ

Cách Niết Bàn không xa.

Ta quán các hữu tình

Do tất cả cấu nhiễm

Qua lại, đọa nẻo ác

Chịu sinh tử luân hồi.

Bài kệ tóm tắt phần Kinh Bản Sự trước:

Tham, nhuế và ngu si

Phú tàng, não, phẫn, hận

Tật, xan cùng đam mê

mạn, hại cùng tất cả.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở trong phước, nghiệp, sự của tất cả sự tu tập, thì tâm từ giải thoát là đứng đầu.

Vì sao?

Vì tâm từ giải thoát có oai đức rất mạnh mẽ. Ánh sáng của nó che lấp tất cả các phước, nghiệp, sự khác, vì oai đức của các phước, nghiệp, sự khác, so với oai đức nơi sự tu tập của tâm từ giải thoát thì không bằng một phần mười sáu.

Bí Sô nên biết! Ví như trong tất cả các quốc vương lớn nhỏ, thì Chuyển Luân Thánh Vương là đứng đầu.

Vì sao?

Vì Chuyển Luân Thánh Vương có oai đức rất lớn. Oai đức của Chuyển Luân Thánh Vương che lấp tất cả các Vua lớn, nhỏ, vì oai của các Vua lớn nhỏ, so với oai đức của Chuyển Luân Thánh Vương thì không bằng một phần mười sáu. Các phước, nghiệp, sự khác cũng lại như vậy, so với sự tu tập của tâm từ giải thoát thì không bằng một phần mười sáu.

Lại như trong các ngôi sao lớn nhỏ, thì mặt trăng tròn đầy là đứng đầu.

Vì sao?

Vì mặt trăng tròn đầy có oai quang rực rỡ. Ánh sáng của nó che lấp tất cả các ngôi sao lớn nhỏ khác. Vì oai quang của các ngôi sao lớn nhỏ kia so với mặt trăng tròn đầy thì không bằng một phần mười sáu. Các phước, nghiệp, sự khác cũng lại như vậy, so với oai đức của sự tu tập tâm từ giải thoát thì cũng không bằng một phần mười sáu.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Hết thảy phước, nghiệp, sự

So tâm từ giải thoát

Thì trong mười sáu phần

Không bằng được một phần.

Đối với một hữu tình

Thường tu tâm từ, thiện

Phước đó còn vô biên

Huống gì với tất cả.

Có các Đại Quốc Vương

Hàng phục khắp đại địa

Hội bố thí trong đời

Cho khắp không thiếu gì.

Phước bố thí cũng vậy

Không bằng tu tâm từ

So trong mười sáu phần

Cũng không bằng một phần.

Như Chuyển Luân Thánh Vương

Oai đức che các Vua

Cũng như mặt trăng tròn

Ánh sáng che các sao.

Sự tu hành như vậy

Tất cả phước, nghiệp, sự

Đều bị oai đức của tâm

Từ, thiện che lấp.

Tu tâm từ giải thoát

Với người hay phi nhân

Tất cả các hữu tình

Đều không thể làm hại.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ta quan sát thế gian, không có một pháp nào làm ngoại duyên mạnh mẽ cho những bậc hữu học tâm chưa chứng đắc khi mong cầu quả an lạc vô thượng, như là thiện tri thức.

Vì sao?

Vì các hữu tình kia nhờ nơi tri thức thiện mà đạt được sự mong cầu, nghĩa là đoạn trừ các điều ác, tu tập các việc lành, được thân thanh tịnh chân thật, không tạp nhiễm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ta quan sát thế gian

Không có một pháp nào

Hữu học chưa đắc tâm

Khi cầu quả vô thượng.

Làm ngoại duyên mạnh mẽ

Như là thiện tri thức

Gần gũi thiện tri thức

Mong cầu đều thành tựu.

Kính vâng lời dạy bảo

Phụng hành, không buông lung

Mau chứng đắc Niết Bàn

Lìa sợ thường an vui.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ta quan sát thế gian, không có một pháp nào làm nội duyên mạnh mẽ cho nhưng bậc hữu học chưa chứng đắc tâm, khi mong cầu quả an lạc vô thượng như là tác ý đúng.

Vì sao?

Vì các hữu tình kia nhờ tác ý đúng mà những điều mong cầu được thỏa mãn. Nghĩa là đoạn các điều ác, tu tập các điều lành, được thân trong sạch chân thật, không tạp nhiễm.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Ta quan sát thế gian

Không có một pháp nào

Hữu học chưa chứng đắc

Khi cầu quả vô thượng.

Làm nội duyên mạnh mẽ

Như là tác ý đúng

Tu tập tác ý đúng

Mong cầu được thành tựu.

Như lý quán sát kỹ

Tu hành không buông lung

Mau chứng đắc Niết Bàn

Lìa sợ, thường an vui.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Các hữu tình nào thường biết bố thí, giúp đỡ người khác, quả báo đạt được rõ ràng ngay trước mắt.

Như ta biết, thì họ không bị sự keo kiệt trói buộc, cấu nhiễm tâm. Dẫu người đó chỉ có một miếng ăn, chắc chắn người đó cũng sẽ đem phân chia cho người khác, rồi sau mới ăn. Các hữu tình vì không biết bố thí, giúp đỡ, bị sự keo kiệt trói buộc, làm cấu nhiễm tâm, tuy họ có thức ăn uống và của nhiều vô lượng, nhưng họ không chia cho người khác, chỉ thọ dụng một mình.

Vì sao?

Vì ban bố giúp đỡ thì sẽ được quả báo sinh lên Cõi Trời và trong loài người, qua lại vô lượng lần để nhận các sự an vui.

Khi ấy Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thế gian các hữu tình

Ai biết rõ huệ thí

Thường nhận quả báo lớn

Thấy rõ như Như Lai.

Tâm họ không hề bị

Keo kiệt làm cấu nhiễm

Dù chỉ một miếng ăn

Họ cũng đều phân chia.

Không biết quả bố thí

Thấy rõ như Như Lai

Tuy có nhiều của cải

Họ keo kiệt không cho.

Ai nơi ruộng phàm, Thánh

Ba thời hoan hỷ cúng

Qua lại vô số lần

Nhận quả báo Trời, Người.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Các hữu tình nào nhận biết về phạm giới sẽ nhận quả báo rõ ràng, ngay trước mắt.

Như ta đã biết: Đi, đứng, nằm, ngồi đều không được an ổn. Nói, cười, ăn, uống đều không suy nghĩ, người đó trong lòng sợ hãi, cuồng loạn bức bách, thân hình khô héo như cỏ lau bị cắt.

Do vì không biết nên họ an nhiên không sợ.

Vì sao?

Vì các tội do phạm giới thường đưa đến nẻo ác, phát triển rất dữ cho các quả báo khổ.

Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:

Thế gian các hữu tình

Ai biết rõ phạm giới

Thường chịu quả báo khổ

Thấy rõ như Như Lai.

Bốn oai nghi không an

Nói, cười, ăn không nghĩ

Tâm sợ hãi, cuồng loạn

Héo như cỏ bị cắt.

Do không biết phạm giới

Thường nhận quả báo khổ

Thấy rõ như Như Lai

An nhiên không khiếp sợ.

Những người phá hủy giới

Nhất định đọa nẻo ác

Lãnh chịu quả báo khổ

Càng thêm mạnh vô cùng.

Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Các hữu tình nào thường biết trì giới sẽ nhận quả báo rõ ràng ngay trước mắt.

Như ta đã biết: Người đó đối với tự thân càng sinh nhàm chán thì an lạc tự đến, giữ vững giới cấm. Các hữu tình do không biết, ưa tham đắm thân mình, phá hủy giới cấm.

Vì sao?

Vì các phước về trì giới thường được nhận cảnh giới thiện, phát triển rất mạnh mẽ các quả báo vui.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần