Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Năm - Năm Pháp - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Bà La Môn - Phần Hai - Bà La Môn Dona

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT

KINH TĂNG CHI BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

CHƯƠNG NĂM

NĂM PHÁP  

PHẨM HAI MƯƠI

PHẨM BÀ LA MÔN  

PHẦN HAI

BÀ LA MÔN DONA  

Rồi Bà La Môn Dona đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Bà La Môn Dona bạch Thế Tôn:

Thưa Tôn Giả Gotama, tôi có nghe như sau: Sa Môn Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ghế các vị Bà La Môn già yếu, tuổi lớn, Trưởng Lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời.

Thưa Tôn Giả Gotama, sự thể là như vậy. Tôn Giả Gotama không đảnh lễ, hay không đứng dậy, hay không mời ghế các vị Bà La Môn già yếu, tuổi lớn, Trưởng Lão, đời đã được trải qua, đã đến đoạn cuối cuộc đời. Như vậy, thưa Tôn Giả Gotama, thật là không tốt đẹp.

Này Dona, ông có tự cho mình là Bà La Môn không?

Thưa Tôn Giả Gotama, nếu có ai nói một cách chân chánh, vị ấy phải nói rằng: Vị Bà La Môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ Phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh.  Là nhà phúng tụng, nhà Trì Chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, Chú Giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế tự nhiên học và tướng của vị Ðại Nhân.

Thưa Tôn Giả Gotama, nói về tôi, nói một cách chân chánh là nói như vậy. Thưa Tôn Giả Gotama, tôi là Bà La Môn, thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ Phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh.

Là nhà phúng tụng, nhà Trì Chú, thông hiểu ba tập Vedà với danh nghĩa, lễ nghi, ngữ nguyên, Chú Giải và lịch sử truyền thống là thứ năm, thông hiểu ngữ pháp và văn phạm, biện tài về thuận thế và tướng của vị Ðại Nhân.

Này Dona, có phải các vị Bà La Môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà La Môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay những Bà La Môn hiện tại cũng hát lên, nói lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm?

Những vị ẩn sĩ ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bharadvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu.

Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà La Môn này: Ðồng đẳng với Phạm Thiên, đồng đẳng với Chư Thiên, các vị biết giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà La Môn bị vứt bỏ.

Này Dona, ông là ai giữa các vị ấy?

Thưa Tôn Giả Gotama, chúng tôi không biết năm vị Bà La Môn này. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi là Bà La Môn. Lành thay, nếu Tôn Giả Gotama thuyết pháp cho tôi để tôi biết được năm vị Bà La Môn này. Vậy này Bà La Môn, hãy nghe và khéo tác ý, ta sẽ nói.

Thưa vâng, Tôn Giả.

Bà La Môn Dona vâng đáp Thế Tôn.

Thế Tôn nói như sau: Thế nào, này Dona, là Bà La Môn đồng đẳng với Phạm Thiên?

Ở đây, này Dona, vị Bà La Môn thiện sanh cả từ mẫu hệ đến phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ Phụ, không một vết nhơ nào, một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong bốn mươi tám năm sống phạm hạnh đồng trinh, học tập chân ngôn chú thuật.

Sau khi sống bốn mươi tám năm phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập chân ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Ðạo Sư cho bậc Ðạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp.

Ở đây, này Dona, pháp là gì?

Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của Vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người Khất Sĩ.

Sau khi giao lại tài sản Đạo Sư, cho bậc Đạo Sư, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sà, vị ấy xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Vị ấy xuất gia như vậy, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy, phương thứ hai, cũng vậy, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư.

Như vậy cùng khắp Thế Giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm câu hữu với bi với hỷ với xả. Cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư.

Như vậy cùng khắp Thế Giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xã, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy, sau khi tụ tập bốn phạm trú này, khi thân hoại mạng chung, được sanh thiện thú Phạm Thiên Giới.

Như vậy, này Dona, là vị Bà La Môn đồng đẳng với Phạm Thiên.

Và này Dona, thế nào là Bà La Môn đồng đẳng với Chư Thiên?

Ở đây, này Dona, Bà La Môn thiện sanh cả tử mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ Phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh.

Vị ấy trong bốn mươi tám năm sống phạm hạnh đồng trinh, học tập châm ngôn. Sau khi sống bốn mươi tám năm phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập Chân Ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Ðạo Sư cho vị Ðạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp.

Ở đây, này Dona, pháp là gì?

Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của Vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người Khất Sĩ.

Sau khi giao lại tài sản Đạo Sư cho bậc Đạo Sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp.

Và này Dona, ở đây, pháp là gì?

Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà La Môn đã được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà La Môn, không đi đến nữ Sát Đế Lỵ, nữ Tỳ Xá, nữ Thủ Đà, nữ Chiên Đà La, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai.

Và này Dona, vì sao người Bà La Môn không đi đến người đàn bà có mang?

Này Dona, nếu người Bà La Môn đi đến người đàn bà có mang, thời đứa đồng nam hay đồng nữ được sanh hoàn toàn bị ô uế. Do vậy, này Dona, vị Bà La Môn không đi đến người đàn bà có mang.

Và vì sao, này Dona, Bà La Môn không đi đến người đàn bà cho con bú?

Này Dona, nếu Bà La Môn đi đến người đàn bà cho con bú, thời này Dona, đứa đồng nam hay đồng nữ bú sữa không được thanh tịnh. Do vậy, này Dona, vị Bà La Môn không đi đến người đàn bà cho con bú.

Và vì sao, này Dona, Bà La Môn không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai?

Này Dona, nếu vị Bà La Môn đi đến người đàn bà trong thời không thể thụ thai, thời nữ Bà La Môn ấy trở thành một phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích.

Nữ Bà La Môn đối với nam Bà La Môn chỉ có mục đích đẻ con. Vị ấy từ dâm dục đúng pháp sinh con rồi, liền cạo bỏ râu tóc, đắp áo Cà Sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Vị ấy xuất gia như vậy, ly dục, ly pháp bất thiện chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Vị ấy, sau khi tu tập bốn Thiền, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, Thiên Giới, cõi đời này.

Như vậy, này Dona, là Bà La Môn đồng đẳng với Chư Thiên.

Và thế nào, này Dona, là một Bà La Môn có giới hạn?

Ở đây, này Dona, Bà La Môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ Phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong bốn mươi tám năm sống phạm hạnh đồng trinh, học tập Chân Ngôn.

Sau khi sống bốn mươi tám năm phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập Chân Ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Ðạo Sư cho vị Ðạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp.

Ở đây, này Dona, pháp là gì?

Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của Vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người khất sĩ. Sau khi giao lại tài sản Đạo Sư cho bậc Đạo Sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp, không phải phi pháp.

Và này Dona, ở đây, pháp là gì?

Không phải do mua, không phải do bán, nhưng chỉ với một nữ Bà La Môn đã được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà La Môn, không đi đến nữ Sát Đế Lỵ, nữ Tỳ Xá, nữ Thủ Đà, nữ Chiên Đà La, nữ săn bắn, nữ đan tre, nữ làm xe, nữ thổ dân, không đi đến người đàn bà có mang, không đi đến người đàn bà cho con bú, không đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai.

Và này Dona, vì sao người Bà La Môn không đi đến người đàn bà có mang?

Này Dona, nếu vị Bà La Môn đi đến người đàn bà có mangnhư trên Nữ Bà La Môn đối với nam Bà La Môn chỉ có mục đích đẻ con.

Vị ấy từ dâm dục đúng pháp sinh con rồi, do ưa thích con nít, sống trong gia đình, không xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Cho đến sự giới hạn của các Bà La Môn thời xưa, vị ấy đứng tại đấy, không vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà La Môn thời xưa, vị ấy đứng ở đấy, không vượt qua giới hạn ấy.

Này Dona, do vậy Bà La Môn được gọi là có giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà La Môn có giới hạn.

Và này Dona, thế nào là một Bà La Môn vượt qua giới hạn?

Ở đây, này Dona, Bà La Môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong bốn mươi tám năm sống phạm hạnh đồng trinh, học tập Chân Ngôn. Sau khi sống bốn mươi tám năm phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập Chân Ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Ðạo Sư cho vị Ðạo Sư một cách đúng pháp, không phải phi pháp.

Ở đây, này Dona, pháp là gì?

Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của Vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người Khất Sĩ.

Sau khi giao lại tài sản Đạo Sư cho bậc Đạo Sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà La Môn được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà La Môn, cũng đi đến nữ Sát Đế Lỵ, cũng đi đến nữ Tỳ Xá, cũng đi đến nữ Thủ Đà.

Cũng đi đến nữ Chiên Đà La, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà đang cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai.

Nữ Bà La Môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà La Môn đối với nam Bà La Môn có mục đích đẻ con.

Cho đến sự giới hạn của các Bà La Môn thời xưa, vị ấy không đứng tại đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy. Cho đến giới hạn của các Bà La Môn thời xưa, vị ấy không đứng ở đấy, vị ấy vượt qua giới hạn ấy.

Này Dona, do vậy Bà La Môn được gọi vị đã vượt qua giới hạn. Như vậy, này Dona, là Bà La Môn vượt qua giới hạn.

Và này Dona, thế nào là Bà La Môn Chiên Đà La?

Ở đây, này Dona, Bà La Môn thiện sanh cả từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời Tổ Phụ, không một vết nhơ nào, một gièm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh. Vị ấy trong bốn mươi tám năm sống phạm hạnh đồng trinh, học tập Chân Ngôn.

Sau khi sống bốn mươi tám năm phạm hạnh đồng trinh, sau khi học tập Chân Ngôn, vị ấy tìm kiếm tài sản Ðạo Sư cho vị Ðạo Sư một cách đúng pháp và phi pháp.

Ở đây, này Dona, pháp là gì?

Không phải nhờ cày bừa, không phải nhờ buôn bán, không phải nhờ chăn bò, không phải do cung tên, không phải do làm người của Vua, không phải do một nghề gì khác, hoàn toàn chỉ do khất thực, không khinh thường bình bát của người Khất Sĩ.

Sau khi giao lại tài sản Đạo Sư cho bậc Đạo Sư, vị ấy đi tìm vợ một cách đúng pháp và phi pháp. Do mua, do bán với nữ Bà La Môn được nước tưới lên, vị ấy đi đến nữ Bà La Môn, cũng đi đến nữ Sát Đế Lỵ, cũng đi đến nữ Tỳ Xá, cũng đi đến nữ Thủ Đà.

Cũng đi đến nữ Chiên Đà La, cũng đi đến nữ săn bắn, cũng đi đến nữ đan tre, cũng đi đến nữ làm xe, cũng đi đến nữ thổ dân, cũng đi đến người đàn bà có mang, cũng đi đến người đàn bà đang cho con bú, cũng đi đến người đàn bà trong thời kỳ không thể thụ thai.

Nữ Bà La Môn đối với vị ấy là phương tiện để thỏa lòng dục, để vui đùa, để thỏa thích. Nữ Bà La Môn đối với nam Bà La Môn có mục đích đẻ con. Vị ấy để nuôi mạng sống, làm tất cả nghề.

Rồi các Bà La Môn nói với vị ấy như sau: Sao Tôn Giả tự cho mình là Bà La Môn, lại làm tất cả nghề để nuôi mạng sống?

Vị ấy trả lời như sau: Như lửa đốt vật sạch, cũng đốt vật nhớp, nhưng không phải vì vậy mà ngọn lửa bị uế nhiễm. Cũng vậy, này các Tôn Giả, nếu Bà La Môn làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, nhưng không phải vì vậy mà Bà La Môn bị uế nhiễm.

Vì làm tất cả nghề để nuôi mạng sống, này Dona, nên Bà La Môn được gọi là Bà La Môn Chiên Đà La. Như vậy, này Dona, là Bà La Môn Chiên Đà La.

Này Dona, có phải các Bà La Môn thời xưa, những vị ẩn sĩ giữa các Bà La Môn, những tác giả các chú thuật, những nhà tụng tán các chú thuật đã hát, đã nói lên, đã sưu tầm những Thánh cú mà nay, những Bà La Môn hiện tại cũng hát lên, đọc lên giống như các vị trước đã làm.

Những vị ấy tên là Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessàmitta, Yamadaggi, Angìrasa, Bhàradvàja, Vàsettha, Kassapa, Bhagu.

Những vị ấy tuyên bố có năm hạng Bà La Môn này: Vị đồng đẳng với Phạm Thiên, vị đồng đẳng với Chư Thiên, các vị có giới hạn, các vị vượt lên giới hạn và thứ năm là Bà La Môn Chiên đà la.

Này Dona, ông là ai giữa các vị ấy?

Như vậy, thưa Tôn Giả Gotama, chúng con chưa thành tựu đầy đủ Bà La Môn Chiên Đà La.

Thật vi diệu thay, Tôn Giả Gotama! Thật hy hữu thay, Tôn Giả Gotama!

Mong Tôn Giả Gotama nhận con làm đệ tử Cư Sĩ. Từ nay cho đến mạng chung con trọn đời quy ngưỡng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần