Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Năm Mươi Mốt - Phẩm Phi Thường - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH TĂNG NHẤT A HÀM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Tăng Già Đề Bà, Đời Đông Tấn
PHẨM NĂM MƯƠI MỐT
PHẨM PHI THƯỜNG
PHẦN MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thế nào, Tỳ Kheo các thầy lưu chuyển sanh tử trải qua bao khổ não, trong đó buồn khóc nước mắt rơi là nhiều chăng?
Hay nước Sông Hằng nhiều?
Các Tỳ Kheo đến trước bạch Phật: Chúng con khi quan sát ý nghĩa câu nói của Như Lai, trải qua sanh tử, nước mắt rơi khi buồn khóc nhiều hơn nước Sông Hằng.
Phật bảo Tỳ Kheo: Lành thay, lành thay!
Các Tỳ Kheo! Như các thầy nói không khác. Các thầy ở trong sanh tử, nước mắt nhiều hơn nước Sông Hằng.
Vì sao thế?
Ở trong sanh tử, cũng vì phụ mẫu mạng chung, khi ấy khóc lóc không thể tính kể. Lâu dài cha con, chị em, vợ con, ngũ thân và các quyến thuộc ân ái thương nhớ khóc lóc không thể tính kể. Cho nên, này các Tỳ Kheo, nên chán họa sanh tử, xa lìa pháp ấy.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này!
Khi Phật nói pháp này, có sáu mươi Tỳ Kheo được lậu tận ý giải. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Thế nào, Tỳ Kheo các thầy, ở trong sanh tử thân thể hủy hoại, máu chảy có nhiều chăng?
Hay nước Sông Hằng nhiều?
Các Tỳ Kheo bạch Phật: Như chúng con quan sát lời nói của Như Lai, máu chảy nhiều hơn nước Sông Hằng.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Lành thay, lành thay, các Tỳ Kheo! Như các thầy nói, máu chảy nhiều hơn nước Sông Hằng.
Vì sao như thế?
Ở trong sanh tử, hoặc làm bò, dê, heo, chó, ngựa, chim thú và vô số các loài khác nhau, trải qua khổ não. Thật đáng chán họa hoạn, nên nghĩ xa lìa.
Như thế, này các Tỳ Kheo, nên học điều này. Khi Đức Thế Tôn nói pháp này, có sáu mươi Tỳ Kheo được lậu tận ý giải. Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Tôi nghe như vậy!
Một thời Phật ở nước Xá Vệ, rừng Kỳ Đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nên tư duy về tưởng vô thường, lưu bố rộng tưởng vô thường. Ðã tư duy tưởng vô thường, luu bố rộng tưởng vô thường thì sẽ đoạn sạch hết dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vô minh, kiêu mạn thảy đều trừ hết. Cũng như đem lửa đốt cây cỏ cháy sạch không còn sót.
Tỳ Kheo nên biết, nếu tư duy về tưởng vô thường, lưu bố rộng tưởng vô thường thì sẽ đoạn dứt hết ái trước trong ba cõi. Xưa có Quốc Vương tên Thanh Tịnh Âm Hưởng thống lãnh cõi Diêm Phù Đề, có tám vạn bốn ngàn thành ấp, có tám vạn tám Đại Thần, có tám vạn bốn ngàn cung nhân thể nữ, mỗi thể nữ có bốn người hầu hạ. Ðại Vương Âm Hưởng không có con nối dõi.
Ðại Vương bèn nghĩ: Nay ta thống lãnh Quốc Gia này, dùng pháp cai trị không cong vạy. Nhưng nay ta không người kế tục, nếu ta chết, sau đó dòng tộc sẽ đoạn diệt.
Nhà Vua do nhân duyên cầu con, nên tự quy y Chư Thiên Long, Quỷ Thần, nhật nguyệt tinh tú, tự quy y Thích Phạm, Tứ Thiên Vương, sơn thần, thọ thần, dưới đến các thần thảo mộc, hoa quả, xin cầu được phước khiến Vua sanh con.
Bấy giờ, nơi cung Trời Ba Mươi Ba có một Thiên Tử tên Tu Bồ Đề, mạng sống sắp hết, có năm điềm ứng tự đến ép ngặt thân.
Thế nào là năm?
Hoa của Chư Thiên trọn không héo, Thiên Tử này hoa đội đầu cũng héo. Y phục Chư Thiên không có bụi nhơ, y phục của Thiên Tử này Sanh bụi nhơ.
Hơn nữa, thân thể của Chư Thiên Cõi Trời Ba Mươi Ba thơm sạch, ánh sáng chói lòa, bấy giờ thân của Thiên Tử này hôi dơ không thể đến gần.
Lại Chư Thiên Cõi Trời Ba Mươi Ba thường có ngọc nữ vây quanh trước sau, ca hát đờn địch ngũ dục tự do vui thích, Thiên Tử này mệnh sắp hết, các ngọc nữ ly tán.
Lại, Chư Thiên Cõi Trời Ba Mươi Ba có tòa ngồi tự nhiên ấn sâu vào đất bốn thước, khi Chư Thiên đứng lên, tòa rời đất bốn thước, song Thiên Tử này sắp mạng chung nên không thích tòa của mình. Ðó gọi là năm điềm ứng hiện tự nhiên bứt ngặt.
Khi Thiên Tử Tu Bồ Đề do những điềm ứng này, Thích Đề Hoàn Nhân bảo một Thiên Tử:
Ông hãy đến cõi Diêm Phù, bảo với Vua Âm Hưởng rằng: Thích Đề Hoàn Nhân hỏi thăm Ðại Vương, ngồi nằm khinh an, đi đứng mạnh khỏe. Cõi Diêm Phù Đề không có người đức độ để làm con Ðại Vương, nay Cõi Trời Ba Mươi Ba có một Thiên Tử tên Tu Bồ Đề, có năm điều ứng hiện tự nhiên bức bách trên thân, chắc sẽ giáng thần làm con Ðại Vương, tuy thế vào lúc tuổi thanh niên cường tráng, chắc sẽ xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng.
Vị Thiên Tử ấy đáp: Thưa vâng! Ðại Vương! Thiên Tử ấy vâng lời dạy của Ðế Thích, trong khoảng lực sĩ duỗi tay, từ Cõi Ba Mươi Ba ẩn, đến cõi Diêm Phù. Bấy giờ Vua Âm Hưởng đang ở trên lầu cao, cùng với một người cầm lọng che.
Khi ấy, Thiên Tử kia ở trên lầu, nơi Hư Không bảo Nhà Vua: Thích Đề Hoàn Nhân kính lời thăm Ðại Vương, dạo đi mạnh khỏe, ngồi đứng khinh an. Cõi Diêm Phù không có người đức độ để làm con Ðại Vương, nay Cõi Trời Ba Mươi Ba có vị Thiên Tử tên Tu Bồ Đề, nay có năm điềm ứng bức ngặt nơi thân, sẽ giáng thần làm con Ðại Vương.
Nhưng vào tuổi thanh niên ắt sẽ xuất gia học đạo, tu phạm hạnh vô thượng.
Vua Âm Hưởng nghe lời ấy rồi, vui mừng phấn khởi không thể tự kềm, liền bảo vị Thiên Tử kia: Nay đến đây bảo cho như vậy, thật hạnh phúc vô cùng. Xin cứ giáng hạ làm con tôi, muốn cầu xuất gia thì tôi trọn không trái ý.
Vị Thiên Tử kia trở về chỗ Thích Đề Hoàn Nhân, liền thưa rằng: Vua Âm Hưởng rất vui mừng.
Và thưa lại rằng: Xin cứ giáng thần, nếu muốn xuất gia thì tôi trọn không trái ý.
Thích Đề Hoàn Nhân bèn qua chỗ Thiên Tử Tu Bồ Đề, bảo Thiên Tử Tu Bồ Đề: Nay ông nên phát nguyện sanh vào cung của Vua Âm Hưởng.
Vì sao thế ?
Vua Âm Hưởng không có Thái Tử, thường dùng chánh pháp trị dân. Xưa ông có phước, tạo các công đức, nay nên giáng thần sanh vào cung Vua ấy.
Thiên Tử Tu Bồ Đề thưa: Thôi, thôi, Thiên Vương!
Tôi không thích nguyện sanh trong cung Vua cõi người, ý tôi muốn xuất gia học đạo, ở trong cung Vua học đạo rất khó.
Thích Đề Hoàn Nhân bảo: Ông nên phát nguyện sanh trong cung Vua ấy, Ta sẽ ủng hộ cho ông được xuất gia học đạo.
Tỳ Kheo nên biết!
Khi ấy Thiên Tử Tu Bồ Đề liền phát thệ nguyện sanh trong cung Vua.
Vua Âm Hưởng cùng đệ nhất phu nhân giao tiếp nhau, phu nhân biết mình mang thai, bèn thưa cùng Vua Âm Hưởng: Ðại Vương nên biết! Nay tôi biết có mang thai. Vua nghe rồi, vui mừng hớn hở, liền đem nệm quý báu, trải tòa ngồi tốt đẹp, dùng món ăn ngon cho phu nhân như Vua không khác.
Trải qua tám chín tháng, phu nhân sanh một hoàng nam rất đoan chánh, dung mạo phi thường ít có trong đời. Âm Hưởng cho mời các ngoại đạo Phạm Chí, quần thần bảo xem tướng, Vua đem đầu đuôi mọi việc trình bày hết cho các tướng sư.
Các Bà La Môn tâu bày: Xin thưa Ðại Vương, theo lý lẽ này thì nay Sanh Thái Tử rất đặc biệt trong đời, xưa làm Thiên Tử tên Tu Bồ Đề, nay y theo tên cũ cũng gọi là Tu Bồ Đề. Các tướng sư đặt tên hiệu rồi, liền rời chỗ ngồi lui ra. Vương Tử Tu Bồ Đề, được Vua thương mến không hề rời mắt.
Vua Âm Hưởng bèn khởi nghĩ: Ta xưa nay không có con, vì muốn cầu con nên lễ bái Chư Thiên, để được con. Trải qua bao lâu nay mới sanh Thái Tử. Song Thiên Đế có dự báo, Thái Tử sẽ xuất gia học đạo. Nay ta phải tìm chước khéo để Thái Tử đừng xuất gia học đạo.
Khi ấy, Vua Âm Hưởng vì Thái Tử mà thiết lập cung điện ba mùa, mùa đông lập cung điện ấm, mùa hạ lập cung điện mát, mùa không lạnh không nóng lập cung điện thích hợp.
Vua lại lập nên bốn cung cho cung nữ ở, cung thứ nhất có sáu vạn thể nữ, cung thứ hai có sáu vạn thể nữ, cung thứ ba có sáu vạn thể nữ, cung thứ tư có sáu vạn thể nữ.
Có bốn thị tùng cung cấp ngoài tòa ngồi cho Thái Tử. Nếu Thái Tử Tu Bồ Đề muốn đạo chơi phía trước, các thể nữ liền đứng hầu ở trước, lúc ấy sàng tòa di chuyển theo thân mình, phía trước có sáu vạn thể nữ và bốn thị gia. Nếu ý Thái Tử muốn dạo chơi phía sau, thì sàng tòa tùy theo thân di chuyển. Nếu Thái Tử muốn vui chơi cùng các thể nữ, lúc ấy sàng tòa cũng tùy thân di chuyển, khiến cho Thái Tử Tu Bồ Đề ý đắm trong ngũ dục không thích xuất gia.
Khi ấy Thích Đề Hoàn Nhân vào lúc nửa đêm vắng người, liền đến chỗ Vương Tử Tu Bồ Đề, ở trên Hư Không bảo: Vương Tử!
Ngày xưa Vương Tử có khởi ý niệm này chăng?
Rằng nếu ta ở nhà, lúc tuổi tráng niên sẽ xuất gia học đạo.
Ngày nay vì sao vui trong ngũ dục, ý lại không nguyện xuất gia học đạo?
Ta cũng có lời rằng sẽ khuyến khích vương Tử khiến xuất gia học đạo. Nay chính đúng lúc, nếu không xuất gia học đạo, sau hối hận vô ích. Thích Đề Hoàn Nhân nói lời ấy rồi liền lui đi.
Vương Tử Tu Bồ Đề ở trong cung bèn khởi nghĩ: Vua cha đã vì ta làm lớp lưới ái dục, vì lưới ái dục này nên không xuất gia học đạo được. Nay ta phải đoạn dứt lưới này, không để cho uế trượt câu dắt, dùng lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, ở chỗ vắng, siêng học Kinh khiến cho ngày thêm tiến.
Vương Tử lại khởi ý này: Phụ Vương Âm Hưởng cho sáu vạn thể nữ vây quanh trước sau.
Nay ta nên quan sát có lý nào tồn tại vĩnh viễn ở thế gian chăng?
Khi ấy Vương Tử quan sát khắp trong cung, không có người nữ nào tồn tại lâu ở thế gian.
Tu Bồ Đề lại khởi niệm này: Nay cớ gì ta quan sát ngoại vật?
Nên quan sát trong thân, nhân duyên khởi lên.
Nay trong thân này có những thứ thuộc về tóc, lông, răng, móng, xương, tủy được tồn tại lâu chăng?
Vương Tử quan sát từ đầu đến chân ba mươi sáu vật ô uế bất tịnh, do tự quan sát thấy rằng không một chút gì có thể tham đắm, cũng không có gì chân thật, toàn là huyễn ngụy, đều trở về không, không tồn tại lâu cả đời.
Vương Tử Tu Bồ Đề bèn khởi ý niệm: Nay ta sẽ cắt đứt lớp lưới này, xuất gia học đạo.
Khi đó Tu Bồ Đề quán thâm năm thọ ấm này: Ðây là sắc khổ, đây là sắc tập, đây là sắc diệt, đây là sắc xuất yếu. Thọ, tưởng, hành, thức đều khổ cho đến thức tập, thức diệt, thức xuất yếu. Quán thân năm thọ ấm này rồi, những pháp tập đều là pháp tận. Tu Bồ Đề liền ở chỗ ngồi được thành Bích Chi Phật.
Lúc đó, đức Bích Chi Phật Tu Bồ Đề do giác thành Phật, bèn nói kệ:
Ta biết cội gốc dục,
Ý do tư tưởng sanh
Ta không nhớ nghĩ dục,
Ắt dục không có mặt.
Ðức Bích Chi Phật nói kệ này rồi, bay trên hư không mà đi, đến một ngọn núi ngồi dưới cội cây, nơi Vô Dư Niết Bàn mà nhập Niết Bàn.
Bấy giờ Vua Âm hưởng bảo các cận thần: Ông đến nội cung của Vương Tử Tu Bồ Đề xem Vương Tử có vui chơi an ổn chăng!
Ðại thần vâng lệnh Vua, liền đi qua nội cung của Vương Tử, song nội thất đóng chắc chắn.
Ðại thần bèn trở về, tâu Vua: Vương Tử ngủ say an ổn, cửa cung đóng chắc chắn.
Nhà Vua lại ba phen bảo: Ông hãy qua xem Vương Tử có ngủ ngon chăng!
Ðại thần lại đi đến cửa cung, song cửa cài chắc, lại trở về tâu Vua: Vương Tử ở trong cung ngủ say không hay biết, cửa đóng kín đến giờ chưa mở.
Khi ấy Vua Âm Hưởng lại khởi niệm: Vương Tử con ta khi nhỏ còn chẳng ngủ say, huống gì ngày nay tráng niên sung thạnh lại ngủ say ư?
Nên tự sang xem biết con lành dữ, con ta có tật bệnh gì chăng!
Nhà Vua liền sang đến nội cung của Tu Bồ Đề, đến ngoài cửa bảo một người: Ông thử trèo tường vào cung mở cửa cho ta. Người ấy vâng lệnh Vua bèn trèo qua tường, vào cung mở cửa cho Nhà Vua.
Vua vào xem xét trong cung, thấy giường nằm trống không chẳng có Vương Tử, bèn hỏi thể nữ: Vương Tử Tu Bồ Đề, hiện giờ ở đâu?
Các thể nữ tâu: Chúng tôi cũng không biết Vương Tử ở đâu. Vua Âm Hưởng nghe lời ấy, ngã xuống đất giây lâu mới tỉnh.
Vua bèn bảo quần thần:
Con ta khi còn nhỏ sang ý niệm rằng: Khi lớn lên sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo. Nay chắc Vương Tử đã bỏ ta, xuất gia học đạo. Các ông nên đi bốn phía tìm kiếm Vương Tử xem ở đâu. Tức thời Quần Thần cưỡi xa mã rong ruổi nơi nơi tìm kiếm.
Bấy giờ có một Đạo Thần đi đến núi đó, giữa đường bèn khởi nghĩ: Nếu Vương Tử Tu Bồ Đề xuất gia học đạo, chắc sẽ ở đây học đạo. Ðại Thần xa thấy Vương Tử Tu Bồ Đề ngồi kiết già dưới một cội cây.
Ðại thần ấy bèn nghĩ: Ðây chính là Vương Tử Tu Bồ Đề.
Ðại thần nhìn kỹ, quan sát rồi trở về chỗ Vua tâu rằng: Vương Tử Tu Bồ Đề ở gần đây, ngồi kiết già dưới gốc cây trong núi.
Vua Âm Hưởng nghe nói, liền đi đến núi đó, xa thấy Tu Bồ Đề ngồi kiết già dưới gốc cây trong núi, Vua lại ngã xuống đất: Con ta khi xưa tự thệ nguyện đến năm hai mươi tuổi sẽ xuất gia học đạo, nay đã không lầm.
Lại Thiên Đế có bảo: Con Ðại Vương chắc sẽ học đạo.
Khi ấy Vua Âm Hưởng đến thẳng trước mặt Tu Bồ Đề bảo: Nay con vì cớ gì bỏ ta mà xuất gia học đạo?
Bích Chi Phật im lặng không đáp.
Vua lại bảo: Mẹ con rất lo buồn, đợi gặp con mới ăn, nên đứng lên đi về cung. Bích Chi Phật cũng không nói không rằng, ngồi im lặng. Vua Âm Hưởng bước tới nắm tay cũng không lay động.
Vua liền bảo Quần Thần: Vương Tử đã chết.
Trước đây Thích Đề Hoàn Nhân có đến bảo ta rằng: Ðại Vương được con, nhưng sẽ xuất gia học đạo. Nay Vương Tử xuất gia học đạo, nay nên đem Xá Lợi này về cõi nước hoát mình.
Ðang lúc chuẩn bị thiêu, các thần trong núi hiện nửa thân hình tâu Nhà Vua: Ðây là Phật Bích Chi, không phải là Vương Tử, pháp thiêu Xá Lợi không phải như pháp thiêu Vương Tử.
Vì sao thế?
Tôi là đệ tử cửa Chư Phật quá khứ, Chư Phật có dạy thế này: Ở đời có bốn hạng người nên xây Tháp.
Thế nào là bốn?
Bậc Như Lai chí Chân Ðăng Chánh Giác nên xây Tháp. Bích Chi Phật nên xây Tháp, bậc A La Hán lậu tận, đệ tử của Như Lai nên xây Tháp, hàng Chuyển Luân Thánh Vương nên xây Tháp. Khi hỏa thiêu thân Chuyển Luân Thánh Vương cũng như hỏa thiêu thân Phật và thân Bích Chi Phật không khác.
Vua Âm Hưởng hỏi Thiên: Nên cúng dường và hỏa thiêu thân Chuyển Luân Thánh Vương thế nào?
Thọ thần bảo: Thân Chuyển Luân Thánh Vương nên làm kim quan bằng sát, dùng dầu thơm rửa thân Chuyển Luân Thánh Vương, rồi dùng vải trắng quấn quanh thân, vải gấm thêu bọc bên ngoài, đặt vào kim quan, đậy nắp quan bằng sắt, đóng đinh cẩn thận.
Lại dùng một trăm lớp vải trắng bao quanh kim quan, rưới các thứ nước thơm trên chỗ đất ấy kim quan đặt vào giữa, cúng dường hương hoa bảy ngày bảy đêm, treo phan lọng, đánh kỹ nhạc.
Sau bảy ngày mới đem thiêu, nhặt Xá Lợi rồi trải qua bảy ngày bảy đêm cúng dường không ngớt. Xây Tháp tại ngã tư đường, dùng các thứ hương hoa, phan lọng cúng dường.
Ðại Vương nên biết!
Cúng dường Xá Lợi của Chuyển Luân Thánh Vương, việc ấy như thế. Ðối với các Đức Phật, các vị Bích Chi Phật và A La Hán cũng lại như thế.
Vua Âm Hưởng bảo Thiên Thần: Do nhân duyên gì cúng dường thân Chuyển Luân Thánh Vương?
Do nhân duyên gì cúng dường thân Phật, thân Bích Chi Phật, thân A La Hán?
Thiên Thần bảo: Chuyển Luân Thánh Vương dùng cai trị, tự mình không sát sanh, lại dạy người khác không sát sanh. Tự chẳng lấy trộm, lại dạy người khác không lấy trộm. Tự mình không dâm dục, lại dạy người khác không xâm phạm vợ người.
Tự mình không nói dối, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt khiến đôi bên đấu tranh, ganh ghét, sân, si. Ý mình chuyên chánh, thường hánh chánh kiến, cũng khiến người khác tập theo chánh kiến.
Ðại Vương! Do nhân duyên này nên xây Tháp thờ Chuyển Luân Thánh Vương.
Vua lại hỏi Thiên Thần: Do nhân duyên gì nên xây Tháp đối với bậc A La Hán lậu tận?
Thiên Thần bảo: Hàng Tỳ Kheo lậu tận A La Hán, dục ái đã dứt, sân nhuế ngu si đã trừ, đã vượt qua hữu lậu đến chỗ vô vi, là ruộng tốt, bạn lành của thế gian. Do nhân duyên ấy nên xây Tháp đối với bậc A La Hán lậu tận.
Vua lại hỏi: Do nhân duyên gì nên xây Tháp đối với Đức Phật Bích Chi?
Thiên Thần bảo: Ðức Bích Chi Phật không thầy tự ngộ, ra đời rất hiếm, được pháp báo hiện tại ra khỏi đường ác, khiến người sanh Cõi Trời. Do nhân duyên ấy, nên xây Tháp đối với Bích Chi Phật.
Vua lại hỏi: Do nhân duyên gì nên xây Tháp cho Như Lai?
Thiên Thần bảo: Như Lai đầy đủ mười lực. Mười lực này chẳng phải Bích Chi, Thanh Văn sánh kịp, Chuyển Luân Thánh Vương không sánh kịp, hạng ngu si ở thế gian không sánh kịp.
Như Lai với người không được độ khiến cho được độ, người không giải thoát khiến cho giải thoát, người chưa nhập Niết Bàn khiến cho được Niết Bàn, che chở con người không ai cứu hộ, làm mắt cho người mù, làm bậc Đại Y Vương cho người đau.
Trời, người, ma và Thiên Ma đều sùng phụng, rất đáng kính đánh quý. Xoay nẻo ác thành đường lành.
Ðại Vương! Do nhân duyên ấy nên xây Tháp đối với Như Lai.
Ðại Vương! Do nhân duyên gốc ngọn này, mà đối với bốn hạng người nên xây Tháp.
Vua Âm Hưởng bảo vị thần: Lành thay, lành thay, Thiên Thần! Nay tôi vâng lời dạy khiến cúng dường Xá Lợi này như cúng dường Bích Chi Phật.
Bấy giờ Vua Âm Hưởng bảo mọi người: Các ông nên đưa Xá Lợi của đức Bích Chi Phật Tu Bồ Đề về nước. Quần Thần nghe lệnh Vua rồi, đưa thân Phật lên giường vàng trở về nước.
Khi ấy, Vua Âm Hưởng ra lệnh làm kim quan, dùng dầu thơm tắm gội thân Bích Chi Phật, dùng vải trắng quấn quanh thân Phật, lại dùng gấm thêu tốt đẹp phủ bên ngoài.
Đặt thân vào kim quan, đậy nắp sắt, đóng đinh thật chắc chắn, dùng trăm lớp vải trắng bao quanh kim quan, rưới các hương thơm, đặt kim quan vào giữa.
Bảy ngày bảy đêm cúng dường hương hoa, sau bảy ngày đêm bén hỏa thiêu và nhặt Xá Lợi của Ngài. Lại đánh kỹ nhạc cúng dường thêm bảy đêm. Nơi ngã tư đường xây Tháp, đem hoa hương, tràng phan, lọng dù, đánh kỹ nhạc để cúng dường Tháp.
Tỳ Kheo nên biết! Nếu có chúng sanh nào cung kính cúng dường Xá Lợi của Bích Chi Phật, sau khi mạng chng bèn sanh lên Cõi Trời Ba Mươi Ba. Có chúng sanh suy nghĩ về tưởng vô thường, sẽ vượt khỏi ba đường ác, sanh trong Cõi Trời, Người.
Này các Tỳ Kheo! Các thầy chớ thấy thế. Vua Âm Hưởng lúc ấy đâu phải ai lạ, chính là thân ta. Người tư duy về tưởng vô thường được nhiều lợi ích. Nay ta quán sát nghĩa này rồi, bảo các Tỳ Kheo nên suy nghĩ về tưởng vô thường, lưu bố rộng tưởng vô thường.
Do suy nghĩ tưởng vô thường, lưu bố rộng tưởng vô thường, liền được đoạn tận dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vô minh kiêu mạn vĩnh viễn không thừa sót. Cũng như dùng lửa đốt vỏ cây. Như trong giảng đường cao rộng tốt đẹp cửa nẻo mở rộng, không có vật gì.
Tỳ Kheo tư duy về tưởng vô thường cũng lại như thế, đoạn dứt dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vĩnh viễn không thừa sót. Cho nên, các Tỳ Kheo nên đem hết tâm ý đừng để trái mất. Khi Phật nói pháp này, có sáu mươi Tỳ Kheo ngay tại chỗ được lậu tận ý giải.
Bấy giờ, các Tỳ Kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Mật Nghiêm - Phẩm Tám - Phẩm A Lại Da Vi Mật - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Mười Một - Phẩm Nhân Duyên Bảo Thiên
Phật Thuyết Kinh Quang Tán - Phẩm Một - Phẩm Quang Tán - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Sáu - Phẩm đại - Kinh A Thấp Bối
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Chín - Phẩm Sa Di Quân đề