Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

BẢO LĂNG GIÀ A BẠT ĐA LA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống  

PHẨM HAI

PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM  

PHẦN BỐN  

Khi ấy, Thế Tôn bảo Đại Huệ Bồ Tát rằng: Nay ta sẽ thuyết tướng thông phân biệt của ý sanh thân, ngươi hãy lắng nghe và khéo ghi nhớ.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ: Có ba thứ ý sanh thân.

Thế nào là ba?

Ấy là: Tam muội lạc chánh thọ ý sanh thân, giác pháp tự tánh tánh ý sanh thân, và chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân. Người tu hành liễu tri cái tướng ấy, từ Sơ Địa dần dần tiến lên, thì được ba thứ thân này.

Đại Huệ! Thế nào là tam muội lạc chánh thọ ý sanh thân?

Ấy là tam muội lạc chánh thọ của Bồ Tát Tam Địa, Tứ Địa và Ngũ Địa, an trụ nơi biển tâm, tự tâm tịch tịnh, mỗi mỗi làn sóng của thức tướng chẳng sanh khởi, biết cảnh giới tự tâm hiện tánh phi tánh, gọi là tam muội lạc chánh thọ ý sanh thân.

Đại Huệ! Thế nào là giác pháp tự tánh tánh ý sanh thân?

Là Bồ Tát Đệ Bát Địa quán sát các pháp như huyễn, thảy vốn chẳng có thì thân tâm chuyển biến, đắc như huyễn tam muội và nhiều tam muội môn khác. Sức tướng vô lượng tự tại quang minh như diệu hoa trang nghiêm, chóng được như ý.

Cũng như mộng huyễn, trăng đáy nước, bóng trong gương, phi năng tạo, phi sở tạo, như tạo sở tạo, tất cả sắc mỗi mỗi khác biệt đều đầy đủ trang nghiêm, do đại chúng trong tất cả Cõi Phật đều thông đạt pháp tự tánh, nên gọi là giác pháp tự tánh tánh ý sanh thân.

Đại Huệ! Thế nào là chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân?

Là nói giác được tất cả Phật Pháp, theo duyên đó tự đắc tướng hành, ấy gọi là chủng loại câu sanh vô hành tác ý sanh thân.

Đại Huệ! Đối với sự quán sát giác liễu nơi ba thứ thân tướng này, cần nên tu học.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Phi thừa phi đại thừa,

Phi thuyết phi văn tự.

Phi đế đế phi giải thoát,

Phi cảnh chân giới hữu vô.

Pháp đại thừa sở chứng

Tự tại Tam Ma Đề

Mỗi mỗi ý sanh thân,

Hoa trang nghiêm tự tại.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Như Thế Tôn nói thiện nam, tín nữ hành nghiệp ngũ vô gián mà chẳng đọa địa ngục A tỳ.

Thế Tôn! Tại sao thiện nam, tín nữ hành nghiệp ngũ vô gián mà chẳng đọa địa ngục A tỳ?

Phật bảo Đại Huệ: Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Lành thay Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ: Thế nào là nghiệp ngũ vô gián?

Ấy là giết cha mẹ, hại La Hán, phá hòa hợp Tăng, ác tâm làm thân Phật ra máu.

Đại Huệ! Nói giết cha mẹ ở đây là ám chỉ hai thứ căn bản của sự thọ sanh, do tham ái làm mẹ, vô minh làm cha, đoạn dứt hai thứ căn bản ấy, gọi là giết cha mẹ.

Thế nào là hại La Hán?

Dụ như con chuột bị độc chết, thì những tai hại do con chuột gây ra đều chẳng sanh khởi nữa, cũng như các pháp phiền não tập khí cứu cánh đoạn dứt, gọi là hại La Hán.

Thế nào là phá hòa hợp Tăng?

Là nói các tướng tập khí phiền não khác nhau của ngũ ấm hòa hợp tích tụ, tất cả đều được đoạn dứt, gọi là phá hòa hợp Tăng.

Thế nào là ác tâm làm thân phật ra máu?

Vì chẳng biết bản thể của bảy thứ thức là do tự tâm biến hiện, chẳng ngoài tự tướng cộng tướng, nay dùng ác tâm tâm mãnh liệt của tam vô lậu giải thoát không, vô tướng, vô nguyện để đoạn dứt bảy thứ thức nơi tự tánh Phật, gọi là ác tâm làm thân Phật ra máu.

Nếu Thiện Nam, tín nữ hành những việc vô gián này, gọi là ngũ vô gián, cũng gọi là đẳng vô gián.

Lại nữa, Đại Huệ! Có pháp ngoài ngũ vô gián, nay ta sẽ thuyết, ngươi và các Đại Bồ Tát nghe nghĩa này rồi, nơi đời vị lai chẳng đọa ngu si.

Thế nào là ngoài ngũ vô gián?

Nghĩa là nếu người muốn chứng đắc pháp ngũ vô gián kể trên, mà thực hành theo ba cửa giải thoát không, vô tướng, vô nguyện trong Kinh Đại Bát Nhã thì mỗi mỗi đều chẳng thể chứng đắc pháp ngũ vô gián.

Như dùng cửa Không cũng chẳng thể chứng đắc, dùng cửa vô tướng cũng chẳng thể chứng đắc, dùng cửa vô nguyện cũng chẳng thể chứng đắc, nên nói ở ngoài ngũ vô gián.

Ngoại trừ pháp này ra, còn có các pháp, nhờ thần lực biến hóa mà hiện vô gián. như thần lực biến hóa của Thanh Văn, thần lực biến hóa của Bồ Tát, thần lực biến hóa của Như Lai v.v...

Đối với những kẻ tạo tội vô gián, vì sự sám hối tội lỗi và trừ nghi cho họ, cũng vì khuyến phát nhân lành cho họ, nên nhờ thần lực biến hóa mà hiện vô gián.

Trừ khi người giác được tự tâm hiện lượng, lìa được vọng tưởng thân tài, lìa sự nhiếp thọ ngã và ngã sở, hoặc lúc gặp thiện tri thức khiến khai ngộ bản tâm thì mới được giải thoát sự sanh tử tương tục nơi các cõi, chứ chẳng phải trước kia đã tạo tội vô gián mà chẳng bị đọa địa ngục vô gián vậy.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Tham ái gọi là mẹ,

Vô minh gọi là cha.

Thức giác ngộ là Phật,

Phiền não là La Hán

Ngũ ấm gọi là Tăng,

Hành vô gián đoạn ác.

Gọi là ngũ vô gián,

Chẳng đọa ngục A tỳ.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng giảng thuyết thế nào là tri giác của Phật?

Phật bảo Đại Huệ: Giác được nhân và pháp vô ngã, liễu tri hai chướng phiền não và sở tri, lìa hai thứ sanh tử phần đoạn và biến dịch, đoạn dứt hai thứ phiền não vô minh và ái nghiệp, ấy gọi là tri giác của Phật.

Thanh Văn, Duyên Giác đắc được pháp này cũng gọi là Phật, do nhân duyên này ta thuyết nhất thừa.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Khéo biết hai vô ngã

Hai chướng phiền não dứt

Lìa hẳn hai sinh tử

Gọi là tri giác Phật.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Tại sao Thế Tôn nơi đại chúng nói lời như thế: Ta là tất cả Phật quá khứ và có đủ thứ thọ sanh.

Xưa kia Ta làm Mạn Đà Chuyển Luân Thánh Vương, voi lớn sáu ngà và chim Anh Võ, Thích Đề Hoàn Nhân, Tiên nhân Thiện Nhãn v.v... thuyết trăm ngàn quyển Kinh Thọ Sanh như thế?

Phật bảo Đại Huệ: Do bốn thứ bình đẳng nên Như Lai Ưng Cúng Chánh Đẳng Giác, nơi đại chúng nói lời như thế: Khi ấy ta làm Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp.

Thế nào là bốn thứ bình đẳng?

Ấy là tự đẳng, ngữ đẳng, pháp đẳng và thân đẳng. Vì bốn thứ bình đẳng này, nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở trong chúng nói lời như thế.

Thế nào là tự đẳng?

Là danh tự xưng ta là Phật, cũng xưng tất cả Chư Phật, mà tự tánh của danh tự chẳng có sai biệt, ấy gọi là tự đẳng.

Thế nào là ngữ đẳng?

Ta dùng sáu mươi bốn thứ Phạm âm hiển bày tướng ngôn ngữ, các bậc Như Lai Ứng Cúng đẳng Chánh Giác cũng dùng sáu mươi bốn thứ Phạm âm hiển bày tướng ngôn ngữ như thế, chẳng thêm, chẳng bớt, chẳng có sai biệt. Tánh Phạm âm vi diệu như Ca Lăng Tần Già, gọi là ngữ đẳng.

Thế nào là thân đẳng?

Nói thân ta với Pháp Thân Chư Phật, sắc thân và tướng tốt chẳng có sai biệt, trừ khi vì điều phục các loại chúng sanh sai biệt, mới thị hiện mỗi mỗi sắc thân sai biệt, ấy gọi là thân đẳng.

Thế nào là pháp đẳng?

Nói ta và Chư Phật đều dùng pháp bồ đề phần ba mươi bảy phẩm, lược thuyết trí vô chướng ngại của Phật Pháp, gọi là pháp đẳng. Gọi chung là bốn thứ pháp bình đẳng. Cho nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác ở trong đại chúng nói lời như thế.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Ca Diếp, Câu Lưu Tôn,

Câu Na Hàm là ta.

Dùng bốn pháp bình đẳng

Vì Phật Tử thuyết pháp.

Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Như Thế Tôn sở thuyết: Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa đó chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết, nói chẳng thuyết là Phật thuyết.

Thế Tôn! Như Lai Ứng Cúng đẳng Chánh Giác vì sao nói chẳng thuyết tức là Phật Thuyết?

Phật bảo Đại Huệ: Ta vì hai pháp nên nói như thế.

Thế nào là hai pháp?

Là duyên tự đắc pháp và bổn trụ pháp, gọi là hai pháp. Do hai pháp này nên ta nói như thế.

Thế nào là duyên tự đắc pháp?

Là pháp do chư Như Lai chứng đắc, ta cũng chứng đắc, chẳng thêm chẳng bớt. Cảnh giới cứu cánh của duyên tự đắc pháp lìa hai tướng ngôn thuyết và văn tự, chỉ có thể tự đắc, tự biết, nên gọi là duyên tự đắc pháp.

Thế nào là bồn trụ pháp?

Là đạo pháp của bậc Thánh xưa như tánh vàng bạc chẳng hoại, thường trụ nơi pháp giới, vô thỉ vô chung. Hoặc Như Lai ra đời, hoặc chẳng ra đời, đạo pháp vẫn thường trụ nơi pháp giới như thế, gọi là bổn trụ pháp.

Ví như sĩ phu đi trong đồng vắng, thấy con đường bằng phẳng hướng về cổ thành, liền đi theo đường đó vào thành, được thọ sự vui như ý.

Đại Huệ! Ý ngươi thế nào?

Con đường và mỗi mỗi sự vui kia là do người ấy làm ra ư?

Đáp rằng: Không ạ, Thế Tôn.

Phật bảo Đại Huệ: Ta và quá khứ tất cả Chư Phật thường trụ nơi pháp giới cũng như thế.

Nên nói: Ta từ đêm kia đắc Tối Chánh Giác, cho đến đêm kia nhập Niết Bàn, ở nơi khoảng giữa chẳng thuyết một chữ, cũng chẳng phải đã thuyết, chẳng phải sẽ thuyết.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Ta từ đêm thành đạo,

Đến đêm nhập Niết Bàn.

Nơi khoảng chính giữa này,

Chẳng thuyết một chữ nào.

Vì duyên tự đắc pháp,

Và pháp bổn trụ kia,

Nên ta và Chư Phật,

Thuyết pháp chẳng sai biệt.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại thỉnh Thế Tôn: Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng hữu và vô của tất cả pháp, khiến con và các Đại Bồ Tát lìa tướng hữu và vô, chóng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật bảo Đại Huệ: Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật: Lành thay Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ: Người thế gian nương theo hữu và vô, đọa vào hai thứ dục kiến và tánh phi tánh, nếu chẳng lìa tướng dục kiến thì chẳng thể lìa sanh tử.

Đại Huệ! Tại sao người thế gian nương theo hữu?

Là nói thế gian do nhân duyên sanh, chẳng phải không có từ hữu sanh, cũng chẳng phải vô sanh.

Đại Huệ! Họ thuyết như thế là nói thế gian vô nhân mà có.

Đại Huệ! Tại sao người thế gian nương theo vô?

Vì họ thọ nhận tánh tham, sân, si rồi, sau lại vọng tưởng chấp trước tánh tham, sân, si là phi tánh, chẳng chấp lấy hữu, lại chấp lấy vô.

Đại Huệ! Nếu chẳng chấp lấy tánh hữu thì tánh tướng tịch tịnh, nên chư Như Lai và Thanh Văn, Duyên Giác chẳng chấp lấy tánh tham, sân, si cho là hữu hay vô.

Đại Huệ! Trong đó có cái nào là hoại đoạn diệt?

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu họ trước kia chấp lấy tánh tham, sân, si rồi, về sau chẳng chấp lấy nữa, ấy gọi là hoại.

Phật bảo Đại Huệ: Lành thay! Lành thay! Đúng như ngươi hiểu.

Đại Huệ! Chẳng những tánh tham, sân, si, phi tánh là hoại, đối với Thanh Văn, Duyên Giác và Phật, chẳng chấp lấy tham, sân, si cũng gọi là hoại.

Tại sao?

Vì trong ngoài bất khả đắc, nên tánh phiền não chẳng phải khác hay chẳng khác.

Đại Huệ! Sự tham, sân, si hoặc trong, hoặc ngoài đều bất khả đắc. Vì tánh của tham, sân, si chẳng có bản thể, nên chẳng thể chấp lấy, cho nên nói hoại, là hoại tánh tham, sân, si chứ chẳng phải hoại Phật và Thanh Văn, Duyên Giác. Vì Phật và Thanh Văn, Duyên Giác tự tánh vốn đã giải thoát, chẳng có tánh làm nhân năng trói và sở trói.

Đại Huệ! Nếu có trói thì phải có nhân trói, nói hoại như thế là chẳng có tướng để hoại.

Đại Huệ! Vì thế nên ta nói: Thà chấp lấy ngã kiến như núi Tu Di, chớ đừng khởi kiến chấp không cho là vô sở hữu, thành kẻ tăng thượng mạn.

Đại Huệ! Kẻ Tăng thượng mạn chấp trước vô sở hữu, ấy gọi là hoại. Vì họ chẳng biết tự tâm hiện lượng, thấy ngoài tánh vô thường, sát na lần lượt biến hoại, ấm, giới, nhập tương tục lưu chú biến diệt, nên đọa kiến chấp hy vọng tự tướng cộng tướng, lìa tướng vọng tưởng văn tự, chấp trước đoạn diệt, ấy gọi là hoại.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này, mà thuyết kệ rằng:

Tâm thấy hữu hoặc vô,

Là cảnh giới nhị biên.

Trừ sạch cảnh giới ấy,

Tâm bình đẳng tịch diệt.

Tâm chẳng chấp cảnh giới,

Hữu diệt chẳng phải vô.

Hữu vô đều như như,

Là cảnh giới Thánh Hiền.

Vô chủng mà sanh hữu,

Sanh rồi hữu lại diệt.

Nhân duyên hữu và vô,

Chẳng trụ giáo pháp ta.

Phi ngoại đạo phi Phật,

Phi ta cũng phi khác.

Do nhân duyên sanh khởi,

Tại sao có thể vô!

Nhân duyên hợp nói hữu,

Nhân duyên tan nói vô.

Sanh kiến chấp tà luận,

Vọng tưởng chấp hữu vô.

Nếu biết pháp vô sanh,

Cũng là pháp vô diệt.

Quán pháp không tịch này,

Hữu vô thảy đều lìa.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Cúi xin vì con và các Đại Bồ Tát thuyết tướng tông thông, khiến con và các Đại Bồ Tát thông đạt tướng này. Thông đạt tướng này rồi thì khéo phân biệt tướng Tông thông, chẳng theo giác tưởng của chúng ma ngoại đạo, chóng thành tựu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Phật bảo Đại Huệ: Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ: Tất cả Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát có hai thứ tướng thông là tông thông và thuyết thông.

Đại Huệ! Nói tông thông, là tướng duyên tự đắc thắng tiến, xa lìa vọng tưởng ngôn thuyết và văn tự, tiến vào tự tướng tự giác địa của hàng vô lậu, xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng, hàng phục tất cả chúng ma ngoại đạo, phát huy ánh sáng của duyên tự giác, ấy là tướng tông thông.

Thế nào là tướng thuyết thông?

Là nói mỗi mỗi giáo pháp trong chín Bộ Kinh, lìa những tướng khác hay chẳng khác, hữu và vô v.v... dùng phương tiện khéo léo tùy thuận căn tánh của chúng sanh mà ứng cơ thuyết pháp, khiến họ được độ thoát, gọi là tướng thuyết thông.

Đại Huệ! Đối với hai tướng thông này, ngươi và các Bồ Tát cần nên tu học.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Tướng tông thông, thuyết thông,

Duyên giáo pháp tự giác.

Khéo phân biệt chánh tà,

Chẳng theo giác giác tưởng ngoại đạo

Như phàm phu vọng tưởng,

Chẳng có tánh chân thật.

Tại sao vọng chấp cho,

Phi tánh là giải thoát?

Quán sát pháp hữu vi,

Sanh và diệt tương tục.

Điên đảo vô sở tri,

Tăng trưởng theo nhị kiến.

Chân Đế chỉ là một,

Niết Bàn là không lỗi

Quán sát việc thế gian,

Như hoa đốm mộng huyễn

Dù có tham sân si,

Có cũng như mộng huyễn.

Ái dục sanh ngũ ấm,

Thân người vốn chẳng thật.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Cúi xin vì đại chúng thuyết tướng vọng tưởng chẳng thật.

Vọng tưởng đã chẳng thật, do đâu mà sanh khởi?

Pháp gì gọi là vọng tưởng chẳng thật?

Ở trong pháp nào có vọng tưởng chẳng thật?

Phật bảo Đại Huệ: Lành thay, lành thay! Ngươi khéo hỏi Như Lai những nghĩa như thế, là thương xót tất cả Trời, người thế gian, khiến họ được nhiều lợi ích và nhiều an lạc. Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ: Mỗi mỗi nghĩa lý là mỗi mỗi vọng tưởng chấp trước chẳng thật, dó đó sanh khởi vọng tưởng.

Đại Huệ! Người chẳng biết tự tâm hiện lượng, đọa kiến chấp hữu và vô, chấp trước năng nhiếp sở nhiếp, tăng trưởng kiến chấp của ngoại đạo.

Do tập khí vọng tưởng, chấp trước đủ thứ nghĩa lý của ngoại đạo, đối với pháp tâm, tâm số vọng tưởng chấp trước, cho là chỗ nhân duyên sanh khởi của ngã và ngã sở.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu mỗi mỗi nghĩa lý mỗi mỗi chẳng thật, do tập khí vọng tưởng, chấp trước những pháp tâm và tâm số mà sanh khởi kiến chấp ngã và ngã sở.

Thế Tôn! Nếu như thế thì mỗi mỗi tướng nghĩa của ngoại đạo, đọa tướng hữu và vô, lìa tướng thấy, lìa tánh phi tánh.

Thế Tôn! Đệ nhất nghĩa cũng thế, lìa tướng nhân căn lượng thí dụ phân biệt.

Thế Tôn! Tại sao chỉ có một chỗ nghĩa vọng tưởng chẳng thật của ngoại đạo thì mỗi mỗi tánh vọng tưởng chấp trước sanh, mà chấp trước chỗ đệ nhất nghĩa thì vọng tưởng bất sanh?

Nói một sanh ngoại đạo, một bất sanh Phật, há chẳng phải Thế Tôn thuyết tà nhân luận ư?

Phật bảo Đại Huệ: Chẳng phải vọng tưởng một sanh một bất sanh.

Tại sao?

Vì bậc Thánh vọng tưởng hữu vô bất sanh, nên ngoài hiện tánh phi tánh, do giác được tự tâm hiện lượng mà vọng tưởng bất sanh.

Đại Huệ! Ta nói mỗi tướng vọng tưởng tự tâm của phàm phu, vì trước kia đã tạo nghiệp chấp trước phân biệt, nên mỗi mỗi tánh tướng vọng tưởng sanh.

Nay muốn khiến phàm phu ngộ pháp vốn vô sanh, phải lìa kiến chấp ngã và ngã sở, lìa kiến chấp vọng tưởng năm pháp tự tánh, thì thân tâm chuyển biến, thấu rõ cảnh giới cứu cánh nhất thiết địa của Như Lai tự giác, do nhân duyên này nên ta nói vọng tưởng từ chấp trước mỗi nghĩa chẳng thật mà sanh. Nếu ngộ nghĩa như thật thì chẳng sanh, mà được giải thoát mỗi mỗi vọng tưởng của tự tâm.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

Từ nhân duyên hữu vô,

Mà sanh khởi thế gian.

Vong tưởng chấp tứ cú,

Chẳng rõ thuyết thông ta

Thế gian chẳng hữu sanh,

Cũng chẳng phải vô sanh.

Chẳng từ hữu, vô sanh,

Cũng chẳng phi hữu vô.

Tại sao những phàm phu,

Vọng tưởng chấp nhân duyên.

Tất cả pháp vô sanh,

Do nhân duyên có sanh.

Phi hữu cũng phi vô,

Cũng chẳng phải hữu vô.

Quán thế gian như thế,

Chuyển tâm đắc vô ngã.

Tất cả duyên sở tác,

Sở tác chẳng tự có.

Việc chẳng tự sanh việc,

Vì có lỗi hai việc.

Nếu chẳng lỗi hai việc,

Thì chẳng tánh để đắc.

Quán các pháp hữu vi,

Lìa năng duyên sở duyên.

Tâm lượng của vô tâm,

Ta nói là tâm lượng.

Nơi tự tánh nói lượng,

Nhân duyên thảy đều lìa.

Tự tánh vốn trong sạch,

Ta gọi là tâm lượng

Phương tiện lập Tục Đế,

Bổn lai chẳng sự thật,

Phương tiện lập ngũ ấm,

Chẳng thật cũng như thế.

Có bốn thứ bình đẳng:

Tướng vô tướng bình đẳng,

Sanh vô sanh bình đẳng,

Ngã vô ngã bình đẳng,

Tu sở tu bình đẳng.

Vọng tưởng tập khí chuyển,

Có mỗi mỗi tâm sanh.

Cảnh giới hiện bên ngoài,

Là tâm lượng thế tục.

Ngoài hiện vốn chẳng có,

Tâm lại thấy đủ thứ.

Do kiến lập thân tài,

Ta nói là tâm lượng.

Lìa tất cả kiến chấp,

Năng tưởng và sở tưởng.

Vô đắc cũng vô sanh,

Ta nói là tâm lượng.

Phi tánh chẳng phi tánh,

Tánh phi tánh đều lìa.

Nơi tâm được giải thoát,

Ta nói là tâm lượng.

Như như với hư không,

Niết Bàn và pháp giới

Mỗi mỗi ý sanh thân,

Ta nói là tâm lượng.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Như Thế Tôn sở thuyết, Đại Bồ Tát nên thấu ngữ nghĩa.

Thế nào là Bồ Tát khéo thấu ngữ nghĩa?

Thế nào là ngữ?

Thế nào là nghĩa?

Phật bảo Đại Huệ: Hãy chú ý nghe, ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ: Thế nào là ngữ?

Là nói nương theo cổ họng, môi, lưỡi, răng, nướu, cằm, hòa hợp vọng tưởng, sanh ra văn tự ngôn thuyết, do đó tập khí chấp trước sanh khởi, ấy gọi là ngữ.

Thế nào là nghĩa?

Là nói lìa tất cả tướng vọng tưởng và ngôn thuyết mà hiển bày tánh nghĩa, ấy gọi nghĩa.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần