Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BẢO LĂNG GIÀ A BẠT ĐA LA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẨM HAI
PHẨM NHẤT THIẾT PHẬT NGỮ TÂM
PHẦN HAI
Phật bảo Đại Huệ: Vì lìa ma nghiệp phiền não nên chẳng đọa thiền của Thanh Văn thừa. Vì đắc Như Lai Tự Giác Địa và đắc pháp tinh tấn, nên Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, đều dùng thần lực kiến lập Chư Đại Bồ Tát.
Nếu chẳng dùng thần lực kiến lập, ắt phải đọa ác kiến vọng tưởng của ngoại đạo, hoặc đọa Thanh Văn thừa, hoặc đọa hy vọng của chúng ma, chẳng thể đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do đó, Chư Phật Như Lai đều dùng thần lực nhiếp thọ Chư Đại Bồ Tát.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Thần lực của Chư Phật,
Do đại nguyện trong sạch.
Quán đảnh bậc Bồ Tát,
Sơ địa đến Thập Địa.
Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Thế Tôn! Phật thuyết duyên khởi tức là thuyến nhân duyên sanh, chẳng thuyết đạo do tự tâm vọng tưởng phân biệt mà sanh.
Thế Tôn! Ngoại đạo cũng thuyết nhân duyên, nói vi trần sanh khởi lúc ban sơ là nhớ tánh thắng tự tại của thần ngã, các tánh khác sanh khởi cũng như thế.
Nhưng Thế Tôn nói nhân duyên hay sanh ra các tánh, là dùng hữu gián tất đàn hoặc vô gián tất đàn lý thành tựu để giáo hóa chúng sanh.
Thế Tôn! Ngoại đạo cũng thuyết hữu sanh và vô hữu sanh, Thế Tôn cũng thuyết vô hữu sanh, sanh rồi diệt. Như Thế Tôn sở thuyết thập nhị nhân duyên, từ vô minh duyên hành cho đến lão tử, ấy là vô nhân thuyết của Thế Tôn, chẳng phải hữu nhân thuyết. Thế Tôn kiến lập cái thuyết như vậy, nói có cái này nên có cái kia, chẳng phải kiến lập cái nghĩa tiệm sanh.
Cái thuyết quán tánh thắng của ngoại đạo, chẳng phải cái thuyết của Như Lai vậy?
Tại sao?
Vì ngoại đạo thuyết cái nhân chẳng từ duyên sanh mà có sở sanh. Nhưng Thế Tôn thì thuyết quán nhân có quả, quán quả có nhân, nói nhân duyên tạp loạn như vậy, thế thì duyên nhau đến vô cùng tận vậy.
Phật bảo Đại Huệ: Ta chẳng thuyết vô nhân và thuyết nhân duyên tạp loạn, cái này có nên cái kia có, và năng nhiếp sở nhiếp đều phi tánh, là giác được tự tâm hiện lượng.
Đại Huệ! Nếu chấp trước năng nhiếp sở nhiếp thì chẳng giác được tự tâm hiện lượng và ngoài cảnh giới tánh phi tánh, họ có cái lỗi như thế, chẳng phải cái thuyết duyên khởi của ta. Ta thường thuyết do nhân duyên hoà hợp mà sanh các pháp, chẳng phải vô nhân sanh.
Đại Huệ lại bạch Phật rằng: Thế Tôn! Chẳng phải ngôn thuyết hữu tánh là có tất cả tánh ư?
Thế Tôn! Nếu Vô tánh thì ngôn thuyết chẳng sanh, cho nên ngôn thuyết hữu tánh, nghĩa là có tất cả tánh.
Phật bảo Đại Huệ: Vô tánh mà có ngôn thuyết, như lông rùa sừng thỏ, là hiện ngôn thuyết của thế gian.
Đại Huệ! Chẳng phải tánh, chỉ là ngôn thuyết mà thôi. Như lời người nói ngôn thuyết hữu tánh, có tất cả tánh đó, lập luận của ngươi ắt bị lật đổ.
Đại Huệ! Chẳng phải tất cả Quốc Độ đều có ngôn thuyết, ngôn thuyết chỉ là tạo tác thôi. Hoặc có Cõi Phật dùng ngó nhìn để hiển bày pháp, hoặc có Cõi Phật làm ra hình tướng, hoặc nhướng mày, hoặc chớp mắt, hoặc cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắng, hoặc tưởng niệm, hoặc lay động, các Cõi Phật ấy đều chẳng nhờ ngôn thuyết mà hiển bày các pháp.
Đại Huệ! Như Thế Giới Hương Tích và Quốc Độ Phổ Hiền Như Lai, chỉ dùng ngó nhìn, khiến các Bồ Tát đắc vô sanh pháp nhẫn và Tam Muội thù thắng. Cho nên chẳng phải ngôn thuyết hữu tánh là có tất cả tánh.
Đại Huệ! Như ngươi đã thấy, các loại ruồi, lằn, trùn, kiến trong Thế Giới này, những chúng sanh ấy chẳng có ngôn thuyết cung làm xong công việc.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Như hư không sừng thỏ,
Và con của Thạch Nữ.
Không mà có ngôn thuyết,
Tánh vọng tưởng như thế.
Nhân duyên hòa hợp sanh,
Phàm phu khởi vọng tưởng.
Chẳng thể đúng như thật,
Nên luân hồi Tam Giới.
Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Âm thanh hiển bày nghĩa chân thường ấy nương theo việc gì mà thuyết?
Phật bảo Đại Huệ: Vì sự mê hoặc mà thuyết. Do chúng sanh mê hoặc, nên Chư Thánh thị hiện âm thanh thuyết pháp giáo hóa, gọi là Thanh Giáo, mà chẳng phải điên đảo.
Đại Huệ! Như dương diệm, vòng lửa, hoa đốm, thành Càn Thát Bà, mộng huyễn, bóng trong gương v.v... là điên đảo của thế gian, chẳng phải minh trí của Bậc Thánh vậy, nhưng chẳng phải không có hiện ra những việc trên.
Đại Huệ! Bọn mê hoặc có đủ thứ vọng hiện kể trên, chẳng phải mê hoặc tạo ra vô thường.
Tại sao?
Vì lìa tánh phi tánh vậy.
Đại Huệ! Thế nào là mê hoặc lìa tánh phi tánh?
Là nói mỗi mỗi cảnh giới của tất cả phàm phu, cũng như bọn ma quỷ thấy Sông Hằng là lửa, chẳng thấy nước. Tánh mê hoặc này chỉ hiện nơi ngạ quỷ mà thôi, nơi chúng sanh khác thì hiện tánh chẳng mê hoặc, chứ chẳng phải vô tánh, vì họ đều thấy nước Sông Hằng vậy.
Tánh mê hoặc như thế, nên Bậc Thánh lìa điên đảo và bất điên đảo, do đó nói mê hoặc là thường, vì mỗi mỗi tướng đều chẳng thể hoại vậy.
Đại Huệ! Chẳng phải mỗi mỗi tướng mê hoặc hoại, chỉ là tướng vọng tưởng hoại, nên nói mê hoặc là thường.
Đại Huệ! Tại sao cho mê hoặc là chân thật?
Nếu nói theo nhân duyên, nghĩa là Bậc Thánh ở nơi pháp mê hoặc, chẳng khởi cái giác tưởng điên đảo hoặc bất điên đảo.
Nếu ở nơi pháp mê hoặc mà có ít phần tư tưởng thì chẳng phải Thánh Trí, vì có chút tư tưởng tức là hý luận của phàm phu, chẳng phải sự tướng của Thánh Trí vậy. Phàm nói hữu vô là phàm phu vọng thuyết, chẳng phải Thánh ngôn thuyết.
Kẻ mê hoặc nói điên đảo, bất điên đảo, đều thuộc vọng tưởng, y theo mê hoặc mà sanh khởi hai thứ chủng tánh, ấy là Thánh chủng tánh và phàm phu chủng tánh.
Thánh Chủng Tánh: Chia làm ba loại: Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, và Phật Thừa. Nếu phàm phu vọng tưởng thì sanh Thanh Văn thừa chủng tánh, vì chấp trước tự tướng cộng tướng, nên gọi là do vọng tưởng sanh khởi Thanh Văn thừa chủng tánh.
Đại Huệ! Cũng theo vọng tưởng mê hoặc kia mà sanh khởi duyên giác thừa chủng tánh, nghĩa là ngay nơi mê hoặc tự tướng cộng tướng kia chẳng tự chấp trước mà khởi duyên giác thừa chủng tánh.
Tại sao người trí cũng theo sự mê hoặc kia mà khởi Phật thừa chủng tánh?
Vì giác được tự tâm hiện lượng ngoài tánh phi tánh, chẳng có tướng vọng tưởng, nên sanh khởi Phật thừa chủng tánh, ấy gọi là ngay nơi mê hoặc kia mà khởi Phật thừa chủng tánh. Lại đối với mỗi mỗi sự và tánh, phàm phu khởi vọng tưởng thì sanh phàm phu chủng tánh.
Cái nghĩa gọi là chủng tánh chẳng phải hữu sự, cũng chẳng phải vô sự Đại Huệ! Ngay sự mê hoặc chẳng vọng tưởng kia, những tâm, ý, ý thức, lỗi tập khí, pháp tự tánh, pháp chuyển biến v.v... của Bậc Thánh đều gọi là như, cho nên nói như lìa tâm. Ta nói câu này là hiển thị lìa tưởng, tức là cái thuyết lìa tất cả tư tưởng.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Mê hoặc là hữu hay vô?
Phật bảo Đại Huệ: Pháp như huyễn chẳng có tướng chấp trước. Nếu mê hoặc có tướng chấp trước thì tánh chấp trước chẳng thể diệt. Pháp duyên khởi của ta thuyết, ắt đồng như pháp nhân duyên sanh của ngoại đạo.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Nếu mê hoặc như huyễn thì phải làm nhân cho mê hoặc khác?
Phật bảo Đại Huệ: Chẳng phải nhân duyên mê hoặc nên chẳng có lỗi.
Đại Huệ! Huyễn chẳng sanh lỗi, vì chẳng có vọng tưởng.
Đại Huệ! Huyễn từ chỗ minh liễu sanh khởi, chẳng từ chỗ lỗi tập khí vọng tưởng của chính mình sanh khởi, cho nên chẳng có lỗi.
Đại Huệ! Ấy là do tâm mê hoặc của phàm phu chấp trước, chẳng phải Thánh Hiền vậy.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Thánh chẳng thấy mê hoặc,
Trong đó cũng chẳng thật.
Trong đó nếu chân thật,
Mê hoặc tức chân thật.
Xa lìa tất cả mê,
Nếu còn có tướng sanh,
Ấy cũng là mê hoặc,
Bất tịnh như bệnh nhặm.
Lại nữa, Đại Huệ! Đã nói mê hoặc tức chân thật, thì như huyễn tức phi huyễn, phi huyễn tức như huyễn. Chân thể của phi huyễn chẳng có tương tự, nay nói phi huyễn, chẳng phải không thấy tất cả pháp như huyễn.
Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng: Thế Tôn! Vì chấp trước đủ thứ tướng huyễn nên nói tất cả pháp như huyễn ư?
Hoặc vì chấp trước đủ thứ tướng phi huyễn mà nói tất cả pháp như huyễn ư?
Thế Tôn! Nếu như huyễn và phi huyễn có tánh khác biệt, ắt phải có tánh chẳng như huyễn.
Tại sao?
Vì mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân.
Thế Tôn! Nếu mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân mà hiện tướng như huyễn, thì chẳng có đủ thứ tướng huyễn để chấp trước, cho có tánh tương tự là như huyễn.
Phật bảo Đại Huệ: Chẳng phải đủ thứ tướng huyễn chấp trước tương tự, nói tất cả pháp như huyễn. Vì tất cả pháp chẳng thật, chóng diệt như điện, ấy là như huyễn. Ví như điện chớp hiện trong sát na, mới hiện liền diệt.
Tất cả tánh như thế, đều chẳng thuộc nơi hữu và vô, chỉ do tự tâm vọng tưởng chấp có tự tướng cộng tướng, nếu quán sát tất cả pháp vô tánh, thì chẳng phải sự hiện sắc tướng chấp trước của phàm phu.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Phi huyễn chẳng thể dụ,
Thuyết pháp tánh như huyễn,
Chẳng thật như điện chớp,
Cho nên nói như huyễn.
Đại Huệ Bồ Tát lại bạch Phật rằng: Như Thế Tôn sở thuyết, tất cả tánh vô sanh như huyễn, vậy chẳng phải pháp sở thuyết của Thế Tôn trước sau trái nhau ư?
Sao nói vô sanh tánh như huyễn?
Phật bảo Đại Huệ: Chẳng phải ta nói vô sanh tánh như huyễn có lỗi trước sau trái nhau.
Tại sao nói sanh mà vô sanh?
Là dùng để giác hiện lượng nơi tự tâm, nói hữu phi hữu, ngoài tánh phi tánh, là phương tiện để hiện pháp vô sanh, chẳng phải cái thuyết của ta có lỗi trước sau trái nhau, vì bác bỏ cái thuyết nhân sanh của ngoại đạo, nên ta thuyết tất cả tánh vô sanh.
Đại Huệ! Ngoại đạo si mê, muốn cho hữu và vô hữu đều thật, vì chẳng biết do tự tâm vọng tưởng chấp trước đủ thứ nhân duyên mà sanh.
Đại Huệ! Ta dùng cái thuyết vô sanh để thuyết, vì phá cái chấp hữu và vô.
Đại Huệ! Ta thuyết tánh âm thanh thanh giáo, là vì đệ tử ta tạo đủ thứ nghiệp mà nhiếp thọ sanh tử, và phá những người chấp vô kiến, đoạn kiến.
Đại Huệ! Vì phàm phu đọa ác kiến hy vọng, chẳng biết tự tâm hiện lượng, vì khiến họ lìa các tướng tánh của tự tánh, nên thuyết tướng các pháp như huyễn.
Vì phá tướng chấp trước do nhân duyên sanh khởi của họ, nên nói tất cả pháp tướng tự tánh như mộng huyễn, là khiến lìa bả chấp trước ác kiến hy vọng tất cả pháp tự và tha, được thấy chỗ như thật, chẳng lập tà luận.
Đại Huệ! Chỗ thấy tất cả pháp như thật, là siêu việt tự tâm hiện lượng.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Vô tác, tánh vô sanh,
Chấp tánh nhiếp sanh tử.
Quán sát pháp như huyễn,
Nơi tướng chẳng khởi vọng.
Lại nữa, Đại Huệ! Đại Bồ Tát khéo quán danh thân, cú thân, hình thân. Vì Đại Bồ Tát khéo quán danh, cú, hình, nên thuyết tướng danh, cú, hình, theo đó vào nghĩa cú thân, hình thân, chóng đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Tự giác như thế rồi, lại giác cho tất cả chúng sanh.
Đại Huệ! Nói danh thân, là y sự lập danh, gọi là danh thân. Nói cú thân là trong cú có nghĩa thân, để quyết định nghĩa cứu cánh của tự tánh, gọi là cú thân. Nói hình thân là hiển thị nghĩa của danh cú, gọi là hình thân.
Lại, nói hình thân, còn có nghĩa là dài ngắn cao thấp. Nói cú thân, còn có nghĩa đường đi dấu vết, như đường đi dấu vết của voi, ngựa, người và thú v.v...
Đại Huệ! Nói danh và hình, là dùng danh để hiển bày bốn ấm vô sắc thọ, tưởng, hành, thức nên nói danh, vì hiện tự tướng nên nói hình, gọi chung là danh cú thân hình. Đối với ngằn mé của tướng danh cú thân hình, cần nên tu học.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:
Danh thân với cú thân,
Và hình thân sai biệt,
Phàm phu vọng chấp trước,
Như voi mắc đầm lầy.
Lại nữa, Đại Huệ! Người trí đời vị lai thông đạt nghĩa ta thuyết, dùng nghĩa lìa kiến chấp tướng nhất, dị, đồng, chẳng đồng v.v... hỏi người vô trí, thì họ đáp rằng: Sự hỏi này chẳng đúng.
Nói các sắc tướng thường hay vô thường, khác hay chẳng khác, ấy là chư hạnh của Niết Bàn, lập tướng sở tướng, y sở y, kiến sở kiến, tạo sở tạo, trần và vi trần, tu và kẻ tu v.v... là tướng lần lượt so sánh.
Thật ra, những câu của người trí hỏi kể trên, là vô ký và chỉ hý luận của Phật thuyết, có nghĩa thâm sâu, người si mê như họ chẳng thể biết, vì họ không đủ trí huệ nghe pháp vậy.
Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, vì khiến họ lìa sự kinh sợ, nên nói pháp vô ký và chỉ ký, cũng vì phá nhị kiến luận của ngoại đạo, chứ chẳng phải không thuyết.
Đại Huệ! Cái thuyết của ngoại đạo, nói mạng tức là thân, những lời nói như thế mới là vô ký luận.
Đại Huệ! Các ngoại đạo ngu si, nơi nhân lập vô ký luận, chứ chẳng phải sở thuyết của ta.
Đại Huệ! Sở thuyết của ta lìa năng nhiếp, sở nhiếp, chẳng sanh vọng tưởng, chỉ để phá những kiến chấp của họ.
Đại Huệ! Vì họ chấp trước năng nhiếp, sở nhiếp, chẳng biết tự tâm hiện lượng, nên phá sự chấp trước của họ.
Đại Huệ! Như Lai Ứng Cúng Đảng Chánh Giác, dùng bốn thứ ký luận vì chúng sanh thuyết pháp.
Đại Huệ! Ta thường thuyết Chỉ Ký Luận, là vì người căn chưa thuần thục mà thuyết, chẳng phải vì người căn đã thuần thục thuyết.
Lại nữa, Đại Huệ! Tất cả pháp lìa nhân duyên sở tác, nghĩa là vô sanh, vì chẳng có kẻ tác, nên tất cả pháp vô sanh.
Đại Huệ! Tại sao tất cả pháp lìa tự tánh?
Vì lúc tự khởi giác quán, thấy tướng của tự tánh cộng tánh đều bất khả đắc, nên nói tất cả pháp vô sanh.
Tại sao tất cả pháp chẳng thể đem lại, chẳng thể đem đi?
Vì tự tướng cộng tướng bất khả đắc, nên muốn đem lại không có gì để đem lại, muốn đem đi không có gì để đem đi, nên nói tất cả pháp lìa đem lại đem đi.
Đại Huệ! Tại sao tất cả pháp chẳng diệt?
Vì chẳng có tánh tướng của tự tánh, thì tất cả pháp bất khả đắc, nên tất cả pháp chẳng diệt.
Đại Huệ! Tại sao tất cả pháp vô thường?
Vì tướng sanh khởi chẳng có tánh thường, nên nói tất cả pháp vô thường.
Tại sao nói tất cả pháp thường?
Vì tánh vô sanh chẳng có tướng sanh khởi, nên vô thường là thường, nên nói tất cả pháp thường.
Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng: Ký luận có bốn thứ:
Nhất hướng, phản cật vấn.
Phân biệt và chỉ luận,
Để đối trị ngoại đạo.
Thầy Số Luận
Thắng Luận hiển thị như thế này:
Pháp hữu và phi hữu,
Tất cả đều vô ký.
Nếu Chánh Giác phân biệt,
Tự tánh bất khả đắc.
Vì lìa nơi ngôn thuyết,
Nên nói lìa tự tánh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Năm Mươi Năm - Phẩm Nhân Duyên Của ưu Ba Ly
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Một - Phẩm Phát Tâm Cúng Dường - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Một - Phẩm Nêu Bày Khắp Chốn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Mộc Chẩm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đế Thích - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Nhất Hướng Xuất Sinh Bồ Tát
Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Sáu - Phẩm Cảnh Giới Của Thức - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Nhất - Pháp Hội Tam Tụ Luật Nghi - Phần Năm