Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN BA  

Này thiện nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu cung kính thí?

Nghĩa là Bồ Tát gặp A Giá Lợi Đa, Ô Ba Đà La và những Tôn Giả tu phạm hạnh liền đứng dậy cung kính đảnh lễ, thăm hỏi. Hễ vị ấy đã trồng những căn lành thì Bồ Tát nguyện cùng làm và tất cả đều được thành tựu. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu cung kính thí.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát thành tựu cúng dường thí?

Nghĩa là Bồ Tát cúng dường Tam Bảo.

Sao gọi là cúng dường Phật?

Nghĩa là ở chỗ tháp Như Lai luôn dùng hoa hoặc hương rải, đốt, hoặc tráng quét trên nền tháp. Nếu tháp hư hoại nên sửa sang. Đó là Bồ Tát khéo cúng dường Phật.

Thế nào là cúng dường pháp?

Nghĩa là các Bồ Tát lắng nghe chánh pháp, hoặc biên chép, thọ trì, đọc tụng, hiểu rõ, suy nghĩ mà tu tập, không tư duy điên đảo, không tu tập điên đảo. Đó là Bồ Tát khéo cúng dường pháp.

Thế nào là cúng dường Tăng?

Nghĩa là đối với Tăng cung cấp y phục, đồ ăn, thức uống, ngọa cụ, thuốc thang cho đến đồ đựng nước, mọi vật đều đầy đủ.

Đó là Bồ Tát khéo cúng dường Tăng?

Khi cúng dường Phật, Pháp, Tăng như vậy, đó gọi là Bồ Tát thành tựu cúng dường thí.

Này thiện nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu vô sở y thí?

Nghĩa là Bồ Tát khi hành bố thí họ chẳng vì cầu quả vị Thiên Vương và sinh nơi Cõi Trời khác, chẳng cầu làm Vua nước lớn và Vua nước nhỏ… đó là Bồ Tát thành tựu vô sở y thí.

Này thiện nam! Sao gọi là Bồ Tát thành tựu thanh tịnh thí?

Nghĩa là Bồ Tát khi hành bố thí, quan sát vật thí, chủ thể thí, đối tượng được thí đều chẳng thật có, lìa các chướng ngại tham nhiễm họa hoạn. Đó gọi là Bồ Tát thành tựu thanh tịnh thí.

Này thiện nam! Nếu Bồ Tát nào thành tựu mười pháp này, gọi là Bồ Tát thành tựu bố thí Ba la mật đa.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây liền được đầy đủ giới Ba la mật đa.

Những gì là mười?

1. Gìn giữ Ba La Đề Mộc Xoa luật nghi.

2. Gìn giữ Bồ Tát tịnh giới luật nghi.

3. Xa mọi phiền não.

4. Xa lìa tư duy không như lý.

5. Sợ những việc làm gây ra nghiệp bất thiện.

6. Sợ những việc làm gây ra lỗi lầm.

7. Sợ được vật của người khác.

8. Thệ nguyện kiên cố.

9. Được Thi La thanh tịnh mà không dựa vào đó.

10. Thi La tam luân thanh tịnh.

Này thiện nam! Sao gọi là Bồ Tát gìn giữ Ba La Đề Mộc Xoa luật nghi?

Là Bồ Tát giỏi học pháp Tố Đát Lãm Kinh, Tỳ Nại Da của Như Lai đã thuyết, khéo thọ trì học xứ. Bồ Tát tu học và thực hành học xứ, không chấp vào chủng tộc, không chấp vào dị kiến, không chấp vào đồ chúng, không thấy lỗi lầm của người, sinh tâm tôn trọng. Các Bồ Tát này tu tập học xứ. Đó gọi là Bồ Tát gìn giữ Ba La Đề Mộc Xoa luật nghi.

Thế nào là Bồ Tát gìn giữ tịnh giới luật nghi?

Nghĩa là Bồ Tát suy nghĩ như vậy: Nếu chỉ học Ba La Đề Mộc Xoa, rốt cuộc chẳng làm cho ta đắc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do vậy, trong Tố Đát Lãm Chư Phật đã dạy, Bồ Tát học xứ và Bồ Tát luật nghi giới, ta nên tu học.

Thế nào là học xứ của Bồ Tát?

Thế nào là luật nghi giới của Bồ Tát?

Nghĩa là Bồ Tát không trụ phi xứ, thuận thời mà nói đúng lúc đúng chỗ. Nếu Bồ Tát không như vậy thì làm cho hữu tình chẳng sinh kính tín.

Do đó, Bồ Tát tùy thuận mọi hữu tình khiến họ giác ngộ và làm tư lương giác ngộ cho mình mau được viên mãn, thành tựu đầy đủ pháp hạnh oai nghi, được âm thanh nhu hòa, biện tài chính xác, không còn chấp trước, hằng tu vắng lặng, dung mạo vui tươi. Trong Tố đát lãm Như Lai đã dạy, các Bồ Tát này thành tựu học xứ tu luật nghi giới. Đó gọi là Bồ Tát gìn giữ tịnh giới luật nghi.

Sao gọi là Bồ Tát xa lìa mọi ràng buộc phiền não?

Nghĩa là Bồ Tát không bị lửa độc tham, sân, si thiêu đốt, lại chẳng vì thiếu duyên mà để cho các thứ phiền não thiêu đốt. Vì các Bồ Tát hay tu tập pháp đối trị tham dục và luôn xa lìa duyên khởi lên tham dục.

Phương pháp gì là đối trị tham dục?

Cái gì là duyên khởi tham ái?

Tu quán bất thiện là đối trị tham dục. Sắc đẹp thế gian là duyên khởi lên tham ái.

Tu tập pháp quán bất tịnh như thế nào?

Nghĩa là các Bồ Tát quan sát thân mình như tóc, lông, móng, răng, da, da ngoài, máu, gân, thịt, xương, tủy, lá lách, thận, tim, gan, phổi, mật, ruột, dạ dày, sinh tạng, thục tạng, mỡ lá, mỡ nước, màng não, nước mũi, nước giãi, nước mắt, mồ hôi, mủ, chất nhờn, đàm, ung nhọt, trần cấu và đại tiểu tiện thường xuyên tuôn chảy đủ thứ chất hôi hám bất tịnh.

Bồ Tát xét kỹ thể tánh bất tịnh như vậy nên hết sức nhàm chán, chẳng khởi lòng tham. Giả sử có người ngu ngốc, si mê, cuồng loạn, ấu trĩ không hiểu biết, khi thấy việc này còn chẳng khởi lòng tham huống gì là người trí! Do đó, Bồ Tát tu quán bất tịnh.

Thế nào là xa lìa duyên khởi tham ái?

Nghĩa là các Bồ Tát thấy tướng đẹp đoan trang của thế gian, hình dáng màu sắc đáng ưa, dễ làm cho thân tâm sinh vui thích tham đắm, lập tức tự suy nghĩ: Như lời Đức Thế Tôn dạy: Cảnh giới ái dục giống như mộng huyễn, ngộ rồi thì không thật có.

Vì sao người trí đối với cảnh mộng huyễn mà khởi lòng tham?

Đó gọi là Bồ Tát tu tập đối trị tự tánh tham dục và duyên khởi nó.

Thế nào là Bồ Tát tu tập đối trừ sân?

Làm sao có thể xa lìa duyên khởi sân?

Nghĩa là Bồ Tát đối với hữu tình tu tập nhiều lòng từ, do nhân duyên này mà đối trừ được sân hận. Nếu khi khởi lên sân hận thì đối với nhân và duyên liền có sự chấp trước. Nhờ đó các Bồ Tát chế phục diệt trừ được sân hận tùy miên. Đó gọi là Bồ Tát tu tập đối trừ sân và duyên khởi sân.

Thế nào là Bồ Tát tu tập đối trừ si?

Làm sao có thể xa lìa duyên khởi si?

Do Bồ Tát ấy quan sát như thế nên liền lìa được si, bởi lìa si nên không bị những nóng bức và xa lìa mọi tham muốn cùng các thứ của cải. Đó gọi là Bồ Tát tu tập đối trừ si và duyên khởi si.

Thế nào là Bồ Tát xa lìa tư duy không như lý?

Nghĩa là các Bồ Tát ở chỗ yên lặng, ngồi một mình, chẳng bao giờ suy nghĩ: Ta ở chỗ yên lặng không tạp loạn, ta tùy thuận pháp Tùy Nại Da của Như Lai. Ngoài ra, những Sa Môn, Bà La Môn khác đều sống tạp loạn, còn nhiều chấp trước, không tùy thuận pháp Tùy Nại Da của Như Lai. Đó là Bồ Tát xa lìa tư duy không như lý.

Thế nào là Bồ Tát sợ những việc làm gây ra nghiệp bất thiện?

Nghĩa là Bồ Tát khởi chánh tư duy, tu các pháp lành.

Vì Như Lai dạy cho các Bí Sô: Phải nên cung kính, giữ gìn tịnh giới, chuyên tu thiền định, học tập trí tuệ.

Vì sao?

Vì tâm cung kính tạo phước đức, có thể được quả báo đoan chánh vừa ý, quả báo thù thắng. Bồ Tát như vậy sẽ xa lìa tất cả những nghiệp bất thiện. Đó là Bồ Tát sợ những việc làm gây ra nghiệp bất thiện.

Thế nào là Bồ Tát khiếp sợ sự vi phạm?

Nghĩa là Bồ Tát vi phạm lỗi nhỏ như vi trần mà lòng rất lo sợ, thậm chí một ít tội lòng còn lo sợ vô cùng, huống gì là phạm nhiều mà sinh lòng vui theo chăng!

Vì sao?

Vì Đức Như Lai dạy: Bí Sô nên biết! Uống thuốc độc nhiều có thể làm cho chết người, uống thuốc độc ít cũng làm cho chết người. Nếu phạm tội nhiều thì sinh vào đường ác, phạm tội ít cũng sinh vào đường ác. Khi Bồ Tát chánh tư duy như vậy thì khiếp sợ sự vi phạm. Đó là Bồ Tát khiếp sợ sự vi phạm.

Thế nào là Bồ Tát sợ thấy vật của người khác?

Nghĩa là các Bồ Tát này qua lại thành ấp, xóm làng, các Bà La Môn, Sát Đế Lợi… đem hết lòng tin đối với Bồ Tát. Bà La Môn, Sát Đế Lợi đem những vật báu vàng, bạc, ma ni, trân châu, ngọc bối, san hô, ngọc bích, phệ lưu ly và những đồ trang sức gởi cho Bồ Tát.

Bồ Tát khi thọ nhận chỉ một mình, nhưng không kiêng sợ. Vì Bồ Tát đối với những vật ấy chẳng bao giờ có ý nghĩ chiếm đoạt để thọ dụng. Lại nữa, Bồ Tát nắm biết mọi việc như vật Tốt Đỗ Ba Chùa tháp, vật Tứ phương tăng, vật Tăng kỳ hiện tiền Tăng… đối với các vật ấy cũng không thọ dụng.

Vì sao?

Vì Đức Thế Tôn dạy: Tất cả đồ vật của người khác: Đồ ăn, thức uống, của cải… khi họ không cho thì đừng nên dùng. Bồ Tát khởi suy nghĩ như vậy rồi, thà tự róc thịt thân mình mà ăn, còn đối với vật của người khác tuyệt đối không xâm phạm. Đó là Bồ Tát sợ thấy vật của người khác.

Thế nào là Bồ Tát thệ nguyện vững chắc?

Nghĩa là Bồ Tát nếu bị ma ác và chúng thiên ma dùng các thứ ham muốn tuyệt vời đến quấy nhiễu để cho Bồ Tát khởi lên tham ái, nhưng Bồ Tát đối với những thứ ấy tâm không mê đắm, không thối bỏ thề nguyện. Đó là Bồ Tát thệ nguyện vững chắc.

Thế nào là Bồ Tát đối với Thi La Giới thanh tịnh, tâm không còn sự tham đắm?

Nghĩa là các Bồ Tát khéo gìn giữ giới cấm trọn chẳng móng tâm: Nhờ Thi La này làm cho ta sinh Thiên, sinh trong nhà Vua… đó là Bồ Tát đối với Thi La thanh tịnh, tâm không còn sự tham đắm.

Thế nào là Bồ Tát tam luân giới thanh tịnh?

Nghĩa là các Bồ Tát đối với thân, khẩu, ý đều được thanh tịnh.

Sao gọi là thân được thanh tịnh?

Nghĩa là lìa tất cả những hành vi ác thuộc về thân.

Những gì là hạnh ác của thân?

Đó là nghiệp sát sinh, lấy của không cho và tà dục. Thường xa những nghiệp ấy gọi là thân thanh tịnh.

Sao gọi là Bồ Tát lời nói được thanh tịnh?

Là lìa hẳn tất cả những lời nói ác.

Những gì là hạnh ác của lời nói?

Đó là lời nói hư dối, lời nói ly gián, lời nói thô ác và những lời nói nhơ bẩn… thường xa lìa những lời nói ấy, đó gọi là lời nói được thanh tịnh.

Thế nào là Bồ Tát ý được thanh tịnh?

Là lìa hẳn tất cả những ý nghĩ làm việc ác.

Những gì là hạnh ác của ý?

Là tham nhiễm, sân hận và tà kiến. Xa lìa những ý ấy gọi là ý được thanh tịnh. Đó gọi là Bồ Tát tam luân giới thanh tịnh.

Này thiện nam! Đại Bồ Tát nào thành tựu mười pháp này thì được giới viên mãn.

Lại nữa, này thiện nam! Đại Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được nhẫn viên mãn.

Những gì là mười?

1. Nội nhẫn viên mãn.

2. Ngoại nhẫn viên mãn.

3. Pháp nhẫn viên mãn.

4. Theo lời Phật dạy nhẫn viên mãn.

5. Chẳng phân hạn nhẫn viên mãn.

6. Không phân biệt nhẫn viên mãn.

7. Không việc đối đãi nhẫn viên mãn.

8. Không giận hờn nhẫn viên mãn.

9. Bi nhẫn viên mãn.

10. Thệ nguyện nhẫn viên mãn.

Thế nào gọi là Bồ Tát nội nhẫn viên mãn?

Này thiện nam! Nghĩa là các Bồ Tát đối với những ưu buồn khổ não thuộc bên trong có thể an nhẫn vững tâm không bị bức bách. Đó gọi là Bồ Tát nội nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát ngoại nhẫn viên mãn?

Này thiện nam! Tức là Bồ Tát nghe người khác nói lời thô bỉ, mắng chửi, bươi móc, nói xấu, hủy nhục cha mẹ, bà con thân thuộc, A Giá Lợi Đa, Ô Ba Đà Da và nghe lời hủy báng Tam Bảo, Bồ Tát nghe rồi không khởi lên sân hận, chẳng bươi móc hủy nhục lại, cũng chẳng vì sân hận tùy miên của kẻ ấy mà làm cho Bồ Tát lôi cuốn theo. Ngược lại, Bồ Tát luôn gắng nhẫn chánh niệm an ổn. Đó gọi là Bồ Tát ngoại nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát được pháp nhẫn viên mãn?

Là Bồ Tát đối với những lời Phật dạy trong Tố đát lãm, tất cả pháp nghĩa rất sâu xa vi diệu, chẳng đến, chẳng đi, tự tánh vắng lặng, lìa mọi phân biệt chấp thủ, tự tánh Niết Bàn.

Bồ Tát nghe rồi không hoảng sợ, suy nghĩ thế này: Nếu ta không hiểu các pháp sâu xa vi diệu thì không bao giờ chứng được Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Do nhân duyên đó mà Bồ Tát giữ gìn hết thảy các pháp để tư duy tu tập, tâm sinh tin hiểu. Đó gọi là Bồ Tát được pháp nhẫn viên mãn.

Thế nào là Bồ Tát nghe theo lời Phật dạy nhẫn viên mãn?

Là các Bồ Tát nếu khi khởi lên sân giận gây tổn hại, chính Bồ Tát suy nghĩ thế này: Sân giận này từ đâu khởi sinh?

Diệt bằng cách nào?

Do ai mà khởi?

Làm sao mà khởi?

Vì duyên gì khởi?

Bồ Tát suy nghĩ như vậy, hiểu rõ nhân của chủ thể khởi không thể được, nhân của chủ thể diệt cũng chẳng thể được, chủ thể khởi đã không thì đối tượng khởi chẳng có, thậm chí đối tượng được duyên đều không thể được. Do đó Bồ Tát an nhẫn mà trụ, không còn duyên sân để khởi. Đó gọi là Bồ Tát nghe theo lời Phật dạy được nhẫn viên mãn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần