Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường
PHẦN TÁM
Thế nào là Bồ Tát đối với sức thần biến viên mãn không ai có thể thay đổi?
Là tất cả sức oai thần của Bồ Tát này chỉ có Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác mới làm thay đổi, còn tất cả hữu tình hoàn toàn không thể làm thay đổi sức thần biến của Bồ Tát. Đó gọi là Bồ Tát được sức thần biến viên mãn không ai có thể thay đổi.
Thế nào là Bồ Tát được sức giáo hóa viên mãn không ai trái nghịch?
Là những lời dạy của Bồ Tát này chẳng có hai lời, hữu tình thuận theo không trái nghịch, chỉ trừ sự lợi lạc mới dùng phương tiện thiện xảo. Đó gọi là Bồ Tát được sức giáo hóa viên mãn không ai trái nghịch.
Này thiện nam! Đại Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được sức tu tập viên mãn.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được trí viên mãn.
Những gì là mười?
1. Đối với Bổ Đặc Già La nhân trí vô ngã được viên mãn.
2. Đối với pháp trí vô ngã được viên mãn.
3. Trí không hạn lượng được viên mãn.
4. Đối với cảnh giới sở hành Tam Ma Địa trí được viên mãn.
5. Tu tập thần biến trí được viên mãn.
6. Tu tập trí được viên mãn không bị thâu giữ.
7. Trí quán thấy sở hành của hữu tình được viên mãn.
8. Trí vô công dụng được viên mãn.
9. Trí tu tập các pháp tướng được viên mãn.
10. Trí xuất thế tu tập được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát đối với Bổ Đặc Già La trí vô ngã được viên mãn?
Là Bồ Tát này tùy theo tướng của các uẩn, quán thấy sự sinh khởi và sự hoại diệt của các uẩn. Bồ Tát chánh quán khi các uẩn sinh khởi, tánh của nó không chắc chắn, sự tác dụng không thật tức là không tánh và Bồ Tát chánh quán khi các uẩn diệt, thể tánh của nó hư hoại.
Bồ Tát tư duy như vậy: Các uẩn hoàn toàn vô ngã, cũng không có hữu tình, không có mạng giả, không có dưỡng dục giả, không có Bổ Đặc Già La.
Phàm phu dị sinh chấp trước vào ngã phải suy nghĩ như vậy: Uẩn chẳng phải ta, ta chẳng phải uẩn, nhưng trong các uẩn vọng chấp có ngã, không thể biết rõ pháp chân thật nên bị xoay vần trong sinh tử như bánh xe quay. Bồ Tát biết rõ các pháp như thật. Đó gọi là Bồ Tát đối với Bổ Đặc Già La, trí vô ngã được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát đối với pháp, trí vô ngã được viên mãn?
Là Bồ Tát biết rõ như thật thể tánh tăng giảm của các pháp.
Bồ Tát lại tư duy thế này: Pháp cùng với danh thay nhau làm khách, chỉ do hư vọng phân biệt mà lập nên pháp và danh tự. Cả hai đều không có tự tánh, do nương vào tâm tưởng. Tùy theo thế tục mà pháp và danh tự thay nhau làm khách, chẳng có thể và dụng.
Đó là y tha duyên mà nói có pháp tánh, đều nhờ vào nhiều duyên khác mà sinh khởi. Bồ Tát biết rõ như thật tất cả các pháp đều dựa vào các duyên mà sinh khởi, hết duyên thì mất. Đó gọi là Bồ Tát đối với pháp, trí vô ngã được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát đối với trí không hạn lượng được viên mãn?
Là trí vô hạn lượng của Bồ Tát này không khởi trong sát na đầu mà sát na sau cũng không khởi. Không khởi ở phương này mà phương khác cũng không khởi. Bồ Tát dùng trí vô ngại đối với từng sát na, mọi nơi luôn tiếp nối hằng biến khởi. Đó gọi là Bồ Tát đối với trí vô hạn lượng được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát đối với cảnh giới sở hành Tam Ma Địa trí được viên mãn?
Là Bồ Tát này có thể biết rõ tất cả sở đắc Tam Ma Địa của Nhị Thừa, có thể biết rõ mọi sở đắc Tam Ma Địa của Bồ Tát và có thể biết rõ các Tam Ma Địa của Như Lai.
Lại nữa, Bồ Tát này có thể biết rõ sự tu tập trụ Tam Ma Địa và cảnh giới sở hành Tam Ma Địa của Nhị Thừa. Có thể biết rõ sự an trụ Tam Ma Địa và cảnh giới sở hành Tam Ma Địa của Bồ Tát, có thể biết rõ chỗ trụ các Tam Ma Địa và cảnh giới sở hành Tam Ma Địa của Như Lai.
Nhờ sức gia trì của Như Lai, nên Bồ Tát này mới có thể biết được Tam Ma Địa của Phật. Nếu Bồ Tát dùng trí thành tựu do quả dị thục của mình thì không thể biết được Tam Ma Địa của Phật, ngoài ra các Tam Ma Địa khác đều biết hết. Đó gọi là Bồ Tát đối với cảnh giới sở hành Tam Ma Địa trí được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát tu tập thần biến trí được viên mãn?
Là Bồ Tát có thể biết rõ thần biến của Thanh Văn một cách chân chánh, có thể biết rõ thần biến của Duyên Giác một cách chân chánh, huống gì là thần biến của những hữu tình mà không biết chăng?
Đó gọi là Bồ Tát tu tập thần biến trí được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát tu tập trí được viên mãn không bị thâu giữ?
Là Bồ Tát này trí được thành tựu, các ngoại đạo và những ma ác không thể nắm bắt kịp. Đó gọi là Bồ Tát tu tập trí được viên mãn, không bị thâu giữ.
Thế nào là Bồ Tát quán sở hành của hữu tình trí được viên mãn?
Là Bồ Tát này dùng trí thanh tịnh quán giới hữu tình, thấy trong đó có người chưa phát tâm bồ đề, hoặc đã phát tâm bồ đề, hoặc chưa được tâm bồ đề, hoặc đã được tâm bồ đề.
Hoặc trụ Địa thứ nhất cho đến Địa thứ mười, hoặc đã chứng Đẳng Giác, hoặc đang chứng Đẳng Giác Chuyển Pháp Luân, hoặc đã giáo hóa hoàn tất rồi vào Niết Bàn, hoặc có Thanh Văn vào Niết Bàn, hoặc có Bích Chi Phật vào Niết Bàn, hoặc có người sinh vào đường thiện, hoặc có kẻ sinh vào nẻo ác, Bồ Tát đều biết tất cả. Đó gọi là Bồ Tát quán sở hành của các hữu tình trí được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát đối với trí vô công dụng được viên mãn?
Là Bồ Tát này đi đứng tới lui, hoặc động, hoặc tịnh bất kỳ lúc nào cũng thường khởi trí vô công dụng tác dụng tự nhiên, như người ngủ có hơi thở ra hơi thở vào với tác dụng tự nhiên. Nên biết, trí vô công dụng của Bồ Tát cũng lại như vậy, đối với tất cả cảnh, trí khởi lên vô ngại. Đó gọi là Bồ Tát đối với trí vô công dụng được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát tu tập các pháp tướng trí được viên mãn?
Là Bồ Tát này biết rõ các pháp đều cùng một tướng, nghĩa là Bồ Tát có thể biết rõ tướng một, tướng không, các tướng huyễn và tướng vọng phân biệt. Đó gọi là Bồ Tát tu tập các pháp tướng trí được viên mãn.
Thế nào là Bồ Tát tu tập trí xuất thế gian được viên mãn?
Là Bồ Tát này được trí vô lậu siêu vượt các trí của tất cả thế gian. Đó gọi là Bồ Tát tu tập trí xuất thế gian được viên mãn.
Này thiện nam! Đại bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được trí viên mãn.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được như đại địa.
Những gì là mười?
1. Rộng lớn vô lượng.
1. Làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình.
2. Lìa bỏ ân oán.
3. Có thể đón nhận mưa pháp lớn.
4. Làm chỗ nương tựa cho các hữu tình.
5. Làm chỗ nương của những hạt giống lành.
6. Như đồ báu lớn.
7. Như đồ đựng thuốc quý.
8. Không lay động.
9. Không sợ sệt.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát rộng lớn vô lượng?
Giống như đại địa rộng lớn bao la không có biên vực. Bồ Tát cũng vậy, tư lương phước trí của Bồ Tát rộng lớn bao la không có hạn lượng. Đó gọi là Bồ Tát rộng lớn vô lượng.
Thế nào là Bồ Tát làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình?
Ví như đại địa là những thứ tư cụ để cho các hữu tình thọ dụng. Bồ Tát cũng vậy, gìn giữ những sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, bát nhã Ba la mật…, đó là những món tư lương làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình. Đó gọi là Bồ Tát làm chỗ thọ dụng cho các hữu tình.
Thế nào là Bồ Tát lìa bỏ ân oán?
Này thiện nam! Ví như đại địa là chỗ nuôi dưỡng bình đẳng, không ân, không oán, không giận, không vui và mọi thứ tưởng. Bồ Tát cũng vậy, đối với các hữu tình không có ân, oán, không sinh vui, giận. Đó gọi là Bồ Tát lìa bỏ ân oán.
Thế nào là Bồ Tát có thể đón nhận mưa pháp lớn?
Ví như đại địa có thể đón nhận tất cả những trận mưa lớn và chứa đựng hết thảy. Bồ Tát cũng vậy, có thể đón nhận mưa pháp rộng lớn của Như Lai phát ra, dung nạp và gìn giữ tất cả. Đó gọi là Bồ Tát có thể đón nhận mưa pháp lớn.
Thế nào là Bồ Tát làm chỗ nương tựa cho các hữu tình?
Ví như đại địa làm chỗ nương cho các hữu tình qua lại. Bồ Tát cũng vậy, bình đẳng làm chỗ nương cho tất cả hữu tình để đưa họ đến con đường thiện hướng tới Niết Bàn. Đó gọi là Bồ Tát làm chỗ nương tựa cho các hữu tình.
Thế nào là Bồ Tát làm chỗ nương của những hạt giống lành?
Này thiện nam! Ví như đại địa làm chỗ nương cho những hạt giống. Bồ Tát cũng vậy, làm chỗ nương cho tất cả hạt giống thiện của các hữu tình. Đó gọi là Bồ Tát làm chỗ nương cho những hạt giống lành.
Thế nào là Bồ Tát như đồ báu lớn?
Này thiện nam! Ví như đại địa là nơi chứa các vật báu, có thể sinh ra những thứ châu báu. Bồ Tát cũng vậy, có thể sinh ra những thứ công đức báu. Đó gọi là Bồ Tát như đồ báu lớn.
Thế nào là Bồ Tát như đồ đựng thuốc quý?
Này thiện nam! Ví như đại địa tất cả loại thuốc đều nương nơi đó mà mọc lên, hay trừ những bệnh tật cho chúng sinh. Cũng vậy, các thuốc pháp lớn đều nương nơi Bồ Tát mà ra, những thuốc pháp ấy hiện ra có thể diệt các bệnh phiền não cho thế gian. Đó gọi là Bồ Tát như đồ đựng thuốc quý.
Thế nào là Bồ Tát không bị lay động?
Này thiện nam! Ví như đại địa chẳng phải sức của muỗi mòng… làm khuyết tổn, những ngọn gió thế gian cũng không thể làm lay động. Bồ Tát cũng vậy, chẳng vì những khổ não trong ngoài của hữu tình mà làm cho nghiêng động. Đó gọi là Bồ Tát không bị nghiêng động.
Thế nào là Bồ Tát không sợ sệt?
Này thiện nam! Ví như đại địa chẳng có sợ sệt âm thanh của những loài rồng và âm thanh của chúa các loài thú kêu rống. Bồ Tát cũng vậy, nghe tiếng kêu rống của chúng ma và các ngoại đạo chẳng có khiếp sợ. Đó gọi là Bồ Tát không khiếp sợ.
Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì được như đại địa.
Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì được như nước.
Những gì là mười?
1. Tùy thuận pháp thiện.
2. Thường làm cho tất cả Pháp Sinh trưởng.
3. Thấm nhuần hoan hỷ, tịnh tín, vui thích.
4. Khiến cho tất cả phiền não tương tục hư mục.
5. Tự tánh lắng trong không uế trược.
6. Dập tắt tất cả phiền não thiêu đốt.
7. Lìa bỏ tất cả mọi khao khát ái dục.
8. Sâu xa khó lường.
9. Chỗ bằng, không bằng đều sung mãn.
10. Dứt hết tất cả bụi phiền não.
Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát tùy thuận pháp thiện?
Ví như dòng nước lớn trôi chảy hoặc tuôn ra đều hay tùy thuận làm cho cây cỏ thấm nhuần. Bồ Tát cũng vậy, đối với các pháp lành tùy thuận tu hành, tùy thuận lưu truyền, tùy thuận xuất ly. Đó gọi là Bồ Tát tùy thuận pháp thiện.
Thế nào là Bồ Tát hay sinh trưởng các pháp trong lành?
Ví như tánh của nước hay sinh ra tất cả cây cỏ rừng rậm, sinh rồi làm cho tăng trưởng. Bồ Tát cũng vậy, dùng nước Tam Ma Địa hay sinh ra tất cả pháp bồ đề phần, sinh rồi làm cho tăng trưởng, có thể thành cây Tát phiệt nhã để được tất cả cây trí quả Phật, tất cả pháp trong lành khiến cho các hữu tình thọ dụng. Đó gọi là Bồ Tát hay sinh các pháp trong lành.
Thế nào là Bồ Tát được thấm nhuần hoan hỷ, tịnh tín, vui thích?
Ví như nước tự tánh thấm chảy và hay làm cho những vật khác đều thấm nhuần. Bồ Tát cũng vậy, thường giữ lòng tin thanh tịnh, hoan hỷ vui thích tự tánh tươi nhuần và làm cho những hữu tình khác hoan hỷ tịnh tín vui thích.
Sao gọi là hoan hỷ?
Vì thường mong cầu pháp xuất thế gian.
Sao gọi là tịnh tín?
Nghĩa là quy y Phật, Pháp, Tăng.
Sao gọi là vui thích?
Vì tất cả lòng thanh tịnh ấy luôn vui thích. Đó gọi là Bồ Tát thấm nhuần hoan hỷ, tịnh tín, vui thích.
Thế nào là Bồ Tát làm cho tất cả nguồn gốc phiền não dần dần hư mục?
Thiện Nam! Ví như nước hay làm cho rễ cây cỏ hư mục. Bồ Tát cũng vậy, nương vào chỗ tu hành dùng nước Tam Ma Địa làm cho tất cả tất cả cội gốc phiền não dần dần hư hoại, đã hư hoại rồi thể tánh phiền não tương tục không thể đắc, phiền não uế ác không còn tái sinh. Đó gọi là Bồ Tát làm cho mọi nguồn gốc phiền não dần dần hư hoại.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba