Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Bảy - Trụ Bất Trụ

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG

ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN

MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

KINH BỒ TÁT XỬ THAI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BẢY

TRỤ BẤT TRỤ  

Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát tên Vô Trụ Pháp Hành đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay bạch Phật: Lành thay! Lành thay! Đại chúng trong pháp hội này đều thích được thiện lợi, được nghe nghĩa pháp vô lượng của Như Lai. Những gì xưa kia con thệ nguyện, nay mới được nghe.

Và ở trước Phật nói kệ khen ngợi:

Hư không, không biên giới

Diễn giảng nghĩa vô lượng

Hữu  vô không sinh diệt

Vắng lặng không thọ tưởng.

Chư Phật ở quá khứ

Tu thí, giới, nhẫn nhục

Nhập định, tâm không loạn

Tuệ quang chiếu thế gian.

Đức ấy không thể lường

Phi hữu cũng phi vô

Âm vọng rất thanh tịnh

Vô thượng không sánh bằng.

Mật âm thấu vạn ức

Do đấy được thành Phật

Tiếng trống pháp nghe xa

Mỗi tiếng đều khác nhau.

Giống như Vua Chuyển Luân

Nghĩ liền mưa bảy báu

Tiếng Phật vang rất xa

Mưa báu bảy giác ý.

Sửa sang Đạo Tràng Phật

Trang hoàng cây quả đạo

Bất trụ không bất trụ

Từ bi cứu chúng sinh.

Tâm niệm ứng với thân

Không từ nan kiếp khổ

Chỉ Như Lai mười phương

Ban ấn mở kho pháp.

Chúng ta nay được nghe

Được trụ bờ vô vi Lành thay!

Lực Như Lai rộng lớn không bờ đáy.

Không còn chỗ mở buộc

Pháp chân tế thật tướng

Đời phiền não Cõi Dục

Giáo hóa người ngu si.

Phật chứa nghĩa sâu kín

Hiện lưu hành chúng sinh

Cương giới không biên vực

Đều đắc đạo vô thượng.

Sau khi dùng kệ khen Đức Phật xong, Bồ Tát Vô Trụ ở trước Phật thưa: Thưa Thế Tôn! Năm ấm quá khứ, hiện tại, vị lai thanh tịnh là không trụ hay chẳng phải không trụ, cho đến ba mươi bảy phẩm phạm hạnh không trụ hay chẳng phải không trụ?

Cảnh giới trước, sau, giữa, cứu cánh tịnh, bất tịnh là không trụ hay chẳng phải không trụ. Ta không tạo tác, chẳng phải không tạo tác, chẳng phải phạm hạnh, chẳng phải không phạm hạnh. Cúi xin Đức Thế Tôn giảng nói về trụ bất trụ.

Phật bảo Bồ Tát Vô Trụ:

Tướng sắc là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng thọ là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng tưởng là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng hành là bất trụ không phải bất trụ.

Tướng thức là bất trụ không phải bất trụ.

Pháp bên trong thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Pháp bên ngoài thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Pháp trong ngoài thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Từ lúc mới phát tâm cho đến ngồi nơi Đạo Tràng luôn đoạn trừ các vọng tưởng, làm thanh tịnh nhất thiết trí là bất trụ không phải bất trụ.

Trừ sạch cấu bẩn cho chúng sinh thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Trang nghiêm Cõi Phật thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Nhập Tam Muội Kim Cang, giữ ý chí kiên cố thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Làm nát Xá Lợi thân thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Hiện bày diệu dụng nơi trăm ngàn Tam Muội thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Không dừng ở cảnh giới phàm phu, không vào nhà Hiền Thánh là bất trụ không phải bất trụ.

Không tự khen ta đã thành đạo quả thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Ba mươi hai tướng Đại Sĩ, phóng ra ánh sáng lớn chiếu xa đến vô lượng Thế Giới khắp mười phương, tất cả chúng sinh tìm đến ánh sáng ấy đều được nghe pháp thâm diệu của Như Lai, theo ý nghĩ của họ mà có lời nói thượng, trung, hạ khiến cho tất cả đều đầy đủ để phân biệt rõ các pháp trụ là trụ cũng bất trụ mà bất trụ cũng bất trụ.

Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mười hai nhân duyên, bốn vô ngại tuệ, không, vô tướng, vô nguyện, bốn thiền, bốn vô lượng tuệ thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Dùng lực thần túc vào trong năm đường thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Nhập vào môn giải thoát, giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân thanh tịnh là bất trụ không phải bất trụ.

Phật bảo Tôn Giả Ca Diếp: Ta sẽ nói ao tám vị pháp cam lồ thanh tịnh.

Thế nào là tám?

Như Ta ngày nay ngồi tự tại nơi giảng đường, phía Đông thấy ao thanh tịnh, xung quanh có hành lang bằng bảy báu. Lúc ấy, Ta cũng không nói khổ, tập, diệt, đạo cho chúng sinh. Ai uống được nước ao này thì đều thành đạo quả. Đó gọi là do thần lực của Bồ Tát làm ra. Ở phương Nam, Tây, Bắc cũng như vậy.

Ta xưa thành Phật thì bốn phương theo bên phải, chứ chẳng phải theo bốn góc mà thành Phật. Bốn góc thành Phật là thị hiện thành Phật không thật.

Vì sao?

Vì trải qua vô số A tăng kỳ kiếp đã thành tựu tám vị pháp.

Thế nào gọi là tám?

Một là: Vị hỷ.

Hai là: Vị tận.

Ba là: Vị định.

Bốn là: Vị đáo.

Năm là: Vị tịnh.

Sáu là: Vị tướng.

Bảy là: Vị bất động.

Tám là: Vị bất cứu cánh.

Đó là tám vị trong ao.

Nếu Đại Bồ Tát nào uống nước cam lồ này thì không rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, sẽ thành đạo vô thượng. Từ lúc mới phát tâm cho đến khi ngồi nơi gốc đạo thọ rửa sạch tâm cấu bẩn, vĩnh viễn không còn gì cả.

Ai có nước tám giải thoát trong ao bảy giác ý từ lúc mới phát tâm đến giải thoát: Chưa đến, khoảng giữa, đã đến mà ở giữa của hai địa, thì mới gọi là Bồ Tát.

Nếu Bồ Tát từ ao nước tám vị mà phân biệt hỏi mùi vị của nó: Đây là vị chẳng phải vị, đây là đạo chẳng phải đạo, tai không phân biệt tiếng, mũi không phân biệt hương, lưỡi không phân biệt mùi vị, phân biệt rõ ràng là vô sở hữu, vì các pháp vốn vắng lặng, đó là Đại Bồ Tát tịnh tu hạnh thanh tịnh.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần